Trong phiên giao dịch ngày 2/3 (theo giờ địa phương), giá lúa mì giao tháng 5/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã có lúc vượt ngưỡng lịch sử 10 USD/giạ, lên đến 10,65 USD/giạ (27,2 kg/giạ). Như vậy chỉ trong vòng 5 phiên giao dịch kể từ ngày xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra vào ngày 24/2, giá lúa mì trên thị trường quốc tế hiện đã tăng hơn 10% và trở thành một trong những loại hàng hoá, nguyên liệu thô có mức tăng giá mạnh nhất trong thời gian gần đây.
Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết Nga và Ukraine hiện là hai quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn hàng đầu thế giới, tổng nguồn cung lúa mì từ hai nước này chiếm tới 29% tổng lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu.
Đặc biệt, các nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới nằm tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi thường xuyên nhập khẩu từ Nga và Ukraine do quãng đường vận chuyển ngắn. Do đó, nếu tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài thì dòng chảy lúa mì trên toàn cầu sẽ bị rối loạn. Các quốc gia khu vực Trung Đông và Bắc Phi sẽ phải tìm kiếm nguồn cung lúa mì từ những khu vực xa hơn như Hoa Kỳ, Canada thậm chí Australia.
Xem chi tiết phân tích thị trường lúa mì thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.
Ukraine vừa qua đã tạm ngưng toàn bộ hoạt động vận chuyển thương mại tại các cảng biển của nước này trên khu vực Biển Đen, gồm Odessa, Pivdennyi, Mykolayiv và Chornomorsk. Trước khi xung đột nổ ra, khoảng 80% lượng ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển qua các cảng biển này.
Nga hiện vẫn duy trì hoạt động vận chuyển thương mại tại các cảng trên khu vực Biển Đen nhưng đã ngưng hoạt động các cảng tại vùng Biển Azov. Giới phân tích cảnh báo các hoạt động quân sự của Nga có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến một số cảng biển của Ukraine, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến việc nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sau khi cuộc xung đột chấm dứt.
Hiện thị trường tập trung quan sát hoạt động thu hoạch lúa mì tại Ukraine trong bối cảnh xung đột quân sự tại nước này lan rộng ra nhiều khu vực. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) từng dự báo sản lượng lúa mì của Ukraine trong niên vụ 2021/2022 có thể đạt 33 triệu tấn. Tuy nhiên, xung đột quân sự có thể khiến Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc thu hoạch và xuất khẩu.
Nga cũng sẽ tiến hành thu hoạch lúa mì vào tháng 7 tới đây. Nhưng các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ khiến Nga gặp nhiều trở ngại trong việc xuất khẩu lúa mì.
Sự gián đoạn nguồn cung lúa mì từ Nga và Ukraine có thể đẩy giá lúa mì trên toàn cầu tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, ảnh hưởng đặc biệt đến nhiều quốc gia có dân số đông tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi như Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong đó, Ai Cập – quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới được dự báo sẽ cần nhập khẩu khoảng 13 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2021/2022. Trong giai đoạn từ năm 2012 – 2021, khoảng 43,4% lượng lúa mì được Ai Cập nhập khẩu là đến từ Nga. Tương tự, khoảng 70% nguồn cung lúa mì nhập khẩu cho Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn thứ 3 thế giới, là đến từ Nga.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga có thể giúp các đối thủ xuất khẩu lúa mì trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Australia và Liên minh Châu Âu giành được lợi thế. Đặc biệt là Australia đang có khả năng sẽ đạt mức sản lượng lúa mì cao kỷ lục trong niên vụ này. Tuy nhiên, ngân hàng đầu tư Rabobank (Hà Lan) chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhận định năng lực xuất khẩu của Australia còn nhiều hạn chế sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến việc nước này tận dụng cơ hội để tăng cường xuất khẩu.
Xem thêm các báo cáo phân tích thị trường nông sản tại đây.
Một số nhà phân tích nhận định Nga có thể sẽ vẫn duy trì được hoạt động xuất khẩu lúa mì bằng việc đẩy mạnh tiếp cận thị trường Trung Quốc và Iran. Đây là hai quốc gia vốn phớt lờ các biện pháp trừng phạt mà phương Tây nhắm vào Nga. Trong tuần trước, Trung Quốc cho biết đã chấp thuận việc mở rộng nhập khẩu lúa mì từ Nga sau một thời gian dài hạn chế nhập khẩu từ một số khu vực của Nga. Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới với khối lượng nhập đạt 9,77 triệu tấn vào năm 2021, tăng 16,6% so với năm 2020.
Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.
- Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.
- Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.
- Website: https://saigonfutures.com
- Hotline: 0903.352.961