Giá quặng sắt bất ngờ bật tăng hơn 7%, kỳ vọng Trung Quốc sẽ tung thêm các biện pháp kích thích kinh tế

Trong phiên giao dịch 24/8, giá quặng sắt thế giới bất ngờ bật tăng cao hơn 7% sau khi liên tục lao dốc trong những phiên gần đây. Thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ tung thêm các biện pháp kích thích kinh tế trong thời gian tới, qua đó giúp cải thiện nhu cầu sử dụng thép.
Giá quặng sắt
Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên sàn DCE trong vòng 6 tháng gần đây (Đồ hoạ: Bartchart.com)

Cụ thể, dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho biết giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt được nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong phiên giao dịch ngày 24/8 bật tăng mạnh tới 7,3% lên mức 146,13 USD/tấn. Mức giá này thường được xem là giá chuẩn cho các giao dịch quặng sắt giao ngay trên thị trường Trung Quốc.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/8, giá quặng sắt giao tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) cũng tăng mạnh 6,2% lên mức 817,50 Nhân dân tệ/tấn. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 23/8, giá quặng sắt trên sàn DCE đã chạm đáy thấp nhất trong vòng 7,5 tháng trở lại đây. Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SGX) cũng bật tăng mạnh 10% trong phiên giao dịch ngày hôm qua.

Giá quặng sắt trên sàn DCE và sàn SGX được xem là mức giá tham chiếu cho giá quặng sắt giao kỳ hạn tại thị trường Châu Á. Giá quặng sắt bật tăng mạnh trở lại khi tâm lý thị trường được cải thiện, giới đầu tư kỳ vọng việc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép hoàn toàn vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech sẽ thúc đẩy các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu. Qua đó, giảm thiểu các tác động của đại dịch đến nền kinh tế và giúp nâng nhu cầu sử dụng quặng sắt cũng như các kim loại công nghiệp khác trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, giá quặng sắt còn được nâng đỡ khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết sẽ đảm bảo nguồn cung tín dụng và tăng quỹ tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tại nước này. Tuyên bố trên được PBoC đưa ra sau khi các dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng cũng như tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã suy yếu trong tháng 7 vừa qua. Động thái của PBoC được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế của nước này, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng các kim loại công nghiệp, bao gồm thép và quặng sắt.

Ông Erik Hedborg, trưởng ban phân tích tại hãng tư vấn thị trường hàng hoá CRU Group (Anh), cho biết “Thị trường Trung Quốc đang kỳ vọng chính phủ nước này sẽ đưa ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế bao gồm cả các biện pháp hỗ trợ lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng trong bối cảnh thị trường bất động sản cũng như phát triển cơ sở hạ tầng đang ảm đạm. Tại các quốc gia khác trên thế giới, hoạt động sản xuất thép vẫn đang thấp hơn mức trước khi đại dịch xảy ra”.

Thông thường, nhu cầu sử dụng thép của lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chiếm khoảng 25% tổng nhu cầu sử dụng thép và lĩnh vực bất động sản tiêu thụ khoảng 25% - 30% tổng mức sử dụng thép tại Trung Quốc.

Tính chung cả tháng 7 vừa qua, giá quặng sắt đã giảm khoảng 25% sau khi Trung Quốc đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát hoạt động sản xuất thép tại nước này nhằm đạt mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kinh trong năm nay.

Bộ phận phân tích của ngân hàng đầu tư UBS (Thuỵ Sĩ) dự báo giá quặng sắt tại Trung Quốc sẽ được giữ ổn định cho đến khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, sau đó sẽ tiếp tục giảm về ngưỡng 100 USD/tấn trong năm 2022.

Quang Đặng