Trong thời gian gần đây, nhiều nhà máy sản xuất thép lớn tại Trung Quốc đã buộc phải cắt giảm sản lượng nhằm đảm hạn chế ô nhiễm môi trường trong bối cảnh nước này tổ chức nhiều lễ kỷ niệm lớn vào đầu tháng 7. Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường thép Mysteel (Trung Quốc) cho thấy công suất hoạt động lò cao của 247 nhà máy thép trên khắp Trung Quốc vào ngày 2/7 chỉ đạt 81,01%.
Tính chung cả tuần giao dịch trước, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã giảm 2,2%, xác lập tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp.
Tuy nhiên, các nhà máy tại thành phố Đường Sơn, trung tâm sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, đang bắt đầu quay trở lại hoạt động bình thường sau khi lễ kỷ niệm kết thúc. Điều này đã thúc đẩy giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn DCE chốt phiên giao dịch ngày 6/7 tại mức 1.225 Nhân dân tệ (189,80 USD)/tấn, tiệm cận mức cao nhất kể từ ngày 11/6/2021.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh), giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc (giá CFR tại cảng Thanh Đảo) đạt 221,82 USD/tấn, tăng 1,8% so với mức giá ngày 2/7.
Hãng phái sinh hàng hoá SinoSteel Futures (Trung Quốc) nhấn mạnh việc các nhà máy sản xuất thép tại Trung Quốc hoạt động trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu về quặng sắt trong ngắn hạn. Nhưng tổng thể nhu cầu sẽ vẫn giảm xuống do Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh các chính sách cắt giảm sản lượng thép, theo SinoSteel Futures.
Hãng tư vấn tài chính SP Angel (Anh) cho biết Trung Quốc sẽ cần phải cắt giảm hơn 50 triệu tấn sản lượng thép trong 6 tháng cuối năm nay nhằm đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải carbon. Khi sản lượng thép suy giảm thì nhu cầu sử dụng quặng sắt cũng sẽ giảm theo.
Cũng đồng quan điểm như trên, hãng phái sinh hàng hoá Haitong Futures (Trung Quốc) cho biết nhu cầu sử dụng thép đang bước vào mùa thấp điểm và giá thép sẽ tiếp tục dao động trong biên độ nhất định. Một số nhà máy sản xuất thép đang đối mặt nguy cơ thua lỗ do giá thép đã hạ nhiệt trong khi đó giá các nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao.