Ngành thép ghi nhận tín hiệu phục hồi sớm
Năm 2023 được đánh giá là một trong những năm khó khăn nhất của ngành thép Việt Nam khi tiêu thụ thép lẫn giá bán sụt giảm mạnh trong bối cảnh ngành bất động sản “đóng băng”, khiến nhu cầu xây dựng lao dốc.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước còn đối mặt với áp lực gia tăng thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Ước tính nhập khẩu sắt thép của Việt Nam từ riêng thị trường Trung Quốc trong năm 2023 đạt khoảng 8,9 tỷ USD, tăng 7,5% so với năm 2022, chiếm 50,1% tổng kim ngạch nhập khẩu sắt thép của cả nước.
Tuy nhiên, những dấu hiệu phục hồi sớm đã xuất hiện trong những tháng cuối năm 2023. Cụ thể, tiêu thụ thép trong nước trong 10 tháng đầu năm 2023 đã giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022, kéo theo đó giá thép giảm khoảng 12% so với hồi đầu năm.
Nhưng đến tháng 11/2023, tiêu thụ thép đã tăng 13% so với tháng 10/2023 và tăng 30,1% so với cùng kỳ năm 2022 khi thị trường bước vào mùa xây dựng và loạt dự án đầu tư công được thúc đẩy triển khai.
Điểm sáng trong bức tranh kinh doanh ngành thép năm 2023 là xuất khẩu tăng trưởng tới 29% so với năm 2022.
Về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép, do giá thép duy trì ở mức thấp trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào neo cao, cộng thêm việc phải xử lý hàng tồn kho có giá vốn cao đã khiến biên lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp giảm mạnh.
Tuy nhiên, Tập đoàn Hoà Phát (mã cổ phiếu HPG - sàn HoSE) lại là một trong số ít doanh nghiệp hiếm hoi duy trì được biên lợi nhuận dương trong khi nhiều doanh nghiệp khác phải cắt giảm công nhân, thậm chí bán tài sản cố định để cải thiện biên lợi nhuận.
Lãi ròng năm 2024 của Tập đoàn Hoà Phát dự báo tăng 52%
Về triển vọng trong năm 2024, nhiều tổ chức tài chính nhận định sức tiêu thụ thép sẽ tiếp tục duy trì đà phục hồi nhờ đầu tư công được đẩy mạnh và thị trường bất động sản được cải thiện.
Trong đó, giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt 625.300 tỷ đồng, tăng mạnh 21% so với năm 2022 nhưng mới chỉ đạt 85,3% kế hoạch cả năm. Trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, Chính phủ được kỳ vọng sẽ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để tạo động lực tăng trưởng cho toàn nền kinh tế. Một số dự án đầu tư công lơn như Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (tổng vốn đều tư 16 tỷ USD) có tỷ lệ sử dụng thép cao sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành thép.
Nguồn cung bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục được cải thiện tích cực kể từ năm 2024. Việc Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), và Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được thông qua sẽ hỗ trợ thị trường phục hồi lành mạnh, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng thép. Tuy nhiên, các chính sách này phải đến năm 2025 mới có đầy đủ hiệu lực.
Do đó, sức cầu sử dụng thép sẽ chỉ hồi phục chứ không có sự bứt phá, khiến giá thép năm nay sẽ chỉ biến động nhẹ theo giá nguyên vật liệu đầu vào, theo đánh giá của hãng Chứng khoán ACB Securities (ACBS).
ACBS cũng đánh giá, với việc chiếm thị phần lớn nhất thị trường thép nội địa (32,7% trong năm 2023), Tập đoàn Hoà Phát sẽ là đơn vị hưởng lợi đầu tiên từ sự phục hồi của thị trường thép.
Đáng chú ý, tiêu thụ thép của Tập đoàn Hoà Phát liên tục tăng trong những tháng cuối năm 2023. Lượng thép bán hàng trong quý 4/2023 của tập đoàn này đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2022.
ACBS dự phóng doanh thu và lãi ròng của Tập đoàn Hoà Phát trong năm 2024 sẽ lần lượt đạt 142.182 tỷ đồng và 8.328 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 52% so với năm 2023.
Trong trung hạn, việc hoàn thành Dự án Dung Quất 2 sẽ giúp tăng công suất thép cuộn cán nóng (HRC) của Tập đoàn Hoà Phát thêm gần 5 triệu tấn/năm, tạo động lực bứt phá mới. Hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu khoảng 50% nhu cầu HRC mỗi năm. Dự kiến Dự án Dung Quất 2 sẽ có sản phẩm HRC đầu tiên từ quý 1/2025 và mất khoảng 3 năm để vận hành toàn bộ dự án ở mức tối đa.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 19/1, thị giá cổ phiếu HPG đạt 27.800 đồng/cổ phiếu.