Giá thép phế liệu tại Việt Nam lần đầu giảm nhẹ sau 29 tuần tăng giá liên tục

Hãng S&P Global Platts cho biết giá sắt thép phế liệu nội địa tại khu vực phía Nam nước ta đã giảm nhẹ trong tuần này, chấm dứt đợt tăng giá liên tục kéo dài 29 tuần vừa qua. Giá sắt thép phế liệu chịu áp lực giảm trong bối cảnh giá phôi thép và phế liệu nhập khẩu đang có dấu hiệu giảm xuống.
Thép phế liệu
Giá sắt thép phế liệu trên thị trường nội địa Việt Nam bắt đầu có xu hướng giảm sau 29 tuần tăng giá liên tục lên mức cao kỷ lục (Ảnh: Ecomaxx Solutions) 

Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) cho biết giá đấu thầu đối với loại sắt thép phế liệu có độ dày từ 1 – 3 mm tương đương loại H3 của Nhật Bản và giao đến các nhà máy sản xuất thép ở khu vực phía Nam nước ta trong ngày 27/5 ở khoảng 10.450 – 10.550 VNĐ/kg tương đương 454 – 458 USD/tấn; giảm so với mức 10.500 – 10.600 VNĐ/kg trong tuần trước đó.

Giá nhập khẩu sắt thép phế liệu loại H2 của Nhật Bản hiện đang được chào tại mức 490 USD – 497 USD/tấn (giá CFR). Nhật Bản hiện là quốc gia cung ứng thép phế liệu lớn nhất cho Việt Nam. 

Giá sắt thép phế liệu trên thị trường nội địa Việt Nam đã tăng liên tục trong vòng 29 tuần vừa qua, từ mức 6.500 – 6.900 VNĐ/kg hồi tháng 10/2020 lên mức cao kỷ lục 10.500 – 10.600 VNĐ/kg vào trung tuần tháng 5/2021. Đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá thép thành phẩm trên thị trường tăng cao trong giai đoạn vừa qua.

Hãng S&P Global Platts dẫn lời các thương nhân ngành thép nhận định hoạt động mua vào sắt thép phế liệu và phôi thép trên thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức thấp và thị trường sắt thép phế liệu nội địa lẫn nhập khẩu sẽ chịu áp lực giảm, ít nhất trong ngắn hạn, cho đến khi các hãng sản xuất thép trong nước thấy giá nguyên liệu đầu vào sụt giảm mạnh hoặc nguồn cung phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên.

Giá thép xây dựng trên thị trường Việt Nam hiện có xu hướng đi ngang sau giai đoạn tăng giá liên tục trong bối cảnh thị trường kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép có thể giảm xuống. Bên cạnh đó, việc miền Nam đang bước vào mùa mưa cũng khiến các hoạt động xây dựng diễn ra chậm hơn, phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng thép xây dựng.

Quang Đặng (Theo S&P Global Platts)