Giá tiêu hôm nay 26/8: Tăng ngày thứ 2 liên tiếp, lấy lại mức 72.000 đồng/kg

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đồng loạt tăng 500 đồng/kg. Mức giá cao nhất 72.000 đồng được ghi nhận tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Giá tiêu hôm nay ngày 26/8/2023 tại thị trường trong nước

Giá tiêu hôm nay Tạp chí Công Thương
Tham khảo giá tiêu hôm nay ngày 26/8/2023 tại thị trường trong nước. (Nguồn: Tạp chí Công Thương tổng hợp)

Giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng tiêu trọng điểm đồng loạt tăng 500 đồng/kg, dao động trong khoảng 68.500 – 72.000 đồng/kg.

Theo đó, giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 68.500 – 69.500 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai ở mức 68.500 đồng/kg. Giá tiêu tại Đắk Nông và Đắk Lắk cùng ở mức 69.500 đồng/kg.

Giá tiêu tại khu vực Đông Nam Bộ dao động trong khoảng từ 69.500 – 72.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Đồng Nai và Bình Phước lần lượt ở mức 69.500 đồng/kg và 71.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá tiêu tại Bà Rịa-Vũng Tàu ở mức 72.000 đồng/kg, vẫn cao nhất cả nước.

Hiện nay, Việt Nam đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu tiêu, chiếm khoảng 19,2% diện tích, 33,5% sản lượng sản xuất và gần 48,5% khối lượng xuất khẩu tiêu toàn thế giới.

Các chuyên gia phân tích đánh giá, trong giai đoạn 2011-2021, sản xuất tiêu của nước ta phát triển khá nhanh cả về diện tích, sản lượng, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu. Diện tích tăng từ 55.800 ha trong năm 2011 lên 125.200 ha trong năm 2021 (tăng 2,4 lần); sản lượng tăng từ 112.000 tấn trong năm 2011 lên 267.700 tấn trong năm 2021 (tăng gần 2,4 lần); sản lượng xuất khẩu tăng từ 123.800 tấn trong năm 2011 lên 263.700 tấn trong năm 2021 (tăng 2,1 lần); kim ngạch xuất khẩu tăng từ 732,4 triệu USD trong năm 2011 lên 948,7 triệu USD trong năm 2021 (tăng 1,3 lần).

Hai năm trở lại đây, sản lượng tiêu của nước ta giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá tiêu xuống thấp trong giai đoạn 2018-2020, khiến nông dân giảm đầu tư, chăm sóc, chuyển sang trồng các loại cây khác dẫn đến diện tích và năng suất giảm.

Xem thêm: "Ngành dệt may đã qua "đáy", dự kiến đơn hàng dần phục hồi từ quý 4/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Ngành tiêu Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi giá giảm xuống mức 34.000 đồng/kg giai đoạn đầu năm 2020. Từ nửa cuối giai đoạn 2020-2022, giá tiêu đã tăng nhưng không ổn định, đạt mức từ 60.000 - 90.000 đồng/kg và hiện mức 69.000 – 72.000 đồng. 

Tuy nhiên, các chuyên gia ngành hàng chỉ ra rằng, sản phẩm tiêu Việt Nam hiện vẫn đang tồn tại một số hạn chế như: đa phần giống tiêu vẫn trôi nổi, sản xuất nhỏ, manh mún, trồng xen, thiếu liên kết dẫn đến nguy cơ phát triển thiếu bền vững, tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật, hoạt động thu hoạch thủ công và bảo quản còn yếu, việc quản lý chất lượng sản phẩm trên diện rộng chưa đạt hiệu quả, chưa tạo dựng được thương hiệu, áp lực gia tăng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng lớn như dư lượng hóa chất tối thiểu, xuất khẩu sản phẩm sơ chế hiện đang chiếm tỉ lệ cao, ước tính lên đến hơn 80% tổng kim ngạch xuất khẩu tiêu….

Theo Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), để phát triển cây tiêu đến năm 2030 theo hướng sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm cây tiêu Việt Nam trên thị trường quốc tế, cần tăng cường công tác quản lý quy hoạch, tổ chức phát triển sản xuất; ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm; đầu tư nâng cấp, xây dựng các nhà máy chế biến, đổi mới dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao chất lượng hồ tiêu xuất khẩu; phát triển mạng lưới thương mại sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu...

Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá tiêu hôm nay ngày 26/8/2023 tại thị trường thế giới

Giá tiêu hôm nay Tạp chí Công Thương
(Nguồn: Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế)

Trên thị trường thế giới, theo dữ liệu của Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC), kết thúc phiên giao dịch ngày 25/8, giá tiêu đen Lampung (Indonesia) giảm 0,31% (tăng 13 USD/tấn), xuống mức 4.258 USD/tấn; giá tiêu đen Brazil ASTA 570 ổn định ở mức 3.350 USD/tấn.

Giá tiêu trắng Muntok giảm 0,29% (tăng 19 USD/tấn), xuống mức 6.631 USD/tấn; giá tiêu trắng Malaysia ASTA ổn định ở mức 7.300 USD/tấn.

Giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở mức 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l ở mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.100 USD/tấn.

Giá tiêu Ấn Độ được báo cáo có xu hướng tăng trong tuần này sau 1 tuần giảm. Trước đó, giá tiêu tại thị trường này tăng liên tục 1 tháng do lo ngại nguồn cung eo hẹp và sản lượng vụ tới của quốc gia này suy giảm vì thời tiết diễn biến bất lợi.

Cung không đủ cầu đã kích thích việc nhập khẩu tiêu của Ấn Độ. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phần lớn lượng tiêu được nhập khẩu vào Ấn Độ thời gian vừa qua là thông qua đường tiểu ngạch bằng đường bộ từ Myanmar hoặc Nepal. Tiêu nhập khẩu vào Ấn Độ đang phải chịu mức thuế cao, lên đến 50 – 70% với giá nhập khẩu tối thiểu là 500 Rupee/kg (6,06 USD/kg).

Tường Vy