Giá xăng Việt Nam đang ở vị trí nào trên thế giới?

Việc giá dầu thô trên thế giới tăng sốc 32% kể từ đầu năm đến nay, vượt ngưỡng lịch sử 105 USD/thùng đã buộc hàng loạt quốc gia điều chỉnh tăng mạnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Tại Việt Nam, giá các mặt hàng xăng dầu đã có lần tăng giá thứ 5 liên tiếp và hiện có mức giá thấp thứ 89 trên tổng 167 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Giá xăng của Việt Nam đang ở vị trí nào trên thế giới?

Theo dữ liệu của trang tổng hợp dữ liệu giá xăng dầu thế giới Global Petrol Prices thì mức giá bán lẻ bình quân xăng các loại tại Việt Nam đạt 1,173 USD/lít (dữ liệu cập nhật đến ngày 21/2/2022). Đây là mức giá thấp thứ 89 trên tổng số 167 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu được website này theo dõi biến động giá nhiên liệu.

Hiện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang niêm yết giá bán lẻ xăng RON 95-V từ 26.780 đồng – 27.310 đồng/lít và xăng E5 RON 92-II từ 25.530 đồng – 26.040 đồng/lít, tuỳ vùng thị trường. 

Giá bán lẻ xăng
Giá bán lẻ bình quân xăng các loại tại Việt Nam đang thấp thứ 89 trên 167 quốc gia và vùng lãnh thổ

Nếu so với các quốc gia có chung đường biên giới đất liền thì mức giá bán lẻ bình quân xăng các loại tại Việt Nam đang thấp hơn Lào (thấp hơn 14,5%), Trung Quốc (15%) và tương đương với Campuchia. Mở rộng so sánh ra các quốc gia trong khu vực thì giá bán lẻ xăng tại Việt Nam cũng đang thấp hơn đáng kể so với Singapore (thấp hơn 69,6%,) và Thái Lan (thấp hơn 15%).

Giá bán lẻ
 Giá bán lẻ xăng tại Việt Nam đang thấp hơn đáng kể so với nhiều nền kinh tế có quy mô tương đương trên thế giới

Còn nếu so với các quốc gia có quy mô nền kinh tế tương đương (dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cập nhật năm 2020), thì giá bán lẻ bình quân xăng các loại của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều so với Phần Lan (thấp hơn 86,7%), New Zealand (thấp hơn 59,6%) và Chile (thấp hơn 15%). Hiện giá bán lẻ xăng của Việt Nam chỉ cao hơn so với Pakistan (cao hơn 29,4%). Tuy nhiên, giá xăng tại Pakistan hiện được giữ ở mức thấp nhất khu vực Nam Á chủ yếu do nước này duy trì chính sách trợ cấp trực tiếp ở mức cao đối với mặt hàng nhiên liệu. So với các loại hàng hóa và dịch vụ khác, xăng được bán tại Pakistan không phải chịu mức thuế GST 17% (tương tự như thuế VAT tại Việt Nam).

Giá xăng tại nhiều nơi trên thế giới tăng mạnh

giá dầu thô Brent
 Diễn biến giá dầu thô Brent thế giới trong vòng 3 tháng trở lại đây (Nguồn: Oil Price)

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá dầu thô Brent thế giới đã tăng sốc hơn 32%, vượt ngưỡng 105 USD/thùng lần đầu tiên kể từ năm 2014 vào ngày 24/2 vừa qua khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ. Giá dầu thô tăng cao đã và đang gây áp lực lớn đến giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Theo đà tăng của giá dầu thô thế giới, giá bán lẻ xăng RON 95-V của Petrolimex đã tăng 9,8% kể từ đầu năm đến nay. Mức tăng này tương đối thấp so với đà tăng giá nhiên liệu tại nhiều quốc gia trong khu vực. Cụ thể, trong cùng giai đoạn so sánh, giá bán lẻ xăng RON 95 đã được điều chỉnh tăng 12,7% tại Trung Quốc, tăng 15,1% tại Thái Lan và tăng 10,6% tại Lào.

Ngay cả những quốc gia có mức độ trợ cấp giá nhiên liệu lớn trên thế giới như Pakistan và Indonesia, giá bán lẻ nhiên liệu cũng đã phải điều chỉnh tăng 6,3% - 10,2%. Bên cạnh đó, Chính phủ Pakistan vừa  phải khuyến cáo người tiêu dùng nước này “hạn chế” sử dụng các loại nhiên liệu và nhận mạnh riêng việc không áp dụng mức thuế suất GST 17% đối với mặt hàng xăng để kìm giữ giá nhiên liệu ở mức rẻ đã khiến ngân sách quốc gia mất khoảng 200 triệu USD chỉ trong vòng 15 ngày đầu tiên của tháng 2/2022.

Hiện tại, Chính phủ Pakistan đang cân nhắc việc cho phép bán trở lại xăng RON 87 cho xe máy và các loại xe ô tô cũ. Xăng RON 87 là loại xăng dễ sản xuất và có giá rẻ tương đối trên thị trường. Tuy nhiên, loại xăng này có chỉ số kích nổ thấp, không phù hợp với nhiều loại động cơ hiện đại và thường cần thêm các chất phụ gia gây hại đến môi trường để sử dụng cho ô tô.

Tập đoàn xăng dầu quốc gia Indonesia PT Pertamina cảnh báo nếu như Chính phủ Indonesia không nâng giá bán lẻ xăng dầu thì tập đoàn này sẽ phải chịu mức lỗ lên tới 500 triệu USD/tháng do giá dầu thô đầu vào tăng vọt.

Vào ngày 25/2, Bộ trưởng Đầu tư và các vấn đề hàng hải Indonesia ông Luhut Panjaitan cho biết Chính phủ Indonesia sẽ xem xét việc nâng giá xăng trên thị trường nội địa theo đà tăng của giá dầu thô thế giới. Trong năm 2021, khoản trợ cấp giá nhiên liệu tại Indonesia đã tăng mạnh lên mức cao nhất kể từ năm 2014, gây áp lực lớn lên việc duy trì ngân sách của nước này.

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Australia cũng cảnh báo người tiêu dùng nước này sẽ đối mặt với việc giá xăng dầu tăng mạnh trong những tuần tới đây trong bối cảnh giá xăng Mogas tại Singapore đã tăng 34% so với mức trung bình 12 tháng trở lại đây. Singapore hiện là nhà cung cấp nhiên liệu lớn nhất cho Australia.

Nhiều hãng phân tích lớn trên thế giới dự báo giá dầu thô có thể đạt khoảng 115 USD – 125 USD/thùng trong thời gian tới do các bất ổn địa chính trị, nguồn cung dầu ở mức yếu trong khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu phục hồi tốt trên toàn cầu. Điều này có thể tiếp tục đẩy giá xăng và các mặt hàng nhiên liệu khác tại nhiều quốc gia tăng lên, bao gồm cả Việt Nam.

Duy Quang