Giải pháp tăng trưởng trong chuỗi giá trị toàn cầu của Dệt May Việt Nam

Với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) từ nay tới 2020-2030, Tập đoàn DMVN trong những năm qua đã tích cực chuẩn bị và rốt ráo thực hiện kế hoạch cho cú nhảy vọt v

Chuỗi cung ứng tạo đà tăng trưởng bền vững

Khi ngành DMVN thực hiện được chuỗi cung ứng cho mình, sẽ thoát khỏi thế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu. Tỷ trọng tích lũy của ngành Dệt May trong nước sẽ tăng cao.

Từng doanh nghiệp dệt may trong Tập đoàn đang có sự chuẩn bị để liên kết được với các khâu trong chuỗi cung ứng, để tận dụng được các điều kiện thuận lợi với thuế quan ưu đãi khi thỏa mãn các điều kiện của Hiệp định TPP. Điều quan trọng là các doanh nghiệp dệt may phải hình thành chuỗi này chặt chẽ, có cam kết, có cộng đồng trách nhiệm để xây dựng năng lực cạnh tranh của toàn chuỗi với mục tiêu biến TPP thành cú hích quan trọng cho DMVN tăng trưởng bền vững.


Hệ quả của chuỗi liên kết cung ứng là phải khởi động nhanh chiến lược ODM cho Vinatex. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn để cải thiện chỉ số hiệu quả trong SXKD của Tập đoàn. Chỉ có con đường ODM là khả thi nhất để giữ vững tốc độ phát triển và cải thiện vị trí Việt Nam trong bản đồ dệt may thế giới. Đây là một bứt phá bắt buộc để Vinatex dịch chuyển lên vị trí có đủ khả năng cung cấp cho khách hàng giải pháp trọn gói. ODM hiện là cách đúng đắn mang lại hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp dệt may, quản lý tối đa rủi ro thị trường, nắm bắt được thị trường, chủ động tạo sản phẩm mục tiêu cuối cùng đem lại hiệu quả cao nhất cho đồng vốn của doanh nghiệp.

Vinatex cũng đang trong tiến trình nghiên cứu để phát triển liên doanh SX len lông cừu, bởi một trong những loại sản phẩm thời trang cao cấp, mang lại giá trị gia tăng cao là hàng dệt len. Các doanh nghiệp lớn trong Tập đoàn đã cùng Công ty Woolmark chuẩn bị cho xu hướng này với dự án “Việt Nam trên đường hội nhập” nhằm biến Việt Nam thành trung tâm hàng dệt len lớn của thế giới, hướng tới phát triển một chuỗi cung ứng bền vững ở Việt Nam và mở rộng thị trường.

CPH - sức mạnh mới cho phát triển

Năm 2013, Tập đoàn sẽ hoàn tất tiến trình cổ phần hóa (CPH) Công ty mẹ Tập đoàn. Mục tiêu của CPH là tái cơ cấu hoạt động, sở hữu, nhằm cải thiện nhanh và vững chắc chỉ số hiệu quả của Tập đoàn. Để CPH thành công theo các mục tiêu, yêu cầu trong những năm gần đây Tập đoàn nỗ lực chuẩn bị mọi mặt như cải thiện quản trị doanh nghiệp cả Công ty mẹ và các Công ty con thành viên; Khi CPH xong, Vinatex có điều kiện phát triển nguồn nhân lực quản trị trung cao cấp đến từ các đối tác cổ đông chiến lược và cổ đông ngoài, bởi xu thế khi đầu tư vốn họ luôn muốn theo dõi, tham gia, hỗ trợ quản trị doanh nghiệp đã đầu tư. Đây là một nhân tố rất quan trọng để Vinatex có thêm nguồn quản trị chất lượng cao và đẩy mạnh đầu tư vì đầu tư là phải tính đến nhân sự quản trị đầu tiên.


Mặt khác, cơ chế quản trị, hoạt động sau cổ phần hóa với sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông, có sự tham gia trí lực nhiều hơn, hiệu quả hơn của đội ngũ CBCNV gắn bó với doanh nghiệp do có lợi ích lâu dài khi là cổ đông. Cộng với sự nâng cấp trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn của cán bộ cũ và mới của Tập đoàn và các doanh nghiệp thành viên liên kết sẽ là sức mạnh mới cho sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Tập đoàn, đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển của ngành DMVN.