1. Đặt vấn đề
Ngày 12/12/2015, 196 quốc gia trong đó có Việt Nam đã thông qua Thỏa thuận Paris (Paris Agreement) về biến đổi khí hậu (COP21), mở đường để thế giới tiến tới một tương lai xanh hơn, lành mạnh hơn. Hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ nỗ lực để hạn chế nền nhiệt toàn cầu tăng dưới ngưỡng 2oC, mục tiêu tham vọng hơn là 1,5oC so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng 1850) vào năm 2050 cũng đã được các quốc gia thông qua. Hoạt động cốt lõi của các giải pháp chống biến đổi khí hậu là giảm phát thải khí nhà kính. Để thực hiện các mục tiêu của Hiệp định Paris, cần những thay đổi lớn hơn trong mọi lĩnh vực từ lối sống, cách sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và công nghệ.
Năm 2020, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và hậu quả là cuộc khủng hoảng kinh tế đã tác động đến hầu hết mọi khía cạnh, trong đó bao gồm cả cách thức năng lượng được sản xuất, cung cấp và tiêu thụ trên khắp thế giới. Theo dữ liệu thống kê mới nhất từ Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) [2], nhu cầu năng lượng sơ cấp toàn cầu năm 2020 giảm gần 4% dẫn đến lượng khí thải CO2 giảm 5,8%, mức giảm phần trăm hàng năm lớn nhất kể từ Thế chiến II. Nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là dầu, giảm 8,6% và than giảm 4%. Sự sụt giảm hàng năm của dầu là mức lớn nhất từ trước đến nay, chiếm hơn một nửa lượng giảm phát thải toàn cầu. Lượng khí thải toàn cầu từ việc sử dụng dầu giảm mạnh hơn 100 triệu tấn CO2, giảm khoảng 11.400 triệu tấn so với năm 2019. Sự sụt giảm trong hoạt động vận tải đường bộ chiếm 50% sự suy giảm nhu cầu dầu toàn cầu và sự sụt giảm trong lĩnh vực hàng không chiếm 35%. Trong khi đó, nhiên liệu và công nghệ các-bon thấp, đặc biệt là điện mặt trời và gió, đạt tỷ trọng hàng năm cao nhất từ trước đến nay trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, tăng hơn một điểm phần trăm lên hơn 20%.
Để phục hồi tăng trưởng kinh tế sau đại dịch Covid -19, các nước trên thế giới sẽ gia tăng sử dụng năng lượng điều này dẫn đến làm tăng phát thải khí CO2, để phát triển nền kinh tế bền vững ngoài các cơ chế, chính sách được các nước đưa ra để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng nước trong lộ trình cắt giảm phát thải khí CO2, các giải pháp công nghệ kỹ thuật cũng được đưa ra nhằm mục tiêu đến năm 2050, phát triển nền kinh tế không phát thải CO2 (net-zero emission CO2). Mục tiêu này được cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt các tập đoàn đa quốc gia, ủng hộ với sự ra đời của sáng kiến RE100. Theo IEA [3], các giải pháp khoa học công nghệ có thể áp dụng như: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, nâng cao tỷ lệ năng lượng tái tạo, điện khí hóa, phát triển và sử dụng nhiên liệu không phát thải CO2 (nhiên liệu hydro và các sản phầm từ hydro), trong đó phát triển năng lượng tái và sử dụng nhiên liệu hydro sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo đang được nhiều nước phát triển trên thế giới quan tâm, chú trọng. Công nghệ hydro là giải pháp then chốt cho những vấn đề dài hạn về bảo đảm an ninh năng lượng, khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững của mỗi quốc gia.
Với mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam sẽ không thể đứng ngoài cuộc trong các xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về vai trò, vị trí của hydro trong mục tiêu phát triển nền kinh tế giảm phát thải các-bon. Trên cơ sở đó, tác giả sẽ đưa ra những đánh giá sơ bộ, đề xuất một số giải pháp khoa học công nghệ, cơ chế chính sách phát triển hydro để góp phần tham gia thực hiện mục tiêu này, đặt trong xu hướng phát triển của thế giới và bối cảnh thực tiễn của Việt Nam.
2. Vai trò của hydro trong nền kinh tế phát triển bền vững giảm phát thải các-bon
Bối cảnh và xu thế thế giới: Hydo được coi là chất mang năng lượng đầy hứa hẹn sử dụng trong các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải. Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng hydo được coi là nguồn năng lượng sạch, giảm thiểu khí ô nhiễm môi trường, tăng cường an toàn cung cấp năng lượng. Theo đó định nghĩa “nền kinh tế hydo - Hydrogen Economy” hay “nền kinh tế tuần hoàn - Circular Economy” đã được hình thành ngày càng thu hút sự chú ý trên khắp thế giới. Hiện nay, hydro đã được nhấn mạnh như một thành phần chiến lược không thể thiếu trong quy hoạch năng lượng quan trọng của các quốc gia trên thế giới, vì hydro là một hình thức lưu trữ năng lượng lý tưởng được tích hợp với các công nghệ năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ thay thế quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch, để thực hiện phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng.
Một thị trường thế giới về nền kinh tế hydro đang dần được hình thành với những ngành được dự báo cáo có nhu cầu sử dụng hydro thay thế nhiên liệu hóa thạch đó là: giao thông - vận tải đường dài, sản xuất thép, sản xuất phân bón, sản xuất hóa chất cơ bản… Việc phổ biến pin nhiên liệu cố định sử dụng hydro và sự phát triển của công nghệ xe chạy pin nhiên liệu (FCV - fuel cell vehicles) cũng là chỉ dấu cho thấy xu thế đang dần trở thành hiện thực. Quy mô thị trường thế giới của nền kinh tế hydro được ước tính sẽ tiếp tục tăng nhanh trong tương lai. Theo báo cáo khảo sát được công bố bởi Nikkei BP Clean Tech Institute mặc dù quy mô thị trường thế giới của nền kinh tế hydro chỉ là 80 tỷ USD vào năm 2015, nhưng nó sẽ nhanh chóng tăng lên 100 tỷ USD vào năm 2020, 400 tỷ USD vào năm 2030, 800 tỷ USD vào năm 2040 và 1600 tỷ USD vào năm 2050 (Hình 2).
Chính vì vậy, theo thống kê của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) [6], đến nay trên thế giới đã có trên 30 Lộ trình, Chiến lược, Định hướng phát triển hydro và/hoặc Chương trình nghiên cứu về hydro được các quốc gia, nền kinh tế ban hành và triển khai thực hiện, chủ yếu trong khu vực châu Âu, Đông Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Tiêu biểu là Liên minh Châu Âu đã ban hành Lộ trình phát triển hydro vào tháng 5 năm 2020, Nhật Bản và Hàn Quốc đã ban hành cả Lộ trình (năm 2019) và Chiến lược (năm 2020) phát triển hydro… Như vậy, phát triển hydro trong nền kinh tế phát triển bền vững giảm phát thải các-bon là xu thế chung của các nước phát triển trên thế giới.
Bối cảnh và định hướng của Việt Nam: Bộ Chính trị ban hành Nghị Quyết số 55-NQ/TW ngày 11 tháng 02 năm 2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 55-NQ/TW), trong đó một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu “Thực hiện nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới”. Nhiệm vụ này tiếp tục được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ ban hành kế hoạch thực thiện Nghị quyết số 55-NQ/TW (Nghị quyết số 140/NQ-CP). Theo đó, nội dung về định hướng phát triển hydro cũng đã được đề cập đến trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ VIII) cũng như Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo dự thảo QHĐ VIII [4], Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo: Điện gió trên bờ có tổng tiềm năng khoảng 217 GW, khu vực miền Trung có tỷ trọng cao nhất khoảng 131 GW; Điện mặt trời có tổng tiềm năng khoảng 1.694 GW. Theo nghiên cứu của WB-ESMAP [7] tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam trong vùng biển cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm từ 0 - 200 km là 475 GW, trong đó công nghệ móng cố định là 261 GW và nổi là 214 GW. Mặc dù tiềm năng điện mặt trời nói riêng và năng lượng tái tạo của Việt Nam nói chung là rất lớn nhưng lại có sự phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Do vị trí cách xa các trung tâm phụ tải và lưới điện truyền tải chưa phát triển đáp ứng kịp thời với sự phát triển của nguồn điện năng lượng tái tạo nên trong năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh. Năm 2021, theo dự kiến của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện không huy động được của các nguồn năng lượng tái tạo nói trên tăng lên, dự kiến đạt khoảng 1,68 tỷ kWh (trong đó, dự kiến tiết giảm 1,25 tỷ kWh điện mặt trời và 430 triệu kWh điện gió, tương đương khoảng 7-9% sản lượng khả dụng các nguồn điện này) [8]. Do đó, quá trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo gây nhiều áp lực đối với hoạt động đầu tư, vận hành của hệ thống truyền tải quốc gia để giải tỏa hết nguồn năng lượng tái tạo đã được xây dựng cũng như khai thác hiệu quả tiềm năng trong tương lai.
Theo dự thảo chương trình phát triển nguồn điện của QHĐ VIII và dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển và hạ tầng lưu trữ, vận chuyển LNG sẽ được Việt Nam tập trung phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ trong giai đoạn 2025-2035 nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy điện cũng như các phụ tải công nghiệp khác. Cùng với chương trình phát triển lưới điện của QHĐ VIII, những dự án công trình hạ tầng trong các quy hoạch này là tiền đề quan trọng và thuận lợi để Việt Nam sẵn sàng phát triển hydro xanh.
Trong xu thế phát triển năng lượng tái tạo của thế giới hiện nay, đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo phát thải cac-bon thấp là xu hướng và chuẩn mực được các tập đoàn toàn cầu săn lùng nhiều nhất hiện nay. Là quốc gia tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đang và sẽ hội nhập ngày càng sâu, rộng vào kinh tế quốc tế. Do đó, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng như hydro xanh có ý nghĩa lớn về kinh tế - chính trị góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong quan hệ quốc tế cũng như thu hút đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới. Đây là chìa khoá để Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng trở thành điểm hẹn đầu tư cho chuỗi cung ứng phát thải ít cac-bon toàn cầu [9].
Với sự quan tâm ngày càng tăng đối nhu cầu phát triển, sử dụng hydro xanh (hydro sản xuất từ năng lượng tái tạo) ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, tiềm năng dồi dào về nguồn năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng gió ngoài khơi của Việt Nam và định hướng phát triển hạng tầng cảng biển, lưu trữ, vận chuyển LNG mang lại cơ hội to lớn, là tiền đề hình thành chiến lược phát triển hydro xanh cho nền kinh tế bền vững không phát thải các bon trong tương lai của Việt Nam. Trong giai đoạn 5-10 năm tới là cột mốc khởi đầu quan trọng, với cơ hội đầy hứa hẹn nhưng cũng không ít thách thức, cho Việt Nam để trở thành nước sản xuất, xuất khẩu hydro xanh, nâng cao hiệu quả kinh tế các nguồn năng lượng tái tạo ra thị trường quốc tế cũng như đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiêp FDI.
3. Một số vấn đề về khoa học và công nghệ
Các giải pháp khoa học công nghệ sản xuất hydro tương ứng với xác định chỉ dấu các-bon từ quá trình sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm là nguồn năng lượng sơ cấp được sử dụng.
Bảng 1: Thuật ngữ và các công nghệ sản xuất hydro
Hydo được coi là chất mang năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 13600:1997, chất mang năng lượng có giá trị hơn (chất lượng cao hơn) so với nguồn năng lượng sơ cấp. Hydro được sử dụng bao gồm hydro ở dạng phân tử (hydro nguyên chất) và các dẫn xuất hydro khác như amoniac (NH3), methanol (CH3OH)… Theo quy định của các cơ quan và tổ chức năng lượng trên thế giới, màu của hydro được xác định trên cơ sở nguồn năng lượng đầu vào và chỉ dấu các-bon của quá trình sản xuất. Hydro xanh lá cây (Green) được sản xuất bằng công nghệ điện phân từ nguồn điện tái tạo (được gọi tắt là hydro xanh), hydro tím sản xuất bằng công nghệ điện phân hoặc nhiệt phân từ nguồn điện hạt nhân, hydro vàng sản xuất bằng công nghệ điện phân từ nguồn điện trên lưới điện, hydo xanh nước biển (Blue) sản xuất bằng công nghệ hóa nhiệt khí thiên nhiên và/hoặc khí hóa than kết hợp công nghệ lưu trữ các bon (được gọi tắt là hydro lam), hydro xám được sản xuất bằng công nghệ hóa nhiệt khí thiên nhiên không có công nghệ lưu trữ CO2 đây là hình thức sản xuất hydro phổ biến nhất hiện nay, hydro đen và nâu sản xuất bằng công nghệ khí hóa than đen hoặc than nâu.
Hiện nay, hydro phần lớn được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch (chi phí sản xuất 2 - 3 USD/kg) do hydro sản xuất từ năng lượng tái tạo có chi phí sản xuất cao hơn (4 - 6 USD/kg) nên chưa thể cạnh tranh với hydro sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch [5]. Tuy nhiên, với tiềm năng và định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo, hydro xanh được sản xuất bằng công nghệ điện phân có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam trong dài hạn. Có bốn loại công nghệ điện phân: Công nghệ điện phân kiềm Alkaline, màng trao đổi proton (Proton Exchange Membrane - PEM), màng trao đổi anion (Anion Exchange Membrane), ô xít rắn (Solid Oxide), hai công nghệ điện phân kiềm và PEM là hai công nghệ phổ biến đã thương mại hóa, trong khi màng trao đổi anion (AEM) và oxit rắn, hiện ở quy mô phòng thí nghiệm. Những công nghệ sản xuất hydro này hiện nay đang tiếp tục được các nước phát triển đầu tư nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện. Do đó, mặc dù những công nghệ sản xuất hydro xanh được bảo mật thông tin cũng như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt do tính cạnh tranh ngày càng cao, giải pháp hợp tác tiếp nhận chuyển giao những công nghệ là phù hợp trong điều kiện về tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam.
Với đặc tính vật lý của hydro và các dẫn xuất của chúng, mật độ năng lượng trên đơn vị khối lượng không đồng nhất với mật độ năng lượng trên đơn vị thể tích. Do đó, phụ thuộc vào khoảng cách từ vị trí sản xuất đến nơi tiêu thụ mô hình lưu trữ, vận chuyển hydro cùng với quá trình chuyển đổi là bài toán khoa học công nghệ cần được quan tâm giải quyết. Trong khi amoniac (NH3) và methanol (CH3OH) với mật độ năng lượng cao hơn có ưu thế trong lưu trữ, vận chuyển đường xa (sơ bộ khoảng trên 1300km) bằng vận tải đường biển, đường bộ thì hydro nguyên chất nén ở thể khí có nhiều ưu thế trong truyền tải khoảng cách gần bằng hệ thống đường ống. Tác giả Fadwa Eljack và Monzure-Khoda Kazi [10] đã có những đánh giá khi cơ sở sản xuất hydro được tích hợp với hạ tầng dùng chung của những ngành trong cùng chuỗi giá trị sẽ mang lại nhiều lợi ích chung cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt đối với các cơ sở sản phẩm hydro xanh.
Ghi chú: CGH2 = hydro nguyên chất nén ở thể khí; LH2 = hydro nguyên chất hóa lỏng
Trên cơ sở phân tích các yếu tố liên quan đến công nghệ sản xuất, lưu trữ, vận chuyển hydro, đánh giá xu hướng, nhu cầu sử dụng hydro trong nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đặc điểm môi trường đầu tư hiện nay, hydro lam có cơ hội phát triển trong trung hạn nhằm tạo tiền đề phát triển hạ tầng, tạo lập và mở rộng quy mô thị trường hydro tại Việt Nam. Tuy nhiên, định hướng phát triển tổng thể hệ thống năng nói chung và hệ thống điện nói riêng trong dài hạn, mô hình được đề xuất phát triển hydro của Việt Nam là mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất hydro xanh, cụ thể như sau:
Hiện nay hoạt động khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển hydro như một chất mang năng lượng chưa được quan tâm đầy đủ trên các lĩnh vực: (i) Nghiên cứu phát triển công nghệ liên quan đến quá trình sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng; (ii) Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; (iii) Hoạt động tiêu chuẩn hóa. Tuy nhiên những bài toán về phát triển sản xuất hydro xanh tại Việt Nam nói chung và bài toán đầu tư đối với một dự án cụ thể nói riêng vẫn có tính khả thi để triển khai thực hiện khi có cách tiếp cận phù hợp. Theo đó, để phát triển thành công dự án, nhà đầu tư cần có cách tiếp cận tổng thể, toàn diện liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ khác nhau như: kinh tế năng lượng, hệ thống điện, hóa học và vật lý, môi trường, kinh tế vận tải, chính sách công…
4. Những vấn đề về cơ chế và chính sách
Trong các báo cáo về phát triển hydro của IEA [12] và IRENA [6], các cơ quan này đã đưa ra nhiều giải pháp, khuyến nghị về cơ chế, chính sách để phát triển hydro. Trên cơ sở phân tích nội dung các khuyến nghị này đặt trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, những điểm tích cực và hạn chế hiện có liên quan đến cơ chế và chính sách phát triển hydro đó là:
Những điểm tích cực:
- Đảng và Nhà nước đã có những cam kết về mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo cũng như bảo vệ môi trường cụ thể, mạnh mẽ trong dài hạn. Nghị Quyết số 55-NQ/TW và Nghị quyết số 140/NQ-CPđã đặt các mục tiêu: (i) Tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030; 25 - 30% vào năm 2045; (ii) Giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.
- Tháng 7 năm 2020, Chính phủ cũng đã công bố Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam theo COP21. Đến năm 2030, Việt Nam cam kết sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng nguồn lực trong nước và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
- Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định “Công nghệ năng lượng Hydrogen (Hydrogen energy)” thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2020. Công nghệ năng lượng hydrogen cần được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm công nghệ sản xuất hydro xanh, công nghệ vận chuyển, lưu trữ hydro và công nghệ sử dụng hydro. Theo đó, dự án ứng dụng công nghệ năng lượng hydro sẽ được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Như vậy, cơ chế và chính sách phát triển hydro của Việt Nam đã được thể hiện từ những chủ trương, định hướng của Đảng đến những cam kết, giải pháp cụ thể của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đây là những nền tảng và khung pháp lý làm tiền đề hết sức quan trọng để các Bộ, ngành cơ quan tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đưa công nghệ năng lượng hydro tham gia hiệu quả vào quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Một số hạn chế:
- Chính phủ chưa xây dựng, ban hành Lộ trình, Chiến lược, Định hướng phát triển và/hoặc Chương trình nghiên cứu về hydro. Việt Nam đang ở giai đoạn đầu tiên của quá trình phát triển công nghệ hydro, lĩnh vực liên quan đến nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ khác nhau. Do đó, việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển hydro và kế hoạch triển khai thực hiện có vai trò, vị trí rất quan trọng. Sự thiếu hụt này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính đồng bộ, thống nhất và ổn định trong quá trình phát triển.
- Về khung pháp lý: Hiện nay các Bộ, ngành cơ quan chưa xây dựng, ban hành quy định pháp luật quản lý hoạt động phát triển hydro theo phạm vi và đối tượng trong lĩnh vực năng lượng. Dự án đầu tư sản xuất hydro được quản lý theo đối tượng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hóa chất cơ bản. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hydro chưa hiệu lực, hiệu quả như cơ chế mua bán điện trực tiếp - hợp đồng DPPA, cung cấp dịch vụ phụ trợ cho hệ thống điện, áp dụng thuế các-bon và thị trường các-bon, sử dụng chung hạ tầng lưu trữ, vận chuyển hydro…. Cùng với đó các văn bản quy phạm pháp luật chưa có sự phân công chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị đầu mối thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Thiếu hụt về khung pháp lý được xem là vấn đề còn tồn tại cấp thiết, cần được các Bộ, ngành xem xét giải quyết.
- Về cơ sở hạ tầng: Quy hoạch phát triển hạ tầng lưu trữ, vận chuyển của hệ thống LNG và lưới điện truyền tải chưa xem xét, tính đến nhu cầu và cơ chế sử dụng chung cho phát triển hydro.
- Về hợp tác quốc tế: Hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển hydro còn phân tán, chưa có định hướng mục tiêu chung. Hiện nay lĩnh vực hợp tác quốc tế chủ yếu của Việt Nam là sử dụng hydro trong lưu trữ năng lượng quy mô trong phòng thí nghiệm, tập trung trong các tổ chức khoa học và công nghệ, trường đại học.
- Một số yếu tố khác: Việt Nam còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về hydro xanh, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo…
Những hạn chế nêu trên có tác động quan lại đến nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả quá trình phát triển hydro tại Việt Nam. Trong giai đoạn sắp tới nhiều cơ chế, chính sách cần được các cơ quan có thẩm quyền xây dựng, triển khai, từng bước khắc phục, giải quyết các hạn chế này nhằm huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, góp phần tham gia thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
5. Một số kết luận và khuyến nghị
Đảng và Nhà nước ta đã nhận diện được vai trò, vị trí của hydro trong xu hướng phát triển nền kinh tế bền vững giảm phát thải các-bon trên thế giới và đối với Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh tiềm năng dồi dào của nguồn năng lượng tái tạo trong nước cần được khai thác hiệu quả hơn về dài hạn và tiềm lực khoa học công nghệ trong lĩnh vực năng lượng còn nhiều hạn chế, phát triển hydro xanh tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức hơn những cơ hội khả thi. Do đó, để phát triển hydro xanh tại Việt Nam sớm bắt nhịp với sự phát triển hydro trên thế giới, những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cũng như dài hạn cần được xây dựng, triển khai với nguyên tắc không triển khai tuần tự mà triển khai song song và theo cơ chế “sand-box” đó là:
- Với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu cho Đảng, Nhà nước và đồng thời thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng, khuyến nghị Bộ Công Thương đề xuất nội dung về định hướng phát triển hydro trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan Nhà nước có phẩm quyền thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW với nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách về phát triển hydro xanh giai đoạn 2021-2025 trong Luật Điện lực (sửa đổi, thay thế), Luật về năng lượng tái tạo (nếu được triển khai), thị trường các-bon…, cũng như ban hành Lộ trình, Chiến lược, Định hướng phát triển hydro trong giai đoạn 2026-2030…
- Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành có liên quan xem xét ưu tiên triển khai hoạt động khoa học và công nghệ với cách tiếp cận tổng thể, toàn diện trong chuỗi giá trị của hydro xanh và các nhiệm vụ cụ thể trong nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ liên quan đến phát triển hydro xanh như đã trình bày. Kết quả, sản phẩm của các nhiệm vụ khoa học và công nghệ này sẽ cung cấp những luận cứ khoa học và thực tiễn quan trọng, có nhiều ý nghĩa để phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hydro xanh tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2021-2025, nhà nước hỗ trợ kinh phí có định hướng một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ gắn với dự án đầu tư sản xuất hydro xanh trong các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Trong giai đoạn 2026-2030, nhà nước hỗ trợ kinh phí triển khai một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng hydro xanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải…
- Các doanh nghiệp trong nước, trường đại học chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp FDI và tích cực hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đẩy mạnh triển khai một số hoạt động sau: (1) Lồng ghép các nội dung trong hoạt động thông tin và truyền thông về môi trường, năng lượng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển hydro xanh tại Việt Nam; (2) Bổ sung hợp lý khối lượng và nội dung đào tạo, hình thức đào tạo về hydro xanh trong các chương trình đào tạo; (3) Tăng cường chia sẻ, hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài để kế thừa các thành quả nghiên cứu phát triển và phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ quốc tế trong các nhiệm vụ, dự án phát triển hydro xanh tại Việt Nam. Trong đó, những đối tác phù hợp đến từ quốc gia và nền kinh tế là EU và các nước thành viên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia…
- Đối với doanh nghiệp có quan tâm đầu tư vào lĩnh vực hydro xanh tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030, dự án sản xuất hydro xanh được khuyến nghị nghiên cứu đánh giá, lựa chọn trên cơ sở các nhóm tiêu chí kinh tế - kỹ thuật với trọng số hợp lý, bao gồm: (1) Nhu cầu sản phẩm và khoảng cách đến nơi sử dụng sản phẩm (cung cấp cho nhu cầu trong nước hay xuất khẩu); (2) Sự sẵn sàng về phát triển hạ tầng lưu trữ, vận chuyển của hệ thống LNG và lưới điện truyền tải để có thể sử dụng chung; (3) Chi phí mua điện từ nguồn năng lượng tái tạo dư thừa (bao gồm cả phí truyền tải trong hợp đồng DPPA); (4) Công nghệ sản xuất với nguồn nước cấp đủ về khối lượng, ổn định về lưu lượng và chất lượng; (5) Ưu đãi đầu tư (nếu có) của chính quyền địa phương.
- Đối với các viện nghiên cứu, tổ chức khoa học và công nghệ có hoạt động liên quan đến phát triển hydro xanh: (1) Chủ động và tích cực đề xuất, tham gia triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp với định hướng tiếp cận tổng thể nhưng kết quả, sản phẩm có giá trị cụ thể; (2) Tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các tổ chức khoa học trong nước cũng như các tổ chức nước ngoài theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích và phát huy thế mạnh, sở trưởng; (3) Từng bước, liên tục nâng cao năng lực hoạt động khoa học công nghệ theo các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển về hydro xanh tại Việt Nam./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Lê Ánh, “Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu: Cơ hội cho khí hậu Trái Đất”, 2020.
2. IEA (2021), Global Energy Review: CO2 Emissions in 2020, IEA, Paris https://www.iea.org/articles/global-energy-review-co2-emissions-in-2020.
3. IEA (2021), Global Energy Review 2021, IEA, Paris https://www.iea.org/reports/global-energy-review-2021.
4. Viện Năng lượng, “Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 (QHĐ VIII)”, 2021.
5. IRENA, Green hydrogen cost reduction, 2020.
6. IRENA, Green Hydrogen: A Guide to Policy Making, tháng 11/2020
7. ESMAP, “Going Global: Expanding Offshore Wind to Emerging Markets”, World Bank, Washington DC, 2019
8. Tập đoàn Điện lực Việt Nam, https://www.evn.com.vn/d6/news/Vien-Nang-luong-Nang-luong-tai-tao-co-the-cat-giam-trong-5-nam-toi-141-17-28193.aspx, truy cập ngày 29/08/2021;
9. Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), Báo cáo “Rà soát lại QHĐ VIII là cơ hội để cải thiện cấu trúc thị trường điện Việt Nam”, tháng 05/2021;
10. Fadwa Eljack và Monzure-Khoda Kazi, Prospects and Challenges of Green Hydrogen Economy via Multi-Sector Global Symbiosis in Qatar, 2021, https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/frsus.2020.612762/full;
11. IRENA, Green Hydrogen Supply: A Guide to Policy Making, tháng 5/2021;
12. IEA, The Future of Hydrogen: Seizing today’s opportunities, 2019, https://www.iea.org/reports/the-future-of-hydrogen truy cập 25/8/2021