TÓM TẮT:
Bài viết này nhằm tổng quan và đánh giá các công trình nghiên cứu về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Kết quả tổng quan cho thấy các hướng nghiên cứu trước đây tập trung nghiên cứu về vai trò hợp tác, các mô hình hợp tác xã, kết quả phát triển hợp tác xã; các giải pháp phát triển hợp tác xã từ phía nhà nước, cộng đồng, người dân. Ngoài ra, một số nghiên cứu về chính sách phát triển hợp tác xã thiếu sự tập trung theo cách tiếp cận của nhà nước trong “tạo môi trường cho thành lập, hoạt động và cải thiện sự phát triển bền vững của hợp tác xã”. Điều này cho thấy được khoảng trống mà các nghiên cứu có thể tiếp tục thực hiện là nghiên cứu các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Từ khóa: chính sách, phát triển hợp tác xã, chính sách phát triển hợp tác xã.
1. Đặt vấn đề
Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 05 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, được sở hữu, quản lý bởi các thành viên một cách tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và tương trợ, nhằm đáp ứng nhu cầu kinh tế, văn hóa, xã hội của các thành viên và góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững. Vai trò của hợp tác xã được nhìn nhận ở khía cạnh vai trò đối với các thành viên và vai trò đối với xã hội. Chủ đề về hợp tác xã là một lĩnh vực nghiên cứu được sự quan tâm của nhiều học giả quan tâm với những hướng nghiên cứu và phương pháp tiếp cận khác nhau. Các công trình nghiên cứu về chủ đề này ban đầu tập trung vào vai trò, những đặc trưng và sự cần thiết của kinh tế tập thể, hợp tác xã. Kế thừa những nghiên cứu theo hướng thứ nhất, một số học giả tập trung vào hướng phát triển hợp tác xã, đánh giá sự phát triển của hợp tác xã, nội dung phát triển hợp tác xã. Hướng nghiên cứu tiếp theo đề cập tới các chính sách phát triển hợp tác xã, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã - một nội dung thuộc vai trò của nhà nước trong phát triển hợp tác xã.
2. Nhóm nghiên cứu về vai trò, sự cần thiết của kinh tế tập thể, hợp tác xã
Movsisyan (2013) trong công trình “The Role of Cooperatives in the Development of Agriculture in Armenia”, đã nghiên cứu vai trò của khả năng phát triển ở tương lai của mô hình HTX trong nông nghiệp tại Armenia cả quá trình chuyển đổi kinh tế. Nghiên cứu phân tích những rào cản dẫn đến sự không thành công của mô hình hợp tác xã. Mai Văn Nam (2005) có nghiên cứu về “Kinh tế hợp tác và vai trò của kinh tế hợp tác và hợp tác xã đối với phát triển sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long”. Nghiên cứu này đánh giá hiệu quả sản xuất, phân tích những mặt mạnh, mặt yếu và nhu cầu hợp tác của nông hộ. Nghiên cứu “The role of cooperatives in achieving the sustainable development goals - the economic dimension” của Tổ chức Lao động quốc tế (2014) cũng theo hướng nghiên cứu về vai trò của hợp tác xã. Trong đó, ILO nhấn mạnh tới cách tiếp cận từ mục tiêu thiên niên kỷ, tới các mục tiêu kinh tế bền vững, tới sự đóng góp của xã hội tới các mục tiêu kinh tế. Ling (2012) phân tích về vai trò của hợp tác xã trong giảm các chi phí giao dịch xuất phát từ bản chất của hợp tác xã trong tài liệu: “The nature of cooperatives: Roles in economizing transaction cost is a new dimension for understanding value of co-ops”.
Tập trung vào vai trò xã hội của hợp tác xã cũng có một số nghiên cứu. Trong đó, vai trò của hợp tác xã trong phát triển cộng đồng nông thôn là một hướng để các nhà nghiên cứu phân tích, khẳng định và đề xuất giải pháp phát triển các vai trò này của hợp tác xã, như trong nghiên cứu về “The Role of Cooperative Organizations in Rural Community Development in Nigeria: Prospects and Challenges" của Hussain (2014). Hay hai tác giả, Majee và Hoyt (2011), trong nghiên cứu về “Cooperatives and Community Development: A Perspective on the Use of Cooperatives in Development”, nhấn mạnh rằng: các hợp tác xã đã nhiều lần được chứng minh là hữu ích trong việc thúc đẩy lợi ích của các thành viên kém quyền lực hơn trong xã hội. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UNDP tại Việt Nam (2012) có báo cáo về “Sự phát triển của hợp tác xã và vai trò của hợp tác xã đối với an sinh xã hội”, đã phân tích tình hình phát triển HTX qua các giai đoạn; tác động của cơ chế kinh tế, pháp luật đến sự phát triển; các chính sách phát triển HTX cần hướng tới việc bảo đảm cho các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, dân chủ, công bằng, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của HTX.
3. Nhóm nghiên cứu về đặc trưng hình thức tổ chức và quản lý hợp tác xã
Các nghiên cứu khẳng định những đặc trưng về cấu trúc, tổ chức, quản lý của hợp tác xã đưa đến những cơ hội để khẳng định vai trò của hợp tác xã ở khu vực nông thôn và trong các ngành nghề. Nghiên cứu Dunn (1988) về “Basic cooperative Principles and their Relationship to Selected Practices”, gọi là “ba nguyên tắc hợp tác cơ bản” để hình thành hành hợp tác xã về cấu trúc, tổ chức, quản lý: (i) Nguyên tắc người sử dụng-chủ sở hữu; (ii) Nguyên tắc kiểm soát người sử dụng; (iii) Nguyên tắc về lợi ích của người sử dụng.
Về hình thức tổ chức quản lý hợp tác xã có nghiên cứu Hanks (2012) về “The Structure of a Cooperative Organization”, trong đó nhấn mạnh việc quản lý hợp tác thuộc quyền hạn của một nhóm nòng cốt do các xã viên bầu ra mang tính dân chủ và tập thể. Cũng theo hướng này, nghiên cứu của USDA (2011) về “Understanding Cooperatives: The Structure of Cooperatives” cho rằng các hợp tác xã tồn tại ở hầu hết các khu vực kinh doanh và được tổ chức theo nhiều khác nhau. Phan Văn Hiếu (2019) tập trung vào các hình thức tổ chức KTTT trong Luận án “Kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Ngãi”.
Một số nghiên cứu khác cũng đề cập đến hình thức tổ chức của hợp tác xã và các vấn đề đặt ra đối với các chính sách như nghiên cứu về tổ chức của hợp tác xã các vấn đề chính sách của Andrea Bernardi (2007) trong tài liệu “The Cooperative Organization: Economic, Organisational and Policy Issues”; nghiên cứu mô hình hợp tác xã nông thôn ở Đức trong tài liệu “German Rural Cooperatives” của Michael Prinz (2014); nghiên cứu của Dobre-Baron Oana (2015) về cơ cấu của hệ thống hợp tác xã trong tài liệu “The structure of the cooperative system within the contemporary market economy”; nghiên cứu của Bin WU (2017) về cấu trúc quản trị hợp tác xã trong tài liệu “Cooperatives Governance Structure in China: A New Analytical Framework”...
4. Nhóm nghiên cứu về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã
Một số nghiên cứu tiếp cận về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã như Efendiev và Sorokin (2013) nghiên cứu về "Rural Social Organization and Farmer Cooperatives Development in Russia and other Emerging Economies: Comparative Analysis", nhấn mạnh tới các nhân tố ảnh hưởng tới phát triển hợp tác xã là (1) Đặc điểm của tổ chức xã hội địa phương; (2) Truyền thống của tổ chức xã hội nông thôn (3) Sự trợ giúp chính phủ. Một số nghiên cứu tiếp cận đơn nhân tố ảnh hưởng tới phát triển hợp tác xã như nghiên cứu của Dogarawa (2010) về “The Role of Cooperative Societies in Economic Development” xem xét vai trò của các hiệp hội hợp tác trong phát triển kinh tế nông thôn (hỗ trợ tạo việc làm, thu nhập và ổn định kinh tế cho người dân, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội).
Majee và Hoyt (2011) trong nghiên cứu về “Cooperatives and Community Development: A Perspective on the Use of Cooperatives in Development” nhấn mạnh các lực lượng thị trường không phải lúc nào cũng là người phân bổ hoàn hảo các nguồn lực hạn chế. Lê Mạnh Hùng (2012) về “Phát triển hợp tác xã thương mại dịch vụ trong hội nhập quốc tế”, đánh giá sự phát triển của các hợp tác xã thương mại dịch vụ ở Việt Nam về số lượng, môt hình tổ chức hoạt động, kết quả hoạt động về vốn, doanh thu, lợi nhuận, chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế chính sách, quản lý nhà nước. Phùng Quốc Chi (2010) về “Phát triển hợp tác xã trong quá trình công nghiệp hóa đến năm 2020 ở Việt Nam”, phân tích thực trạng phát triển kinh tế hợp tác xã ở Việt Nam qua các giai đoạn trước, sau đổi mới và hiện nay. Nguyễn Văn Tuấn (2011) có công trình “Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Bạc Liêu”, nghiên cứu cụ thể về hợp tác xã nông nghiệp. Tổng cục Thống kê (2020, 2022) biên soạn và công bố “Sách trắng hợp tác xã Việt Nam năm 2020”. Các nghiên cứu của Tổng cục Thống kê hàng năm về hợp tác xã chú trọng đến một chỉ tiêu phát triển là hợp tác xã đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng quan tâm tới phát triển hợp tác xã như Gertler, M. (2001) trong tài liệu về “Rural co-operatives and sustainable development” nghiên cứu sự phát triển hợp tác xã ở nông thôn một cách bền vững; Henehan, B. M., & Anderson, B. L. (2001) trong tài liệu “Considering cooperation: A guide for new cooperative development” có trao đổi về các hướng dẫn cho phát triển hợp tác xã; Woolcock, M., & Narayan, D. (2000). “Social capital: Implications for development theory, research and policy” nghiên cứu cơ sở lý thuyết về vốn xã hội của sự phát triển hợp tác xã…; Trương Thị Hiền Lương (2022), “Phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã) ở Đắk Lắk hiện nay”. Nguyễn Thị Thùy Linh (2020), “Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở Sơn La theo Luật Hợp tác xã năm 2012”.
5. Nhóm nghiên cứu về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã
Nguyễn Văn Bích (2000) trong nghiên cứu “Lý luận, chính sách và giải pháp đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác" đã tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã ở Việt Nam tập trung vào giai đoạn từ khi đổi mới đến năm 1999; kiến nghị các quan điểm, định hướng, giải pháp, chính sách và dự kiến xu thế tiếp tục đổi mới, phát triển có hiệu quả kinh tế hợp tác và HTX. Adeler (2009) có nghiên cứu “Enabling policy environments for cooperative development: A comparative experience”. Nghiên cứu đề cập một số kinh nghiệm so sánh về môi trường chính sách thuận lợi cho phát triển hợp tác xã. Nghiên cứu lấy một số khu vực thuộc Tây Ban Nha, Ý và Quebec với 8.000 hợp tác xã cung cấp gần 1,1 triệu việc làm và Manitoba của Canada.
Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2005) trong nghiên cứu “Cơ sở khoa học và thực tiễn cho định hướng chiến lược phát triển hợp tác xã đến năm 2020” Lê Bảo (2014) về “Thực trạng và giải pháp phát triển hợp tác xã ở Việt Nam”, đã nghiên cứu việc chuyển đổi, phát triển hợp tác xã và các hình thức kinh tế hợp tác đã có những thành công nhất định. Oxfam (2015) có báo cáo “Hợp tác, liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo tiếp cận thúc đẩy quyền, tiếng nói, lựa chọn của nông dân: hiện trạng và khuyến nghị chính sách”. Nghiên cứu tìm hiểu thông tin về thực trạng, các yếu tố tác động lên thành công và thất bại của các cách thức tổ chức/các mô hình hợp tác liên kết nông dân. Khung phân tích của nghiên cứu được phát triển dựa trên hai logic tiếp cận hành động tập thể của hai nhóm nghiên cứu (1) Ruth Meinzen-Dick, Monica Di Gregorio, Nancy McCarthy (2004) và (2) Jenny Biddle và Nicole Darnall (2015). Từ đó, xây dựng bốn nhóm chỉ báo quan trọng cho khung đánh giá hiệu quả hợp tác liên kết - cơ sở cho đề xuất chính sách. Bốn nhóm đó là: (1) Hiệu quả tổ chức sản xuất; (2) Hiệu quả kinh tế; (3) Hiệu quả xã hội; và (4) Hiệu quả môi trường. Nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Tanzania (1997) về chính sách phát triển hợp tác xã với các tiếp cận chính sách quốc gia và tiếp cận đa ngành.
Cũng nghiên cứu về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, James K. Rowe và cộng sự (2017) trong tài liệu “Policy Supports for Cooperative Development: Learning from Co-op Hot Spots” đã tổng hợp các chính sách hỗ trợ hợp tác xã. Nghiên cứu khẳng định các phong trào hợp tác xã mang tính quốc tế đã coi trọng các khuôn khổ pháp lý về hỗ trợ như một yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng hợp tác xã, nhưng không có tài liệu vững chắc nào về hỗ trợ chính sách cho hợp tác xã. Các khung pháp lý hỗ trợ cho hợp tác xã là một “lĩnh vực đang được nghiên cứu sâu” (Adeler, 2014, trang 50). Tuy nhiên, dựa trên đánh giá của các tài liệu hiện có, nghiên cứu nhấn mạnh 6 hình thức hỗ trợ chính sách chủ yếu đối với các hợp tác xã đang được triển khai thành công trên phạm vi quốc tế: (i) công nhận hợp tác xã; (ii) tài chính đối với hợp tác xã; (iii) tài chính đối với hợp tác xã theo ngành; (iv) thuế ưu đãi; (v) hỗ trợ cơ sở hạ tầng; (vi) mua sắm ưu đãi. Các ví dụ phát triển tốt nhất về các chính sách này là ở các khu vực tập trung nhiều hợp tác xã: vùng Basque của Tây Ban Nha, Emilia Romagna ở Bắc Ý và Quebec, Canada. Nghiên cứu cũng tổng hợp 6 hình thức chính sách này được triển khai trong các khu vực có mật độ hợp tác xã lớn. Nghiên cứu này cung cấp những nền tảng phân loại chính sách hỗ trợ hợp tác xã cho những nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực chính sách đối với hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Một nghiên cứu khác của DG Agriculture and Rural Development, European Commission (2012), “Support for Farmers’ Cooperatives”, về hỗ trợ hợp tác của nông dân, cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện dự án hỗ trợ hợp tác nông dân ở các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu. Vì thế, DG Agriculture and Rural Development đã thực hiện một nghiên cứu lớn về “Hỗ trợ phát triển hợp tác xã của nông dân”. Mục đích của nghiên cứu nhằm hình thành các kiến thức cốt yếu cho các chính sách giúp nông dân tự tổ chức thành các hợp tác xã như một phương tiện củng cố vị thế thị trường của họ, từ đó giúp họ tạo ra thu nhập vững chắc trên thị trường. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu cũng nghiên cứu 33 trường hợp ở các quốc gia OECD không thuộc EU. Những báo cáo cơ bản về các quốc gia, lĩnh vực và trường hợp, cũng như phân tích trên toàn EU, cung cấp cho nông dân, hợp tác xã và các nhà hoạch định chính sách những hiểu biết hữu ích về định hướng thị trường, hiểu biết về mô hình tổ chức như là tổ chức hợp tác và tổ chức sản xuất.
Giagnocavo, C., & Vargas-Vasserot, C. (2012). Support for farmers’ cooperatives: Structure and strategy of fruit and vegetables cooperatives in Almería and Valencia, Spain. Country Report Spain. Nghiên cứu này tập trung vào các vấn đề chính sách ảnh hưởng đến phát triển hợp tác xã. Theo đó, sự phát triển của các hợp tác xã nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi một số chính sách công. Emmanuel (2016) nghiên cứu về “The implementation of cooperative policy: P:erceptions from cooperatives in the Umgungundlovu district municipality (Kwazulu-natal, South Africa)”. Nghiên cứu khám phá sự phát triển của các chính sách hợp tác ở Nam Phi và điều tra các những thách thức mà các hợp tác xã ở quận Umgungundlovu (KwaZuluNatal, Nam Phi) đang gặp phải. Vũ Mạnh Hùng (2020) về “Chính sách phát triển hợp tác xã trong nông nghiệp của Việt Nam” tập trung nghiên cứu hoạch định chính sách phát triển hợp tác xã và tổ chức thực hiện Chính sách phát triển hợp tác xã ở Việt Nam. Phạm vi nghiên cứu của công trình này là chính sách phát triển HTX trong nông nghiệp trong phạm vi cả nước, trong đó tập trung phân tích sâu tại một số vùng nghiên cứu điển hình. Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hải Ninh (2021), “Policies supporting for agricultural cooperatives in Vietnam: An experience from agricultural cooperatives in the Red River Delta”. Nghiên cứu tổng hợp quá trình phát triển hợp tác xã nông nghiệp tự Việt Nam từ những năm 1950, đóng góp của hợp tác xã nông nghiệp vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và cải thiện thu nhập của nông dân là thành viên của hợp tác xã. Nghiên cứu tổng hợp quá trình phát triển của chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp, trong đó nghiên cứu đã chỉ ra: kể từ khi Việt Nam thực hiện “Đổi mới - Đổi mới” vào năm 1986, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp.
6. Kết luận
Phát triển hợp tác xã có thể nhìn nhận theo các quá trình, đó là quá trình gia nhập thị trường của các hợp tác xã; quá trình hoạt động của hợp tác xã; quá trình chuyển đổi sang mô hình liên hiệp hợp tác xã hoặc doanh nghiệp. Trong các quá trình này, hiện trạng các hợp tác xã ở các địa phương cho thấy các hợp tác xã chưa đủ năng lực để khai thác các cơ hội và vượt qua những thách thức của thị trường. Những vấn đề này của hợp tác xã cần có những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước và các chính sách này phải theo sát với thực tiễn phát triển của hợp tác xã. Vậy phải cần những chính sách nào và đổi mới chúng ra sao? Đây là khoảng trống nghiên cứu do các hướng nghiên cứu trước đây tập trung nghiên cứu về vai trò hợp tác, các mô hình hợp tác xã, kết quả phát triển hợp tác xã; các giải pháp phát triển hợp tác xã từ phía nhà nước, cộng đồng, người dân. Hơn nữa, một số nghiên cứu về chính sách phát triển hợp tác xã thiếu sự tập trung theo cách tiếp cận của nhà nước trong “tạo môi trường cho thành lập, hoạt động và cải thiện sự phát triển bền vững của hợp tác xã”. Do đó, nghiên cứu này sẽ tập trung vào chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã để có cái nhìn tổng quan cho những nghiên cứu tiếp theo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Adeler, M.C., (2009), Enabling policy environments for cooperative development: A comparative experience. Canadian Public Policy/Analyse de Politiques Vol. 40, Supplement I.
- Bernardi, A. (2007), The Cooperative Organization: Economic, Organisational and Policy Issues. Journal for Cooperative Management, Vol 3 No 2 Aug 2007.
- BG Peters, J Pierre (1998), ‘Shouldn't Row, Can't Steer: What's a Government to do? Governance without government? Rethinking public administration’, Journal of public administration research and theory 8 (2), 223-243.
- Bijman, J., Iliopoulos, C., Poppe, K. J., Gijselinckx, C., Hagedorn, K., Hanisch, M.,... & van der Sangen, G. (2012). Support for farmers' cooperatives. Wageningen UR.
- Birchall, J. (2004). Cooperatives and the millennium development goals.
- Efendiev, A., and Pavel Sorokin. "Rural social organization and farmer cooperatives development in Russia and other emerging economies: comparative analysis". Developing Country Studies 3.14 (2013): 106-115.
- Emmanuel. O.A. (2016),The implementation of cooperative policy: perceptions from cooperatives in the Umgungundlovu district municipality (Kwazulu-natal, South Africa). Thesis, Degree of doctor of philosophy (policy and development studies), College of Humanities at the University of Kwazulu-natal, South Africa.
- Garnevska, Elena, Guozhong Liu, and Nicola M. Shadbolt. (2011) "Factors for successful development of farmer cooperatives in Northwest China." International Food and Agribusiness Management Review 14.1030-2016-82904 (2011): 69-84.
- Gertler, M. (2001), Rural co-operatives and sustainable development. Saskatoon, Canada: Centre for the Study of Co-operatives, University of Saskatchewan.
- Giagnocavo, C., & Vargas-Vasserot, C. (2012). Support for farmers’ cooperatives. Country Report Spain.
- Lê Mạnh Hùng (2012), Phát triển hợp tác xã thương mại dịch vụ trong hội nhập quốc tế”. Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
- Linh, N. T. T. (2020). Phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới ở Sơn La theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Tạp chí khoa học - Đại học Tây Bắc, (21).
- Mai Văn Nam (2005), Kinh tế hợp tác và vai trò của kinh tế hợp tác và hợp tác xã đối với phát triển sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí Nghiên cứu Khoa học 2005:3 128-137.
- Phùng Quốc Chí (2022). Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã và hộ lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, <https://vca.org.vn/co-che-chinh-sach-ho-tro-phat-trien-htx-va-ho-lam-nghiep-giai-doan-2021-2030-a27130.html>.
- Thành, Dương Ngọc, Hà Thị Thu Hà, and Nguyễn Công Toàn (2018). "Đánh giá yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp tại tỉnh An Giang". Tạp chí Khoa học Đại học Cần Thơ 54.4 (2018).
- Xuan, Dao Anh and Tran Huu Tuan (2023). "Các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Yên". Hue University Journal of Science: Economics and Development 132.5A, 2023.
An overview of research on policies to support the development of cooperatives
Ph.D student, Master. Hoang Quyen1
Ph.D Dao Quang Thang2
Assoc.Prof. Ph.D Thai Thi Kim Oanh2
1People's Committee of Anh Son district
2Vinh University
Abstract:
This study presented an overview and evaluated research on policies to support the development of cooperatives. The study found the previous research directions mostly focused on exploring the role of cooperatives, cooperative models, development results of cooperatives, and development solutions for cooperatives from the perspectives of the government, communities, and people. In addition, some research did not explore the government’s approach to creating an environment for the establishment, operation, and sustainable development of cooperatives. It shows that there is a research gap for further studies to explore support policies for the development of cooperatives.
Keywords: policy, cooperative development, cooperative development policy.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2024]