Giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần

Ngày 25/8, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã tổ chức Hội thảo “Chính sách giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại”.

Hội thảo đồng thời hướng đến mục tiêu giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống từ rác thải nhựa, tăng cường tái chế, tái sử dụng và tuần hoàn chất thải nhựa, cũng như thúc đẩy việc sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên 

Mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng

Phát biểu tại sự kiện đại diện Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Cục ATMT) – Bộ Công Thương bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng ATMT cho biết cùng với sự phát triển của đất nước, ngành Công Thương đã có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn vừa qua. Bà Phương chia sẻ năm 2022 trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, ngàng Nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tăng trưởng cao nhất Việt Nam với mức tăng hàng năm từ 16 - 18%/năm.

Thống kê cũng cho thấy trong năm 2022 sản lượng nhựa đạt 9,54 triệu tấn, với 3.300 doanh nghiệp nhựa và 250.000 người lao động. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa ở Việt Nam liên tục tăng, mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người gia tăng nhanh chóng ở mức 10,6% mỗi năm…
Tuy nhiên cùng với sự tăng trưởng của ngành Nhựa là sự gia tăng, phát sinh rác thải nhựa.

Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022, cho thấy tổng khối lượng chất thải nhựa phát sinh là 2,9 triệu tấn và có tốc độ gia tăng khoảng 5%/năm. Tổng lượng rác thải nhựa được thu gom là 2,4 triệu tấn nhưng chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, trong đó một phần lớn đến từ sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học. 

Đại diện Cục ATMT tại Hội thảo “Chính sách giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần
Bà Đỗ Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp phát biểu tại Hội thảo.

 

Từ thực tế này Phó Cụ trưởng Cục ATMT nhấn mạnh để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

Tại Hội thảo các đại biểu, tham luận đã tập trung làm rõ các nội dung: đánh giá thực trạng sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại hiện nay; Đánh giá tổng quan về ngành nhựa, tái chế nhựa liên quan các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học; 

Đồng thời Hội thảo cũng thảo luận, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định về hạn chế, thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại hiện nay; Đề xuất các chính sách, quy định pháp luật về giảm thiểu, hạn chế sử dụng và thải bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường ở Việt Nam cũng như các yêu cầu về hội nhập trong giai đoạn tới.

Tần suất sử dụng túi ni lông khó phân hủy và nhựa sử dụng 1 lần còn cao

Chia sẻ kết quả điều tra khảo sát người tiêu dùng Hội thảo cho thấy tần suất hàng tuần thường xuyên sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần của người tiêu dùng trong nước đang ở mức rất cao đều hơn 30% (người tham gia khảo sát) với các mục đích như để vận chuyển và lưu trữ thực phẩm, cất trữ quần áo đựng rác…Nguồn cung cấp túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng 1 lần thường là được cung cấp kèm sản phẩm miễn phí hoặc tính phí, hoặc người tiêu dùng tự mua để sử dụng…Chi phí cho sản phẩm này đối với người tiêu dùng đa số là không đáng kể chỉ có số ít 5% (người tiêu dùng) mất chi phí lớn đối với túi ni lông và 3%  với sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần.

hình ảnh tại Hội thảo về giảm thiểu nhựa sử dụng 1 lần
Tần suất sử dụng túi ni lông khó phân hủy sinh học và nhựa dùng 1 lần vẫn còn ở mức cao

Về việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần đa số người tiêu dùng cho biết là vì rẻ tiền, tiện dụng (29% với túi ni lông) và (25% với nhựa dùng 1 lần); Điều tra về nhận thức của người tiêu dùng cũng cho thấy phần lớn đã nhận thức được nhà nước sẽ hạn chế chế dần, sẽ cấm ở một số khu vực tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người tiêu dùng chưa có thông tin về vấn đề này…

Điều tra về việc có sẵn sàng bỏ thêm chi phí để thay thế túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần rất nhiều người tiêu dùng cho biết dù khó khăn những sẽ cố gắng thực hiện (37% với túi ni lông và 34% các sản phẩm nhựa dùng 1 lần) hoặc đã sẵn sàng hoặc đã thực hiện thay thế, tuy nhiên vẫn có một số ít người tiêu dùng cho biết khó khăn không đủ điều kiện kinh tế để thay thế (5% với túi ni lông và 5 % với sản phẩm nhựa dùng 1 lần)…

hình ảnh từ Hội thảo
Giá thành rẻ tiện dụng dễ dàng được phát miễn phí đang là những khó khăn trong giảm thiểu các sản phẩm túi ni lông nhựa dùng 1 lần.

Đánh giá về thực trạng sử dụng túi ni-lông và đồ nhựa sử dụng 1 lần thông tin từ Hội thảo cho thấy các sản phẩm này được sử dụng ngày càng nhiều bởi người tiêu dùng và các nhà bán lẻ. Nhiều người tiêu dùng còn mua thêm túi ni-lông và đồ nhựa dùng 1 lần về để dùng vì rẻ và tiện lợi. Hầu như các nhà bán lẻ đều phát miễn phí túi ni-lông và đồ nhựa dùng 1 lần hoặc kèm theo các hàng hoá mua sắm. Chỉ có số ít tính thêm phí nếu sử dụng các sản phẩm này khi mua mang đi.

Phần lớn người tiêu dùng hiện vẫn chưa có thói quen mang sẵn túi, hộp theo người để đựng khi đi mua hàng do lỉnh kỉnh, không có chỗ để. Nhà bán lẻ thì không thể không phát miễn phí kèm theo để giữ chân khách hàng do chưa áp dụng đồng bộ việc cấm phát miễn phí túi ni-lông trên cả nước.Dịch vụ kinh doanh ăn uống chế biến sẵn, mua mang về ngày càng phát triển. 

Nhiều quầy phục vụ ăn uống tại chỗ vẫn sử dụng đồ nhựa sử dụng1 lần vì tiện lợi, rẻ hơn chi phí khi sử dụng đồ có thể tái sử dụng. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng có thói quen mua mang đi đối với đồ uống và thức ăn chế biến sẵn do không có thời gian nấu ăn tại nhà, hoặc ngại nấu ăn. Ngoài ra việc nhiều loại túi tự huỷ, túi phân huỷ vẫn bị đánh đồng với túi có khả năng phân huỷ sinh học, cũng gây nhầm lẫn cho người dùng. Hơn 1 nửa người tiêu dùng được khảo sát lựa cho biết chọn vứt vào thùng rác và gom lại bán cho đồng nát. Chỉ có 13-16% người lựa chọn phương án rửa sạch, tái sử dụng…

Đề xuất nhiều giải pháp 

Theo Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của TTCP về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa,“mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần”. 

Có thể thấy Luật và các văn bản quy phạm phạm pháp luật, đề án, chương trình đã có nhiều quy định rõ nét và chi tiết về việc giảm thiểu loại bỏ sử dụng, phát thải túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, hỗ trợ tích cực cho hoạt động giảm thiểu các sản phẩm trên tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Đồng thời Thuế bảo vệ môi trường là công cụ kinh tế chính cũng đã được áp dụng để hạn chế việc sử dụng túi ni-lông.

Từ những kết quả điều tra Hội thảo đồng thời đề xuất nhiều giải pháp chính sách nhằm giảm thiểu, loại bỏ và thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các siêu thị và trung tâm thương mại như chính sách pháp luật liên quan đến xuất, nhập khẩu và sản xuất nhựa; Xây dựng lộ trình (kế hoạch) giảm thiểu, loại bỏ và thay thế túi ni-lông khó phân huỷ, sản phẩm nhựa dùng một lần tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đến năm 2025 và các năm tiếp theo tại Việt Nam…

Cụ thể như đối với các doanh nghiệp sản xuất/xuất nhập khẩu túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đề xuất giải pháp Hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận, chuyển đổi công nghệ về quản lý sản xuất, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế túi ni-lông, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần; Đưa ra quy định, tiêu chuẩn và dán nhãn nhựa sinh học;Hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm thân thiện môi trường; Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường… Kiểm soát chặt việc lưu hành trên thị trường các sản phẩm làm giả, kém chất lượng, nhái thương hiệu…

Đồng thời đề xuất kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sản xuất các sản phẩm túi ni-lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử dụng 1 lần; Tăng cường hoạt động thanh kiểm tra về việc sản xuất và sử dụng túi ni-lông khó phân huỷ và sản phẩm nhựa dùng 1 lần sau khi áp dụng quy định cấm; Xây dựng mức xử phạt khi cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm lệnh cấm túi ni-lông khó phân huỷ và nhựa dùng 1 lần; Thu đủ thuế và phí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất…

Phan Vi