Người chỉ huy ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở là người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người được ủy quyền

Điều 7 của Cơ chế ứng phó sự cố chất thải (ban hành kèm theo Quyết định 11/2025/QĐ-TTg) quy định: Người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở

Ngày 23/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 11/2025/QĐ-TTg về ban hành Quy chế ứng phó sự cố chất thải với những quy định quy định về ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở.

Cơ chế ứng phó sự cố chất thải có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2025, thay thế Quyết định 09/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020. Theo đó Cơ chế quy định về việc ứng phó sự cố chất thải xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bao gồm: Chuẩn bị ứng phó sự cố; tổ chức ứng phó sự cố; cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố; cơ chế hỗ trợ ứng phó, phục hồi môi trường, sự tham gia của cộng đồng dân cư và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Khác với Quyết định 09/2020/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 (phân loại sự cố chất thải theo mức độ cụ thể như: mức độ thấp, mức độ trung bình, mức độ cao và mức độ thảm họa), Quyết định 11/2025/QĐ-TTg phân loại sự cố chất thải theo 4 cấp là cấp cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Quốc gia.

diễn tập ứng phó sự cố chất thải
Công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở xử lý chất thải cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật BVMT năm 2020, giúp phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các nguy cơ sự cố chất thải có thể xảy ra. Ảnh diễn tập ứng phó sự cố hóa chất.

Quy định chi tiết về người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở

Cụ thể, tại Điều 7 của Cơ chế ứng phó sự cố chất thải (ban hành kèm theo Quyết định 11/2025/QĐ-TTg) quy định: Người đại diện theo pháp luật của cơ sở hoặc người được ủy quyền là người chỉ huy ứng phó sự cố tại cơ sở;

Cơ chế cũng đồng thời đề cập chi tiết các quy định liên quan đến người chỉ huy ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, phải tổ chức ứng phó sự cố, đánh giá phạm vi ảnh hưởng và khả năng tự ứng phó của cơ sở để thực hiện các hoạt động như: Trường hợp sự cố trong khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy có trách nhiệm thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố theo kế hoạch, kịch bản đã được phê duyệt; đồng thời có trách nhiệm báo cáo Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã về việc ứng phó sự cố trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện sự cố;

Trường hợp sự cố vượt ngoài khả năng tự ứng phó của cơ sở, người chỉ huy phải thông báo ngay đến Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã nơi xảy ra sự cố hoặc Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện để được tổ chức ứng phó; bàn giao quyền chỉ huy cho Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện và chỉ đạo lực lượng ứng phó sự cố của cơ sở thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp huyện.

Theo quy định tại Cơ chế, Báo cáo và thông báo sự cố chất thải theo quy định nêu trên, sẽ gồm các nội dung: Thời gian, địa điểm, nguyên nhân xảy ra sự cố; mức độ, phạm vi ảnh hưởng, các thiệt hại do sự cố gây ra; các hoạt động ứng phó sự cố đã thực hiện; đánh giá khả năng ứng phó của cơ sở và các nội dung khác có liên quan.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động phục hồi môi trường sau sự cố chất thải

Liên quan đến cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố chất thải tại Điều 13 Cơ chế quy định: Chủ đầu tư dự án, cơ sở gây ra sự cố chất thải phải thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố chất thải trong phạm vi cơ sở. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự cố chất thải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động phục hồi môi trường. Việc phục hồi môi trường sau sự cố chất thải cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Việc cải tạo,phục hồi môi trường sau sự cố phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh; phục hồi mặt bằng cư trú, sản xuất kinh doanh, môi trường tự nhiên đối với khu vực không có hệ sinh thái được bảo tồn; khôi phục một số đặc điểm chính của hệ sinh thái đối với khu vực có hệ sinh thái được bảo tồn.

ứng phó sự cố chất thải
Việc cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh; phục hồi mặt bằng cư trú, sản xuất kinh doanh, môi trường tự nhiên...Ảnh minh họa

 

Cơ chế cũng quy định Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân cùng cấp trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố chất thải trên địa bàn; Đồng thời cơ quan chuyên môn được phân công, giao nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm tham mưu Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phục hồi môi trường sau sự cố chất thải cấp quốc gia.

Thực tế thời gian qua, nhiều sự cố chất thải (nước thải, khí thải) do hoạt động sản xuất đã xảy ra ở nhiều tỉnh/thành phố như: Sự cố nước thải ở Nhà máy Mía đường Hòa Bình làm chết cá trên sông Bưởi tại Thanh Hóa tháng 5/2016 (Vnexpress, 2016); Sự cố nước thải gây cá chết hàng loạt dọc ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế; Sự cố nước thải nhà máy đường Hậu Giang chảy ra sông Hậu ảnh hưởng đến nguồn nước tháng 8/2020; Sự cố vỡ hồ chứa nước thải của nhà máy xử lý nước thải Công ty Đại Nam ở Bà Rịa - Vũng Tàu tháng 10/2022 (Hàn Lập, 2022)…; Đáng chú ý là các sự cố chất thải có xu hướng ngày càng tăng, song công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải tại các cơ sở sản xuất còn lúng túng và chưa hiệu quả.

Thực tế này cũng cho thấy, việc phòng ngừa, ứng phó các sự cố chất thải từ hoạt động sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, gây ảnh hưởng đến môi trường. Do đó, công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở xử lý chất thải cần được thực hiện theo đúng quy định của Luật BVMT năm 2020, giúp phòng ngừa và giảm thiểu tối đa các nguy cơ sự cố chất thải có thể xảy ra bất kỳ lúc nào ở các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải, đặc biệt là các nhóm cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Minh Hưng