Góp ý một số vấn đề trong dự thảo Luật Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

TS. NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết bàn về một số nội dung trong Dự thảo 3 Luật Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện bằng phương pháp phân tích, tổng hợp và so sánh để chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong Dự thảo nhằm hoàn thiện hơn nữa những quy định này. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ lựa chọn một vài vấn đề cốt lõi để bàn luận, bao gồm phạm vi áp dụng, các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và thẩm quyền của Tòa án.

Từ khóa: Phạm vi áp dụng, biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện, thẩm quyền.

1. Đặt vấn đề

Trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, chế định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) được ghi nhận tại Chương VIII với 32 điều luật. Tuy nhiên, việc yêu cầu áp dụng các BPKCTT này chỉ được thực hiện cùng lúc với việc nộp đơn khởi kiện hoặc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Thực tiễn xã hội cho thấy có những vụ án dân sự cần phải áp dụng BPKCTT ngay, trước khi nộp đơn khởi kiện, để bảo vệ tài sản đảm bảo cho việc giải quyết vụ án và thi hành án dân sự sau này, hoặc những lợi ích chính đáng khác đang trong nguy cơ bị đe doạ gây thiệt hại. Việc ban hành Luật Áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện hoàn toàn cần thiết và cấp bách nhằm ổn định trật tự xã hội thông qua việc can thiệp sớm, sâu, rộng vào những tranh chấp dân sự hằng ngày bằng biện pháp tư pháp. Để hoàn thiện hơn những quy định pháp luật trong lĩnh vực này chúng tôi có một vài quan điểm bình luận trong bài viết về Dự thảo 3 Luật Áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện (gọi tắt Dự thảo).

2. Phạm vi áp dụng

Điều 1 Dự thảo quy định về phạm vi áp dụng các BPKCTT trước khi khởi kiện; thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các BPKCTT trước khi khởi kiện; thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải, áp dụng BPKCTT, thi hành án dân sự, thực hiện tương trợ tư pháp; thẩm quyền, trình tự, thủ tục bắt giữ tàu bay tại cảng hàng không, sân bay để bảo đảm lợi ích của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay, để thi hành án dân sự; thẩm quyền, trình tự, thủ tục thả tàu biển, tàu bay đang bị bắt giữ.

Quy định này cho thấy, Dự thảo đã đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện nhằm bảo vệ chứng cứ, đảm bảo giải quyết vụ án dân sự, đảm bảo cho việc thi hành án, tránh nguy cơ bị gây thiệt hại không thể khắc phục được khi cá nhân, cơ quan, tổ chức có lợi ích bị đe dọa, ảnh hưởng chưa kịp khởi kiện. Trước khi khởi kiện được hiểu là khi cá nhân, cơ quan, tổ chức chưa nộp đơn khởi kiện theo như quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp dân sự. Tuy nhiên, có ba vấn đề đặt ra khi bàn về phạm vi áp dụng của Dự thảo:

Thứ nhất, theo Dự thảo thì các BPKCTT trước khi khởi kiện có được áp dụng ngay cả khi đương sự không thực hiện việc khởi kiện trong tương lai hay không? Bởi lẽ, việc đặt tên cho văn bản luật là “Luật Áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện” và quy định trong Điều 1 về phạm vi điều chỉnh cũng có thể nói lên mối quan hệ giữa BPKCTT trước khi khởi kiện và việc khởi kiện trong một khoảng thời gian nhất định trong tương lai. Điều này có nghĩa là theo Dự thảo, việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện có mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc giải quyết vụ án chính giữa các bên khi họ tiến hành khởi kiện về sau. Pháp luật của các quốc gia ở châu Âu cũng đều quy định theo hướng này, nghĩa là việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện phải gắn với khả năng khởi kiện một vụ án dân sự có liên quan, nếu không khởi kiện thì BPKCTT sẽ bị hủy bỏ (Interim measures, http://www.echr.coe.int/Documents/ FS_Interim_measures_ENG.pdf).

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, BPKCTT nên được áp dụng độc lập với việc khởi kiện. Nói cách khác, đương sự chỉ cần Tòa án áp dụng BPKCTT để giải quyết tình trạng cấp bách tạm thời của họ chứ không muốn khởi kiện về vụ án chính, vì có thể mâu thuẫn của họ đã được giải quyết xong nhờ vào BPKCTT này và do vậy, họ không cần khởi kiện nữa (Theo Trần Anh Tuấn, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/401). Chẳng hạn như yêu cầu áp dụng BPKCTT buộc chủ sở hữu cây cối, công trình vươn qua bất động sản liền kề một cách bất hợp pháp, có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào, gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản phải chặt cây, phá dỡ và như vậy sau khi thực hiện xong BPKCTT, người yêu cầu đã có thể giải quyết xong tình trạng của mình nên họ không cần khởi kiện nữa.

Về nội dung này, ở một khía cạnh nào đó, chúng tôi cũng có đồng quan điểm với tác giả trên. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu kỹ Dự thảo chúng ta sẽ thấy, mặc dù Dự thảo quy định việc áp dụng BPKCTT gắn với việc khởi kiện sau đó, nhưng nếu đương sự không khởi kiện thì cũng đã có thời gian cho BPKCTT trước khi khởi kiện phát huy tác dụng, đáp ứng được yêu cầu của đương sự là giải quyết tình trạng cấp bách tạm thời chứ không khởi kiện vụ án. Cụ thể khoản 1 Điều 3 Dự thảo quy định: “BPKCTT trước khi khởi kiện là biện pháp do Tòa án áp dụng mà trong một thời hạn nhất định người yêu cầu áp dụng biện pháp đó không khởi kiện thì phải hủy bỏ việc áp dụng”. “Thời hạn nhất định” mà khoản 1 Điều 3 đề cập ở trên được hiểu là thời hạn áp dụng được đề cập đến tại Điều 27 Dự thảo. Theo đó, thời hạn áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện tối đa là 30 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định áp dụng BPKCTT. Trở lại ví dụ trên, khi cây cối, công trình có nguy cơ sụp đổ thì người có lợi ích liên quan vẫn có quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện là chặt cây, phá dỡ công trình. Sau đó nếu trong thời hạn là 30 ngày mà họ không khởi kiện thì Tòa án sẽ ra quyết định hủy bỏ việc áp dụng BPKCTT này. Như vậy, mặc dù gắn BPKCTT trước khi khởi kiện với việc khởi kiện vụ án chính như trong Dự thảo, nhưng nếu đương sự không tiến hành khởi kiện thì vẫn không có vấn đề gì vì tình trạng khẩn cấp cũng chính là mâu thuẫn giữa các bên đã được giải quyết xong.

Thứ hai, thời hạn áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện như quy định của Dự thảo đã hợp lý chưa? Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc có quy định nếu người nộp đơn yêu cầp áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện không tiến hành khởi kiện tại Tòa án hoặc Trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án áp dụng BPKCTT thì Tòa án sẽ hủy bỏ BPKCTT đã ban hành đó (Điều 101 Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc năm 2012: “Where the applicant fails to institute legal proceedings or apply for arbitration within 30 days in accordance with the law after the people's court takes preservation measures, the people's court shall rescind the said measures.” (http://www.inchinalaw.com/ wp-content/uploads/2013/09/PRC-Civil-Procedure-Law-2012.pdf)). Thời hạn này áp dụng chung cho tất cả các BPKCTT trước khi khởi kiện được quy định trong Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc. Về điểm này, Dự thảo đang có sự tiệm cận với pháp luật Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo pháp luật Pháp, thời hạn áp dụng BPKCTT vẫn có thể kéo dài hơn. Cụ thể Bộ luật Dân sự Pháp quy định khi vợ, chồng, con hoặc người sống chung là đối tượng bị bạo hành của người hôn phối kia thì theo yêu cầu, Tòa án có thể ban hành lệnh bảo vệ tạm thời (“lordonnance de protection”) để bảo vệ người bị bạo hành gia đình trong thời hạn 6 tháng. Nếu trong thời hạn này mà người hôn phối không nộp đơn yêu cầu ly dị thì Tòa án có thể hủy bỏ hoặc chỉnh sửa lệnh bảo vệ tạm thời khi hết thời hạn đó (Điều 515-9 đến Điều 515-13 Bộ luật Dân sự Pháp, https://www.legifrance.gouv.fr/affichCode.do;jsessionid=45AFB96CA3232FDE6AD2E3E6C0EB6446.tpdila20v_1?idSectionTA=LEGISCTA000022469694&cidTexte=LEGITEXT000006070721&dateTexte=20170309). Về mặt bản chất, đây cũng là một trong những BPKCTT trước khi khởi kiện và khi không khởi kiện thì BPKCTT này bị hủy bỏ theo quyết định của Tòa án. Thời hạn này hoàn toàn hợp lý xét trong mối quan hệ gia đình để các bên có thể nhìn nhận lại những lỗi lầm của nhau và sửa đổi nhằm hàn gắn lại mối quan hệ hôn nhân. Nếu không thể hàn gắn được thì có thể nộp đơn ly dị. Do vậy, theo chúng tôi, thời hạn 30 ngày áp dụng chung cho tất cả các BPKCTT trước khi khởi kiện như theo Dự thảo hiện nay là chưa thật sự hợp lý.

Thứ ba, Dự thảo áp dụng trong lĩnh vực dân sự hay cả dân sự lẫn hình sự? Vấn đề này được đặt ra cũng khá hợp lý do trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa kịp khởi tố vụ án hình sự (vì cần điều tra, xác minh trong thời hạn 20 ngày để ra quyết định có hay không khởi tố vụ án hình sự, theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) thì để bảo toàn chứng cứ, bảo đảm việc thi hành án, cũng nên có cơ chế cho phép áp dụng BPKCTT trước khi khởi tố. Bên cạnh đó, mặc dù trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không có sự xuất hiện của thuật ngữ các BPKCTT, thay vào đó là các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp cưỡng chế (Chương VII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015), nhưng trong số các biện pháp cưỡng chế được đề cập trong Bộ luật, có biện pháp kê biên tài sản (Điều 128) và biện pháp phong tỏa tài khoản (Điều 129). Theo đó, biện pháp kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản được áp dụng để đảm bảo cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Như vậy, mặc dù mục đích và trường hợp áp dụng của các biện pháp này trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự (Điều 120 và 124) và trong Dự thảo (Điều 4, 13 và 17) có sự khác nhau, nhưng rõ ràng về tên gọi và cách thức thực hiện lại rất giống nhau.

Do vậy, theo chúng tôi, Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo đề cập rằng: “Luật này quy định về các BPKCTT trước khi khởi kiện…”, mặc dù hiểu rằng khởi kiện vụ án dân sự khác với khởi tố vụ án hình sự, nhưng cũng cần làm rõ hơn cụm từ “khởi kiện” bằng “khởi kiện vụ án dân sự” để chỉ áp dụng cho lĩnh vực dân sự, hoặc cần đề xuất thêm khả năng áp dụng cho lĩnh vực hình sự căn cứ vào những lý do nêu trên.

3. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện

Điều 4 Dự thảo liệt kê 10 BPKCTT trước khi khởi kiện bao gồm: Kê biên tài sản đang tranh chấp; cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; tạm dừng việc đóng thầu và các hoạt động có liên quan đến việc đấu thầu; thu giữ, niêm phong, cấm di chuyển hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa; bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải; bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay. Về vấn đề này, chúng tôi có một số luận bàn sau:

Thứ nhất, về số lượng các BPKCTT trước khi khởi kiện. Mặc dù Dự thảo đã đề cập đến rất nhiều các BPKCTT có thể áp dụng trước khi khởi kiện, nhưng đa phần các biện pháp này đều liên quan đến bảo vệ lợi ích tài sản mà chưa đề cập đến các lợi ích phi tài sản khác. Nói cách khác, Dự thảo vẫn chưa dự liệu những trường hợp liên quan đến lợi ích về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm đòi hỏi cần phải áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng có nguy cơ bị đe dọa gây thiệt hại hoặc nhằm hạn chế thiệt hại có thể lan rộng thêm. Đó có thể là trường hợp bạo hành gia đình (như trong ví dụ trên chúng tôi đã từng đề cập trong Bộ luật Dân sự Pháp), việc áp dụng biện pháp cách ly ngay lập tức và tạm thời trong một thời hạn nhất định người có hành vi bạo hành và người bị bạo hành trước khi nộp yêu cầu ly dị là một việc làm hết sức cần thiết. Hay trong ví dụ về cây cối, công trình xây dựng hiện hữu trên bất động sản liền kề của người khác một cách bất hợp pháp, có nguy cơ sụp đổ thì việc chủ sở hữu bất động sản liền kề nên có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng BPKCTT buộc chặt một phần cây cối, dỡ một phần công trình đó nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe khi chưa kịp khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp về bất động sản liền kề, do cần chuẩn bị thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh cho quyền sử dụng bất động sản của mình. Hoặc yêu cầu buộc người sử dụng lao động phải ứng trước chi phí cứu chữa tai nạn lao động trước khi khởi kiện cũng là yêu cầu thật sự cần thiết nhằm đảm bảo chi phí khám chữa bệnh cho người lao động khi họ chưa thể khởi kiện được vì những lý do khác nhau.

Từ những ví dụ trên, chúng tôi cho rằng, Dự thảo cần dự liệu thêm một số BPKCTT khác như “cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình”, “cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định”, “buộc người sử dụng lao động tạm ứng chi phí cứu chữa tai nạn lao động”… nhằm bảo vệ các lợi ích phi tài sản như đã đề cập ở trên. Thiết nghĩ đây cũng là mục đích chung mà Dự thảo đang hướng đến.

Thứ hai, về kỹ thuật lập pháp. Điều 4 với tiêu đề là “Các BPKCTT trước khi khởi kiện” được sử dụng để liệt kê 10 loại biện pháp khẩn cấp khác nhau, trong đó có các biện pháp bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải và bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay. Như vậy, xét về mặt logic, hai biện pháp này được xem là BPKCTT trước khi khởi kiện, mặt dù về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng sẽ có những quy định khác với các BPKCTT còn lại. Tuy nhiên, tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh thì Dự thảo cũng sử dụng phương pháp liệt kê với cách thức tách các BPKCTT trước khi khởi kiện với hai biện pháp bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải và bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay. Cách làm này vô hình trung làm cho người đọc nghĩ rằng hai biện pháp được đề cập ở trên không phải là BPKCTT trước khi khởi kiện do được liệt kê tách bạch với các BPKCTT trước khi khởi kiện.

Do đó, theo chúng tôi, nếu Điều 4 Dự thảo đã liệt kê các BPKCTT trước khi khởi kiện bao gồm trong đó có hai biện pháp bắt giữ tàu biển để bảo đảm giải quyết khiếu nại hàng hải và bắt giữ tàu bay theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích đối với tàu bay thì Điều 1 về phạm vi áp dụng chỉ cần nói thống nhất và đơn giản là “Luật này quy định về các BPKCTT trước khi khởi kiện; thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các BPKCTT trước khi khởi kiện”. Còn trong chương III và chương IV về trình tự, thủ tục của hai biện pháp trên sẽ cụ thể hoá các trường hợp áp dụng và mục đích áp dụng.

4. Thẩm quyền của Tòa án

Điều 5 Dự thảo đưa ra hai phương án để xác định thẩm quyền của Tòa án trong việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện. Phương án 1 chỉ đưa ra một hướng dẫn duy nhất khi quy định rằng Tòa án có thẩm quyền áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện là Tòa án nơi có tài sản bị yêu cầu áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện. Phương án 2 liệt kê các trường hợp cụ thể theo đó tùy từng trường hợp sẽ xác định Tò án có thẩm quyền áp dụng tương ứng.

Theo chúng tôi, nếu các BPKCTT trước khi khởi kiện chỉ xoay quanh các biện pháp liên quan đến lợi ích tài sản, thì phương án 1 có vẻ hợp lý nhất và đơn giản nhất. Bởi lẽ, các BPKCTT được nêu trong Dự thảo hiện thời chỉ tác động trực tiếp đến đối tượng là tài sản, nên Tòa án là nơi có tài sản bị yêu cầu áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để xem xét đơn yêu cầu và ra quyết định có hay không áp dụng BPKCTT, đồng thời cũng thuận lợi cho việc thi hành quyết định. Nhưng, nếu Dự thảo sửa đổi theo hướng bổ sung thêm các BPKCTT để bảo vệ các lợi ích phi tài sản, thì phương án 1 lại không còn phù hợp. Tuy nhiên, khi bàn về phương án 2 được nêu tại Điều 5 Dự thảo, chúng tôi cũng còn nhiều băn khoăn.

Thứ nhất là về quy định tại khoản 5 Điều 5 Dự thảo. Quy định này còn nhiều nội dung chưa rõ. Nội dung đầu tiên liên quan đến quy định “Tòa án nhân dân đang giải quyết vụ án dân sự… có thẩm quyền áp dụng BPKCTT bắt giữ tàu biển, tàu bay”. Điều này có thể dẫn đến hai cách hiểu khác nhau: Với cách thứ nhất, có thể hiểu rằng Tòa án đang giải quyết một vụ án dân sự có liên quan đến tàu biển, tàu bay thì để đảm bảo giải quyết vụ án có liên quan đến tàu biển, tàu bay đó, Tòa án này sẽ ra quyết định áp dụng BPKCTT đối với tàu biển, tàu bay. Tuy nhiên, cách hiểu thứ nhất này không ổn, do đây phải là các BPKCTT được áp dụng trước khi khởi kiện, chứ không phải trong thời gian giải quyết vụ án dân sự. Còn đối với cách thứ hai, có thể cho rằng vụ án dân sự này không hề liên quan đến tàu biển, tàu bay (để đảm bảo rằng đây là BPKCTT trước khi khởi kiện) nhưng Tòa án này vẫn có thẩm quyền áp dụng BPKCTT bắt giữ tàu biển, tàu bay để đảm bảo giải quyết vụ án dân sự đang thụ lý. Dù hiểu theo cách này đi nữa nhưng rõ ràng biện pháp này vẫn được áp dụng trong quá trình Tòa án giải quyết một vụ án dân sự nào đó và do vậy không phù hợp với mục đích của BPKCTT trước khi khởi kiện. Nội dung thứ hai liên quan đến vế sau của khoản 5, đó là “… Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài thụ lý tranh chấp có thẩm quyền áp dụng BPKCTT bắt giữ tàu biển, tàu bay”. Theo chúng tôi, khi Hội đồng trọng tài thụ lý tranh chấp để giải quyết thì nghĩa là vụ án dân sự đang được giải quyết bởi cơ quan trọng tài. Bởi lẽ, khi nêu khái niệm về BPKCTT tại khoản 1 Điều 3, Dự thảo cũng không nói rõ việc khởi kiện có thể được tiến hành tại cơ quan nào, nên có thể suy ra rằng có thể khởi kiện tại Tòa án hoặc trọng tài. Như vậy, việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện có còn sự hợp lý về mặt logic, mặc dù ở đây đương sự không khởi kiện tại Tòa án mà là trọng tài?!

Thứ hai là về cách sắp xếp theo trật tự các quy định trong Điều 5 Dự thảo đối với phương án 2. Cụ thể là Điều 5 được sử dụng để quy định thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc áp dụng BPKCTT trước khi khởi kiện, nhưng trong phương án 2 là tổng hợp của các quy định về thẩm quyền và tranh chấp về thẩm quyền. Để hợp lý hơn, chúng ta nên nhóm các quy định về tranh chấp thẩm quyền lại (khoản 2 và khoản 6) và chuyển chúng qua một điều luật riêng biệt nằm ngay sau điều luật về thẩm quyền. Cụ thể, khoản 6 đã quá rõ ràng trong việc giải quyết xung đột thẩm quyền giữa các Tòa án, còn khoản 2 quy định: “Tòa án có quyền bắt giữ tàu biển để bảo đảm cho khiếu nại hàng hải kể cả trong trường hợp các bên trong hợp đồng đã thỏa thuận lựa chọn Tòa án của một quốc gia khác hoặc lựa chọn Trọng tài để giải quyết khiếu nại hàng hải đó hoặc thoả thuận lựa chọn pháp luật của một quốc gia khác để áp dụng cho hợp đồng đó”. Điều này có nghĩa rằng nếu có sự xung đột về thẩm quyền áp dụng do có sự lựa chọn thẩm quyền giải quyết tranh chấp trước đó giữa các bên thì để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải theo yêu cầu của đương sự thì Tòa án được yêu cầu vẫn có thẩm quyền áp dụng.

Tóm lại, với những phân tích nêu trên, chúng tôi hy vọng đóng góp một phần ý kiến của mình vào việc hoàn thiện hơn nữa các quy định trong Dự thảo nhằm tạo ra một văn bản luật hợp lý, hợp tình và hợp lòng dân, một mục tiêu không hề đơn giản nhưng luôn là mục đích phấn đấu không ngừng nghỉ của tiến trình cải cách pháp luật nước ta.

Tài liệu tham khảo:

1. Dự thảo 3 Luật Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện; thủ tục bắt giữ tàu biển, tàu bay.

2. Bộ luật Tố tụng dân sự Việt Nam số 92/2015/QH13.

3. Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam số 101/2015/QH13.

4. Luật Tố tụng dân sự Trung Quốc 2012.

5. Bộ luật Dân sự Pháp.

6. Trần Anh Tuấn, http://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/401.

7. Interim measures, http://www.echr.coe.int/Documents/FS_Interim_measures_ENG.pdf.

Recommendation on draft law about application of provisional measures before lawsuit

PhD. NGUYEN THI HONG NHUNG

Faculty of Law, University of Economics and Law,

Vietnam National University, Ho Chi Minh City

ABSTRACT: This paper mentions some issues in the Draft number 3 of Law on Application of provisional emergency measures before suing with methods of analysis, synthesis and comparison, in order to point out some unreasonable provisions in the Draft for completing the law. Within the scope of the paper, we only choose some core issues for comment, including sphere of application, provisional emergency measures before suing and competence of jurisdiction.

Keywords: Scope of application, provisional emergency measures before suing, competence of jurisdiction.