Hà Nội: tháng 9 xử lý 2.505 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 9/2022 các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo đã kiểm tra 2.724 vụ; xử lý 2.505 vụ, khởi tố 12 vụ đối với 15 đối tượng liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Phối hợp chặt, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Cụ thể, trong tháng 9, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã thanh tra, kiểm tra 2.724 vụ; xử lý 2.505 vụ, khởi tố 12 vụ đối với 15 đối tượng liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, hàng giả vi phạm sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại. Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 552 tỷ đồng. 

Trong tháng, tình hình buôn bán, sản xuất, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm trong lĩnh vực ATTP gian lận thương mại vẫn còn xảy ra. Hàng hóa vi phạm chủ yếu là các nhóm mặt hàng như: thuốc lá, pháo nổ, quần áo, bánh kẹo, thực phẩm... 

Đáng chú ý, dịp Tết trung thu 2022 là thời điểm một số đối tượng làm ăn không chân chính, lợi dụng trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nhập lậu đồ chơi trẻ em các loại, chủ yếu hàng hoá Trung Quốc, trong đó có cả đồ chơi bạo lực có tác động tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em để kinh doanh thu lợi bất chính.

Ảnh QLTT Hà Nội
Lực lượng chức năng kiểm tra xử ý nhiều vi phạm liên quan hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Trước tình hình đó, Ban chỉ đạo 389 thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố tích cực, chủ động trong điều hành, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên, phối hợp tốt giữa các lực lượng trên địa bàn thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm,... đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường thành phố, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của nhà sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh và người tiêu dùng trên địa bàn Thủ đô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn khó khăn và thách thức. Thực tế hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn tinh vi khác nhau; đặc biệt nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... 

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP) cho biết: Thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389/TP tập trung triển khai đồng bộ hoạt động kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là trong các dịp lễ, tết, và những tháng cao điểm.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo sở, ngành và Ban chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, ga tàu, bến xe, kho hàng, chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.

Một số vụ việc vi phạm điển hình bị xử lý

Ngày 22-8-2022, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an Quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh có địa chỉ tại số 204 phố Văn Hội, phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cơ sở này do ông Trần Đức Tuấn làm chủ có dấu hiệu buôn bán hàng giả là thực phẩm là hàng hóa có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của doanh nghiệp sản xuất, phân phối sản phẩm; Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm. Do vụ việc có dấu hiệu của tội phạm hình sự là tội buôn bán hàng giả, Đội QLTT số 1 quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ cùng tang vật tạm giữ đến Công an quận Bắc Từ Liêm để xứ lý vụ việc theo quy định. 

Tiếp đó, ngày 23-8-2022, Đội QLTT số 15 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội An ninh - Công an quận Hoàng Mai tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh tại địa chỉ Tầng 1, HH3 Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Qua kiểm tra phát hiện 7 chiếc ống nhòm đồ chơi trẻ em, nhãn chữ tượng hình, made in china, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, trên sản phẩm có gắn hình ảnh bản đồ và "hình lưỡi bò". Toàn bộ số hàng hóa trên chưa qua sử dụng, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 15 đã tạm giữ toàn bộ số hàng trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Ngày 24-8-2022, Đội QLTT số 13 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Cầu Giấy tiến hành kiểm tra Công ty TNHH một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội - Bưu cục Nghĩa Đô tại địa chỉ số 31 phố Nghĩa Đô, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 4 khối hình hộp chữ nhật, trên bao bì có ghi chữ “HAPPY BOOM CELEBRATION CAKE 49 SHOOT”, bên trong mỗi khối có 49 ống hình trụ tròn được nối với dây dẫn nghi là pháo hoa nổ. Tổng khối lượng là 7,53 kg, không có giấy tờ gì liên quan đến số pháo trên. Vụ việc đã được chuyển đến Công an quận Cầu Giấy xác minh, làm rõ về hàng hóa theo thẩm quyền. Ngày 28-8, Công an quận Cầu Giấy đã ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 328 đối với vụ việc.

Ngày 26-8, Đội QLTT số 22 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp Đội CSKT Công an quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm địa điểm kinh doanh hàng hóa - Lô B6 khu 3Ha đường Đức Diễn, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội do ông Đặng Ngọc Tiến là chủ lô hàng. Đoàn kiểm tra phát hiện 8.350 chiếc bánh trung thu nhập lậu. Các cơ quan chức năng đã ra quyết định phạt 16 triệu đồng đối với chủ lô hàng.

Ngày 9-9, Đội QLTT số 20 - Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Hà Nội tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1988). Qua kiểm tra phát hiện, tạm giữ 3.210kg chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hiện vụ việc đang xác minh, làm rõ hành vi vi phạm xử lý theo quy định.

Diệu Hân