Hà Nội: Tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2020

Chiều ngày 6/1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Quản lý thị trường năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh đã đến dự và phát biểu chỉ đạo.
qltt hanoi
Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Trong năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, xong Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có rất nhiều cố gắng trong công tác đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, qua đó đã góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.

Trong năm 2020 Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Hà Nội kiểm tra, xử lý, phát hiện nhiều vụ việc có quy mô lớn, trọng điểm, đặc biệt là các vụ kinh doanh hàng hoá nhập lậu có dấu hiệu buôn lậu, sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu… Qua số liệu thống kê vụ việc, hành vi vi phạm trong các lĩnh vực bị phát hiện, xử lý trong năm 2020 đều giảm, nhưng số tiền phạt hành chính, giá trị tang vật vi phạm tăng so với năm 2019 đã cho thấy chất lượng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm có chất lượng, hiệu quả.

Cụ thể, lực lượng quản lý thị trường đã xử ký 5.616 vị vi phạm ( giảm khoảng 30%), tổng số tiền vi phạm hành chính là 133,525 tỷ đồng (tăng 25%). Bước sang năm 2021, dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phưc tạp. Hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu phục hồi, khởi sắc. Tuy nhiên, tình hình buôn bán, vận chuyển, tập kết hàng hoá nhập lậu, sản xuất, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng, hàng hoá không rõ nguồn gốc, vẫn còn tồn tại và ngày càng tinh vi.

Các nhóm hàng hoá, mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được xác định là lĩnh vực, nhóm mặt hàng nóng, đòi hỏi, yêu cầu các cơ quan quản lý các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát.

Đồng thời, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ "kép" phối hợp công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội gắn với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Một mặt, tập trung chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường triển khai hiệu quả ngay từ những ngày đầu năm 2021, đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021, bảo đảm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2021, đặc biệt trong các ngày từ 25/1 đến ngày 2/2/2021 diễn ra Đại hội Đại biểu lần thứ XII của Đảng tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, phòng ngừa, hạn chế tối đa và khắc phục kịp thời hậu quả các vụ việc vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm, đồng thời giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô trong thời gian diễn ra các sự kiện chính trị lớn trong năm.

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà lực lượng Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong thời gian qua. Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh cũng nhấn mạnh, năm 2021 là năm hết sức quan trọng, diễn ra Đại hội Đại biểu lần XII, và là năm có nhiều sự kiện quan trọng, trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Lợi dụng các yếu tố trên, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ có chiều hướng gia tăng.

Vì vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra xử lý vi phạm tại các địa bàn, tự điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt, xây dựng lực lượng ngày càng mạnh về tổ chức và chuyên môn - nghiệp vụ, kết hợp và đổi mới phương thức chỉ đạo điều hành theo hướng hiện đại, trên cơ sở đề ra kế hoạch trước mắt cũng như dài hạn có tính đột phá trong quản lý, điều hành nhằm ổn định sản xuất, kinh doanh tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.

Cũng tại hội nghị, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã trao tặng bằng khen cho 78 tập thể, các nhân có thành tích xuất sắc trong công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.

Phương Thúy