Chiều nay (4/1), tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã ký kết Thỏa thuận hợp tác đào tạo Đại học cho lực lượng Quản lý thị trường (QLTT).
Việc ký thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đào tạo đại học và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực lực lượng QLTT phục vụ hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, hơn 60 năm thành lập lực lượng QLTT, chưa có Trường Đại học nào ở Việt Nam đào tạo chính quy chuyên ngành này.
Trước đây, hầu hết công chức QLTT đều được đào tạo ở những ngành khác nhau và làm việc theo kinh nghiệm. Mặc dù lực lượng QLTT thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhưng do công tác đào tạo bồi dưỡng hầu như phụ thuộc vào việc gửi tới các trường đào tạo khác, chưa thực sự chuyên sâu vào lĩnh vực QLTT.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng QLTT mặc dù đã có những đổi mới nhưng vẫn chưa thật sự phù hợp, thiếu kiến thức cơ sở, nền tảng, còn nặng về đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đơn thuần, thiếu kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh xác định, đào tạo đại học về QLTT là định hướng chiến lược, quan trọng của lực lượng QLTT giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 và là điều kiện tiên quyết để phát triển lực lượng QLTT theo hướng chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại.
Trong năm 2020, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân xây dựng xong Chương trình và Giáo trình Đào tạo chính quy bậc Đại học chuyên ngành QLTT.
“Việc phối kết hợp đào tạo đại học cho lực lượng QLTT sẽ là tiền đề quan trọng để đào tạo nên một lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Nhân dân giao phó” Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế, khoa học công nghệ phát triển mạnh, công nghệ số được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, lực lượng QLTT chỉ có thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao khi có một đội ngũ công chức QLTT đủ lớn với trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản chính quy; biết ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào hoạt động QLTT.
Ông Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, 2021 là năm nhà trường kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống thành lập trường. Với bề dày giảng dạy, Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương tin tưởng, đội ngũ cán bộ, học sinh, sinh viên nhà trường, nhất là đội ngũ cán bộ, học sinh sinh viên của trường đang làm việc và công tác tại Bộ Công Thương sẽ là nhân tố quan trọng, tạo nền móng cho sự hợp tác hôm nay.
Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương cũng kỳ vọng, những chương trình đào tạo bồi dưỡng của nhà trường cùng sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT sẽ có được những cán bộ QLTT không chỉ có đủ phẩm chất năng lực mà còn có kỹ năng cần thiết xử lý những vấn đề phức tạp trong bối cảnh hiện nay khi kỹ thuật số, công nghệ cao đang phát triển.
“Dự kiến mỗi khóa đào tạo chuyên ngành QLTT sắp tới sẽ tuyển sinh khoảng 50-110 sinh viên”, Hiệu trưởng Phạm Hồng Chương chia sẻ.
Tại Lễ ký, ông Lý Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương cũng kỳ vọng, với bề dày hơn 60 năm kinh nghiệm đào tạo trình độ đại học về quản lý thương mại và kinh doanh thương mại cùng đội ngũ giảng viên hùng hậu Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ đào tạo và phát triển mạnh Chuyên ngành QLTT.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Thỏa thuận hợp tác, Vụ trưởng Lý Quốc Hùng đề nghị ngay sau Lễ ký, các đơn vị liên quan phối hợp triển khai ngay việc rà soát, xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận hợp tác. Theo đó, xác định rõ nhiệm vụ, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị thuộc mỗi bên, làm cơ sở rà soát, đôn đốc thực hiện đầy đủ, đảm bảo tiến độ, chất lượng từng nội dung.