Tờ The Korea Times vừa dẫn nhận định của Giáo sư Kim Jin-il thuộc trường Đại học Korea, đồng thời là cựu chuyên gia kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) giai đoạn 1996 – 1998 và 2003 – 2011, cảnh báo Hàn Quốc có thể đối mặt những thách thức tương tự như những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.
Giáo sư Kim Jin-il nhấn mạnh việc Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận thâm hụt thương mại tháng thứ 5 liên tiếp trong tháng 8 vừa qua là “điều hiếm gặp” và có thể được xem là dấu hiệu tiềm tàng của một cuộc khủng hoảng kinh tế nếu điều này tiếp tục kéo dài.
Trong tháng 8, Hàn Quốc đã ghi nhận mức thâm hụt thương mại cao nhất lịch sử, lên tới 9,47 tỷ USD do nhập khẩu tăng tới 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 66,15 tỷ USD; trong khi đó, xuất khẩu chỉ tăng 6,6% lên 56,5 tỷ USD. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Hàn Quốc như chất bán dẫn, sản phẩm hoá chất, và thiết bị di động đều sụt giảm mạnh từ 8% - 25%.
Giáo sư Kim Jin-il đánh giá Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á, đang trải qua thời kỳ hỗn loạn có thể so sánh với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
“Việc mất cân bằng cán cân thương mại có thể làm dấy lên nghi ngờ về các nền tảng kinh tế cơ bản của Hàn Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, thâm hụt thương mại không ở mức đáng lo ngại song cũng có thể được coi là dấu hiệu gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Hàn Quốc nếu không được cải thiện sớm", ông Kim Jin-il lưu ý.
Trong lịch sử kinh tế Hàn Quốc, thâm hụt thương mại từng chạm mức báo động khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009 diễn ra. Giới phân tích sẽ cần phải đánh giá thêm các chỉ số kinh tế quan trọng khác như tốc độ tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối, và nợ nước ngoài ngắn hạn để xác định rủi ro khủng hoảng kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2022 xuống mức 2,6%. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Hàn Quốc trong tháng 8 đã tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ giá giữa đồng Won của nước này với đồng USD đã rơi xuống mức thấp nhất trong 13 năm qua, xuống dưới ngưỡng 1.380 Won đổi 1 USD. Ngoài ra, tỷ lệ nợ nước ngoài ngắn hạn so với dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Tất cả những điều này làm dấy lên lo ngại rằng Hàn Quốc đang đứng bên bờ vực một cuộc khủng hoảng kinh tế mới. Trong cuộc họp về vấn đề kinh tế vào ngày 24/8 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tuyên bố sẽ nỗ lực ngăn chặn, không để xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính khác trong bối cảnh đồng Won giảm giá nhanh so với đồng USD và thâm hụt thương mại gia tăng.
Theo Giáo sư Kim Jin-il, tình trạng của nền kinh tế Hàn Quốc hiện tại cũng gần giống như những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Trong cả hai thời điểm, Hàn Quốc đều bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế khởi phát do các yếu tố bên ngoài nền kinh tế nước này.
Khi trả lời câu hỏi liệu Hàn Quốc có thể chịu được cuộc khủng hoảng kinh tế lần thứ ba nếu nó thật sự xảy ra không? Giáo sư Kim Jin-il cho rằng điều này “không chắc chắn” do các rủi ro do đại dịch Covid-19 gây ra là điều “hoàn toàn mới đối với toàn thế giới”.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Hàn Quốc còn đối mặt với các yếu tố rủi ro bên ngoài trong năm nay, gồm cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine, tắc nghẽn chuỗi cung ứng kéo dài, xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc, và đặc biệt là việc Hoa Kỳ siết chặt chính sách tiền tệ. Do đó, tình hình hiện nay “có sự khác biệt so với trước đây khiến nền kinh tế Hàn Quốc khó đối phó hơn”, theo Giáo sư Kim Jin-il.