Hàng giả trên thương mại điện tử: Chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa các vi phạm

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, thay vì kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, lực lượng Quản lý thị trường cả nước sẽ chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động 24/7.

Các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử vẫn gia tăng

Năm 2020-2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mua sắm online đã trở thành công cụ phổ biến hữu ích đối với người tiêu dùng. Sau giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam bứt phá. Số liệu thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, năm 2021, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đạt từ 13,5-13,7 tỷ USD. Năm 2022 con số này tăng lên 16,4 tỉ USD và dự báo đến 2025 đạt khoảng 38 - 39 tỉ USD.

Đáng chú ý, theo số liệu của VECOM, năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.

Chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa các vi phạm trên thương mại điện tử
Thay vì kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, lực lượng QLTT cả nước sẽ chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa các vi phạm trên thương mại điện tử

“Xu thế mua hàng của người tiêu dùng thay đổi nhanh chóng trong 2-3 năm trở lại đây và những năm tiếp theo với tất cả các mặt hàng, từ tiêu dùng, đồ ăn, nước uống, thời trang, mỹ phẩm... kéo theo dịch vụ hậu cần như chuyển phát, giao hàng cũng phát triển mạnh mẽ. Nhiều công ty chuyển phát lớn có doanh thu phát sinh cao đến 90-95% từ việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa online”, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh từng chia sẻ.

Song cũng theo Tổng Cục trưởng, thương mại điện tử đã và đang trở thành kênh tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng phổ biến, do vậy, trong khoảng 3 năm trở lại đây, lực lượng QLTT xác định công tác chống hàng giả trên môi trường thương mại điện tử là nhiệm vụ mới, mặt trận mới.

“Năm 2022 lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra 774 vụ, xử lý 439 vụ, phạt tiền gần 5,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa gần 11,5 tỷ đồng, chuyển hồ sơ 2 vụ sang cơ quan Cảnh sát điều tra liên quan đến những hành vi vi phạm về thương mại điện tử.

Những tháng đầu năm 2023, lực lượng QLTT cũng kiểm tra, phát hiện và xử lý hàng trăm vụ vi phạm. Song, đây vẫn là con số khá khiêm tốn so với thực tế”, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định và cho biết thêm, thống kê sơ bộ của Bộ Công Thương cũng cho thấy, trung bình mỗi năm có đến 1.500 khiếu nại của người tiêu dùng qua đường dây nóng, bằng văn bản liên quan đến việc mua sắm qua thương mại điện tử. Như vậy, mỗi ngày có từ 5-6 khiếu nại, phàn nàn về việc mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; chất lượng dịch vụ của bên bán hàng...

Số liệu mới nhất từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế, Bộ Công Thương công bố ngày 17/4 vừa qua cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Cục đã phát hiện có 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm đã được gỡ bỏ.

“Nếu không kiểm soát tốt môi trường online, vấn nạn hàng giả sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến lợi ích người tiêu dùng, đến uy tín của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính và uy tín của chính các website bán hàng”, Tổng Cục trưởng dự báo.

Chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa

Ngày 29/3/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 319/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025. Điều này một lần nữa khẳng định sự cấp thiết, cần thiết của Đề án trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

Trước khi Đề án được phê duyệt, để nâng cao hiệu quả hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn việc kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử, lãnh đạo Tổng cục QLTT đã chỉ đạo và yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tổ chức theo dõi thông tin, nắm tình hình địa bàn, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra việc tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử của các thương nhân, tổ chức, cá nhân.

Cùng với đó, ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác về Thương mại điện tử có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Tổng Cục trưởng trong công tác quản lý thị trường về thương mại điện tử.

Chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa các vi phạm trên thương mại điện tử
Lực lượng QLTT Thanh Hóa phối hợp kiểm tra 1 cơ sở kinh doanh với 4 kho hàng vi phạm, thường xuyên livestream bán hàng trên facebook

Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, lực lượng QLTT định hướng thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát.

Theo đó, thay vì kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, lực lượng QLTT cả nước sẽ chủ động giám sát, ưu tiên phòng ngừa, đặt mục tiêu trở thành lực lượng phản ứng nhanh, hoạt động 24/7.

Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.

“Thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, lực lượng QLTT sẽ xây dựng đội ngũ công chức, kiểm soát viên chuyên trách về thương mại điện tử, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về thương mại điện tử cho công chức QLTT. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng”, lãnh đạo Tổng cục QLTT nhấn mạnh.

Nguyên Vỵ