Hiệp định VKFTA: Cơ hội lớn về thu hút đầu tư

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã chính thức được ký kết, dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Việt Nam. Đặc biệt, so với Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA), V

Hàn Quốc cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ

TCCT: Theo kết quả đàm phán, sẽ có những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam được hưởng lợi ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Ông có thể nói rõ hơn cơ hội thị trường của những mặt hàng này như thế nào?

Ông Bùi Huy Sơn: Hiệp định VKFTA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015. Đây là hiệp định thương mại tự do thuộc loại thế hệ mới với phạm vi rộng, mức độ cam kết cao, do vậy, Hiệp định VKFTA dự báo sẽ mang lại những lợi ích kinh tế quan trọng cho Việt Nam từ tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư tới các vấn đề xã hội khác.

Với hàng xuất khẩu, Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...

Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc). Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia và Thái Lan (ví dụ với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15 ngàn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN).

Phía Hàn Quốc tự do hóa thuế quan tới hơn 95% số dòng thuế, tức là tới gần 10.000 dòng thuế. Điều đó nghĩa là bên cạnh những nhóm hàng trên, rất nhiều nhóm sản phẩm khác cũng có cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc, kể cả các nhóm hàng chế biến, chế tạo. Vấn đề là chúng ta cần nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường để khai thác cơ hội mới này.

Cơ hội lớn về thu hút đầu tư

TCCT: Việc ký kết Hiệp định được đánh giá sẽ mở ra cơ hội trong thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Ông đánh giá thế nào về những cơ hội này?

Ông Bùi Huy Sơn: Những năm qua, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng rõ rệt, đặc biệt từ sau khi Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) có hiệu lực. Nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc có cơ cấu tương đối tích cực, trong đó, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tới 57,6% tổng số vốn đầu tư (tính đến hết năm 2014), tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ (dệt may, giày dép,...) năng lượng, công nghiệp cơ khí,...

Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư đứng thứ nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 38,1 tỷ USD và 4.279 dự án (tính lũy kế đến 20/3/2015).

Hàn Quốc thuộc nhóm những quốc gia có trình độ công nghệ hàng đầu trên thế giới do vậy, việc tăng cường thu hút đầu tư của Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam.

Một vấn đề mang tính chiến lược cần được xem xét, đó là định hướng của Hàn Quốc nhằm xây dựng các trung tâm sản xuất lớn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều Hiệp định FTA quan trọng và xu hướng chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Các dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam vừa qua phần nào thể hiện sự quan tâm và xu hướng trên của Hàn Quốc. Nếu Việt Nam thắng lợi trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư của Hàn Quốc, chúng ta sẽ tham gia vững chắc hơn vào chuỗi sản xuất, cung cấp ở phạm vi khu vực và toàn cầu, thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc và kèm theo đó là các nhà cung cấp vệ tinh, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Hiệp định VKFTA được dự báo sẽ mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh Hiệp định, phía Hàn Quốc còn cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thông qua Thỏa thuận thực thi các cam kết hợp tác kinh tế, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực được ưu tiên.

Sức ép cạnh tranh mới từ VKFTA không quá lo ngại

TCCT: Với đối tác Hàn Quốc, Việt Nam đã có một thời gian tận dụng cơ hội từ Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) cùng các nước ASEAN. Vậy ông có thể đánh giá lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam từ VKFTA so với các doanh nghiệp trong ASEAN vốn đã cùng được hưởng lợi chung từ Hiệp định FTA ASEAN - Hàn Quốc từ trước tới nay?

Ông Bùi Huy Sơn: Như quý vị đã biết, AKFTA được ký kết vào tháng 6/2006 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2007. Hiệp định AKFTA đưa ra lộ trình cắt giảm thuế theo 3 nhóm chính là nhóm hàng thông thường, nhóm hàng nhạy cảm và nhóm hàng nhạy cảm cao. Việt Nam và các nước trong nhóm CLMV được ưu tiên thực hiện lộ trình cắt giảm thuế chậm hơn so với Hàn Quốc và các nước ASEAN-6 từ 5 đến 8 năm. Cụ thể như đối với nhóm hàng thông thường, Việt Nam sẽ hoàn thành quá trình cắt giảm vào ngày 01/01/2018 chậm hơn 6 năm so với ASEAN-6 và 8 năm so với Hàn Quốc, đối với nhóm hàng nhạy cảm Việt Nam cắt giảm thuế xuống 0-5% vào 01/01/2021, chậm 5 năm so với ASEAN-6 và 6 năm so với Hàn Quốc.

Đối với nhóm hàng nhạy cảm và nhạy cảm cao, theo AKFTA, các nước chỉ được hưởng ưu đãi trên cơ sở có đi có lại. Do Việt Nam thực hiện mở cửa thị trường cho Hàn Quốc muộn hơn các nước ASEAN-6 nên với một số nhóm hàng nhạy cảm của Hàn Quốc, chúng ta được hưởng ưu đãi muộn hơn các nước ASEAN-6. Vì vậy, với thỏa thuận FTA song phương, chúng ta có cơ hội đàm phán yêu cầu Hàn Quốc đẩy nhanh thời gian dành ưu đãi mở cửa thị trường cho Việt Nam, giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ cạnh tranh khác trong ASEAN.

Ngoài ra, AKFTA chưa thể hiện được nhu cầu và tiềm năng hợp tác riêng biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc do phải đạt sự đồng thuận chung của các nước trong khu vực. Do vậy, với Hiệp định VKFTA, ta có cơ hội trao đổi và xử lý cụ thể vấn đề hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn vệ sinh, dịch tễ, mà hiện tại đang là rào cản lớn nhất đối với hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc.

Tóm lại, việc kết thúc đàm phán Hiệp định VKFTA có phạm vi toàn diện, chất lượng cao, đúng thời hạn, phù hợp với trình độ phát triển hai nước, trong khi các nước trong khu vực chưa ký được (Hàn Quốc đàm phán với In-đô-nê-xia từ năm 2012 đang đình trệ) hoặc chất lượng thấp (FTA Hàn Quốc-Trung Quốc loại trừ tới hơn 600 dòng thuế), chắc chắn sẽ tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, các cam kết cắt giảm thuế quan của ta cân đối với tiến trình tự do hóa chung, các cuộc đàm phán đang diễn ra, đảm bảo thời gian quá độ, bảo hộ hợp lý đối với các ngành, sản phẩm nhạy cảm.

TCCT: Được biết, Việt Nam cũng cắt giảm nhiều dòng thuế cho những mặt hàng là thế mạnh của Hàn Quốc. Xin ông cho biết, những ngành hàng nào sẽ chịu sức ép cạnh tranh mới?

Ông Bùi Huy Sơn: Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước.

Trong quá trình đàm phán, chúng tôi đều tiến hành tham vấn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để đảm bảo lợi ích và giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Tất nhiên, khi thực hiện VKFTA, các doanh nghiệp trong một số ngành như dây cáp điện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, sản phẩm từ thép... sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh mới. Tuy nhiên, với những mặt hàng nhạy cảm, cam kết đều có lộ trình thực hiện để tránh sức ép cạnh tranh đột ngột. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều nhóm hàng của Việt Nam đã bắt nhịp và thậm chí cạnh tranh bình đẳng với các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản,... như sản phẩm thép, dây cáp điện,.. nên sức ép cạnh tranh mới từ Hiệp định VKFTA không quá lo ngại.

Doanh nghiệp cần bám sát lộ trình cắt giảm thuế

TCCT: FTA vẫn được đánh giá là cơ hội vàng, nhưng không phải là cây đũa thần. Với Hiệp định VKFTA được ký kết cùng rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam như đã nói ở trên, theo ông doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng tối đa cơ hội và giảm sức ép cạnh tranh?

Ông Bùi Huy Sơn: Trước hết, doanh nghiệp cần tìm hiểu cặn kẽ về các điều khoản ưu đãi cắt giảm thuế, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và các quy định về hàng hóa khác trong Hiệp định để xác định mặt hàng cụ thể phù hợp với trình độ sản xuất doanh nghiệp và nhu cầu thị trường Hàn Quốc. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình cắt giảm thuế quan nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương hướng hoạt động của doanh nghiệp theo hướng xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác, cụ thể là các đối tác Hàn Quốc. Hàn Quốc là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm nên các doanh nghiệp cần lưu ý nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

TCCT: Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những hoạt động gì để Hiệp định đi vào thực thi có hiệu quả, thưa ông?

Ông Bùi Huy Sơn: Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các bộ, ngành hữu quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân.

Về phần Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Ban chỉ đạo liên ngành về Hội nhập kinh tế quốc tế xây dựng Đề án tổng thể về công tác phổ biến, tuyên truyền về các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có Hiệp định VKFTA, theo hướng toàn diện, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Dự kiến, Đề án sẽ được triển khai ngay trong quý II năm nay.

Bên cạnh đó, các đơn vị hữu quan cũng được giao khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai các cam kết về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại,…

Chính phủ nói chung, Bộ Công Thương nói riêng đã luôn cố gắng tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất và cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu sắc trong một thế giới phẳng như hiện nay, điểm mấu chốt chính là tính chủ động của các doanh nghiệp, và chỉ các doanh nghiệp mới biết rõ nhất điều kiện và năng lực của mình và cần làm gì để đổi mới năng lực và sáng tạo nhằm cạnh tranh thắng lợi, hướng tới phát triển bền vững.

TCCT: Xin cảm ơn ông.