TCCT: Thưa ông, Hiệp định VKFTA vừa ký kết được dự báo là sẽ mang lại những tác động nhiều mặt tới Việt Nam. Xin ông nói rõ hơn tác động của Hiệp định với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?
Ông Bùi Huy Sơn: Hiệp định VKFTA là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015. Đây là Hiệp định thương mại tự do thuộc loại thế hệ mới với phạm vi rộng, mức độ cam kết cao, do vậy, Hiệp định VKFTA dự báo sẽ mang lại những lợi ích kinh tế quan trọng cho Việt Nam.
Nếu xét tổng thể, tương tự như tham gia WTO hay các FTA khác, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp ta hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Đây là lợi ích quan trọng trong dài hạn. Các lợi ích cụ thể có thể thấy như sau:
Đầu tiên là cơ hội tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là nhóm hàng Việt Nam có thế mạnh như nông, thủy sản, dệt may, đồ gỗ,… . Cơ hội này có được nhờ cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc, với mức độ tự do hóa tới 97,2% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam năm 2012 và 95,4% số dòng thuế.
Các cơ hội nhập khẩu hiệu quả hơn đối với các nhóm ngành hàng là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu cũng được tăng cường khi Việt Nam cắt giảm thuế quan với nhiều nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt, may, linh kiện điện tử,…
Thứ hai, việc thực hiện FTA với Hàn Quốc tạo cơ hội thúc đẩy đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam mang theo công nghệ cao, trình độ quản lý tiên tiến và cơ hội tiếp cận các thị trường thứ ba nhờ mạng lưới phân phối sẵn có của các công ty Hàn Quốc. Lợi ích quan trọng này có được dựa trên cơ sở các cam kết xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng, cùng với các cam kết bảo hộ, khuyến khích đầu tư theo thông lệ quốc tế, cũng như kết quả thu hút đầu tư từ Hàn Quốc thời gian qua sẽ giúp củng cố hơn nữa niềm tin của các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Một lợi ích nữa đó là môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ ngày càng được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm, đặc biệt tăng thêm phúc lợi cho nhóm lao động có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Các lợi ích này không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, xã hội trước mắt mà còn có ý nghĩa quan trọng về lâu dài.
Việc ký kết Hiệp định VKFTA là một bước đi cụ thể thực hiện chiến lược chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hỗ trợ quá trình chuyển dịch cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, góp phần tích cực phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc, theo hướng ổn định, lâu dài, góp phần duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Bộ trưởng hai nước cùng hai trưởng đoàn đàm phánTCCT: Theo kết quả đàm phán, sẽ có những mặt hàng có lợi thế của Việt Nam được hưởng lợi ngay khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Ông có thể nói rõ hơn cơ hội thị trường của những mặt hàng này như thế nào?
Ông Bùi Huy Sơn: Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí... Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm trong nước như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420% do đặc biệt nhạy cảm với Hàn Quốc). Nhờ vậy, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Inđô-nê-xia, Ma-lay-xia và Thái Lan (ví dụ với mặt hàng tôm, Hàn Quốc miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10 nghìn tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15 ngàn tấn/năm miễn thuế, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN).
Phía Hàn Quốc tự do hóa thuế quan tới hơn 95% số dòng thuế, tức là tới gần 10,000 dòng thuế. Điều đó nghĩa là bên cạnh những nhóm hàng trên, rất nhiều nhóm sản phẩm khác cũng có cơ hội tiếp cận thị trường Hàn Quốc, kể cả các nhóm hàng chế biến, chế tạo. Vấn đề là chúng ta cần nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường để khai thác cơ hội mới này.
TCCT: Việc ký kết Hiệp định được đánh giá sẽ mở ra cơ hội trong thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Ông đánh giá thế nào về những cơ hội này?
Ông Bùi Huy Sơn: Những năm qua, đặc biệt từ sau khi Hiệp định AKFTA có hiệu lực, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam tăng rõ rệt. Nguồn vốn đầu tư của Hàn Quốc có cơ cấu tương đối tích cực, trong đó, tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tới 57,6% tổng số vốn đầu tư (tính đến hết năm 2014), tập trung vào các ngành công nghiệp nhẹ (dệt may, giày dép,...) năng lượng, công nghiệp cơ khí,...
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư đứng thứ nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt hơn 38,1 tỷ USD và 4.279 dự án (tính lũy kế đến 20 tháng 3 năm 2015).
Hàn Quốc thuộc nhóm những quốc gia có trình độ công nghệ hàng đầu trên thế giới hiện nay. Do vậy, việc tăng cường thu hút đầu tư của Hàn Quốc trong thời gian tới, với cơ cấu tích cực như trên, cùng với các biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, sẽ giúp nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất của Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Một vấn đề mang tính chiến lược cần được xem xét, đó là định hướng của Hàn Quốc nhằm xây dựng các trung tâm sản xuất lớn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia đàm phán nhiều Hiệp định FTA quan trọng như TPP, Liên minh hải quan, EU... và xu hướng chuyển hướng đầu tư sang các nước Đông Nam Á của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Trung Quốc.
Các dự án đầu tư lớn của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam thời gian qua phần nào thể hiện sự quan tâm và xu hướng trên của Hàn Quốc. Nếu Việt Nam thắng lợi trong cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư của Hàn Quốc, chúng ta sẽ tham gia vững chắc hơn vào chuỗi sản xuất, cung cấp ở phạm vi khu vực và toàn cầu, thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn của Hàn Quốc và kèm theo đó là các nhà cung cấp vệ tinh, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo việc làm, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Đây là cơ hội để dành được lợi ích mang tính chiến lược, dài hạn đối với nền kinh tế.
Hiệp định VKFTA với các cam kết bảo hộ, khuyến khích đầu tư, cũng như các cam kết về minh bạch hóa chính sách, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng và thông qua tác động tổng thể của cam kết tự do hóa thương mại,... chắc chắn sẽ tạo nên môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.
Cùng với Hiệp định VKFTA, phía Hàn Quốc còn cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thông qua Thỏa thuận thực thi các cam kết hợp tác kinh tế, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực được ưu tiên.
Ngành dệt may sẽ có nhiều cơ hội từ Hiệp định VKFTADoanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn
TCCT: Với đối tác Hàn Quốc, Việt Nam đã có một thời gian tận dụng cơ hội từ Hiệp định ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA) cùng các nước ASEAN. Vậy ông có thể đánh giá lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam từ VKFTA so với các doanh nghiệp trong ASEAN vốn đã cùng được hưởng lợi chung từ Hiệp định FTA ASEAN – Hàn Quốc từ trước tới nay?
Ông Bùi Huy Sơn: Như quý vị đã biết, AKFTA được ký kết vào tháng 6 năm 2006 và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 năm 2007. Hiệp định AKFTA đưa ra lộ trình cắt giảm thuế theo 3 nhóm chính là nhóm hàng thông thường, nhóm hàng nhạy cảm và nhóm hàng nhạy cảm cao. Việt Nam và các nước trong nhóm CLMV được ưu tiên thực hiện lộ trình cắt giảm thuế chậm hơn so với Hàn Quốc và các nước ASEAN-6 từ 5 đến 8 năm. Cụ thể như đối với nhóm hàng thông thường, Việt Nam sẽ hoàn thành quá trình cắt giảm vào ngày 01 tháng 01 năm 2018 chậm hơn 6 năm so với ASEAN-6 và 8 năm so với Hàn Quốc, đối với nhóm hàng nhạy cảm Việt Nam cắt giảm thuế xuống 0-5% vào 01 tháng 01 năm 2021, chậm 5 năm so với ASEAN-6 và 6 năm so với Hàn Quốc.
Đối với nhóm hàng nhạy cảm và nhạy cảm cao, theo AKFTA, các nước chỉ được hưởng ưu đãi trên cơ sở có đi có lại. Do Việt Nam thực hiện mở cửa thị trường cho Hàn Quốc muộn hơn các nước ASEAN-6 nên với một số nhóm hàng nhạy cảm của Hàn Quốc, chúng ta được hưởng ưu đãi muộn hơn các nước ASEAN-6. Vì vậy, với thỏa thuận FTA song phương, chúng ta có cơ hội đàm phán yêu cầu Hàn Quốc đẩy nhanh thời gian dành ưu đãi mở cửa thị trường cho Việt Nam, giúp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ cạnh tranh khác trong ASEAN.
Ngoài ra, một trong những hạn chế của Hiệp định FTA ASEAN-Hàn Quốc là các nội dung hợp tác đều phải đạt được sự đồng thuận của tất cả các nước trong khi các nước ASEAN có trình độ phát triển khác nhau vì thế Hiệp định đa phương này chưa thể hiện được nhu cầu và tiềm năng hợp tác riêng biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Do vậy, trong khuôn khổ FTA song phương, ta có cơ hội trao đổi và xử lý cụ thể vấn đề hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn vệ sinh, dịch tễ, mà hiện tại đang là rào cản lớn nhất đối với hàng nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đồng thời là hạn chế của AKFTA do không thể đạt hiệu quả cao vì phải đạt được đồng thuận với các nước ASEAN khác.
Tóm lại, việc kết thúc đàm phán Hiệp định VKFTA có phạm vi toàn diện, chất lượng cao, đúng thời hạn, phù hợp với trình độ phát triển hai nước, trong khi các nước trong khu vực chưa ký được (Hàn Quốc đàm phán với In-đô-nê-xia từ năm 2012 đang đình trệ) hoặc chất lượng thấp (FTA Hàn Quốc-Trung Quốc loại trừ tới hơn 600 dòng thuế), chắc chắn sẽ tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Đồng thời, các cam kết cắt giảm thuế quan của ta cân đối với tiến trình tự do hóa chung, các cuộc đàm phán đang diễn ra, đảm bảo thời gian quá độ, bảo hộ hợp lý đối với các ngành, sản phẩm nhạy cảm.
Doanh nghiệp cần chủ động hội nhập
TCCT: Được biết, Việt Nam cũng cắt giảm nhiều dòng thuế cho những mặt hàng là thế mạnh của Hàn Quốc. Xin ông cho biết, những ngành hàng nào sẽ chịu sức ép cạnh tranh mới sau khi Hiệp định ký kết và mức độ ảnh hưởng đến đâu, thưa ông?
Ông Bùi Huy Sơn: Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước.
Trong quá trình đàm phán, chúng tôi đều tiến hành tham vấn doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng để đảm bảo lợi ích và giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.
Tất nhiên, khi thực hiện VKFTA, các doanh nghiệp trong một số ngành như dây cáp điện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, sản phẩm từ thép... sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh mới. Tuy nhiên, với những mặt hàng nhạy cảm, cam kết đều có lộ trình thực hiện để tránh sức ép cạnh tranh đột ngột. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều nhóm hàng của Việt Nam đã bắt nhịp và thậm chí cạnh tranh bình đẳng với các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản,... như sản phẩm thép, dây cáp điện,.. nên sức ép cạnh tranh mới từ Hiệp định VKFTA không quá đáng lo ngại.
TCCT: FTA vẫn được đánh giá là cơ hội vàng, nhưng không phải là cây đũa thần. Với Hiệp định VKFTA được ký kết cùng rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam như đã nói ở trên, theo ông doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để tận dụng tối đa cơ hội và giảm sức ép cạnh tranh?
Ông Bùi Huy Sơn: Để tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế thách thức từ Hiệp định VKFTA, doanh nghiệp trong nước trước hết cần tìm hiểu cặn kẽ về các điều khoản ưu đãi cắt giảm thuế, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và các quy định về hàng hóa khác trong Hiệp định VKFTA để xác định mặt hàng cụ thể phù hợp với trình độ sản xuất doanh nghiệp và nhu cầu thị trường Hàn Quốc. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình cắt giảm thuế quan nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương hướng hoạt động của doanh nghiệp theo hướng xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác, cụ thể là các đối tác Hàn Quốc.
Đối với các sản phẩm nông thủy sản, mặc dù ta đã xây dựng được cơ chế tham vấn, giải quyết vấn đề phát sinh liên quan đến hàng nông thủy sản nhưng Hàn Quốc là thị trường có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Vì vậy, để khai thác thành công thị trường này, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đạt trình độ kỹ thuật phù hợp, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh. Đó cũng là yêu cầu thiết yếu để doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh thắng lợi ngay tại thị trường trong nước.
Hiệp định có phạm vi rộng và tác động tổng thể, tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới, do vậy, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy, nắm bắt diễn biến thị trường, phát hiện, khai thác những cơ hội kinh doanh mới để không bị tụt hậu và cạnh tranh thắng lợi.
Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp
TCCT: Với tư cách là Trưởng đoàn đàm phán, ông có thể chia sẻ yếu tố nào là thuận lợi nhất và yếu tố nào là khó khăn nhất trong quá trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định, và yêu cầu đặt ra với các các cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Bùi Huy Sơn: Trong quá trình đàm phán Hiệp định VKFTA, hai Bên cũng đã thống nhất nội dung Thỏa thuận thực thi các cam kết hợp tác kinh tế, theo đó, phía Hàn Quốc hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực xây dựng, thực thi chính sách, nâng cao sức cạnh tranh của các lĩnh vực Hàn Quốc có tiềm năng và Việt Nam có nhu cầu hợp tác để cạnh tranh xuất khẩu bền vững như Nông nghiệp, Thủy sản và Lâm nghiệp; Công nghiệp điện tử, Công nghiệp lọc hóa dầu, Công nghiệp hỗ trợ,....
Về mặt khách quan, yếu tố thuận lợi cho quá trình đàm phán là cơ cấu kinh tế mang tính bổ trợ của hai nền kinh tế. Về mặt chủ quan, đoàn đàm phán luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp liên quan.
Cũng như các cuộc đàm phán khác, yếu tố khó khăn xuất phát từ yêu cầu rất cao của Hàn Quốc trong khi Việt Nam đã cam kết với Nhật Bản trước kia và hiện đang đàm phán với các đối tác có trình độ phát triển cao như EU, các nước TPP.
Thực hiện cam kết của Hiệp định, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải không ngừng hoàn thiện, nâng cao năng lực quản lý, tuân thủ các quy định và sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh trong bối cảnh hoạt động thương mại, đầu tư sẽ tăng nhanh về quy mô và đa dạng, phức tạp về bản chất.
TCCT: Xin ông cho biết, Chính phủ Việt Nam nói chung và về Bộ Công Thương nói riêng sẽ có những hoạt động gì tiếp theo để Hiệp định đi vào thực thi có hiệu quả, mang lại cơ hội nhiều nhất cho doanh nghiệp và người dân?
Ông Bùi Huy Sơn: Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và các Bộ, ngành hữu quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ cụ thể tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân.
Về phần Bộ Công Thương, nhằm hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Ban chỉ đạo liên ngành về Hội nhập kinh tế quốc tế xây dựng Đề án tổng thể về công tác phổ biến, tuyên truyền về các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có Hiệp định VKFTA, theo hướng toàn diện, thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Dự kiến, Đề án sẽ được triển khai ngay trong quý II năm nay.
Bên cạnh đó, các đơn vị hữu quan cũng được giao khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn triển khai các cam kết về thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, hướng dẫn doanh nghiệp về thủ tục ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại,…Các cơ quan chức năng của Bộ cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội thị trường, tìm kiếm đối tác và phát triển sản phẩm mới.
Như vậy, có thể nói Chính phủ nói chung, Bộ Công Thương nói riêng đã luôn cố gắng tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi nhất và cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh. Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu sắc trong một thế giới phẳng như hiện nay, điểm mấu chốt cần có chính là tính chủ động của các doanh nghiệp, và chỉ các doanh nghiệp mới biết rõ nhất điều kiện và năng lực của mình và cần làm gì để đổi mới năng lực và sáng tạo nhằm cạnh tranh thắng lợi, hướng tới phát triển bền vững.
TCCT: Xin cảm ơn ông.