Để tìm lời giải đáp cho những vấn đề này, phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn riêng Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ngay sau lễ ký kết.
DN phải giữ chữ tín hàng đầu
Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm nông sản như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang… vốn được coi là lợi thế của Việt Nam so sánh với các nước khác. Vậy theo Bộ trưởng, DN trong nước phải đáp ứng những yêu cầu gì khi xuất khẩu những mặt hàng này?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Cụ thể, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế, đặc biệt trong đó có nhiều nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như tôm, cua, cá, hoa quả nhiệt đới và hàng công nghiệp như dệt may, đồ gỗ, sản phẩm cơ khí...
Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường đối với những sản phẩm hết sức nhạy cảm với nước này như: tỏi, gừng, mật ong, khoai lang... (thuế suất những mặt hàng này rất cao từ 241-420%).
Nhu cầu tiêu thụ của người Hàn Quốc đối với các mặt hàng nhạy cảm trên được chúng tôi đánh giá là khá cao. Điều này cũng đồng nghĩa với việc họ có yêu cầu rất cao về chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì lẽ đó, từ nhiều năm nay, Hàn Quốc duy trì mức thuế nhập khẩu rất cao đối với nhóm hàng này. Do vậy, mặc dù nhiều nước có khả năng sản xuất ra những loại hàng hoá này nhưng lại không thể xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc.
Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc đồng ý mở cửa thị trường các loại hàng hoá này với Việt Nam thông qua việc đưa thuế suất về mức ưu đãi rất thấp chứng tỏ thiện chí của phía Hàn Quốc với chúng ta.
Về phía Việt Nam, để đáp lại thiện chí đó, bản thân các DN xuất khẩu phải chú ý việc giữ chữ tín là hàng đầu, trong đó bao gồm có giá cả, chất lượng và đặc biệt là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để làm được việc này, không có cách nào khác là người nông dân Việt Nam cũng như các DN của chúng ta phải tôn trọng quy tình sản xuất và các vấn đề liên quan đến sử dụng chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu. Chúng ta không được để xảy ra tình trạng như trước đây khi nhiều nước mở cửa cho hàng hoá Việt Nam. Lúc đầu chấp hành tương đối tốt nhưng một thời gian sau các DN lại không thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, về kiểm dịch dẫn đến việc nước bạn phát hiện ra nhiều sai phạm. Thậm chí có nước đã ngừng nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam dẫn đến tổn thất lớn cho đất nước, cho DN xuất khẩu và cho người sản xuất.
Đây là điều tôi rất muốn các DN Việt Nam đặc biệt lưu ý, không chỉ đối với quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc trong thời điểm hiện tại mà kể cả trong quan hệ thương mại với các đối tác khác.
Một trong những điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Tuy nhiên, điều này sẽ là thuận lợi hay thách thức với các DN Việt Nam khi chúng ta cũng mở cửa các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 phân khối trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng... với phía nước bạn?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Chúng ta phải nhìn được hai mặt của vấn đề khi nhập khẩu linh, phụ kiện công nghiệp của Hàn Quốc về Việt Nam, nhất là trong công nghiệp chế tạo và điện tử.
Mặt tích cực là việc này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong nước mà chúng ta còn thiếu, vì hiện nay chúng ta chưa sản xuất được nhiều loại linh kiện. Tuy nhiên, những sản phẩm này sẽ khiến cho khả năng cạnh tranh của sản phẩm cùng loại do Việt Nam sản xuất sẽ khó đứng vững được, chưa nói đến việc phát triển ra thị trường bên ngoài.
Vì vậy, không có con đường nào khác là DN Việt Nam phải vươn lên, tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới có cơ hội phát huy được thế mạnh của chúng ta.
Tôi nghĩ rằng chúng ta đã có nhiều bài học về hội nhập trong thời gian vừa qua khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký các hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN, hiệp định thương mại tự do của ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn độ, Nhật Bản, New Zealand,…
Vì thế, nếu chúng ta tận dụng được cơ hội này để biến thách thức thành thời cơ bằng cách trước mắt chúng ta chấp nhận nhập khẩu một phần nhưng về lâu dài sẽ đảm bảo được hàng hoá trong nước và xuất khẩu.
Là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương có cơ chế gì hỗ trợ cho DN tận dụng được thời cơ mà Hiệp định này mang lại, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Bộ Công Thương cũng xác định, việc đầu tiên là phải có chính sách phù hợp cho nền công nghiệp hỗ trợ và có cơ chế mạnh mẽ hơn, khuyến khích DN trong nước phát triển.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay khuôn khổ pháp lý cho phát triển công
nghiệp của chúng ta chưa đủ nên cần có khuôn khổ pháp lý thuận lợi hơn trong thời gian sớm
nhất.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, giải thích, vận động và
động viên các DN vươn lên khắc phục khó khăn để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất
lượng của các hàng hoá.
Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều của Vịêt Nam và Hàn Quốc đã vượt 30 tỷ USD vào cuối năm 2014, thế nhưng để đạt mục tiêu đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều lên 70 tỷ USD vào năm 2020 liệu có khả thi trong khi hiện nay Việt Nam đang nhập siêu không? Hiệp định này khi có hiệu lực liệu có giúp cán cân thương mại hai nước cân bằng không thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hiện nay, trong quan hệ thương mại với Hàn Quốc, ta đang nhập siêu và tình hình nhập siêu này còn có thể tiếp tục trong vài năm tới. Tuy nhiên, với nội dung mà Hiệp định đã thống nhất, nhiều sản phẩm hiện nay của Việt Nam đang xuất khẩu với số lượng rất ít vào Hàn Quốc sẽ có mức tăng đột biến trong thời gian tới như nông sản, hoa quả, dệt may, da giày…
Sau vài năm nữa, khi năng lực sản xuất trong nước tăng lên, chất lượng cao lên thì tôi chắc chắn rằng mức tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ lớn hơn bây giờ rất nhiều.
Từ xưa đến nay, chúng ta vẫn đang nhập khẩu từ Hàn Quốc các mặt hàng chủ yếu là: máy móc, thiết bị, linh kiện, phụ kiện… Vì vậy, sau khi Hiệp định có hiệu lực thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu các mặt hàng này. Do đó, kim ngạch nhập khẩu của chúng ta vẫn tăng nhưng chắc chắn sẽ không thể tăng bằng mức xuất khẩu.
Có nghĩa là khoảng cách chênh lệch giữa xuất nhập khẩu của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ thu hẹp lại. Tôi tin rằng mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước đạt 70 tỷ USD vào năm 2020 sẽ thành hiện thực. Sự chênh lệch cán cân thương mại chắc chắn sẽ vẫn còn nhưng sẽ không lớn như hiện nay.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!