Sử dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh viêm họng sẽ có tác dụng nhanh chóng nhưng cũng để lại tác dụng phụ cho cơ thể. Chính vì vậy, nhiều người rất thích sử dụng các liệu pháp chữa bệnh từ thiên nhiên hơn. Trong đó, lá trầu không là một phương pháp chữa bệnh viêm họng đơn giản nhưng hiệu quả thật bất ngờ.
Tác dụng của lá trầu không trong chữa bệnh viêm họng
Trầu không (danh pháp khoa học: Piper betle) vừa là một loại cây mang tính gia vị vừa là một loại cây thuốc. Phần lá của loại cây này có khả năng điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có bệnh viêm họng.
Trong Y học Cổ truyền, lá trầu không mang trong mình tính ấm, vị cay nhẹ và mùi thơm nồng. Dược liệu có tác dụng làm ấm cơ thể, làm ấm cổ họng và khử phong tán hàn. Bên cạnh đó, nhờ tính ấm, vị cay nồng và một số hoạt chất có lợi, lá trầu không có khả năng sát khuẩn, kháng viêm, giúp tiêu viêm, tiêm đờm và tiêu diệt nhanh một số loại vi khuẩn gây hại.
Trong Y học hiện đại, bên trong lá trầu không chứa một lượng lớn tinh dầu với đông đảo những hoạt chất có lợi mang tên: Chavicol, cađinen và betel-phenol (hay 3-hyđrôxy-4-mêtôxyankylbenzen hoặc chavibetol). Những hoạt chất này có khả năng kháng viêm, kháng khuẩn một cách mạnh mẽ. Nhờ đó giúp người bệnh tiêu viêm, ức chế hoạt động và sự phát triển của các tác nhân gây hại. Hơn thế, hoạt chất chavicol, cađinen và betel-phenol còn có khả năng làm giảm tình trạng ngứa ngáy và đau rát tại vùng cổ họng hoặc vùng da đang bị viêm nhiễm. Đồng thời thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, giảm sưng và giảm viêm.
Từ những công dụng hữu hiệu nêu trên, cách chữa viêm họng bằng lá trầu không không chỉ giúp người bệnh cải thiện tốt bệnh viêm họng mà còn làm ẩm cổ họng, giúp cổ họng trở nên dễ chịu hơn. Đồng thời khắc phục nhanh những triệu chứng khó chịu gồm: Đau buốt họng, rát họng, khó nói, sốt, đau đầu…
Lá trầu không có thể dùng riêng biệt hoặc kết hợp thêm các vị thuốc có tính kháng khuẩn, sát trùng tương tự để tăng hiệu quả chữa viêm họng. Người bị viêm họng có thể tham khảo một vài cách làm đơn giản sau:
Gợi ý một số cách dùng lá trầu không để chữa bệnh viêm họng
Lá trầu không với gừng
Cách làm:
Chọn củ gừng già, rửa sạch, thái lát mỏng khoảng 5 lát; 10 lá trầu không già rửa sạch. Giã nát gừng và trầu không đến dập nhuyễn. Ngâm với khoảng 300ml nước sôi để khoảng 30 phút sau đó lọc lấy nước. Uống mỗi ngày 1 lần từng ngụm nhỏ, có thể cho thêm một chút muối trắng cũng có tính sát khuẩn rất tốt. Kiên trì áp dụng bạn sẽ thấy giảm ho theo từng ngày.
Lá trầu không và mật ong
Mật ong chứa thành phần carbohydrate có tác dụng tiêu viêm, giảm đau, giảm sưng và giúp làm lành nhanh các tổn thương. Bên cạnh đó, mật ong còn chứa các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, có tác dụng cải thiện sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch và phòng ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm. Kết hợp mật ong và trầu không sẽ tạo ra một bài thuốc có tác dụng loại bỏ các triệu chứng của viêm họng.
Cách làm:
Lấy 10 lá trầu không rửa sạch rồi ngâm trong nước muối pha loãng 15 phút. Sau đó rửa lá trầu không một lần nữa và cho vào cối giã nát, rồi cho ra bát. Đổ thêm 300ml nước đã đun sôi vào trộn đều, ngâm trong thời gian khoảng 30 phút. Chắt bỏ bã lấy nước, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 50ml cùng với mật ong. Uống liên tục trong 3 ngày sẽ thấy triệu chứng thuyên giảm.
Lưu ý không nên áp dụng cách này cho trẻ dưới 1 tuổi, bởi mật ong chứa những hoạt chất không tốt cho trẻ.
Dùng lá trầu không để chữa khản tiếng
Dùng 10 lá trầu không rửa sạch bằng nước muối loãng sau đó giã nát rồi đổ 500ml nước sôi ngâm trong 30 phút. Sau đó vắt bỏ bã lấy nước trộn với 1 thìa cà phê muối tinh. Dùng nước xúc họng khi mới ngủ dậy và sau khi ăn.
Lưu ý khi dùng lá trầu không để chữa bệnh viêm họng
Chọn lá trầu không có màu xanh đậm (lá già hoặc lá bánh tẻ) vì những lá này chứa nhiều tinh dầu, hoạt chất hơn lá non, có tác dụng tiêu diệt và ức chế vi khuẩn gây bệnh tốt hơn. Rửa sạch lá trầu và các nguyên liệu trước khi sử dụng. Nên rửa bằng nước muối pha loãng để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn.
Những trường hợp sau đây không nên dùng lá trầu không để chữa viêm họng: Phụ nữ đang mang thai; Trẻ nhỏ hoặc người mắc các bệnh lý nguy hiểm khác; Người có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh lý về dạ dày như viêm dạ dày, loét dạ dày, viêm xung huyết dạ dày,…)
Nếu áp dụng phương pháp này mà thấy cơ thể có biểu hiện bất thường phải dừng lại ngay như mệt mỏi, choáng váng,…