Vào lúc 9h00 sáng hôm nay ngày 7/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tháng 12/2021 tiếp tục giảm 0,23% xuống còn 80,87 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 11/2021 giảm mạnh 0,58% xuống còn 76,98 USD/thùng.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/10 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giảm 1,8% xuống còn 81,08 USD/thùng; giá dầu thô WTI cũng giảm 1,9% xuống còn 77,43 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent chạm mức 83,47 USD/thùng – mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2018; giá dầu thô WTI chạm ngưỡng 79,78 USD/thùng – mức cao kỷ lục kể từ hồi tháng 11/2014.
Giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm chủ yếu bởi hoạt động chốt lời của giới đầu tư cùng với việc Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng mạnh thêm 2,3 triệu thùng. Con số này hoàn toàn trái ngược với các dự báo giảm của giới quan sát; Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cũng cho biết lượng tồn trữ xăng dầu tại nước này cũng đã tăng lên trong tuần trước.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm sau khi Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm cho biết Hoa Kỳ có thể tìm cách hạ nhiều giá dầu thông qua việc xả bán lượng lớn kho dầu dự trữ chiến lược hoặc cấm khẩu dầu thô.
Trước đó, vào năm 2015, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu thô khi hoạt động khai thác dầu đá phiến bùng nổ, giúp biến nước này thành quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất thế giới trong năm 2020. Hoa Kỳ hiện đang xuất khẩu hơn 3 triệu thùng dầu thô/ngày, tương đương 3% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hiện sản lượng khai thác dầu thô của nước này đạt 11,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức kỷ lục 13 triệu thùng/ngày hồi năm 2019.
Nhiều nhà phân tích hiện cảnh báo đà tăng vọt của giá dầu thô hiện nay sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát và tạo ra các rủi ro đối với quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô Brent đã tăng vọt hơn 50% khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu phục hồi mạnh nhưng nguồn cung dầu thô suy yếu. Giá nhiều nhóm hàng năng lượng khác như khí tự nhiên và than hiện cũng đang đạt mức cao nhất lịch sử tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản.
Việc liên minh OPEC+ quyết định chỉ tăng sản lượng khai thác trong tháng 11/2021 thêm 400.000 thùng/ngày như kế hoạch trước đây đã giúp giá dầu thô củng cố tốt trên ngưỡng 80 USD/thùng. Mức tăng sản lượng này thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng của một số quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn như Hoa Kỳ và Ấn Độ.