Hưởng lợi từ giá lợn tăng và tự cung ngô nguyên liệu
Trong nửa đầu năm nay, doanh thu của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã cổ phiếu HAG – sàn HoSE) đạt 3.147 tỷ đồng, tăng mạnh 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lãi ròng chỉ đạt 405 tỷ đồng, giảm 22% so với nửa đầu năm 2022.
Biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này cũng giảm 3% điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do giá heo hơi giảm nhẹ và chi phí thức ăn chăn nuôi cao hơn đã ảnh hưởng đến lợi nhuận mảng chăn nuôi heo. Hoàng Anh Gia Lai hiện hoạt động kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực canh tác cây ăn trái với 10.000 ha đất trồng cây và chăn nuôi heo với 10 cụm trang trại chăn nuôi (tổng công suất 600.000 con heo thịt/năm).
Điểm sáng là biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai đã phục hồi từ gần 0% trong quý 1/2023 lên mức 12% trong quý 2/2023. Theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán Vietcap, mảng chăn nuôi heo của Hoàng Anh Gia Lai có thể được hưởng lợi từ việc giá heo hơi phục hồi trong nửa cuối năm 2023 và chi phí thức ăn chăn nuôi rẻ hơn nhờ tự cung ngô nguyên liệu.
Cụ thể, giá heo hơi tại Việt Nam trong tháng 7/2023 đạt mức trung bình 61.000 đồng/kg, tăng 23% so với mức đáy hồi tháng 3/2023. Trong nửa cuối năm nay, giá heo hơi được nhận định sẽ tiếp tục tăng nhờ chênh lệch cung - cầu.
Về phía nhu cầu, tiêu thụ thịt heo sẽ tiếp tục tăng tong những tháng cuối năm nay khi lạm phát hạ nhiệt và mảng du lịch và khách sạn tiếp tục phục hồi. Về phía nguồn cung, tăng trưởng nguồn cung thịt heo sẽ diễn ra chậm hơn so với nhu cầu do chi phí thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao so mức trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra; đồng thời, tình hình dịch tả lợn châu Phi hiện tại, sẽ khiến nông dân ngại tái đàn. Theo dữ liệu của hãng thức ăn chăn nuôi Anova Feed, các hộ chăn nuôi hiện chiếm đến 38% tổng nguồn cung heo tại Việt Nam.
Hiện Hoàng Anh Gia Lai còn có lợi thế là tự cung ngô nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi. Trong năm nay, doanh nghiệp này lên kế hoạch trồng 2.000 ha ngô để sản xuất thức ăn chăn nuôi và bắt đầu thu hoạch kể từ cuối tháng 7/2023.
Trong thời gian vừa qua, tập đoàn này đã sử dụng chuối (thân chuối và trái thải loại) để làm thức ăn chăn nuôi heo. Nguồn thức ăn này giúp Hoàng Anh Gia Lai tiết kiệm được khoảng 40% chi phí thức ăn; 60% chi phú thức ăn còn lại là thức ăn khác mua ngoài (ngô, đậu tương…). Chi phí thức ăn thường chiếm khoảng 60% tổng chi phí chăn nuôi heo.
Do đó, việc tăng cường tự cung ngô làm thức ăn chăn nuôi sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi lợn của Hoàng Anh Gia Lai trong nửa cuối năm 2023. Hiện doanh nghiệp này dự kiến duy trì công suất chăn nuôi ở mức 600.000 con/năm và đặt kế hoạch sản xuất năm nay ở mức 300.000 con heo, tăng 2% so với năm 2022.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Nhu cầu tiêu thụ chuối của Trung Quốc ngày càng tăng
Đối với mảng trái cây, Hoàng Anh Gia Lai được nhận định là doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc nhu cầu tiêu thụ trái cây của Trung Quốc ngày càng tăng. Tháng 11/2022, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Nghị định thư về việc xuất khẩu chuối. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, Nghị định thư này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhờ đảm bảo giá xuất khẩu ổn định, hỗ trợ thông quan tại cửa khẩu và nâng cao uy tín của chuối từ thị trường Việt Nam.
Sau khi Nghị định thư này được ký kết, xuất khẩu chuối của Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023, lần lượt tăng 40% về mặt khối lượng và 23% về mặt giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Hoàng Anh Gia Lai là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu chuối hàng đầu tại Việt Nam và thị trường Trung Quốc chiếm 80% - 90% sản lượng chuối xuất khẩu của tập đoàn này.
Trong tháng 5 vừa qua, Hoàng Anh Gia Lai đã lập một công ty liên kết ở Trung Quốc. Trong đó phía Hoàng Anh Gia Lai nắm 50% vốn điều lệ, đối tác Trung Quốc nắm 50% vốn. Việc lập công ty liên kết là để tập đoàn này có thể đưa thẳng chuối vào tiêu thụ tại kênh siêu thị thay vì xuất khẩu chuối sỉ như hiện tại. Theo chia sẻ của đại diện Hoàng Anh Gia Lai thì với kênh tiêu thụ này, phía đối tác Trung Quốc sẽ giúp tập đoàn tiêu thụ khoảng 100 container chuối mỗi tháng.
Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai chưa có kế hoạch mở rộng diện tích trồng trọt trong năm nay. Vừa qua, doanh nghiệp này cho biết đang trồng 1.000 ha sầu riêng tại Việt Nam và Lào với giá vốn “tương đối thấp”, dự kiến sau khi đi vào thu hoạch sẽ mang lại mức doanh thu đáng kể.
Giữa tháng 6/2023, Hoàng Anh Gia Lai đã chính thức hợp nhất Công ty Cổ phần Lê Me vào tập đoàn. Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai ông Đoàn Nguyên Đức từng cho biết Lê Me đang nắm giữ 5.000 ha đất tại Campuchia trong đó có 3.000 ha đã hoàn tất thủ tục, 2.000 ha đang làm thủ tục. Bên cạnh đó, Lê Me cũng dự kiến xin thêm 5.000 ha đất tại Campuchia, nâng tổng quỹ đất lên 10.000 ha.
Hoàng Anh Gia Lai hiện đặt mục tiêu doanh thu gộp và lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh trái cây năm 2023 lần lượt đạt khoảng 2.400 tỷ đồng và 720 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 16/8, cổ phiếu HAG đạt 9.200 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức đáy hồi cuối tháng 3/2023, thị giá cổ phiếu HAG hiện đã tăng gần 27%. Đáng chú ý, sau khi lên mức cao nhất 6 tháng qua, cổ phiếu HAG đang chịu áp lực điều chỉnh giảm trong 1 tuần gần đây; tuy nhiên, thanh khoản cũng đã giảm đáng kể qua các phiên giao dịch.