Thị trường phần bón tháng 11: Nhiều biến động

Đúng như dự báo: Thị trường phân bón cuối tháng 10 năm 2010 có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, khó lường và tình trạng này kéo dài trong suốt từ đầu tháng 10 đến nay. Theo Hiệp hội Phân bón Việt

Biến động thị trường và giá phân bón

Ngay từ tháng 10 và suốt cả tháng 11, giá phân bón thế giới đã tăng và thị trường diễn biến hết sức phức tạp. Có thể cảm nhận rõ “cơn sốt” này trong từng ngày tăng giá mạnh nhất là hai mặt hàng DAP và urê. Tại ĐBSCL, giá hai mặt hàng này đã tăng khoảng 35-40% so với cách đây 2 tháng và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân chính vẫn là do Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu các mặt hàng này từ 10% đến 11%. Ngoài ra, Liên bang Nga vừa trải qua đợt hạn hán, nên nhu cầu phân bón chuẩn bị cho vụ tới đối với nông nghiệp là rất lớn. Một nguyên nhân nữa là biến động của tỷ giá ngoại tệ, đặc biệt là diễn biến của đồng NDT và USD là khó lường. Thêm nữa, công nghiệp sản xuất Niken trên thế giới đã và đang mở rộng nên đã tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu phân bón. Đây chính là những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá phân bón trong nước.

Điều này cũng dễ hiểu, vì nước ta phải nhập khẩu phần lớn phân bón. Riêng urê, Việt Nam phải nhập 50%, DAP nhập đến 70-80%, còn kali thì nhập 100%. Tuy nhiên, giá phân bón trong nước hiện vẫn rẻ hơn giá thế giới bởi phần lớn các doanh nghiệp đã “đón” được “bão” giá phân bón trên thị trường quốc tế nên đã có phương án dự trữ mặt hàng này. Ngoài ra, các nhà máy đạm như Phú Mỹ, Hà Bắc… cũng cơ bản đáp ứng được1/2 nhu cầu trong nước, nên chúng ta đã phần nào chủ động được những biến động của thị trường trong giai đoạn hiện nay. Nói thế có nghĩa là giá phân bón tăng như 2 tháng trở lại đây là không có yếu tố đầu cơ găm hàng chờ giá lên, đơn giản là vì giá phân bón trong nước đang thấp hơn giá thế giới.

Theo ước tính, trong vụ Đông Xuân, cả nước cần khoảng 500.000 tấn urê, 250.000 tấn DAP và SA, từ 200.000 - 300.000 tấn kali. Trong khi thời điểm hiện nay, tính cả lượng tồn kho của các nhà máy và lượng nhập khẩu phân urê chỉ ở mức 150.000 tấn. Nếu từ nay đến cuối năm, tăng hết công suất sản xuất phân bón các nhà máy trong nước cũng chỉ có thể sản xuất thêm được 150.000 tấn. Như vậy, lượng urê phải nhập khẩu thời gian tới sẽ vào khoảng 200.000 tấn. Trong khi đó, các loại phân bón khác như DAP, SA, kali, hiện lượng tồn kho cũng rất “mỏng”.

Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, tổng lượng phân bón phục vụ sản xuất cả năm 2010-2011 khoảng 8,5-9,1 triệu tấn, trong đó urê 1,7 triệu, NPK 2,5-2,7 triệu, lân 1,7 triệu và khoảng 0,8 triệu tấn DAP, kali. Sau khi cân đối nguồn sản xuất trong nước, thì doanh nghiệp cần phải nhập thêm khoảng 2,4 triệu tấn, trong đó có 700 ngàn tấn urê, 500 ngàn tấn DAP, kali...

Giá phân bón tại các địa phương đang tăng nhanh và đã ở mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Nếu như tuần trước giá phân urê tăng 800 đồng/kg lên mức 8.000 đồng/kg thì đến trung tuần tháng 11, giá phân urê thấp nhất cũng ở mức 8.500 đồng/kg, một số nơi giá bán còn lên cao trên 9.000 đồng/kg. Phân DAP còn tăng mạnh hơn với mức tăng 500-2.000 đồng/kg tùy loại và tùy từng địa phương. Hiện, DAP tại An Giang ở mức 12.200 đồng/kg (của Trung Quốc) đến 14.000 đồng/kg (của Philippines).

Tổng Công ty Cổ phần Hóa chất và Phân bón Dầu khí (DPM) cho biết, giá trần đạm Phú Mỹ đã chính thức điều chỉnh từ mức 6.800 đồng/kg lên 7.400 đồng/kg kể từ ngày 6/11 nhằm đảm bảo lợi ích của cổ đông và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác triển khai nhập khẩu, bổ sung nguồn hàng cho thị trường.

Như vậy, so với giá trần các loại đạm nhập khẩu khác bán trên thị trường, giá đạm Phú Mỹ sau khi tăng vẫn thấp hơn từ 600-1.100 đồng/kg. Giá đạm urê Ukraine hiện đang ở mức 8.000 đồng/kg, đạm urê Trung Quốc là 8.500 đồng/kg.

Phân bón là mặt hàng có nguyên liệu phụ thuộc vào dầu khí thiên nhiên, do vậy, giá dầu trên thế giới tăng, đương nhiên giá phân bón cũng sẽ tăng. Và như vậy, phân bón phải luôn đối diện với sự biến động của giá. Không chỉ có vậy, nhiều mặt hàng, nguyên liệu đầu vào trong nước tăng giá, trong đó có điện, than... cũng đã ảnh hưởng nhiều đến giá thành phân bón.

Giải pháp cấp bách và chiến lược lâu dài để bình ổn thị trường phân bón

Trước tình hình nguồn cung trong nước đang có chiều hướng thiếu hụt, để bảo đảm phục vụ sản xuất và bình ổn giá phân bón, Hiệp hội Phân bón đã đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tăng hết công suất và tạm dừng xuất khẩu, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo nguồn ưu tiên ngoại tệ và tỷ giá đô la để doanh nghiệp tăng vốn nhập khẩu phân bón… Theo đó, để tránh thiệt hại cho nông dân, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu phân bón đến hết ngày 31-12-2010, trừ phân bón NPK, supe lân và phân bón hữu cơ, đồng thời giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước thuộc Tập đoàn Dầu khí, Tổng Công ty Hóa chất đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn phân bón phục vụ sản xuất.

Từ nay đến thời gian trên, cần phải nhập khẩu khoảng 500 nghìn tấn phân bón mới đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, do đó các doanh nghiệp cần được ưu tiên nguồn ngoại tệ và tỷ giá phù hợp. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán phân bón giả.

Đồng thời, để tránh những cơn sốt giá phân bón như hiện nay, không có cách nào khác là phải tiếp tục đầu tư phát triển năng lực sản xuất phân bón trong nước. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích, giúp đỡ các đơn vị sản xuất phân bón trong nước nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh như: cho vay vốn với lãi suất ưu đãi vào các tháng không phải mùa vụ, giúp doanh nghiệp chủ động dự trữ nguyên liệu, duy trì sản xuất liên tục; tỷ giá ngoại tệ cho nhập khẩu nguyên liệu sản xuất phân bón nên có mức riêng phù hợp; điều chỉnh kịp thời thuế suất thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón như lưu huỳnh, đạm SA, kali, xăng dầu... Có như vậy thị trường phân bón trong nước mới ít bị tác động của thị trường thế giới.

Để bình ổn thị trường phân bón, theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam chưa có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhập hàng về dự trữ cho vụ mùa, do đó luôn phụ thuộc vào giá phân bón của thế giới. Nếu Nhà nước có chính sách bình ổn sẽ giúp nông dân giảm áp lực về giá phân bón, khi sắp vào vụ mùa giá phân bón thế giới tăng thì cho doanh nghiệp nhập về dự trữ. Còn đối với doanh nghiệp, lợi dụng cơ hội để đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, cần có biện pháp đủ mạnh hơn nữa để ngăn chặn. Hơn nữa, Nhà nước cũng nên giao trách nhiệm cho doanh nghiệp, nhưng phải có ưu đãi về lãi suất ngân hàng và kèm theo là những cơ chế dành cho doanh nghiệp. Cụ thể là khi giá phân bón tăng thì phải bán như thế nào cho phù hợp, khi giá giảm thì doanh nghiệp cần được Nhà nước hỗ trợ, có như vậy doanh nghiệp mới tích cực tham gia vào công tác bình ổn thị trường.

Ngoài ra, để thị trường phân bón trong nước ổn định, không có sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường gây hiện tượng đầu cơ, tăng giá, Việt Nam phải hình thành hệ thống sản xuất phân bón với công nghệ hiện đại, quy mô lớn và hệ thống phân phối an toàn, hiệu quả nhằm cung ứng đủ về số lượng và chủng loại với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, bảo đảm an ninh lương thực và đẩy mạnh xuất khẩu trong khi đất canh tác bị thu hẹp... Giá phân bón tăng, nông dân chịu nhiều thiệt thòi nhất. Vì vậy, để kiểm soát tình trạng giá phân tăng như hiện nay, Chính phủ cần sớm đưa ra giải pháp chiến lược ổn định sản xuất, bình ổn giá mang tính bền vững. Cụ thể, theo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2010 - 2020, Việt Nam phải xây dựng hệ thống sản xuất phân bón đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng trong nước. Giai đoạn 2010 – 2015, Bộ Công Thương định hướng hình thành 14 trung tâm phân phối tại Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Long An, An Giang, Càn Thơ, Kiên Giang. Giai đoạn 2016 – 2020 sẽ mở rộng phát triển thêm 8 trung tâm phân phối mặt hàng phân bón, địa điểm cụ thể sẽ do các nhà đầu tư lựa chọn.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng, nếu không có giải pháp mạnh thì thị trường phân bón sẽ đi “chệch ray” và cho rằng, để thị trường phân bón bình ổn và đi vào đúng quỹ đạo, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường nghiên cứu các chính sách linh hoạt, đưa ra từng thời kỳ cho phù hợp kịp thời không để mất thời cơ. Về nhập khẩu, cần tính toán kỹ các loại phân bón vì từ trước tới nay chúng ta chỉ ước chừng, phỏng đoán nên nhiều cơ quan đưa ra thông tin nhu cầu nhập khẩu các loại phân bón không thống nhất, dễ tạo cơ hội cho đầu cơ, tăng, giảm giá gây sốt ảo cho thị trường.

Dự báo thị trường phân bón thời gian tới

Các chuyên gia trong ngành nhận định, khả năng vào chính vụ giá phân bón sẽ chưa dừng lại mà còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Mặc dù vậy, theo dự báo, vụ Đông Xuân này Việt Nam vẫn sẽ cung ứng đủ phân bón cho thị trường.

Theo thường lệ, đầu tháng 5/2011 là bắt đầu vào vụ sản xuất của một số nền nông nghiệp lớn trên thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc, và họ có thể sẽ thu mua ngay từ tháng 1 hoặc tháng 2/2011. Lúc đó, giá sẽ còn tiếp tục tăng. Tất nhiên là không thể bằng năm tăng lịch sử 2008, khi mà phân bón nói chung tăng đến 60%, cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.

Trong thời gian tới, mặc dù lượng phân bón tồn kho trong nước vẫn cao nhưng do giá thế giới tăng, biến động về tỷ giá và nhu cầu trong nước cao hơn nên giá phân bón sẽ có xu hướng tăng.

Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng khẳng định, mặc dù lượng phân bón tồn kho giảm hơn so với mọi năm song rất ít xảy ra khả năng sốt giá vào chính vụ. Với phân DAP, loại phân dùng nhiều nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, sẽ không có cơ hội tăng giá mạnh trên thị trường thế giới do cả Ấn Độ, Brazil và một phần Trung Quốc đều đã tích trữ đủ lượng DAP dùng đến năm sau. Riêng urê, mặc dù giá thế giới sẽ có xu hướng tăng nhưng sản xuất nội địa hiện đã đáp ứng đủ 50% nhu cầu, đồng thời đã nhập trước đó 500.000 tấn nên việc khan hàng để đẩy giá lên sẽ không xảy ra.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam, khẳng định nguồn cung các loại phân bón đang khá dồi dào nên giá phân bón trong nước có tăng nhưng chưa tăng mạnh theo giá thế giới.