Tâm lý người dân trước chủ trương bình ổn giá

Trước tình hình giá cả thị trường biến động không ngừng, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Hà Nội đã tiến hành triển khai 315 điểm bán hàng bình ổn giá. Theo đó, 13 doanh nghiệp được ứng t

Tại nhiều siêu thị, chợ lớn tại nội, ngoại thành Hà Nội cũng đã căng nhiều biển ghi rõ “Điểm bán hàng bình ổn giá” ngay từ cổng vào như Siêu thị Intimex trên phố Lê Thái Tổ; chuỗi cửa hàng siêu thị Hapromart, hay biển “Tháng khuyến mại”,“Giờ vàng khuyến mại” của các Trung tâm điện máy, đồ gia dụng như Pico, Trần Anh, Topcare, MediaMart, Nguyễn Kim… Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn chưa để ý hoặc chưa được biết kỹ về thông tin bình ổn giá.
Cô Nguyễn Thị Vân, quận Thanh Xuân, Hà Nội nói: "Hằng ngày tôi vẫn đi chợ Phùng Khoang, mua gạo, thịt, rau của người quen, không thấy ai nói gì đến chủ trương bình ổn giá. Người bán hàng thông báo giá lên thì tôi mua giá cao, họ thông báo hạ giá thì tôi mua giá rẻ hơn".
Còn chị Nguyễn Thị Mơ, ở số nhà 1A, phường Trung Liệt, quận Đống Đa cũng cho biết: "Nhà tôi bán hàng ăn sáng nên thường xuyên phải cập nhật giá cả nguyên liệu. Tôi cũng chỉ biết thông tin bình ổn giá thông qua các tờ rơi, quảng cáo tại các khu chợ lớn, siêu thị như Big C, Metro… Đợt này, giá cả lên cao quá nên tôi cũng gặp một số khó khăn trong lựa chọn nguyên liệu bán hàng, vừa phải rẻ mà vẫn đảm bảo chất lượng. Tôi thấy, một số mặt hàng tiêu dùng như mì chính, gia vị, dầu ăn… có đề giá khuyến mại nhưng vẫn cao, cá biệt có mặt hàng không hề giảm giá so với trước đây".
Theo chị Linh Phương - phường Văn Quán, quận Hà Đông thì nhóm hàng khuyến mãi chủ yếu rơi vào đồ điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng…Đây là những mặt hàng đã bão hoà, còn nhóm mặt hàng thiết yếu đến cuộc sống dân sinh mà ngoài thị trường tự do giá cả đang lên xuống từng giờ thì hầu như không khuyến mãi hoặc khuyến mãi không đáng kể.
“Mang tâm lý của người đi tìm mặt hàng bình ổn giá, tôi đến Mê Linh Plaza trong thời gian của “Tháng khuyến mại Hà Nội 2010”. Tại đây, ngoài đồ nội thất, vật liệu xây dựng dân dụng ra còn có dãy hàng bán đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, nhưng ở những mặt hàng này hầu như không giảm giá, biển thông báo giá dưới mỗi mặt hàng lại ghi hai giá: Một là giá chưa có VAT đề phía trên và giá có VAT đề phía dưới. Nếu như người tiêu dùng bình thường đi mua, họ sẽ chỉ để ý giá bên trên. Vì vậy, nếu ghi giá tiền thì tôi nghĩ nên ghi một giá chung, để người dân dễ dàng trong việc lựa chọn mặt hàng”. Chị Hường, ở số 7, hẻm 178/22/7, Tây Sơn, Hà Nội nói.
Sự biến động thị trường đã tác động không nhỏ đến tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng. Nhiều người dân còn dè dặt, chưa cập nhật thông tin bình ổn giá một cách rõ ràng nên cũng không mặn mà lắm với hàng khuyến mại, không kể đến những lo ngại về hàng giảm giá tỷ lệ thuận với chất lượng. Vì vậy, các doanh nghiệp thực hiện bình ổn giá cần phải có cách triển khai để thu được hiệu quả cao hơn như tuyên truyền về mặt hàng bình ổn giá, tạo ấn tượng, tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Các lực lượng chức năng phải tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, liên kết giữa các siêu thị, mua chung, bán chung để giảm giá thành xuống. Mặt khác, quỹ bình ổn phải lớn hơn và phải thường xuyên để nhiều người dân được mua hàng giá thấp…, mang lại hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng thông qua chủ trương bình ổn giá của Nhà nước.