Hợp tác, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững

Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành của Việt Nam và đại diện cấp cao của Liên minh Châu Âu cùng thảo luận về các vấn đề phát triển kinh tế xanh, các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch chuyển đổi năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030.

Ngày 28/11, tại TP.HCM, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phối hợp với Bộ Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối) đồng tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2022.

phát triển xanh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc sự kiện. Cùng tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và đông đảo doanh nghiệp Việt Nam. 

Về phía châu Âu có Cao ủy Ủy ban Châu Âu phụ trách Môi trường, Đại dương và Nghề cá Virginijus Sinkevičius, Bộ trưởng Ngoại Thương và Hợp tác phát triển Hà Lan Liesje Schreinemacher, Trưởng Phái đoàn - Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberto, lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đại diện đại sứ quán các nước châu Âu tại Việt Nam, các tập đoàn châu Âu và chuyên gia của các tổ chức quốc tế.

Phát triển xanh là công việc toàn cầu

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của EuroCham và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương Việt Nam tổ chức GEFE 2022 với chủ đề vô cùng thời sự "Các sáng kiến và giải pháp xanh từ châu Âu đến Việt Nam".

Thủ tướng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc 

Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng vì sự kiện có sự tham gia của đông đảo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế, là minh chứng cho sự quan tâm và cam kết của cả Việt Nam và châu Âu về các vấn đề phát triển bền vững.

Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam, vì mục tiêu đem lại thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh không phải là công việc của một quốc gia, mà là công việc toàn cầu, không quốc gia nào đứng ngoài cuộc, nên kêu gọi đoàn kết toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương.

Khẳng định cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững, không hy sinh môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, Thủ tướng cho biết, minh chứng là Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.

Trước các nhà đầu tư hàng đầu châu Âu, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, khuyến khích kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Bảo đảm chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường. Khuyến khích đổi mới sáng tạo vào các ngành mới nổi.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người, vì tình hữu nghị Việt Nam - châu Âu, "rất mong các bạn hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh, rẻ", phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển ngang tầm các doanh nghiệp châu Âu. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tất cả các bên cùng thắng, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.

diễn đàn kinh tế xanh

Ông Virginijus Sinkevicius, Cao ủy Ủy ban châu Âu về Môi trường, Đại dương và ngư nghiệp chia sẻ, Việt Nam và EU có nhiều tiềm năng “xanh” để cùng hợp tác phát triển. EU mong muốn hợp tác với Việt Nam trong họạt động chống biến đổi khí hậu, giảm tiêu thụ năng lượng hoá thạch, giảm rác thải nhựa, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, triển khai chiến lược thực hành nông nghiệp xanh, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng diện tích rừng, sử dụng năng lượng sạch… Bên cạnh đó là những hoạt động hợp tác áp dụng giải pháp giảm thiểu phát thải trong hoạt động sản xuất ở lĩnh vực logictics và những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, gỗ, trang thiết bị máy móc, điện thoại. 

EU cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam để cùng thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2025.

Trong khuôn khổ Chương trình GEFE 2022 diễn ra Phiên toàn thể với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam cùng với các đại diện cấp cao của Chính phủ châu Âu cũng như các doanh nghiệp hai Bên nhằm thảo luận về các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về chuyển đổi năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030.

Bên cạnh đó, còn có 14 Phiên thảo luận chuyên đề được tổ chức trong các ngày từ 28/11 – 30/11/2022 với sự tham dự của các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, học giả nhà nghiên cứu đổi mới, sinh viên và các nhà hoạch định chính sách từ châu Âu, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ là nền tảng để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.

Với vai trò là cơ quan đồng tổ chức GEFE 2022, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với EuroCham tổ chức Triển lãm Kinh tế Xanh với quy mô 200 gian hàng của các doanh nghiệp đến từ châu Âu, quốc tế và Việt Nam thuộc các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, xử lý nước, rác thải, môi trường...

Trong đó, Khu gian hàng chung của các doanh nghiệp Việt Nam với sự tham dự của 40 doanh nghiệp Việt Nam, trưng bày các sản phẩm và giải pháp phù hợp với chủ đề của Triển lãm, được xây dựng với thiết kế mở và nhận diện thống nhất, được phân theo hai lĩnh vực ngành hàng chính là công nghiệp xanh và nông nghiệp xanh của Việt Nam.

Thúc đẩy xúc tiến xuất khẩu xanh

Một trong những điểm nhấn quan trọng của GEFE 2022 chính là Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thường niên Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì, với sự tham dự của các đại diện World Bank, UNIDO, ITC, SIPPO, Phái đoàn EU tại Việt Nam…nhằm trao đổi những hoạt động xúc tiến xuất khẩu trong bối cảnh mới, gắn với sự chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, phát triển xanh trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” trong khuôn khổ GEFE 2022

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành các chủ trương, đường lối và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Nhiều ngành hàng, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt xu hướng xanh và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong chuỗi sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh đó, các ý kiến phát biểu tại Diễn đàn cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức của quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế xanh và xuất khẩu xanh, nhất là phải thay đổi mô hình tăng trưởng, phương thức sản xuất vốn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tiêu dùng xanh, sống xanh và phát triển bền vững.

Đặc biệt, đầu tư cho quá trình chuyển đổi xanh sẽ là một thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn và công nghệ cao. Chi phí cho tiêu dùng xanh ban đầu cũng sẽ cao hơn mặt bằng chung của xã hội; tuy nhiên, về lâu dài và tổng thể sẽ mang lại hiệu quả, lợi ích to lớn hơn cho mọi người dân và doanh nghiệp.

Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và khuyến nghị của các Tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết đối với những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi xuất khẩu xanh.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài bám sát, theo dõi các quy định, chính sách mới ban hành của nước sở tại, nhất là các quy định mới về tiêu chuẩn xanh đối với hàng hóa nhập khẩu cũng như cập nhật thông tin thị trường, kịp thời tham mưu chính sách và khuyến nghị, hướng dẫn giúp các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, kế hoạch, phương thức sản xuất, kinh doanh, thích ứng với điều kiện phát triển mới, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của khách hàng để phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Một số hình ảnh khác tại Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2022.

triển lãm

triển lãm 2

triển lãm 3

Hồng Lực