Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020:  Những kết quả nổi bật của ngành Công Thương

Giai đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương triển khai một cách đồng bộ các giải pháp quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách về nâng cao hiệu quả sử dụng năng lương, phát triển năng lượng tái tạo để từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào các các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 ban hành ngày 25/9/2012 theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra 3 nhiệm vụ chiến lược: giảm phát thải KNK, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững. Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Chiến lược 2011-2020, ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020 (KHHĐ 2014-2020). Căn cứ chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai Quyết định số 13443/QĐ-BCT ngày 8/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch tăng trưởng xanh ngành Công Thương giai đoạn 2015-2020. Theo đó, ngành Công Thương đã tổ chức thực hiện theo 3 nhiệm vụ chiến lược gồm giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống.

Giải pháp đồng bộ tạo hiệu quả lớn

Giai đoạn 2011-2020, Bộ Công Thương triển khai một cách đồng bộ các giải pháp quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách về nâng cao hiệu quả sử dụng năng lương, phát triển năng lượng tái tạo để từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào các các nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch. Hệ số đàn hồi điện/GDP giai đoạn 5 năm đã giảm từ mức 2,0 giai đoạn 2001-2010 xuống mức 1,9 giai đoạn 2011-2015 và xuống mức 1,43 giai đoạn 2016-2020. Trong cả giai đoạn 2010-2020, với các giải pháp mạnh mẽ về đầu tư và cải tạo lưới điện, tỷ lệ tổn thất truyền tải và phân phối điện liên tục giảm, từ 10,15% năm 2010 xuống 6,5% năm 2020. Những kết quả quan trọng đó đã góp phần quan trọng cho giảm cường độ phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng của toàn xã hội, góp phần giảm đáng kể cường độ phát thải khí nhà kính của nền kinh tế, cụ thể:

Về nhận thức của xã hội: Trên 85% người dân Việt Nam biết, hiểu về vấn đề tiết kiệm năng lượng thông qua truyền thông cộng đồng; 100% các loại hình truyền thông gồm truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử, ấn bản phẩm... có tham gia tuyên truyền về tiết kiệm năng lượng; 100% các Đài phát thanh truyền hình của 63 tỉnh thành có các hoạt động tuyên truyền về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó, các nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng đã được đưa vào hệ thống giáo dục quốc gia.

- Về ban hành tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng: Thông qua Chương trình VNEEP, 29 bộ Tiêu chuẩn Hiệu suất năng lượng tối thiểu (MEPS) và phương pháp thử nghiệm được sửa đổi hoặc xây dựng mới, kịp thời áp dụng cho các sản phẩm phải dán nhãn năng lượng. Theo báo cáo của Bộ Công Thương năm 2020, sau 7 năm thực hiện Chương trình Dán nhãn năng lượng, đã có trên 20.000 chủng loại sản phẩm trong 3 nhóm là thiết bị gia dụng; thiết bị công nghiệp và thiết bị văn phòng được dán nhãn năng lượng. Tuy nhiên, hiệu quả thực hiện các hoạt động dán nhãn năng lượng và áp dụng mức hiệu suất năng lượng bị ảnh hưởng do doanh nghiệp sản xuất hiện nay gặp khó khăn về vốn hoặc tiếp cận tín dụng ưu đãi cho các dự án/giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Về cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng ở các ngành sử dụng nhiều năng lượng: Tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của Việt Nam đạt 5,65%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) trong giai đoạn 2011-2015. Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần: ngành thép giảm 8,09%, xi-măng giảm 6,33%, dệt sợi giảm 7,32%. Kết quả này đáng ghi nhận nhưng chưa tương xứng với tiềm năng tiết kiệm năng lượng quốc gia. Rào cản lớn nhất là khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp sản xuất để đầu tư cho công nghệ, khi phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của tiết kiệm năng lượng cho sự ổn định và củng cố an ninh năng lượng quốc gia, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13 tháng 3 năm 2019 phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030. Đây là nhiệm vụ quan trọng thực hiện định hướng phát triển năng lượng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị định hướng Chiến lược phát triển bền vững năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Về phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo:

Việt Nam là một trong các nước có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo như thủy điện, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối, năng lượng địa nhiệt. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến năm 2020 đã có 113 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất trên 5.700MW được giải tỏa hết công suất. Năm 2020 ghi nhận con số kỷ lục về số nhà máy mới đóng điện trong một khoảng thời gian ngắn. Tính đến cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bổ sung quy hoạch gần 23.000MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 11.200MW, điện gió khoảng 11.800MW. Cả nước đã đưa vào vận hành 102 dự án điện mặt trời với tổng công suất 6.314MWp (tương đương 5.245MWac).

Chiến lược sản xuất, tiêu dùng xanh

Các chính sách về nhãn sinh thái/ nhãn xanh Việt Nam, nhãn tiết kiệm năng lượng và các chính sách ưu đãi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp và ngành sản xuất các sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong công tác tiếp cận các nguồn vốn và chính sách ưu đãi, số lượng người tiêu dùng đón nhận các sản phẩm này dù đã tăng trong những năm gần đây song vẫn còn khá hạn chế.

Để góp phần xanh hóa sản xuất, Bộ Công Thương đã triển khai Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Tính đến năm 2019 đã có 68,5% doanh nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH, tăng 20,5% so với năm 2010; 46,9% cơ sở sản xuất áp dụng SXSH, tăng 35,9% so năm 2010, trong đó 12% cơ sở đạt mức tiết kiệm 8% trở lên trong giảm năng lượng, nguyên nhiên liệu trên một đơn vị sản phẩm.

Để triển khai nhiệm vụ xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (SX&TDBV) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/1/201 và Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2020 cho giai đoạn 2021-2030.

Thông qua các hoạt động của Chiến lược quốc gia về sản xuất sạch hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thị trường hàng hóa và hệ thống phân phối trên phạm vi cả nước đã có những thay đổi tích cực. Các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng có nhiều gian hàng phục vụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường như các thiết bị điện tử được dán nhãn hiệu suất năng lượng, các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm xanh, phát thải các-bon thấp ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Điều này thể hiện nhận thức của người dân đối với tiêu dùng xanh đã có nhiều chuyển biến tích cực, phù hợp với xu thế chung của toàn cầu, từ đó sẽ tạo động lực cho các nhà sản xuất chuyển đổi, đầu tư sang công nghệ xanh giảm dấu vết các-bon đối với sản phẩm hàng hóa cung cấp ra thị trường.

Trong giai đoạn 10 năm tới, thông qua Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo cơ chế, chính sách và các hỗ trợ cần thiết giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, đồng thời xu thế tiêu dùng xanh, bền vững cũng sẽ là xu thế chủ đạo đối với người tiêu dùng.

Kết quả triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 đã tạo nền tảng tư tưởng và nhận thức quan trọng đối với cả cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng như toàn xã hội. Định hướng tăng trưởng xanh là xu thế không thể đảo ngược bởi đây là hướng đi của phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh sẽ đem lại lợi ích về việc làm, sự đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn của nhân loại của thế kỷ 21. Trong thập kỷ tới, thế giới cần có những hành động mạnh mẽ và đem lại sự chuyển biến sâu sắc trong mô hình tăng trưởng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng khốc liệt. Với tinh thần chủ động, tích cực, ngành Công Thương sẽ tiếp tục có những hành động cụ thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ để triển khai có hiệu quả Chiến lược quốc gia  về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ./.  

 

TH