Huyền bí Lễ nhảy lửa của người Pà Then – Tuyên Quang

Khi nhắc đến người Pà Thẻn là người ta nhắc đến Lễ nhảy lửa và ngược lại. Lễ nhảy lửa đã trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người Pà Thẻn (sống ở 2 tỉnh Hà Giang và huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang).

Lễ nhảy lửa đã thể hiện niềm tin của họ vào thế giới thần linh, những thế lực siêu nhiên và sức mạnh phi thường của con người. Điều huyền bí nhất của Lễ nhảy lửa là các chàng trai Pà Thẻn đã dũng mãnh nhảy những bước chân trần trên than hồng mà không hề bị bỏng.

Lễ nhảy lửa
Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh

Người Pà Thẻn ở Tuyên Quang cư trú chủ yếu tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình) và xã Linh Phú (Chiêm Hóa), với khoảng 700 nhân khẩu. Lễ nhảy lửa của đồng bào thường diễn ra vào lúc nông nhàn, khi mọi công việc đồng áng đã xong, vào khoảng ngày 16/10 âm lịch năm trước đến 16/1 âm lịch năm sau. 

Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3 - 4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.

Phần đầu là phần thầy cúng gọi mời thần linh tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Phần hai là nghi lễ nhảy lửa, một đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Điều huyền bí nhất của lễ nhảy lửa là các chàng trai Pà Thẻn đã dũng mãnh nhảy những bước chân trần trên than hồng mà không hề bị bỏng.

Lễ nhảy lửa
Thầy cúng gọi mời thần linh tới tham gia lễ và nhập vào các học trò trước khi tham gia Lễ nhảy lửa

Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tiếp tục làm lễ “nhập đồng”. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người.

Trong khi thanh niên nhảy lửa, thầy mo vẫn tiếp tục làm lễ với tiếng nhạc mo lẫn với lời khấn lầm rầm. Đồng bào Pà Thẻn cho rằng, thời gian nhảy trên lửa của họ tùy theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới.

Lễ nhảy lửa
Người xem sẽ bị cuốn vào Lễ nhảy lửa một cách tự nhiên

Lễ nhảy lửa đạt đến độ vui nhất khi mà tất cả những người đứng xem đều bị cuốn theo, tự nhiên cảm thấy mình có sức mạnh và cứ thế, nhảy vào đống lửa mà không hề cảm thấy cái nóng.

Lễ nhảy lửa mang bản sắc riêng của cộng đồng người Pà Thẻn, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến đời sống tâm linh, đến việc hun đúc nên tâm hồn, tính cách người Pà Thẻn, thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.

Lễ nhảy lửa để tạ ơn thần linh phù hộ cho một năm mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm, dân làng khỏe mạnh không ốm đau bệnh tật, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt cho các thế hệ người Pà Thẻn.

Lễ nhảy lửa
Lễ nhảy lửa đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

Ngày 26/9/2023, Lễ nhảy lửa đã vinh dự trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của huyện Lâm Bình. Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023, ngành đã kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh với 16 dân tộc. 

Theo đó, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 425 di sản. Đầu tháng 6/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp chứng nhận 4 di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 16 di sản. Cụ thể: 

- Lễ hội Đình Hồng Thái, xã Tân Trào (Sơn Dương).

- Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày xã Lăng Can, xã Hồng Quang, xã Khuôn Hà, xã Thượng Lâm, xã Phúc Yên (Lâm Bình).

- Lễ nhảy lửa của người Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình).

- Tri thức về cọn nước của người Tày xã Trung Hà, xã Hà Lang (Chiêm Hóa); xã Côn Lôn (Na Hang); xã Phúc Yên (Lâm Bình). 

Nguyên Vỵ