Theo số liệu thống kê từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa công bố, trong 5 ngày nghỉ lễ (từ 27/4 đến 1/5/2024) Thanh Hóa là địa phương có tổng thu du lịch cao nhất nước với 3.805 tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái (hơn 1,5 triệu lượt khách). Đứng thứ hai là Thành phố Hồ Chí Minh với doanh thu đạt 3.235 tỷ đồng, tăng 2% (967.000 lượt khách). Thủ đô Hà Nội đứng thứ ba khi thu về 2.500 tỷ đồng, tăng gần 10% (738.000 lượt).
Các địa phương có doanh thu cao như: Quảng Ninh đạt 2.210 tỷ đồng, tăng 53%; Nghệ An đạt 1.700 tỷ đồng, tăng hơn 10%; Đà Nẵng thu về 1.336 tỷ đồng, tăng gần 13%. Khánh Hòa đứng thứ 7 trong danh sách nghìn tỷ với 1.306 tỷ đồng, tăng 53%. Tiếp đến là một số địa phương có doanh thu cao phải kể đến như Bà Rịa - Vũng Tàu đạt gần 669 tỷ đồng, tăng gần 12,5%. Ninh Bình ước đạt trên 600 tỷ đồng, tăng 71%. Quảng Nam đạt 600 tỷ đồng…
Theo báo cáo, trong những ngày qua, ngành du lịch phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng trên 14% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú trên toàn quốc đạt khoảng 60% (những ngày cao điểm đạt trên 70%), một số điểm đến ven biển đạt tỷ lệ lấp đầy 95-100% trong thời gian nghỉ lễ.
Theo đánh giá của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hoạt động du lịch tại các địa phương trên cả nước đã được chuẩn bị chu đáo ngay từ trước nghỉ lễ, nhiều hoạt động kích cầu du lịch, giảm giá, khuyến mại sản phẩm đã được triển khai một cách đồng bộ và bài bản.
Các hoạt động lễ hội, sự kiện để tạo điểm nhấn thu hút du khách cũng được các địa phương triển khai tích cực, sôi động, tổ chức đa dạng các hoạt động, sự kiện văn hóa, lễ hội, chương trình nghệ thuật như “Khai trương mùa du lịch Biển Đà Nẵng 2024” với chủ đề “Sóng mùa hè”; Liên hoan Du lịch 2024 “Đồ Sơn - Điểm đến 4 mùa”; Lễ khai trương du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024; Tuần Văn hóa Du lịch tỉnh Bắc Kạn năm 2024; Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn năm 2024; Lễ hội hoa hồng Fansipan…
Sản phẩm du lịch cũng được tung ra đầy hấp dẫn, mới mẻ bên cạnh việc làm mới các sản phẩm truyền thống như “Hành trình đêm Đà Lạt” (Lâm Đồng); tour đêm đền Hùng (Phú Thọ); “Một hành trình - nhiều trải nghiệm” của Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh; Công viên nước Thủy Tinh, Công viên ánh sáng (Đồ Sơn, Hải Phòng); Bộ sản phẩm liên vận tàu hỏa 5 sao với chủ đề “Hành trình kết nối di sản” Huế - Đà Nẵng của Vietravel; Tour “du lịch trải nghiệm sông Hồng”, Con đường di sản Nam Thăng Long (Hà Nội)…
Ngoài ra, việc di chuyển của du khách cũng được thay đổi để đáp ứng nhu cầu đi lại lớn. Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet đã tăng thêm các chuyến bay đêm, đưa máy bay thân rộng vào khai thác nội địa để góp phần bổ sung/tăng tải cung ứng. Ngành đường sắt tăng thêm các chuyến tàu từ Hà Nội đi Đồng Hới, Vinh, Thanh Hóa, Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại; từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Quy Nhơn và giảm giá vé dành cho khách đi tàu. Các bến cảng thủy nội địa đã tăng thêm các chuyến tàu ra đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc…
Nhìn vào số liệu thống kê, đáng chú ý nhất là Thanh Hóa khi địa phương này đứng đầu cả nước về doanh thu trong kỳ nghỉ lễ vừa qua. Thanh Hóa đã vượt mặt các thành phố lớn trong ngành du lịch một cách ngoạn mục. Ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở VHTT-DL Thanh Hóa cho biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Thanh Hóa xác định ưu tiên bố trí vốn đầu tư công hoàn thiện các dự án hạ tầng du lịch trọng điểm, các tuyến đường giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối các khu du lịch trọng điểm… Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh quảng bá thông qua các kênh truyền thông của tỉnh. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong chuyển đổi số việc quản lý và phát triển du lịch...
Hiện nay, du lịch Thanh Hóa ngày càng có sức hút lớn đối với du khách, đặc biệt là du khách đến từ các tỉnh phía bắc, nhất là Hà Nội. Việc thông tuyến cao tốc Bắc - Nam mới đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Thanh Hóa từ 3 tiếng giờ chỉ còn hơn 2 tiếng đồng hồ.
Ngoài ra, với sự đầu tư bài bản, tập trung trong những năm gần đây, du lịch tại thành phố biển Sầm Sơn đã “thay da đổi thịt”. Du khách ngày càng thích thú khi đến Sầm Sơn vì ngoài bãi biển đẹp còn được hòa mình vào không gian lễ hội xuyên đêm. Du khách không còn cảm giác đến Sầm Sơn chỉ để tắm - ăn - ngủ rồi về như trước kia. Bên cạnh đó, các khu du lịch nổi tiếng khác của Thanh Hóa như Lam Kinh, Thành nhà Hồ, suối cá thần Cẩm Thủy cũng đón lượng du khách lớn vì có sự chuẩn bị bài bản, đổi mới trong cách làm du lịch.
Tuy doanh thu của nhiều địa phương từ du lịch tăng vọt, nhưng ở một số nơi, doanh thu vẫn chưa tương xứng với chất lượng. Hiện tượng ùn tắc cục bộ diễn ra tại một số điểm du lịch như Hạ Long, bến phà ra đảo Cát Bà, tuyến đường ven biển Nha Trang, nội đô thành phố Đà Lạt… và trên các tuyến quốc lộ dẫn về các thành phố lớn trong thời điểm đầu và cuối kỳ nghỉ lễ. Một số điểm đến như Phú Quốc, Quảng Nam, Côn Đảo… ghi nhận lượng khách giảm do giá vé máy bay tăng cao. Chất lượng phục vụ tại một số điểm đến ven biển chưa đồng đều, chưa đáp ứng kỳ vọng của du khách bởi tình trạng quá tải, thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng.
Có thể thấy, kỳ nghỉ Lễ kéo dài 5 ngày vừa qua đã mang đến cơ hội vàng cho các điểm đến, dịch vụ du lịch ở nhiều địa phương, từ đó tạo doanh thu và góp phần phục hồi hậu đại dịch cho ngành công nghiệp không khói.