Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Đề tài Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ do ThS. Đỗ Hải Nam (Trường Đại học Hùng Vương - Phú Thọ) - ThS. Chử Thị Kim Ngân (Trường Đại học Hùng Vương - Phú Thọ) - ThS. Ngô Tuấn Hùng (Trường Đại học Hùng Vương - Phú Thọ) thực hiện.

TÓM TẮT:

Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam và có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, hấp dẫn. Đây là lợi thế để tỉnh Phú Thọ xây dựng được thương hiệu du lịch, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch tại Phú Thọ có chất lượng chưa cao, chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của du khách.

Nghiên cứu “Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn, góp phần gia tăng lượng khách nội địa và quốc tế đến với Phú Thọ trong thời gian tới.

Từ khóa: sản phẩm du lịch chất lượng cao, thương hiệu du lịch, tỉnh Phú Thọ.

1. Đặt vấn đề

Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao đang là xu hướng của các quốc gia trên thế giới và các tỉnh thành ở Việt Nam. Sản phẩm du lịch chất lượng cao mang lại giá trị kinh tế và đóng góp cao vào GRDP của các địa phương. Sản phẩm du lịch chất lượng cao đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch của địa phương, từ việc xây dựng hình ảnh tích cực đến tạo ra giá trị thương hiệu và gia tăng lợi ích kinh tế.

Sản phẩm du lịch chất lượng cao thường được coi là một phần quan trọng của thương hiệu du lịch của địa phương. Việc cung cấp các trải nghiệm du lịch chất lượng cao giúp tăng cường giá trị thương hiệu và định vị địa phương là một điểm đến đáng giá trong tâm trí của du khách.

Phú Thọ là vùng đất Tổ, nơi các vua Hùng dựng nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam, hội tụ các giá trị văn hóa Văn Lang - Âu Lạc gắn với thời đại Hùng Vương. Bên cạnh đó, Phú Thọ còn có một nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn, như: vườn Quốc gia Xuân Sơn; khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy; đồi chè Long Cốc, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, thác Mơ,… là những thắng cảnh tự nhiên, non nước hữu tình trên mảnh đất trung du. Hàng năm, Phú Thọ đón từ 6 đến 7 triệu lượt khách đến tham quan, cho thấy nơi đây là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả đó còn khiêm tốn so với tiềm năng du lịch của Tỉnh, do chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, chưa thực sự đáp ứng kì vọng của du khách.

Từ những cơ sở trên, để góp phần phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao và thu hút khách du lịch đến Phú Thọ, tác giả tập trung nghiên cứu và đưa ra giải pháp: “Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”.

2. Phương pháp nghiên cứu

* Phương pháp tổng hợp, thống kê

Để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra nghiên cứu sử dụng phương pháp tổng hợp, thống kê để nghiên cứu và tổng hợp các tài liệu nhằm hoàn thiện nội dung cơ sở lý luận, thực tiễn cho nghiên cứu. Tổng hợp các dữ liệu cần thiết để nghiên cứu tổng quan các vấn đề tìm ra khoảng trống nghiên cứu cho đề tài.

* Phương pháp phân tích, so sánh

Phương pháp này được sử dụng để phân tích các tài liệu đã nghiên cứu, số liệu thu thập được sau khi xử lý cũng cần phải phân tích để đánh giá được thực trạng sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong những năm qua. Từ đó có thể đề xuất những giải pháp và kiến nghị một cách khoa học và phù hợp với tình hình của địa phương. Mặt khác, nghiên cứu sử dụng phương pháp so sánh trong quá trình thực hiện để có thể so sánh được dữ liệu qua các năm, so sánh giữa các địa phương khác nhau nhằm đạt được những kết luận khoa học, chính xác, từ đó định hướng cho phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao trên địa bàn nghiên cứu.

* Phương pháp thu thập thông tin

Thông tin được thu thập bằng phương pháp thu thập thông tin sơ cấp và phương pháp thu thập thông tin thứ cấp.

- Phương pháp thu thập thông tin sơ cấp: Đề tài thu thập các thông tin sơ cấp thông qua điều tra, khảo sát bằng bảng hỏi.

Đối tượng điều tra, khảo sát hướng tới 3 nhóm đối tượng: Một là, cán bộ quản lý trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú; Hai là, cán bộ quản lý địa phương về du lịch; Ba là, khách du lịch đến Phú Thọ.

Sau khi khảo sát qua phiếu trực tiếp và online, tác giả sẽ phỏng vấn sâu một số cán bộ, công chức quản lý du lịch và khách du lịch trong những năm vừa qua.

- Phương pháp thu thập tài liệu thứ cấp: Các số liệu phục vụ cho đề tài có thể tìm kiếm ở nhiều nguồn khác nhau như Báo cáo tổng kết của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ (2020-2023), văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quản lý Du lịch, số liệu từ Niên giám thống kê, Tổng Cục Du lịch…

* Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu thu về sẽ được xử lý bằng ứng dụng phù hợp (SPSS, Stata, Excel…) kết hợp với phân tích, thống kê, tổng hợp và mô tả để phân tích, đánh giá thực trạng phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao và thương hiệu du lịch Phú Thọ.

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thực trạng du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Giai đoạn 2020-2022, với bối cảnh dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng lớn đến ngành Du lịch nước ta nói chung và du lịch tỉnh Phú Thọ nói riêng. Để nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, cùng với các địa phương trong cả nước, Phú Thọ đã khởi động lại hoạt động du lịch và mở cửa đón du khách ngay từ những tháng đầu năm 2022. Trước mắt, ngành Du lịch tỉnh tập trung phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường nội địa làm động lực để phục hồi, tổ chức khai thác thị trường khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ. Thời điểm này, ngành Du lịch tỉnh Phú Thọ đang phục hồi mạnh mẽ với lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh (Bảng 1), các doanh nghiệp bận rộn và những đoàn khách quốc tế đã trở lại.

Bảng 1. Số lượt khách du lịch nội địa

                                                                                                      ĐVT: Lượt người

Chỉ tiêu

2010

2015

2020

2021

2022

1. Khách du lịch nghỉ qua đêm

           221,417  

           310,959  

              373,446  

              322,792  

              535,846  

2. Khách trong ngày

           174,109  

           447,546  

              843,426  

              748,224  

           1,264,139  

3. Số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ

           395,526  

           758,523  

           1,216,872  

           1,071,046  

           1,799,985  

4. Số lượt khách do các cơ sở lữ hành phục vụ

               2,757  

               6,320  

                   4,728  

                   1,158  

                 36,275  

                                                                Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ, 2022.

Từ Bảng 1 nhận thấy lượng khách đến Phú Thọ gia tăng nhanh sau đại dịch Covid-18. Số lượng du khách qua đêm tăng đáng kể từ năm 2010 đến năm 2022, với mức tăng lớn nhất đạt được vào năm 2022 (535,846 lượt khách). Sự tăng này cho thấy sự phát triển của ngành Du lịch trong việc thu hút du khách ở lại và tăng cường các hoạt động lưu trú. Tuy nhiên, mức tăng này còn chậm so với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ.

Số lượng du khách trong ngày cũng tăng mạnh từ năm 2010 đến năm 2022, với mức tăng đặc biệt đáng kể từ năm 2015 đến năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng này phản ánh việc du khách có xu hướng chỉ du lịch trong ngày tại tỉnh Phú Thọ, đây là một hạn chế trong việc giữ chân du khách tại các điểm lưu trú, do sản phẩm du lịch chất lượng chưa cao, không đa dạng về dịch vụ.

Tuy số lượng ngày du khách ở lại Phú Thọ không cao, nhưng cũng làm doanh thu từ hoạt động lưu trú, ăn uống tăng mạnh sau dịch, đóng góp lớn cho kinh tế của tỉnh (Bảng 2). Dựa vào Bảng 2, ta thấy rằng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đã có sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2022, với sự biến động nhất định trong thời gian này, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Từ năm 2021 đến năm 2022, doanh thu từ dịch vụ này tăng trưởng đáng kể từ 2.017,6 tỷ đồng lên 3666,1 tỷ đồng. Điều này cho thấy sự hồi phục của ngành Du lịch tỉnh Phú Thọ sau đại dịch và sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhu cầu du lịch sau khi các biện pháp kiểm soát dịch được nới lỏng.

sản phẩm du lịch

 

Quá trình khảo sát thực tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tác giả cũng tổng hợp một số khó khăn trong cải thiện sản phẩm du lịch trên địa bàn trong giai đoạn vừa qua.

- Một là, chưa thực sự tập trung vào phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao. Các sản phẩm du lịch đa phần manh mún, tự phát, chưa xây dựng được thương hiệu du lịch riêng của Tỉnh.

- Hai là, hạ tầng du lịch chưa phát triển đồng đều, mặc dù có một số điểm du lịch nổi tiếng, thu hút lượng lớn khách du lịch, nhưng hạ tầng du lịch ở Phú Thọ vẫn còn hạn chế. Các dịch vụ như vận chuyển, lưu trú và điểm ăn uống chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

- Ba là, thiếu sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao: Phú Thọ chưa phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, dẫn đến việc hạn chế sự hấp dẫn cho nhiều đối tượng du khách. Việc phát triển các loại hình du lịch mới như du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa có thể giúp thu hút thêm khách du lịch.

- Bốn là, Phú Thọ chưa đầu tư đủ vào việc tiếp thị và quảng bá hình ảnh trên thị trường du lịch. Điều này dẫn đến việc nhiều người không biết đến tiềm năng du lịch của tỉnh.

- Năm là, sự phát triển du lịch có thể gây áp lực lớn lên môi trường tự nhiên và di sản văn hóa của Phú Thọ. Việc quản lý và bảo tồn môi trường cũng như di sản văn hóa là một thách thức đối với các nhà quản lý du lịch. Vì vậy, quản lý du lịch và di sản văn hóa cần được đồng bộ và lâu dài.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ban hành ngày 05-12-2023 đưa ra mục tiêu tổng quát là hình thành chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang – Thái Nguyên – Phú Thọ và từng bước hình thành các trung tâm phát triển về du lịch. Tập trung phát triển du lịch Phú Thọ trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước, hình thành một số khu du lịch trọng điểm kết nối với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là một cơ hội để ngành Du lịch Phú Thọ phát triển trong những năm sắp tới. Vì vậy, cần phải phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao trên địa bàn Tỉnh và ngày càng khẳng định thương hiệu du lịch Phú Thọ.

3.2. Một số giải pháp nhằm phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Thứ nhất, phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, spa cao cấp trên địa bàn… hình thành các điểm du lịch, trung tâm nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe cao cấp đáp ứng nhu cầu, thị hiếu khách du lịch và có khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Mời gọi các doanh nghiệp có năng lực lớn, có thương hiệu đầu tư các khu vui chơi giải trí cao cấp và phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn Tỉnh, nhằm đa dạng hóa, tăng tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch.

Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch văn hóa - du lịch tâm linh: Bảo tồn, phát huy giá trị, nét đặc sắc của một số lễ hội, nghi thức truyền thống, sự tích thời kỳ Hùng Vương, nét văn hóa, ẩm thực… gắn với các di tích, điểm văn hóa tiêu biểu khai thác xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo hình thành điểm du lịch văn hóa phục vụ khách tham quan trải nghiệm.

Kiện toàn công tác tổ chức bộ máy tại Ban Quản lý các di tích lịch sử - văn hóa, ưu tiên bố trí cán bộ trẻ có khả năng thuyết minh, giới thiệu du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, quảng bá về di tích lịch sử, văn hóa đến du khách.

Thứ ba, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn: Khuyến khích xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp - nông thôn, quà tặng lưu niệm, quà tặng sản vật đặc trưng, góp phần thúc đẩy đa dạng hóa sản xuất sản phẩm thủ công, quà tặng, hàng lưu niệm, sản vật đặc trưng địa phương đáp ứng nhu cầu mua sắm, quà tặng lưu niệm phục vụ khách du lịch khi đến Phú Thọ.

 Thứ tư, phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng: Nghiên cứu, hỗ trợ, khuyến khích người dân tại các địa phương dựa trên thế mạnh các giá trị di sản văn hóa, bản sắc vùng miền, tài nguyên sinh thái xây dựng mô hình du lịch cộng đồng phục vụ khách du lịch khám phá trải nghiệm tại một số huyện, xã, có tiềm năng.

Thứ năm, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ du lịch: Ưu tiên xây dựng, nâng cấp các tuyến đường kết nối các khu điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh, đấu nối với các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch dễ tiếp cận với khu, điểm du lịch và tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư các dự án du lịch.

4. Kết luận

Sản phẩm du lịch chất lượng cao là sự hội tụ của các yếu tố đạt chuẩn chất lượng cao như tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, cơ sở lưu trú, nguồn nhân lực, tạo được sức hút mạnh với du khách. Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao sẽ đồng thời hoàn thiện xây dựng thương hiệu du lịch cho địa phương.

Các giải pháp chiến lược để nhằm phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tác giả đề xuất bao gồm: phát triển và nâng cao sản phẩm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch tâm linh; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn... Đồng thời, cần quan tâm tới việc đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất hạ tầng du lịch, từ đó nâng cao thương hiệu du lịch tỉnh Phú Thọ và gia tăng giá trị kinh tế từ du lịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ (2022), Tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ các năm 2020, 2021, 2022. NXB Thống kê.
  2. Phạm Hồng Mơ (2022), Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao tại điểm đến du lịch thành phố Vũng Tàu, Tạp chí khoa học Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, tập 19 - số 4/2022.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2023), “Quyết định số 1579/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
  4. Amin Fahimi (2018), Testing the role of tourism and human capital development in economic growth. A panel causality study of micro states, Tourism Management Perspectives.

Developing high-quality tourism products associated with the tourism brand development in Phu Tho province

Master. Do Hai Nam1

Master. Chu Thi Kim Ngan1

1Hung Vuong University

Abstract:

Phu Tho is considered the ancestral land of Vietnam, and it has great, attractive natural tourism resources. This is an advantage for Phu Tho province to build a tourism brand, contributing to the local socio-economic development process. However, Phu Tho province’s tourism products are not of high quality and do not really meet tourists' expectations. This study proposed some solutions to improve the quality of Phu Tho province’s tourism products associated with the province’s tourism brand development, contributing to attracting more domestic and international visitors to Phu Tho province in the near future.

Keywords: high quality tourism products, tourism brand, Phu Tho province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4 tháng 3 năm 2024]

Tạp chí Công Thương