Huyện Mường Chà (Điện Biên): Tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững là nội dung quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo tinh thần của Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên, khóa XIV (nhiệm kỳ 2020 – 2025) đang được Mường Chà tích cực triển khai.
huyện Mường Chà
Huyện Mường Chà tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. 

Những năm qua huyện Mường Chà đã tích cực hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện thiết thực Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững. Nhờ đó, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết đã được thực hiện, góp phần giúp người dân dần thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện đời sống.

Đối với sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lương thực có hạt, trong những năm gần đây trên địa bàn huyện cơ bản có bước chuyển biến rõ rệt và ổn định. Trên cơ sở áp dụng các mô hình thí điểm lựa chọn giống, kết hợp từng bước đồng bộ cơ giới hóa từng phần trong sản xuất phát triển mạnh tại các xã vùng lòng chảo.

Nhiều hộ dân các xã trên địa bàn huyện Mường Chà đã mạnh dạn đầu tư máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất tham gia vào chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp do đó khâu làm đất đạt trên 93% diện tích, khâu thu hoạch gặt bằng máy đạt khoảng 60% diện tích, khâu tuốt lúa bằng máy đạt 95% diện tích, hỗ trợ áp dụng máy cấy lúa với tổng diện tích cấy, liên kết sản xuất trong năm 2022 là 853 ha.

Đối với cây ăn quả, đây là thế mạnh của huyện Mường Trà, trước mắt là hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung, bao gồm các loại cây ăn quả chủ lực của huyện như bưởi da xanh, cây mít, nhãn, thanh long, ổi, bơ với tổng diện tích đạt gần 100 ha, tập trung tại các xã Thanh Nưa, Thanh Chăn, Thanh Yên, Noong Luống, Sam Mứn, Pom Lót, Thanh Xương, Thanh An.

Đối với các loại cây ăn quả cho năng suất và có hiệu quả như cây dứa, mấy năm gần đây bà con nông dân ở tại Pu Lau xã Mường Nhà và một số xã của huyện Mường Chà đã không ngừng mở rộng diện tích trồng loại cây ăn quả này. Ðến nay, toàn huyện đã có gần 400 ha dứa, tập trung chủ yếu ở các xã: Na Sang, Mường Mươn và Sa Lông. Đến nay, Dứa trở thành cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ nông dân huyện Mường Chà.

huyện Mường Chà
Mô hình khoai tây xuất khẩu tại Thèn Pả, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Bên cạnh đó, các mô hình canh tác tập trung dần hình thành như 165 ha cây quế đã được trồng thành công tại xã như Mường Tùng, Sá Tổng Ma Thì Hồ, Na Sang, Huổi Lèng, hiện nay cây sinh trưởng rất tốt; 12 ha khoai tây xuất khẩu tại Thèn Pả, Xã Sa Lông (Mường Chà) đã cho kết quả khả quan, cây trồng phát triển tốt; mô hình hoa hồng Pháp tại thị trấn Mường Chà; trồng cây dược liệu tại xã Sa Lông; bí đao,...Nhìn chung, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đưa những cây mới có giá trị cao, thử nghiệm tại địa phương và đem lại hiệu quả bước đầu, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung.

Bước đầu huyện Mường Chà hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, từ đó làm cơ sở thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025, hình thành mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, phát triển thành các hợp tác xã, tổ liên kết, hình thành chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản, giúp bà con cải thiện thu nhập. Góp phần duy trì và nâng cao các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đầu trở thành xã nông thông kiểu mẫu của huyện.

Huyện tăng cường tạo điều kiện, hỗ trợ, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển liên kết sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp để hỗ trợ phát triển sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, tổ chức thực hiện gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Điện Biên tại Lễ hội Hoa Ban tỉnh Điện Biên năm 2022.

huyện Mường Chà
Huyện Mường Chà tập trung bảo vệ, nâng cao chất lượng diện tích rừng và thu hút đầu tư trồng rừng kinh tế, cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng.

Đối với Lâm nghiệp, huyện Mường Chà tập trung bảo vệ, nâng cao chất lượng diện tích rừng hiện có, thu hút đầu tư trồng rừng kinh tế, cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu dưới tán rừng tại vùng phù hợp (trồng cây sa nhân tím dưới tán rừng 24,45 ha tại xã Pa Thơm, Mường Pồn); đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực năm 2022 thu hút được 02 doanh nghiệp đầu tư dự án trồng Mắc ca vào địa bàn huyện.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 04 dự án trồng cây Mắc ca được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, với tổng mức đầu tư là 4.096.159 triệu đồng, quy mô thực hiện trồng 13.462,74 ha. Bên cạnh đó tiếp tục đo đạc, quy chủ diện tích trồng cây Mắc ca công nghệ cao với diện tích 600 ha tại 2 xã Mường Mươn và Na Sang.

Chủ trương của huyện Mường Chà là khuyến khích bà con chuyển dịch từ tự cung tự cấp sang kinh tế hàng hóa, thâm canh tăng vụ, sản xuất, chăn nuôi những cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Đồng thời cử cán bộ chuyên môn, hộ dân đi học hỏi các mô hình kinh tế mới trong và ngoài huyện, liên hệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư các dự án nông nghiệp, trồng trọt ngắn hạn cho nông dân tại trung tâm xã. Khuyến khích các hộ mạnh dạn vay vốn ưu đãi của ngân hàng phát triển kinh tế.

Lê Hoa