Sau khoảng 5-6 năm mắc ca cho lứa quả bói đầu. Giá bán quả mắc ca khô từ 250.000đ - 280.000đ/kg, hạt đã sơ chế 400.000đ/kg. Kết quả này đã mở ra triển vọng phát triển thêm một loại cây có giá trị kinh tế cao trong cơ cấu cây trồng phát triển nông nghiệp bền vững ở tỉnh Điện Biên.
Thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai, tỉnh Điện Biên đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Qua đó sẽ từng bước hình thành ngành hàng Mắc ca theo chuỗi giá trị sản phẩm từ trồng, đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế…
Trong thời gian qua, đã có 10 dự án trồng mắc ca của 9 doanh nghiệp – nhà đầu tư được tỉnh Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô dự kiến trồng tập trung là 62.782ha. Các dự án được chấp thuận đầu tư theo mô hình hỗn hợp, một phần diện tích (50 – 60%) do nhà đầu tư trực tiếp trồng chăm sóc, một phần diện tích (40 – 50%) thực hiện theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các Hợp tác xã.
Hiện nay diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên ước đạt 3.387ha, trong đó, trồng chuyên canh 2.884 ha, trồng xen với cây trồng khác 543 ha, các diện tích đã trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên Đông, Điện Biên và thành phố Điện Biên Phủ.
Mắc ca là cây công nghiệp chiến lược mới của Điện Biên gắn với ngành công nghiệp mắc ca được một số doanh nghiệp trong đó Công ty Cổ phần Him Lam thúc đẩy phát triển từ năm 2014.
Đến nay, cây mắc ca không chỉ là cây công nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập bền vững cho người dân tạo vùng nguyên liệu đủ lớn để phát triển công nghiệp chế biến mà còn là loại cây trồng chủ lực để thực hiện mục tiêu phủ xanh đất trống đồi trọc.