Ông Ngô Đức Hoàng - Giám đốc ICDREC cho biết, đây chỉ là một phần kết quả của Dự án khoa học và công nghệ “Thiết kế và chế tạo chip, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”, được thực hiện trong 4 năm ( 2011 - 2015).
Kinh phí này phần lớn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ) và có sự đóng góp của Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn - CNS. Lễ công bố ngày hôm nay, nhằm khẳng định đội ngũ nhân lực Việt Nam đã làm chủ được công nghệ thiết kế chip và thiết bị RFID.
Ông Nguyễn Trung Hiếu ICDREC giới thiệu về chip, thiết bị RFID và ứng dụng thương mại tại Lễ công bốChia sẻ thêm về mục đích và ý nghĩa của dự án này, ông Ngô Đức Hoàng cho biết, Dự án “ Thiết kế và chế tạo chip, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng”, do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, ICDREC thực hiện với sự tham gia của nhiều trường đại học và học viện kỹ thuật tại Việt Nam.
Trong thời gian nghiên cứu, được sự quan tâm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Quốc gia Thành phố, cùng với những góp ý có giá trị của các chuyên gia trong ngành, ICDREC đã chế tạo thành công chip RFID, thiết bị đọc/ghi RFID và hệ thống quản lý vào ra theo đúng tiến độ dự án.
Mô hình hệ thống quản lý vào/ra ứng dụng công nghệ RFIDTừ chip RFID, thiết bị đọc/ghi RFID và phần mềm quản lý, hệ thống của ICDREC đã tự động hóa công đoạn, quản lý con người ra vào, bảo vệ tài sản công, thống kê dữ liệu cần thiết để phân tích và nâng cao chất lượng quản lý nhân sự, ngoài ra, hệ thống còn có khả năng mở rộng, tích hợp thêm nhiều tính năng hữu ích khác.
Ông Hoàng nhấn mạnh, với việc ra đời của chip và thiết bị RFID HF có thể xem là một thành công mới, của nền công nghiệp vi mạch Việt Nam. Tuy nhiên không chỉ dừng lại ở kết quả nghiên cứu đơn thuần, các sản phẩm này còn có tiềm năng ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa cao. Thông qua buổi lễ này, ICDREC mong muốn nhận được sự hợp tác của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm thương mại hóa sản phẩm Việt.
Lễ ký kết biên bản hợp tác về triển khai ứng dụng thẻ, đầu đọc RFID giữa ICDREC, CNS với Công ty Shoei Nhật BảnTại lễ công bố, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng phòng thị trường và đầu tư của ICDREC đã giới thiệu quá trình từ khâu thiết kế đến thương mại hóa, trong đó nhấn mạnh đến hàng loạt các tính năng, ứng dụng hữu ích của chip và thiết bị RFID.
Theo ông Hiếu, RFID (radio frequency identification) là công nghệ định danh bằng sóng vô tuyến, được phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới trong thập niên gần đây, nhằm thay thế các công nghệ định danh cũ như mã vạch, băng từ… vốn không có tính năng mã hóa bảo vệ dữ liệu người dùng.
Lễ ký kết biên bản hợp tác về triển khai ứng dụng thẻ, đầu đọc RFID giữa ICDREC, CNS với Công ty CP Thương mại VietNetCác con chip RFID HF có khả năng chứa và mã hóa những thông tin cần thiết dưới dạng số; những dữ liệu này được lưu trữ và truy xuất sử dụng năng lượng từ chính các thiết bị đọc/ghi mà không cần phải cấp nguồn riêng cho chip, nên thường có dạng rất gọn, nhẹ để tạo thuận tiện cho người sử dụng.
Một hệ thống ứng dụng công nghệ RFID bao gồm 3 tầng: Chip/thẻ để chứa thông tin về ứng dụng và người dùng; Thiết bị đọc/ghi: tương tác và xử lý dữ liệu trên chip; Hạ tầng mạng và giải pháp phần mềm. Tùy vào mức độ phức tạp của ứng dụng mà phần mềm sẽ nằm trực tiếp trên thiết bị hoặc nằm trên một máy chủ chuyên dụng.
Những ứng dụng tiêu biểu hiện nay của công nghệ RFID: quản lý vào/ ra, điểm danh, quản lý hàng hóa, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, thẻ căn cước, bằng lái xe, hộ chiếu, thanh toán siêu tốc, khóa cửa, thang máy, giữ xe, quản lý hành lý ký gửi bằng đường hàng không…
Theo số liệu thống kê của các chuyên gia trong lĩnh vực RFID, giá trị của thị trường sử dụng chip RFID trên toàn cầu khoảng 9 tỷ USD và sẽ tăng lên mức trên 27 tỷ USD trong vài năm tới, do nhu cầu tăng không ngừng của nhóm sản phẩm này trong đời sống.
Để mở đầu cụ thể trong quá trình thương mại hóa tại buổi lễ công bố, đã diễn ra lễ ký kết Biên bản hợp tác về triển khai ứng dụng thẻ, đầu đọc RFID HF giữa Trung tâm ICDREC, Tổng công ty CNS với Công ty Shoei (Nhật Bản) và Công ty CP Thương mại Kỹ thuật VietNet.