Kết quả hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương

1. KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ĐÓNG GÓP NGÀY CÀNG QUAN TRỌNG TỚI PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Giai đoạn 2016 - 2020, đóng góp của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) được thể hiện trên nhiều phương diện, từ việc cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện định hướng, chính sách phát triển, công cụ quản lý nhà nước đối với ngành, với từng lĩnh vực tới thúc đẩy, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam thông qua hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.

Trong giai đoạn 05 năm vừa qua, chính sách phát triển kinh tế nói chung và của ngành Công Thương nói riêng đã có nhiều thay đổi nhằm phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị của đất nước cũng như yêu cầu tất yếu trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghiên cứu khoa học với vai trò cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn đã góp phần quan trọng vào quá trình định hướng phát triển và xây dựng chính sách, tạo ra các bước đi có tính đột phá trong cả tất cả ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, xuất nhập khẩu và hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều vấn đề mới có tác động sâu, rộng tới phát triển Ngành nhanh chóng được đưa vào nội dung nghiên cứu, cung cấp các luận cứ rõ ràng cho những chủ trương, chính sách mà Bộ và Chính phủ đưa ra, trở thành các quyết sách lớn, góp phần tạo cú hích cho mục tiêu tăng trưởng bền vững của Ngành. Cuối giai đoạn 2016 - 2020, các nghiên cứu đã tập trung đánh giá, phân tích tình hình triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trong cả giai đoạn 2011 - 2020, từ đó tạo cơ sở cho việc xây dựng các định hướng giai đoạn 2021 - 2030, như: Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, Chiến lược xuất nhập khẩu, Chiến lược phát triển thị trường trong nước. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này cũng đã có những đóng góp ý nghĩa trong quá trình đàm phán, tham gia các hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, hỗ trợ chính sách mở cửa và tham gia vào thị trường toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam v.v...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã chủ động tiến hành nghiên cứu, điều tra, khảo sát và tích cực phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương trong việc cung cấp cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn phong phú, sinh động phục vụ công tác xây dựng các định hướng, chủ trương lớn của Đảng về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) như: Kết luận số 50-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hoạt động nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, ĐMST trong các doanh nghiệp ngành Công Thương, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến, chế tạo liên tục phát triển, đã có những bước tiến hết sức quan trọng, không chỉ cơ bản đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng trong nước, sản phẩm của Việt Nam hiện đã vươn ra thị trường thế giới. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta tính đến nay đã có vị trí cao trong xếp hạng thành tích xuất khẩu của thế giới, như: dệt may, da giày, điện tử, thủy sản, đồ gỗ và một số mặt hàng nông sản khác (cà phê, hồ tiêu, gạo v.v…) luôn thuộc nhóm các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu (CIP) ở mức khá cao, thuộc nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp trung bình cao. Các chính sách KH&CN cùng nhiều hoạt động hỗ trợ của Nhà nước là tiền đề tạo ra những đóng góp quan trọng của KH&CN cho phát triển của ngành, lĩnh vực cũng như từng doanh nghiệp, đặc biệt trong những năm gần đây. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2018: đóng góp của tăng năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP ) trong tăng trưởng VA (giá trị tăng thêm) của Ngành có xu hướng tăng, từ 44,74% năm 2010 đã lên mức 50,99% vào năm 2018, con số này cao hơn mức đóng góp của TFP của toàn nền kinh tế; đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng năng suất lao động của các ngành công nghiệp chủ lực là 105,8%. Hoạt động nghiên cứu và phát triển đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các doanh nghiệp, tạo đột phá trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường; trong đó, nhiều lĩnh vực có hoạt động tích cực như: sản xuất thiết bị điện, máy móc, thiết bị khai khoáng v.v... Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới công nghệ ngày càng cao. Năm 2017, có 49,8% công nghệ của doanh nghiệp được đổi mới, trong đó 47,8% là mới so với thị trường và 2,4% mới so với thế giới. Trong lĩnh vực ĐMST, có hơn 80% doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện đổi mới sản phẩm hoặc quy trình, gần 50% mở rộng lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; với các các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chỉ số tương ứng là khoảng 50% và 17 ÷ 18%. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi khoảng 1,6% doanh thu hàng năm cho R&D. Nhiều tập đoàn/doanh nghiệp đã thành lập quỹ phát triển KH&CN để đẩy mạnh các hoạt động KH&CN và ĐMST.

2. GHI NHẬN NHIỀU THÀNH TÍCH VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NỔI BẬT TRONG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương được giao chủ trì 09 chương trình/đề án KH&CN các cấp. Các nhiệm vụ trong giai đoạn này tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa thương hiệu Việt Nam có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường. Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã đạt được những giải thưởng cao và ứng dụng nhanh chóng vào thực tiễn của ngành, lĩnh vực, mang tới tác động tích cực, tạo cơ hội phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Một số thành tựu nổi bật về KH&CN đã đạt được trong các lĩnh vực trọng điểm ngành Công Thương, cụ thể như sau:

(1) Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí: với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực mang tính quốc tế cao, hầu hết các công nghệ sử dụng trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí của Việt Nam đều là những công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới, như: công nghệ khoan đơn thân, khoan đa thân, khoan nhiệt độ - áp suất cao, khoan thân giếng nhỏ, khoan dưới áp suất cân bằng, công nghệ xử lý giếng, phương pháp gọi dòng, phương pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu đã được áp dụng trong khai thác thứ cấp ở các mỏ như: Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen; công nghệ khai thác dầu trong đá móng granitoid trước Đệ Tam đã được áp dụng tại các mỏ thuộc bể Cửu Long v.v… Trong chế biến dầu khí, công nghệ làm lạnh sâu dòng khí nguyên liệu (Turbo Expender) đã giúp nâng cao hiệu suất thu hồi lỏng tại nhà máy xử lý khí; công nghệ nén khí CNG được áp dụng trong việc nén khí khô vào các bình chứa cao áp; công nghệ nhập, xuất và tồn chứa LPG lạnh v.v… Cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn có năng lực trong nước, doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công nhiều công trình KH&CN mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới. Tiêu biểu như các công trình:

- 03 cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 6, gồm: (1) Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam” của TS. Ngô Hữu Hải, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông, gắn với dự án phát triển, xây dựng cụm giàn khai thác khí và dầu condensate ở mỏ Hải Thạch - Mộc Tinh mang tên “Biển Đông 01” - là dự án trọng điểm quốc gia, được triển khai trong điều kiện đặc biệt phức tạp, có quy mô lớn nhất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,  đòi hỏi các tiêu chuẩn hết sức ngặt nghèo về kỹ thuật - công nghệ; được đánh giá có giá trị KH&CN cao, không chỉ áp dụng cho Dự án Biển Đông 01 mà còn có đóng góp quan trọng cho việc phát triển các dự án khai thác nước sâu xa bờ khác; khẳng định sức mạnh nội lực, kỹ năng quản lý, trình độ của ngành Dầu khí Việt Nam hoàn toàn đủ sức làm chủ, phát triển được những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới, chinh phục được những mỏ dầu khí có điều kiện phức tạp nhất. (2) Cụm công trình “Hệ thống trạm đo carota tổng hợp xách tay TBM-02 và bộ quy trình minh giải tài liệu địa vật lý Loginter 2.0” của tác giả Nguyễn Xuân Quang, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, đã làm chủ được quá trình tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí thông qua việc nghiên cứu tính chất vật lý, địa chất, đất đá xung quanh thành giếng kết hợp với kết quả nghiên cứu địa chất để tính toán trữ lượng dầu khí của các khu vực, các mỏ, bể trầm tích, đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành địa vật lý của Việt Nam. (3) Cụm công trình “Nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam” của ThS. Bùi Hoàng Điệp, Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí, đã giải quyết những vấn đề hoàn toàn mới ở Việt Nam với những điều kiện hiếm gặp trên thế giới, đóng góp trực tiếp tới sự thành công của dự án Biển Đông 01, qua đó đưa đơn vị trở thành một trong số ít các nhà thầu trong khu vực có đủ năng lực EPCI cho các dự án giàn công nghệ trung tâm CPP và các công trình dầu khí siêu trường, siêu trọng; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và làm chủ công nghệ của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt là trong việc thiết kế, thi công chế tạo, hạ thủy và lắp đặt các công trình dầu khí siêu trường siêu trọng ở những vùng địa chính trị nhạy cảm là nơi có độ sâu nước lớn, góp phần tích cực bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.

- 02 cụm công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5, gồm: (1) Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Nam Việt Nam” được đánh giá là công trình đặc biệt xuất sắc khi áp dụng thành công công nghệ vận chuyển dầu nhiều parafin bằng đường ống ngầm ngoài khơi thềm lục địa Nam Việt Nam với tổ hợp các giải pháp công nghệ đa dạng, khác biệt so với công nghệ truyền thống của thế giới; (2) công trình “Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90 m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam” của Công ty Cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PV Shipyard), đã đưa Việt Nam thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ thiết kế chi tiết và chế tạo giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế; góp phần vào việc tăng tỷ lệ nội địa hóa của Dự án Chế tạo giàn khoan Tam Đảo 05 lên 39% so với Dự án Tam Đảo 03 (34,7%); rút ngắn thời gian thi công Dự án cũng như giảm thời gian làm việc của các chuyên gia nước ngoài.

- 04 công trình đạt Giải thưởng Nhà nước về KH&CN, gồm: (1) Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi)” của TS. Nguyễn Quỳnh Lâm, Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; (2) Công trình “Nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di dộng phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng” của KS. Phan Tử Giang, Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; (3) Cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” của KS. Nguyễn Văn Hội, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn; (4) Công trình “Chế tạo, hạ thủy và lắp đặt chân đế siêu trường siêu trọng nước sâu trên 100m nước với điều kiện ở Việt Nam” của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Trong đó, cụm công trình “Các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ tối ưu hóa quá trình sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của BSR” đã giúp nâng cao khả năng chế biến nhiều chủng loại dầu thô mới trong và ngoài nước góp phần đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo đủ nguyên liệu với giá cạnh tranh cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong bối cảnh sản lượng và chất lượng của dầu thô Bạch Hổ ngày càng suy giảm; sáng tạo ra một giải pháp kỹ thuật công nghệ mới giúp loại bỏ trên 70% các tạp chất kim loại sắt (Fe) và canxi (Ca) trong nguyên liệu dầu thô, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định cho phân xưởng chính Cracking xúc tác (RFCC) và giảm tiêu thụ xúc tác với giá trị trên 10 triệu USD/năm; phát triển thành công một loại sản phẩm mới là dầu nhiên liệu hàng hải (MFO) theo tiêu chuẩn quốc tế IMO-2020 có chất lượng và giá trị cao (hàm lượng lưu huỳnh nhỏ hơn 0,5%wt) và nhiều hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh trực tiếp cho doanh nghiệp.

(2) Trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản: hoạt động KH&CN, đầu tư đổi mới và hiện đại hóa công nghệ sản xuất trong các doanh nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, hiệu quả khai thác, chế biến; nâng cao tỷ lệ thu hồi, giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản; nâng cao mức độ an toàn lao động, đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường.

Trong khai thác than hầm lò, các đơn vị đã tích cực nghiên cứu đổi mới, áp dụng tối đa công nghệ cơ giới hóa đồng bộ ở các mỏ có điều kiện địa chất thuận lợi, nhằm nâng cao sản lượng lò chợ, năng suất lao động, nâng cao mức độ an toàn và giảm lao động trực tiếp nặng nhọc. Tiêu biểu là: công trình “Nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ sử dụng giàn chống tự hành có cơ cấu thu hồi than nóc độc lập để nâng cao năng suất khai thác đạt công suất cao kỷ lục tại Công ty Cổ phần Than Hà Lầm - Vinacomin” của Công ty Cổ phần Than Hà Lầm -Vinacomin, đã vinh dự được trao tặng Giải nhất Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (VIFOTEC) năm 2017; Đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu áp dụng dây chuyền công nghệ cơ giới hóa khấu than lò chợ phù hợp với điều kiện địa chất kỹ thuật các vỉa than thoải và nghiêng ở các mỏ hầm lò vùng Quảng Ninh” do Viện Khoa học Công nghệ Mỏ - Vinacomin chủ trì thực hiện đề xuất và lựa chọn sơ đồ công nghệ, đồng bộ thiết bị cơ giới hóa hạng nhẹ khấu than lò chợ phù hợp điều kiện địa chất - kỹ thuật mỏ vùng Quảng Ninh nhằm mở rộng phạm vi và hiệu quả áp dụng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ. Công trình đã áp dụng thử nghiệm thành công tại các mỏ than Mông Dương, Khe Chàm I, kết quả đã tăng sản lượng lò chợ lên 2 ÷ 3 lần, năng suất lao động lên 3 ÷ 5 lần so với lò chợ thủ công trong cùng điều kiện. Tính đến cuối năm 2020, toàn ngành Than đã đưa vào sản xuất 10 dây chuyền khai thác cơ giới hóa đồng bộ, qua đó nâng tỷ lệ khai thác than hầm lò bằng cơ giới hóa từ 3,3% năm 2010 lên 15,3% năm 2021. Ngoài ra, nhiều công nghệ tiên tiến khác đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất như: sử dụng vì chống thủy lực di động, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò; áp dụng hệ thống giám sát khí mỏ tập trung - tự động để kiểm soát khí mỏ nhằm nâng cao mức độ an toàn, phòng ngừa sự cố cháy nổ trong các mỏ hầm lò; ứng dụng tự động hóa vào các khâu cung cấp điện, giám sát điều khiển thông gió (đóng mở cửa gió), cung cấp dung dịch thủy lực, thoát nước mỏ.

Trong khai thác than lộ thiên, công nghệ và thiết bị đã cơ bản đạt trình độ tiên tiến, tiệm cận và ngang tầm với các nước trong khu vực với những đồng bộ thiết bị lớn, hiện đại, như: máy xúc dung tích gàu tới 12 m3, ô tô tải trọng từ 90 ÷ 130 tấn; ứng dụng định vị GPS trong quản lý các vận tải, phần mềm quản lý cấp phát nhiên liệu, phần mềm giao nhật lệnh sản xuất và nghiệm thu sản phẩm.

Trong công tác chế biến than, các kết quả nghiên cứu đã góp phần nâng cao mức độ cơ giới hóa, tự động hóa ở các nhà máy tuyển, nâng cao mức thu hồi các chủng loại than phù hợp nhu cầu tiêu thụ, thu hồi tối đa các chủng loại than khác để tiết kiệm tài nguyên, giảm mất mát tài nguyên. Một số công trình tiêu biểu như: Áp dụng công nghệ sấy than bùn sau lọc ép giảm độ ẩm than bùn <10% và pha trộn thành than cám đạt tiêu chuẩn quốc gia (Giai đoạn 1) tại Công ty Tuyển than Cửa Ông (năm 2018); hệ thống sàng đa mặt dốc hiệu suất cao tại Trung tâm Chế biến than Hòn Gai (năm 2019), Công ty Tuyển than Cửa Ông (năm 2019), Nhà máy Tuyển than Vàng Danh 1 (năm 2020), Dự án Nhà máy Sàng tuyển than Khe Chàm (năm 2020) giúp nâng cao hiệu suất sàng tách cám khô, giảm thiểu cấp hạt mịn vào tuyển nước, giảm tỉ lệ than bùn, cải thiện môi trường làm việc (giảm bụi, ồn) v.v…

Trong khai thác, chế biến các loại khoáng sản khác, các tổ chức KH&CN thuộc Bộ đã nghiên cứu, triển khai ứng dụng thành công nhiều công nghệ, giải pháp kỹ thuật vào thực tiễn, mang lại những chuyển biến tích cực như: công nghệ khai thác và tuyển hợp lý quặng sa khoáng titan - zircon trong tầng cát đỏ đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại một số công ty khai thác và chế biến quặng sa khoáng titan vùng Bình Thuận; công nghệ tuyển và chế biến sâu quặng graphite mỏ Bảo Hà, Lào Cai đã tạo ra nguồn nguyên liệu mới có khả năng thay thế hàng nhập ngoại, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm cho sản xuất của một số ngành công nghiệp trong nước; công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn đã được áp dụng thành công tại Công ty TNHH MTV Kim loại màu Thái Nguyên; công nghệ chế biến khoáng chất tan vùng Phú Thọ làm nguyên liệu cho ngành sản xuất ceramic, sơn, dược phẩm và hoá mỹ phẩm; công nghệ tuyển và biến tính quặng sericit làm nguyên liệu cho ngành sơn và polyme áp dụng cho mỏ vùng Hương Sơn- Hà Tĩnh; công nghệ tuyển tận thu các nguyên tố có ích trong quá trình tuyển và luyện quặng đồng Sin Quyền áp dụng tại Nhà máy tuyển nổi đồng Sin Quyền - Lào Cai và nhà máy luyện đồng Tằng Loỏng - Lào Cai; công nghệ tuyển, chế biến quặng apatit giúp đảm bảo và ổn định chất lượng quặng tinh apatit loại III đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu có chất lượng ổn định cho nhà máy sản xuất DAP áp dụng tại Nhà máy tuyển quặng apatit của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam v.v…

(3) Trong lĩnh vực năng lượng - điện: kết quả hoạt động KH&CN, chuyển giao, làm chủ công nghệ và thiết bị mới, tiên tiến của nước ngoài có đóng góp quan trọng trong phát triển nguồn điện, lưới điện, hệ thống điều khiển - điều độ - thông tin - viễn thông điện lực trong nước, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp của sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị ngành điện.

Trong phát triển nguồn điện, công nghệ sử dụng cho các nhà máy điện mới cơ bản hiện đại, tiên tiến, mức độ tự động hóa cao và phù hợp với trình độ phát triển của thế giới. Các nhà máy đều được lắp đặt thiết bị đo đã được số hóa phục vụ điều khiển và giám sát thiết bị chính, trang bị SCADA/DCS, hệ thống máy tính, điều khiển bằng phần mềm của các hãng nổi tiếng trên thế giới như EMERSON, ABB, YOKOGAWA v.v... hệ thống viễn thông dùng riêng băng thông rộng, các phần mềm quản trị dùng chung như PMIS, ERP. Hệ thống bảo vệ, hệ thống đo đếm nhiều chủng loại, nhiều chuẩn kết nối. các doanh nghiệp ngành điện đã hợp tác với tổ chức KH&CN trong nước nghiên cứu, thử nghiệm và vươn lên làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo, lắp đặt, vận hành nhiều thiết bị quan trọng cho nhà máy nhiệt điện, thủy điện, đạt trình độ tiên tiến của thế giới. Tiêu biểu là: công trình “Thiết kế, chế tạo vít thải xỉ cho các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện được vinh dự trao Giải nhì VIFOTEC năm 2018;  công trình “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống thải tro xỉ cho lò hơi đốt than công nghệ CFB, ứng dụng trong công nghiệp sản xuất điện năng từ than chất lượng thấp tại Việt Nam” do ThS. Hoàng Trung Kiên, Viện Nghiên cứu Cơ khí được Giải nhất VIFOTEC năm 2017;  công trình “Nghiên cứu công nghệ phục hồi bạc trượt của Tuabin trong các nhà máy nhiệt điện đốt than 300 MW bằng vật liệu babit” của TS. Vũ Trung Tuyến, Viện Nghiên cứu Cơ khí được Giải thưởng VIFOTEC năm 2016; đề tài cấp nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tổ hợp và đưa vào vận hành hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW” của Viện Nghiên cứu Cơ khí, lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp và đưa vào vận hành thành công hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, mang lại hợp đồng kinh tế xấp xỉ 1.184 tỷ đồng và mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước.

Đối với hệ thống truyền tải, nhờ đẩy mạnh hoạt động KH&CN, doanh nghiệp trong nước đã đủ năng lực sản xuất cung cấp các máy biến áp truyền tải cấp điện áp 220kV với các gam công suất khác nhau và cung cấp một số máy biến áp cấp điện áp 500kV, tích hợp và làm chủ công nghệ giám sát điều khiển trạm biến áp không người trực và sản xuất nhiều linh phụ kiện khác cho các công trình lưới điện truyền tải. Tiêu biểu là công trình “Xây dựng thiết bị đo, giám sát và chấn đoán tình trạng hoạt động máy biến áp hạ áp” do TS. Đỗ Xuân Đỉnh - Trường Đại học Sao Đỏ thực hiện được Giải thưởng VIFOTEC năm 2019. Công tác quản lý vận hành hệ thống điện được hiện đại hóa thông qua các giải pháp lưới điện thông minh (trung tâm điều khiển xa, trạm biến áp không người trực, sửa chữa hotline, ứng dụng quản lý lưới điện phân phối DMS, hoàn thiện hệ thống ghi sự cố Fault recorder cho lưới điện 500kV và khai thác thí điểm ứng dụng đo góc pha để giám sát hệ thống diện rộng thời gian thực); xây dựng các đường dây nhiều mạch cùng hoặc khác cấp điện áp; chuẩn hoá việc sử dụng dây dẫn, sơ đồ cột, phân pha, đường dây nhiều mạch, đa cấp điện áp, phụ kiện; ứng dụng các loại dây dẫn chịu nhiệt, dây nhôm lõi composit; triển khai công nghệ trạm GIS; triển khai và nâng cấp hệ thống SCADA.

(4) Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo - tự động hóa: Việc ứng dụng thành công các kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đã khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của tổ chức KH&CN ngành Công Thương trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Các công trình nghiên cứu bao gồm từ thiết kế mới, thiết kế cải tiến, làm chủ bí quyết thiết kế chế tạo các dây chuyền thiết bị nhập ngoại, chế tạo nội địa hóa thiết bị, phụ tùng, cho đến phục hồi sửa chữa các thiết bị, phụ tùng máy móc có giá trị kinh tế lớn, cho nhiều ngành công nghiệp, như: xi măng, hóa chất, nhiệt điện than, thủy điện, dầu khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng v.v… Nhiều kết quả đề tài đã triển khai áp dụng có hiệu quả vào các công trình, cơ sở sản xuất và được đánh giá cao, tiêu biểu như: Công trình “Hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo, chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1.000.000 Nm3/h” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện, đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, lắp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn của châu Âu với tỷ lệ nội địa hóa từ 76% lên 94% về khối lượng và từ 65,18% lên 79,6% về giá trị, ứng dụng thành công tại Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Thái Bình 1, xuất khẩu cho dự án Nhà máy Luyện kim Myanmar, được Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tin tưởng trao hợp đồng cung cấp hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2; công trình “Thiết kế chế tạo thiết bị đầu quay không lõi làm sạch cáu cặn trong lòng ống trao đổi nhiệt bằng áp lực cao” do Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện được Giải nhì VIFOTEC năm 2018; công trình “Nghiên cứu xây dựng qui trình xử lý, phục hồi nâng cao hiệu suất làm việc của trục vít ép đùn trong lĩnh vực sản xuất gạch, ngói lên 1,5 lần tương đương 1.200.000 sản phẩm/lượt” của TS. Ngô Hữu Mạnh, Đại học Sao Đỏ được giải VIFOTEC năm 2016; công trình cửa van cung đập tràn xả mặt tại Nhà máy Thủy điện Lai Châu; cửa van phẳng tại Nhà máy Thủy điện Sơn La; Công trình thiết kế, chế tạo bộ làm mát ổ hướng máy phát của Nhà máy Thủy điện Sơn La; thiết kế và chế tạo hệ thống băng tải vận chuyển quặng bauxite cho Nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ.

Trong lĩnh vực máy nông nghiệp, các viện nghiên cứu thuộc Bộ đã chế tạo thành công nhiều sản phẩm phục vụ canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông - ngư nghiệp, các kho bảo quản phục vụ xuất khẩu và các dự án đầu tư sản xuất các thiết bị phục vụ nông nghiệp và công nghiệp chế biến có giá trị trên thị trường. Các sản phẩm đã xuất khẩu đi một số nước trong khu vực và thế giới. Tiêu biểu như: cụm công trình “Nghiên cứu đối với các hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị đồng bộ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo từ phế phụ phẩm nông nghiệp góp phần xử lý môi trường và phát triển nguồn năng lượng xanh, sạch, bền vững” do PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng, Viện Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nông nghiệp chủ trì thực hiện đã làm chủ công nghệ, nghiên cứu, phát triển đưa ra thị trường, ứng dụng cho xã hội/doanh nghiệp các mẫu máy, dây chuyền thiết bị đồng bộ có tính mới, tính thực tiễn, hàm lượng khoa học cao, tính ứng dụng trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các nhà đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp, công trình vinh dự được Giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2021; công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị cho nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp xanh (gọi tắt là hệ thống thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp xanh)” do PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu, Thiết kế, Chế tạo máy nông nghiệp thực hiện đã được giải VIFOTEC năm 2020; công trình “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống qui mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường” của PGS.TS. Nguyễn Đình Tùng, Viện Nghiên cứu, Thiết kế, Chế tạo máy nông nghiệp được giải nhất VIFOTEC năm 2019; công trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sấy lạnh thùng quay để sấy thóc” do TS. Đinh Văn Nhượng, Trường Đại học Sao Đỏ được giải ba VIFOTEC năm 2018.

Tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các viện nghiên cứu thuộc Bộ đã thiết kế, tích hợp, viết chương trình điều khiển, cung cấp, đào tạo, đưa vào vận hành nhiều hệ thống điều khiển DCS và SCADA cho hầu hết các ngành công nghiệp. Một số công trình, sản phẩm tiêu biểu do các viện thực hiện như: (1) Máy đo không tiếp xúc VMES.01 - là kết quả Đề tài cấp Bộ “Thiết kế, chế tạo máy đo kích thước không tiếp xúc tự động sử dụng công nghệ thị giác máy”do Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa thực hiện đã được áp dụng thử nghiệm tại Công ty Samsung Việt Nam, máy đo VMES.01 dùng để kiểm tra kích thước các sản phẩm trong dây chuyền sản xuất, thay thế phương pháp đo thủ công truyền thống (dùng Panme, thước cặp, máy đo 3D) với ưu điểm thời gian đo nhanh và có độ chính xác cao; (2) Sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế chế tạo Hệ thống điều khiển được tích hợp dùng cho mỏ than hầm lò và nhà máy nhiệt điện” do Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa thực hiện, đã được thương mại hóa cho các mỏ hầm lò trong TKV; (3) Hệ thống giám sát điều khiển tự động đồng bộ cho dây chuyền sản xuất, chế biến chè xanh sao lăn đang được áp dụng, vận hành tại Công ty CP chè Than Uyên Lai Châu, là dây chuyền sản xuất chè có công suất lớn, hiện đại nhất đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó các công đoạn quan trọng nhất đã tự động hóa 100%, áp dụng các công nghệ tiên tiến như AI, IoT.

(5) Trong lĩnh vực hóa chất: các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoá chất đã chú trọng tìm kiếm những giải pháp kỹ thuật và cách thức sản xuất mới, đổi mới công nghệ, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về KH&CN. Nhiều công nghệ tiên tiến đã được nghiên cứu triển khai, chuyển giao vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Trong sản xuất phân bón, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã thực hiện thành công công trình “Nghiên cứu sử dụng 100% quặng apatit tuyển ẩm không qua sấy để sản xuất supe lân thương phẩm 16 - 16,5% P2O5 hữu hiệu”, giúp giảm tiêu hao than do không phải sử dụng quặng nguyên khai; giảm tiêu hao điện năng do dừng các hệ thống sấy, nghiền với tổng công suất các thiết bị dừng là 1.293 kW; giảm lượng khí thải, và tiếng ồn do không phải vận hành nhà máy nghiền bi. Công trình “Nghiên cứu, triển khai áp dụng giải pháp sử dụng quặng apatit nguyên khai loại I vụn vào phối liệu sản xuất lân nung chảy hàm lượng cao > 18% P2O5 hữu hiệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang NewZealand, Nhật Bản”, đã giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, giảm chi phí sản xuất, tăng uy tín do mở rộng xuất khẩu sang thị trường yêu cầu cao về chất lượng. Công trình “Nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm phân lân nung chảy đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu” đã sản xuất được phân lân nung chảy ở mức chất lượng 17-19 % P205 hữu hiệu; sản phẩm phân lân nung chảy của Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước còn xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản, Malaysia, Đài Loan v.v… Công trình “Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axit H2SiF6 dây chuyền sản xuất supe phốt phát nhằm giảm chi phí xử lý môi trường” của tác giả Phạm Quang Tuyến, Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã vinh dự được trao Giải nhất VIFOTEC năm 2017.

Trong chế biến và sản xuất các sản phẩm cao su, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng đã nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả kết quả của các đề tài: “Nghiên cứu chế tạo, thi công lắp đặt dây chuyền cán tráng vải mành phục vụ sản xuất lốp bias và lốp xe đạp, xe máy”, “Nghiên cứu sản xuất các loại màng lắp đặt trong các thiết vị sản xuất sản phẩm lốp ô tô của Công ty” nhận được giải thưởng cao trong Hội thi Sáng tạo KHKT thành phố Đà Nẵng. Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng đã nghiên cứu công nghệ chế tạo lốp máy bay bơm hơi không có săm, là công nghệ hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có tổ chức nào nghiên cứu sản xuất. Công ty Cổ phần Cao su Miền Nam đã nghiên cứu quy trình sản xuất săm xe máy, săm xe công nghiệp bằng cao su butyl; sản phẩm có nhiều đặc tính kỹ thuật vượt trội so với săm xe cùng loại làm từ cao su tự nhiên về tính kín khí, chịu nhiệt, tuổi thọ cũng như trọng lượng.

Trong sản xuất hóa chất cơ bản, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ đã nghiên cứu và ứng dụng thành công công nghệ sản xuất sản phẩm Zeolit 4A có độ tinh khiết 99% trong các lĩnh vực sản xuất chất tẩy rửa, nuôi trồng thủy sản, hóa mỹ phẩm, xúc tác công nghiệp v.v.. Công ty Cổ phần Hóa chất miền Nam đã nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhiệt thừa từ dây chuyền axit sulphuric, giúp tận dụng triệt để nhiệt năng để sản xuất hơi nước và khí nóng, giảm tiêu hao dầu FO và khí LPG. Công ty cổ phần Hóa chất cơ bản miền Nam, Công ty Cổ phần hóa chất Việt Trì đã nghiên cứu, sản xuất sản phẩm PAC (Poly Aluminium Chloride) có chất lượng cao, giá thành hạ có thể cạnh tranh với sản phẩm PAC nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong công nghiệp hóa dược, kết quả nghiên cứu và ứng dụng KH&CN đã mang lại những giá trị thiết thực với nhiều kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, cho sản phẩm có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu với giá cả cạnh tranh. Một số sản phẩm điển hình được thương mại hóa từ kết quả nghiên cứu KH&CN như: viên nang mềm Cebraton có tác dụng hoạt huyết dưỡng não (được sản xuất và thương mại hóa bởi Công ty Traphaco); sản phẩm thuốc an thần ASAKOYA điều trị mất ngủ (Công ty Dược phẩm Mediplantex); chế phẩm phòng chống khối u từ cây hoàn ngọc; sản phẩm dầu gấc (Công ty Vimedimex).

(6) Trong lĩnh vực công nghệ sinh học: hầu hết các nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, các công nghệ đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực đạt trình độ các nước phát triển trên thế giới (công nghệ sản xuất đường chức năng isomaltolose, enzyme xylanase, v.v..). Các công trình nghiên cứu đã đạt được nhiều thành công trong việc ứng dụng các công nghệ vi sinh, công nghệ enzyme, protein để sản xuất, chế biến thực phẩm như: các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu hoá dược, sản phẩm phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng. Giai đoạn này, Bộ Công Thương luôn đặt doanh nghiệp với vai trò trung tâm tiếp nhận các nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất tại doanh nghiệp và sản xuất tạo sản phẩm, riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, 100% các nhiệm vụ KH&CN đều có doanh nghiệp chủ trì hoặc phối hợp. Một số nhiệm vụ bước đầu đã được triển khai theo chuỗi từ nghiên cứu công nghệ đến sản xuất sản phẩm và thương mại hóa trên thị trường, ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người tiêu dùng về chất lượng, sự ổn định của sản phẩm, đẩy mạnh hợp tác, gắn kết chặt chẽ giữa nhà khoa học, tổ chức KH&CN với doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy và phát triển sản phẩm nội địa từ chính các nghiên cứu trong nước, nâng cao giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến. Nhiều kết quả nghiên cứu đã vinh dự được được trao các giải thưởng cao quý về KH&CN, tiêu biểu như công trình “Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” do TS. Phạm Kiên Cường và các cộng sự tại Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Quốc phòng thực hiện, đã được trao giải VIFOTEC năm 2020, đồng thời đã được vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2021.

Thông qua các nhiệm vụ KH&CN, nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh so với giá sản phẩm nhập ngoại cùng loại, bước đầu đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam như các sản phẩm: thực phẩm chức năng hỗ trợ phòng và điều trị bệnh ung thư, các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan (Spobio Immunobran Kid, Spobio Immunobran) do Công ty Cổ phần ANABIO R&D nghiên cứu, sản xuất từ cám gạo Việt Nam; sản phẩm isoflavon hỗ trợ điều trị rối loạn mỡ máu, tim mạch, điều hoà hoócmon từ đậu tương do Công ty Cổ phần Thực phẩm Quốc tế chủ trì sản xuất với giá thành chỉ bằng 60 - 70 % so với sản phẩm nhập ngoại; các sản phẩm surimi và một số sản phẩm từ surimi do Công ty Seaprodex Hải Phòng tiếp nhận công nghệ và sản xuất, đã đem lại lợi nhuận khoảng trên 5,0 tỷ đồng/năm cho 1 dây chuyền 1.000 tấn năm; sản phẩm thực phẩm lên men từ thịt bò, thịt lợn được Công ty Đức Việt tiếp nhận công nghệ và sản xuất với quy mô hàng nghìn tấn/năm đã góp phần giảm giá thành sản phẩm từ 30 - 50% so với giá thành sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài; sản xuất thức ăn nuôi cá chình do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 thực hiện với quy mô sản xuất sản phẩm 1.000 tấn/năm đã được đưa vào nuôi cá chình tại Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Vạn Xuân có giá thấp hơn từ 23%, lợi nhuận đạt 1,75 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, nghiên cứu các công nghệ sạch góp phần giải quyết các “vấn nạn” ô nhiễm môi trường từ các phụ phẩm trong quá trình chế biến tôm tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra các sản phẩm thực phẩm (bột tôm, gia vị bổ sung bột tôm, nước mắm), thức ăn chăn nuôi, chất dẫn dụ cho thức ăn thủy sản có giá trị kinh tế cao từ nguyên liệu đầu, vỏ tôm và cá cơm bằng quy trình khép kín tại Công ty TNHH MTV Sản xuất TM-DV Ðại Phát, các sản phẩm của Công ty được bán rộng rãi trên thị trường, đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Có thể khẳng định, hoạt động KH&CN đã góp phần không nhỏ trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam và bằng chính các công nghệ được nghiên cứu trong nước.

(7) Trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ: hoạt động KH&CN trong lĩnh vực này có tính ứng dụng cao trong việc sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng và thực phẩm - là những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của toàn dân. Do đó, các nghiên cứu chú trọng vào vấn đề nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Một số kết quả nghiên cứu nổi bật là:

Trong lĩnh vực nghiên cứu dầu và cây có dầu, từ các kết quả nghiên cứu KH&CN, nhiều giống cây có dầu và cây trồng khác do các Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chọn tạo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia và được trồng phổ biến trong sản xuất ở các tỉnh phía Nam, như: giống dừa sáp, giống lạc VD8, giống vừng VDM3. Một số kết quả nghiên cứu công nghệ chế biến dầu thực vật, như: dầu mè ép lạnh chất lượng cao, tinh dầu chúc, v.v… đã được chuyển giao cho sản xuất đại trà, góp phần gia tăng giá trị các sản phẩm từ cây có dầu, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.

Trong lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy, các nghiên cứu tập trung vào các vấn đề: nghiên cứu sản xuất và ứng dụng các chế phẩm sinh trong quá trình sản xuất bột giấy và giấy; nghiên cứu công nghệ sản xuất các loại giấy kỹ thuật, đặc biệt phục vụ tiêu dùng trong nước và thay thế các sản phẩm nhập khẩu; nghiên cứu, sản xuất các hóa chất phụ gia mới sử dụng trong quá trình sản xuất giấy v.v… Một số kết quả tiêu biểu của Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô như: sản xuất chế phẩm sinh học phân hủy nhựa cây trong dăm mảnh gỗ, đã được ứng dụng tại dây chuyền sản xuất bột giấy của Tổng Công ty Giấy Việt Nam từ năm 2017; sản xuất và thương mại hóa sản phẩm giấy chống thấm dầu mỡ dùng cho bao gói thực phẩm dạng khô; phối hợp với Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thiết bị dây chuyền sản xuất nhũ tương copolymer styren acrylat công suất 450 tấn/năm dùng làm chất chống thấm bề mặt cho giấy bao bì công nghiệp, dây chuyền hoạt động ổn định, hiệu quả và được khách hàng tin dùng.

Trong lĩnh vực sành sứ thủy tinh công nghiệp, các nghiên cứu tập trung vào gốm sứ dân dụng, gốm sứ kỹ thuật, chế biến nguyên vật liệu và quản lý chất lượng. Các nghiên cứu đã chuyển dịch dần từ gốm sứ dân dụng sang gốm sứ kỹ thuật (sứ cách điện, gốm sứ bền cơ, bền sốc nhiệt, gốm cách nhiệt) và chế biến sâu nguyên vật liệu phục vụ ngành gốm sứ thủy tinh công nghiệp (cao lanh, quartz, đất sét, bentonite, talc). Viện Nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp là đơn vị duy nhất có chức năng, nhiệm vụ về nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực sành sứ thủy tinh công nghiệp, từ chế biến nguyên liệu đến sản xuất các sản phẩm. Do đó, Viện có lợi thế lớn và đã thực hiện nhiều hoạt động kết nối với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực thử nghiệm, phân tích, giám định, chứng nhận nguyên vật liệu và sản phẩm gốm sứ thủy tinh công nghiệp.

Trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, nhiều công nghệ là sản phẩm từ đề tài, dự án KH&CN đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp, như: sản xuất rượu công nghệ mới, sản xuất tinh bột biến tính, xử lý nước thải v.v... Nhiều sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chức năng do Viện Công nghiệp Thực phẩm sản xuất có uy tín trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng, đem lại doanh thu tăng qua các năm; đồng thời, góp phần nâng cao sức khỏe của cộng đồng, giảm chi phí, nâng cao niềm tin của người dân với sản xuất trong nước, góp phần thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong lĩnh vực dệt may, các kết quả nghiên cứu KH&CN được đánh giá cao về khả năng ứng dụng trong thực tế sản xuất, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Dệt may. Hướng nghiên cứu tập trung vào: (1) Ứng dụng các nguyên liệu mới, phát triển các mặt hàng có tính năng đặc biệt, phù hợp với yêu cầu của thị trường, gắn nghiên cứu với sản xuất, tạo hiệu quả lâu dài. Nổi bật là các công trình đề tài nghiên cứu công nghệ sản xuất các mặt hàng từ xơ sợi PTT; tre; gai, modal; viloft, sợi Pes biến tính; ứng dụng các công nghệ xử lý chống nhàu; kiểm soát ẩm, chống UV, kháng khuẩn, chế phẩm chitosan chiếu xạ, ứng dụng các sản phẩm nano, v.v...; (2) Các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm ở các công đoạn sản xuất sợi, dệt, nhuộm, xử lý hoàn tất tạo chất lượng cao cho sản phẩm và ít gây ô nhiễm môi trường; (3) Cải tiến quy trình công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch xanh tiết kiệm năng lượng, hướng đến sản xuất dệt may bền vững. Nổi bật là các phần mềm thiết kế, tính toán vải dệt thoi, vải dệt kim, vải nổi vòng, ngân hàng màu, tính toán và xử lý số liệu nhân trắc - đã được chuyển giao cho nhiều cơ sở dệt may, như Dệt lụa Nam Định, Dệt Nam Định, Phong Phú, Việt Thắng, Thắng Lợi, Phước Long, Khatoco, Dệt kim Đông Xuân, Hanosimex, 19-5, Dệt len Mùa Đông v.v... Từ các kết quả nghiên cứu KH&CN, các Viện Nghiên cứu Dệt may đã được một số doanh nghiệp thời trang trong nước như Canifa, K&G,… tin tưởng ký các hợp đồng cung cấp nguyên liệu độc quyền.

Trong lĩnh vực da - giầy, hoạt động KH&CN tập trung vào việc cải tiến công nghệ và quản lý sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các sản phẩm da - giày mới với tính năng phù hợp thị trường. Một số kết quả tiêu biểu là: áp  dụng phần mềm 3D vào thiết kế, chế tạo các sản phẩm giầy, bốt da giúp nâng cao năng lực thiết kế cho đội ngũ kỹ thuật; làm chủ công nghệ sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như da cá sấu, đà điểu v.v… đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần tăng tỷ lệ nội địa sản phẩm ngành Da giầy trong nước; công nghệ thuộc da sinh thái, sử dụng ít nước bước đầu được triển khai thành công và nhận được nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp, đã được chuyển giao ứng dụng sản phẩm vào một số doanh nghiệp (Công ty TNHH Hùng Quang, Công ty TNHH Vương Thịnh WT v.v…) tạo ra sản phẩm đã được thương mại hóa, chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Mỹ; các công trình nghiên cứu chế phẩm vi sinh để ức chế nấm mốc gây hại trên da thuộc, ứng dụng nano bạc sát khuẩn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm lót giầy.

(8) Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao: thông qua triển khai Chương trình KH&CN “Phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao”, nhiều doanh nghiệp làm chủ, phát triển và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, giúp nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giảm giá thành so với các sản phẩm nhập ngoại, tăng sức cạnh tranh và vị thế của doanh nghiệp. Có thể kể đến một số kết quả tiêu biểu như:

- Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế tạo thiết bị hệ thống thu thập, lưu trữ hình ảnh DICOM hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến Video và phần mềm bảo mật, khai thác cơ sở dữ liệu hình ảnh DICOM phục vụ chuẩn đoán bệnh”  do Công ty Cổ phần Công nghệ thông minh Ưu Việt chủ trì thực hiện, đã tạo ra môi trường họp trực tuyến từ phòng siêu âm, chụp X-quang, chụp CT, phòng mổ v.v... giúp các bác sĩ giao tiếp từ khoảng cách rất xa qua mạng internet, từ đó hội chẩn và thống nhất đưa ra được phương hướng điều trị thích hợp nhất; tích hợp với hệ thống PACS hỗ trợ số hóa các hình ảnh X Quang, CT, MRI, siêu âm, giúp xây dựng bệnh án điện tử. Sản phẩm có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 85%, nên giá thành giảm chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại. Dự án đã chính thức được chuyển giao tại nhiều bệnh viện, như: Bệnh viện Thủ Đức, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Trung tâm Medic Hòa Hảo, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh, Phòng khám Victoria và Phòng khám BMS,…

- Dự án “Ứng dụng làm chủ công nghệ sản xuất sợi thủy tinh dùng cho thông tin quang” do Công ty Cổ phần Thiết bị Bưu điện (POSTEF) chủ trì thực hiện, đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao được chuyển giao từ đối tác nước ngoài. Nhà máy sản xuất sợi quang của POSTEF với công suất thiết kế 3,2 triệu km sợi quang/năm đã chính thức được khánh thành vào ngày 15/8/2019, được trang bị thiết bị hiện đại, công nghệ thế hệ mới nhất trên thế giới. Dây chuyền sản xuất chính do NEXTROM (Phần Lan) cung cấp là tháp kéo sợi quang cao nhất tính đến thời điểm này, với tốc độ 3.000m sợi/phút; các thiết bị kiểm tra chất lượng, đo lường sản phẩm của PK (Mỹ); phôi đầu vào và công nghệ sản xuất sợi quang được SUMITOMO (Nhật Bản) chuyển giao, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế của IEC và ITU. Dự án đã giúp POSTEF đa dạng hóa sản phẩm, có thêm sản phẩm lõi, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; giúp Tập đoàn VNPT chủ động nguồn nguyên vật liệu sản xuất cáp quang, thay thế hàng nhập khẩu.

- Dự án “Phát triển dịch vụ ứng dụng công nghệ GPS trong quản lý, giám sát, điều phối và tối ưu hóa kế hoạch sử dụng phương tiện” do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì thực hiện, đã được nghiệm thu và xếp loại “Xuất sắc”, được chuyển giao cho Công ty TNHH Phát triển công nghệ điện tử Bình Anh đầu tư, thương mại hóa sản phẩm cho 14 hãng taxi triển khai ứng dụng trên 5.000 xe trong 12 tháng. Hiệu quả của dự án đã được thể hiện qua các chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế, xã hội. Các sản phẩm công nghệ cao của dự án góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vận tải trong nước trong dịch vụ taxi truyền thống với dịch vụ vận tải công nghệ Uber, Grab, tạo cơ sở phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực logistics và vận tải.

(9) Trong việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp: triển khai Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng phê duyệt và triển khai có hiệu quả Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp”. Trong giai đoạn 2012 - 2020, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến hiện đại, tập trung chủ yếu cho 08 ngành, lĩnh vực ưu tiên được phê duyệt tại Quyết định 604/QĐ-TTg; đồng thời, triển khai các mô hình điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, xây dựng các công cụ số hóa để hỗ trợ triển khai mở rộng các công cụ truyền thống. Hiệu quả đối với từng mô hình điểm là hết sức rõ nét. Theo kết quả khảo sát, 99,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động hỗ trợ lại hiệu quả, trong đó, yếu tố được cải thiện nhiều nhất là năng lực tự thực hiện cải tiến của doanh nghiệp (98%), 64,7% các doanh nghiệp có cải thiện về năng suất, 56,9% doanh nghiệp có cải thiện về chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lãng phí nguyên nhiên vật liệu 54,2%, 47,1% doanh nghiệp có cải thiện về thời gian giao  hàng vv... Hỗ trợ của Dự án cũng đã giúp các doanh nghiệp đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về hệ thống quản lý, chất lượng sản phẩm của nhà nhập khẩu, chuỗi cung ứng của các nhà gia công lắp ráp. Các hoạt động của doanh nghiệp tiếp tục duy trì sau khi kết thúc dự án, trong đó  22,2% mô hình được mở rộng. Bên cạnh đó, Dự án đã bước đầu hỗ trợ hình thành mạng lưới chuyên gia, đơn vị tư vấn, hỗ trợ hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp. Thành công từ Dự án đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, hình thành và lan tỏa phong trào năng suất trong toàn ngành. 

(10) Trong lĩnh vực chiến lược, chính sách: các nghiên cứu trong lĩnh vực này đã cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc hoạch định chiến lược, chính sách và quy hoạch phát triển bền vững của ngành Công Thương, tập trung giải quyết các vấn đề về: cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ cho việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, chương trình nhằm tái cấu trúc và phát triển bền vững các ngành, lĩnh vực công nghiệp và thương mại; nghiên cứu các tác động của hội nhập kinh tế quốc tế và các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tham mưu các giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; cung cấp hệ thống thông tin thị trường phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh, phát triển mô hình phân phối, bán buôn và bán lẻ hiện đại; cung cấp các giải pháp và chính sách nhằm phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

3. CÔNG TÁC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ KHÔNG NGỪNG ĐƯỢC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ VÀ TÁC ĐỘNG LAN TỎA

Vụ Khoa học và Công nghệ được giao là đơn vị đầu mối, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Công Thương về công tác quản lý KH&CN. Trong giai đoạn 2016 - 2020, để đáp ứng nhiệm vụ và yêu cầu từ thực tiễn, Vụ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ nhiều giải pháp nhằm đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý, tổ chức, hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ KH&CN, bám sát định hướng, chủ trương của Đảng, Chính phủ, chỉ đạo của Bộ về hoạt động KH&CN, từ đó xây dựng và triển khai các hoạt động một cách hiệu quả. Với những đóng góp quan trọng và có ý nghĩa, Vụ Khoa học và Công nghệ đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả nổi bật trong công tác quản lý khoa học công nghệ được thể hiện trên các khía cạnh, cụ thể:

(1) Sự chủ động trong công tác tham mưu, xây dựng các định hướng, chính sách và ưu tiên về phát triển KH&CN và ĐMST gắn với yêu cầu phát triển của ngành ở các cấp và phạm vi. Sau khi Luật KH&CN ra đời, cùng với hệ thống văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan ban, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng các văn bản để hướng dẫn thực hiện công tác KH&CN trong phạm vi quản lý của Bộ; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN và các đơn vị có liên quan trong công tác xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

(2) Việc chuyển hướng nhanh chóng và xác định chính xác đối tượng mục tiêu của toàn bộ hoạt động KH&CN và ĐMST của ngành Công Thương chính là các doanh nghiệp, trên cơ sở đó đã từng bước thực hiện quá trình tái cơ cấu về nguồn lực, nội dung cũng như phương thức triển khai. Đồng thời, liên tục đổi mới phương thức quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động KH&CN của ngành, tạo cơ chế thuận lợi khuyến khích sự tham gia của các tổ chức KH&CN trong và ngoài Bộ, các tổ chức tư vấn, doanh nghiệp KH&CN và đặc biệt là sự tham gia, vào cuộc của các doanh nghiệp của ngành Công Thương với vai trò là nơi tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao các kết quả nghiên cứu KH&CN. Trong giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động KH&CN của ngành Công Thương có sự tham gia của nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài Bộ, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là các tổ chức KH&CN thuộc Bộ (44%); tỷ lệ các tập đoàn, tổng Công ty, doanh nghiệp tham gia có xu hướng tăng (chiếm 26%), tiếp theo là khối các viện nghiên cứu ngoài Bộ (chiếm 10%), các trường đào tạo trong và ngoài Bộ (chiếm 6%); các đơn vị thuộc khối chiến lược, chính sách (chiếm 5%). Đặc biệt, đã huy động được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp ở cả vai trò đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ cũng như đơn vị ứng dụng các kết quả chuyển giao từ các đơn vị nghiên cứu, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của hoạt động KH&CN của Bộ cũng như toàn ngành.

(3) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa quy trình, thủ tục để tạo sự đồng bộ và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động KH&CN. Công tác thông tin, phổ biến kết quả KH&CN được đẩy mạnh, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ từ các kết quả nghiên cứu KH&CN của Bộ cũng như hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Từ năm 2020, Bộ Công Thương đã cập nhật tin chuyên mục “Khoa học và Công nghệ” trên Cổng thông tin điện tử của Bộ (duy trì tối thiểu 03 - 05 tin/tuần), trang thông tin KH&CN (https://khcncongthuong.vn, duy trì tối thiểu 15-20 tin/ngày). Trang tin https://khcncongthuong.vn/ đã trở thành địa chỉ truy cập uy tín đối với các nhà quản lý, các viện nghiên cứu, trường đại học, các nhà khoa học, doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ trong sản xuất của ngành Công Thương cũng như lĩnh vực KH&CN với lượng truy cập chủ động ổn định ở mức 4.000 đến 5.000 lượt/ngày. Đến nay, trang tin luôn đứng đầu trong các trang tin điện tử tiếng Việt trong lĩnh vực KH&CN. Bên cạnh đó, nhiều chuyên trang điện tử (công nghệ cao, công nghệ sinh học, năng suất chất lượng) và bản tin chuyên đề được xây dựng và phát hành định kỳ đã góp phần quan trọng tạo nên những hiệu quả tích cực từ kết quả hoạt động KH&CN.

(4) Tập trung phát triển mạng lưới các tổ chức KH&CN của ngành Công Thương; tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động và đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ: hiện tại, Bộ Công Thương quản lý 13 viện, trong số đó có 02 viện đã thực hiện cổ phần hóa; nếu xem xét ở phạm vi ngành, có thêm 09 viện nghiên cứu hiện nằm ở các tập đoàn, tổng công ty. Trong số 11 đơn vị trực thuộc, có 01 viện nghiên cứu về chính sách - chiến lược, các viện còn lại là các viện nghiên cứu công nghệ - ứng dụng với lĩnh vực KH&CN tương đối độc lập, gắn với các ngành, phân ngành, lĩnh vực khác nhau thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

+ Về nhân lực: tổng số lao động của các tổ chức KH&CN nêu trên là 1.553 người. Trong đó, số lao động có trình độ từ đại học trở lên là 1.277 người, chiếm tỷ lệ 82,2%, gồm: 83 tiến sĩ (chiếm 5,3%), 417 thạc sĩ (chiếm 26,9%), 777 kỹ sư/cử nhân (chiếm 50%). Số cán bộ có học hàm giáo sư/phó giáo sư là 12 người, chiếm tỷ lệ 0,77%.

+ Về mức độ tự chủ: tính đến năm 2020 và ổn định trong giai đoạn 2020 - 2022, Bộ Công Thương có 01 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, 01 đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, 01 đơn vị Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên và 08 đơn vị được Nhà nước đảm bảo 1 phần chi thường xuyên; 02 đơn vị cổ phần hóa trở thành doanh nghiệp KH&CN. Cơ cấu nguồn thu của các đơn vị chủ yếu đến từ hoạt động sản xuất, kinh doanh (89%), tiếp theo là từ việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

+ Về kết quả đầu ra về khoa học: trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số công bố khoa học của 13 viện nghiên cứu thuộc Bộ là 933, trong đó có 786 công bố trong nước và 147 công bố quốc tế. Ba đơn vị có số công bố nhiều nhất là: Viện Nghiên cứu Cơ khí (227), Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách Công Thương (113) và Viện Công nghiệp Thực phẩm (83). Xét riêng về công bố quốc tế, ba đơn vị dẫn đầu là: Viện Nghiên cứu Cơ khí (45), Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (32) và Viện Công nghiệp Thực phẩm (19).

+ Về kết quả đầu ra về công nghệ: trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số đầu ra về công nghệ của các Viện là 197. Trong đó, số lượng công nghệ đã được đăng ký SHTT, chuyển giao, ứng dụng cho doanh nghiệp là 72 công nghệ, chiếm 37%; số lượng công nghệ chưa đăng ký sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng đã chuyển giao, ứng dụng cho doanh nghiệp là 75 công nghệ, chiếm 38%.

4. QUAN ĐIỂM VÀ ĐỊNH HƯỚNG, NHIỆM VỤ ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO NGÀNH CÔNG THƯƠNG GIAI 2021 - 2030

KH&CN và ĐMST tiếp tục được khẳng định là một trong những yếu tố nền tảng, động lực cơ bản của quá trình phát triển. Để KH&CN và ĐMST có đóng góp ngày càng quan trọng vào mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền sản xuất tự chủ và có tính cạnh tranh cao, hoạt động KH&CN và ĐMST ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030 ưu tiên một số định hướng và nhiệm vụ, cụ thể như sau:

4.1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, thực hiện mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2025; tạo nền tảng vững giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất của khu vực và thế giới.

- Doanh nghiệp phải trở thành trung tâm của hoạt động KH&CN; ĐMST phải trở thành hoạt động tự thân của mỗi doanh nghiệp; Nhà nước đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; đồng thời định hướng các hoạt động đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.

- Tăng cường nghiên cứu khoa học phục vụ quá trình xây dựng, hoàn thiện, thực thi chính sách phát triển ngành, lĩnh vực; đồng thời, ưu tiên nguồn lực triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ từ cuộc CMCN4.0 vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nghiên cứu, phát triển, làm chủ một số công nghệ lõi, nền tảng phục vụ phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

- Phát triển KH&CN dựa trên việc xây dựng, phát huy tiềm lực của các tổ chức KH&CN ngành Công Thương; đồng thời, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp KH&CN, đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong và ngoài nước có thế mạnh, dẫn đầu về lĩnh vực KH&CN.

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN ngành Công Thương thông qua việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ quy trình quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân, tổ chức tham gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính thống nhất, minh bạch trong công tác quản lý KH&CN.

4.2. Định hướng và nhiệm vụ ưu tiên phát triển KH&CN và ĐMST ngành Công Thương

Nghiên cứu khoa học phục vụ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành Công Thương:

- Đánh giá hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách phát triển công nghiệp, thương mại, hội nhập hiện có; đề xuất các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, định hướng, giải pháp phát triển ngành, lĩnh vực, phân bố không gian công nghiệp, thương mại, kết cấu hạ tầng thương mại, logistics theo yêu cầu của tái cơ cấu ngành công nghiệp, thương mại và tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

- Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn (trong nước và quốc tế) đề xuất các phương án, kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực trong giai đoạn 2021 - 2025, và đến 2030; phương án và giải pháp thực hiện việc tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực sản xuất; cấu trúc lại không gian phát triển của các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn ngành.

- Xây dựng phương án, chính sách đặc thù phục vụ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển;

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế về phát triển vùng, phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp chuyên môn hóa, các chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp và cụm liên kết ngành công nghiệp dựa trên nền tảng là các Khu (khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất v.v...); nghiên cứu, cung cấp luận cứ đề xuất cơ chế, chính sách thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị;

- Xây dựng phương án tái cấu trúc các khu công nghiệp và khu kinh tế để hỗ trợ tốt nhất cho hình thành các cụm ngành công nghiệp chuyên môn hoá dựa trên khả năng kết nối chuỗi giá trị và khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp.

- Cung cấp luận cứ hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển, quy hoạch phát triển công nghiệp; cung cấp luận cứ xây dựng phương án điều chỉnh cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, hình thành và phát triển liên kết công nghiệp giữa các địa phương trong phát triển công nghiệp.

- Hoàn thiện chính sách phát triển thị trường dịch vụ hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, các trung gian cung cấp dịch vụ tư vấn công nghiệp như đầu tư, tài chính, thị trường, xúc tiến thương mại v.v...;

- Nghiên cứu, tư vấn giải quyết các vấn đề về cạnh tranh trong thương mại, chống các hành vi độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh ở thị trường trong và ngoài nước; phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, thực thi hợp đồng của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; bảo vệ các doanh nghiệp công nghiệp, nền sản xuất và thị trường trong nước.

- Nghiên cứu, tư vấn đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng công nghiệp, thương mại, năng lượng. 

- Nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách nhằm tiếp cận thị trường vốn tín dụng nước ngoài, kêu gọi được các tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng công nghiệp, năng lượng.

- Nghiên cứu xây dựng chính sách tạo thuận lợi hóa về tiếp cận và mở rộng thị trường cho phát triển ngành công nghiệp; xây dựng kịch bản đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; các chính sách khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

- Nghiên cứu, tư vấn sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA mới có hiệu lực như CPTPP và EVFTA: sửa đổi, điều chỉnh, xóa bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế, đặc biệt trong FTA mà Việt Nam tham gia; đồng bộ hóa khung khổ pháp luật trên cơ sở bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng đưa toàn bộ hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam ngày càng phù hợp hơn theo hướng “mở” của hội nhập để nắm bắt các cơ hội do hội nhập mang lại.

Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên:

- Hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh, góp phần nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực.

- Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án KH&CN giai đoạn 2021 - 2030: Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Bộ phục vụ nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp ưu tiên: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, da - giầy giai đoạn 2021 - 2030” trong đó ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến; thực hiện đổi mới cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị sản xuất, góp phần hình thành và phát triển ngành công nghiệp sinh học trở  thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước. Đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030;

- Xác định các công nghệ chiến lược và lĩnh vực ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ từ cuộc Công nghiệp lần thứ tư; Xây dựng và triển khai Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và phát triển sản xuất thông minh giai đoạn 2021 - 2030, tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, có lợi thế cạnh tranh và mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cao.

- Tập trung hỗ trợ triển khai nghiên cứu, ứng dụng phát triển công nghệ trong công nghiệp và thương mại, ưu tiên các ngành công nghiệp mới, công nghiệp công nghệ cao, lĩnh vực ưu tiên có tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam trong quá trình thực hiện các FTAs. Xây dựng và triển khai Chương trình Phát triển khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ phát triển các lĩnh vực ưu tiên trong thực thi các FTAs của ngành Công Thương giai đoạn 2021 - 2030.

- Đánh giá trình độ công nghệ, khả năng hấp thụ công nghệ; thiết lập bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ, đặc biệt gắn với xu hướng phát triển công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho các ngành, lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên trong giai đoạn 2021 - 2025.

- Xây dựng TCVN, QCVN cho các công nghệ được đầu tư, sử dụng trong nước, công nghệ nhập khẩu theo hướng công nghệ sạch; xây dựng lộ trình và triển khai việc loại bỏ các công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và gây ô nhiễm.

Với những thành công và bài học kinh nghiệm đã đúc rút trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt các định hướng nhiệm vụ nêu trên, từ đó tạo lập động lực tăng trưởng mới cho ngành Công Thương dựa trên KH&CN và ĐMST, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mục tiêu được Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.