Được mệnh danh là “Nam Thiên Đệ Nhị Động” chỉ đứng sau Động Hương Tích, ngôi chùa gần 600 năm tuổi có lối kiến trúc độc đáo, sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, yên tĩnh đến lạ thường.
Lịch sử ngôi chùa gần 600 năm tuổi
Chùa Bích Động vốn được xây dựng với cái tên Bạch Ngọc Thanh Sơn Đồng nghĩa là ngôi chùa đẹp, trong sáng như ngọc ngự ở chốn núi rừng thâm sâu. Năm 1705, vào đời vua Lê Dụ Tông, có hai vị hòa thượng pháp danh là Trí Kiên và Trí Thể. Một người quê ở Vọng Doanh, một người ở Đông Xuyên, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đã gặp nhau và kết nghĩa thành anh em. Cả hai nhà sư đều có lòng mộ đạo, họ đã cùng nhau đi nhiều nơi để truyền bá đạo Phật và xây dựng các ngôi chùa.
Khi đến núi Bích Động, họ thấy đây là nơi có địa thế tuyệt đẹp và đã có chùa. Hai nhà sư quyết định dừng chân, đi quyên giáo và xây dựng lại ngôi chùa cũ thành 3 ngôi chùa mới: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng để tu hành.
Mãi cho đến năm 1773, trong một lần đi du ngoạn, Chúa Trịnh Sâm đã quyết định đổi tên ngôi chùa từ Bạch Ngọc Thạch Sơn Đồng thành Bích Động. Ngôi chùa gần 600 năm với biết bao sự kiện lịch sử, tại đây hiện đang lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.
Kiến trúc ngôi chùa gần 600 năm tuổi
Vẻ đẹp kiến trúc của chùa Bích Động cũng khiến du khách mê mẩn và thích thú. Đường nét kiến trúc của chùa có dáng dấp nghệ thuật vào cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Chùa Bích Động được xây dựng theo kiểu chữ “Tam” (hán tự). Khuôn viên gồm ba ngôi chùa không liền nhau, nằm dọc theo sườn núi và được chia làm ba cấp theo độ cao: Chùa Hạ, Chùa Trung và chùa Thượng.
Chùa Hạ gồm 5 gian được xây dựng trên một nền cao dưới chân núi. Kiến trúc được thiết kế theo kiểu chữ Đinh (Hán Tự). Mái chùa gồm 8 mái với đặc trưng 2 tầng mái uốn cong. Các cột cao hơn 4m đều được làm bằng đá liền một khối, không chắp nối.
Để làm được những cột đá như thế ở thời điểm đó thì quả thật rất kỳ công. Sau khi đi một vòng chùa Hạ, bạn trở ra sân quay về hướng Bắc sẽ gặp lối đi được xếp bởi 80 bậc đá men quanh sườn núi. Đây là con đường dẫn đến nơi tọa lạc của chùa Trung. Đây là một ngôi chùa khá độc đáo chỉ có phần mái và cửa lộ thiên còn các kiến trúc còn lại đều nằm ẩn trong hang núi. Chùa Trung được xây dựng gồm ba gian để thờ Phật. Phía trên mái khắc hai chữ Hán tự “Bích Động” được đặt theo lệnh ban của chúa Trịnh Sâm.
Phía bên trái chùa chính là gian thờ thánh Mẫu. Bước thêm gần 40 bậc đá nữa theo sườn núi là tới chùa Thượng- Ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần với đỉnh núi Bích Động. Chùa cao hơn so với sân gạch dưới đất khoảng 60 mét, được xây dựng theo hướng Đông Nam. Ở hai bên chùa có thờ miếu Thổ Địa và thờ Đức Sơn Thần. Cạnh chùa còn có một bể nước được người dân ví như “bể nước Cam Lộ” của Quan Âm Bồ Tát.
Vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình của ngôi chùa gần 600 năm tuổi
Phong cảnh nơi đây rất ngoạn mục, có nhịp cầu khe suối, lầu tháp, bia thơ, núi non nối đuôi nhau chạy dài tít tắp. Ở đây, hoa thơm tỏa ngát 4 mùa. Trên 3 tầng núi có cây cối cổ thụ mọc xen kẽ đá đêm ngày tỏa bóng. Chùa gắn liền với động hình thành một bức tranh sơn thuỷ sinh động và tuyệt mỹ.
Viếng cảnh chùa, bạn như lạc vào một chốn hoang sơ, tĩnh mịch mang đến sự thư thái, yên bình. Mọi thứ ở đây đều trong trẻo, mát lành, phảng phất nét trầm tư thêm vào đó là một chút uy nghiêm, huyền bí. Chính vì vậy, nơi đây được ví như một tác phẩm nghệ thuật mang đậm nét hoài cổ. Là sự hòa quyện giữa kiến trúc cổ kính với không gian núi sông rộng lớn khiến ai cũng mê mẩn, trầm trồ.
Chùa Bích Động được ví như viên ngọc quý nằm yên bình giữa lòng núi non đại ngàn. Chính cảnh sắc thiên nhiên bốn bề ôm trọn đã góp phần tôn lên cái vẻ cũ kỹ, hoài cổ của chùa hơn cả. Nếu bạn có dịp ghé thăm Ninh Bình, đừng quên ghé qua ngôi chùa gần 600 năm tuổi này để cảm nhận sự thanh tịnh và yên bình của ngôi chùa này.
Chùa Bích Động đã được xếp hạng là một di tích quốc gia đặc biệt và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa, thiên nhiên của thế giới. Đây là một trong những ngôi chùa linh thiêng hàng đầu miền Bắc, thu hút rất nhiều hành khách tìm về mỗi năm.