Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai

Ngày 23 tháng 11 năm 2018 Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1627/QĐ-TTg về quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích khoảng 15.929,8 ha. Dự báo đến năm 2040, quy mô dân số khoảng 90.000 người, trong đó lao động khoảng 45.000 người.

Mục tiêu hướng đến là xây dựng khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai. Phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng một khu kinh tế năng động, phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới tại khu kinh tế trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Cấu trúc không gian Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai hình thành theo mô hình một trung tâm hạt nhân và hai cánh.

Trung tâm hạt nhân từ Bản Lầu, Bản Quẩn, phường Lào Cai, phường Duyên Hải, xã Đồng Tuyển, xã Quang Kim, xã Bản Qua và xã Bản Vược, lối mở Bản Quẩn, cửa khẩu quốc tế đường bộ - đường sắt Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Kim Thành và cửa khẩu phụ Bản Vược.

Cánh hành lang kinh tế phía Tây từ xã Cốc Mỳ, xã Nậm Chạc, xã A Mú Sung, xã A Lù, xã Ngải Thầu, xã Y Tý gắn với các lối mở tại Trịnh Tường, Lũng Pô và Y Tý.

Cánh hành lang kinh tế phía Đông từ xã Bản Lầu, xã Nậm Chảy, thị trấn Mường Khương, xã Tung Chung Phố, xã Tả Ngải Chồ, xã Pha Long, xã Dìn Chin, xã Tả Gia Khâu, xã Nàn Sán, xã Si Ma Cai và xã Sán Chải gắn với các lối mở Na Lốc, Nậm Chảy, cửa khẩu chính Mường Khương, lối mở Lồ Cô Chin, lối mở Hóa Chư Phùng.

Theo định hướng phát triển, khu kiểm soát và hành chính cửa khẩu tổ chức tại các khu vực cửa khẩu, lối mở, gồm có: Quốc môn, trạm Biên phòng, Công an, Hải quan, Kiểm dịch, bến bãi, kho tàng, cung ứng vận tải... gắn liền với các công trình dịch vụ.

Khu dịch vụ cửa khẩu quy mô khoảng 356,07 ha nằm tại các khu vực cửa khẩu gồm các chức năng sau: khu tổ chức hội chợ; triển lãm; văn phòng đại diện các doanh nghiệp, tổ chức; trung tâm mua sắm; vui chơi giải trí; công viên cây xanh. Trung tâm khu thương mại công nghiệp (có Khu quản lý khu thương mại công nghiệp cửa khẩu); kho ngoại quan; văn phòng cơ quan Hải quan; trạm xăng; đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

Ngoài ra, theo quy hoạch chung, khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có khu công nghiệp; khu phức hợp dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, thể thao, sân golf ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát; khu đô thị và các điểm dân cư tập trung; các khu dân cư nông thôn; khu vực dành cho an ninh-quốc phòng…

Cụ thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (KKTCK Lào Cai) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau:

1. Phạm vi ranh giới và quy mô

Phạm vi ranh giới: Phạm vi ranh giới địa lý Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được xác định như sau:

- Phía Bắc giáp huyện Hà Khẩu, huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam, Trung Quốc;

- Phía Đông giáp huyện Mã Quan tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và huyện Xín Mần tỉnh Hà Giang Việt Nam;

- Phía Nam giáp thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, huyện Mường Khương, huyện Si Ma Cai thuộc tỉnh Lào Cai;

- Phía Tây giáp huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam Trung Quốc và huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu Việt Nam.

Quy mô: Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai có tổng diện tích khoảng 15.929,8 ha, có địa giới hành chính được xác định như sau:

- Thành phố Lào Cai: Phường Lào Cai; phường Phố Mới; phường Duyên Hải; các thôn Hồng Sơn, Sơn Mãn 1, Sơn Mãn 2 thuộc xã Vạn Hòa; các thôn Làng Đen, Kim Thành, Lục Cẩu thuộc xã Đồng Tuyển.

- Huyện Bảo Thắng: Các thôn Nậm Sò, K8, Bản Quẩn thuộc xã Bản Phiệt.

- Huyện Bát Xát: Các thôn Kim Thành 1, Kim Thành 2, Làng Hang, An Quang thuộc xã Quang Kim; Tân Hồng, Châu Giàng, Hải Khê, Bản Qua, Bản Vền, Bản Vai, Coóc Cài thuộc xã Bản Qua; Km0, Mường Đơ, Đội 1, Đội 2, Đội 3 thuộc xã Bản Vược; Tân Tiến, Phố Mới 1, Phố Mới 2 thuộc xã Trịnh Tường; Minh Trang, Tân Giang, Bản Trang thuộc xã Cốc Mỳ; Biên Hòa, Cửa Suối thuộc xã Nậm Chạc; Nậm Mít, Tùng Sáng, Lũng Pô 1, Lũng Pô 2, Pạc Tà, thuộc xã A Mú Sung; Séo Phìn Chư, Khu Chu Lìn, Tả Suối Câu 1 thuộc xã A Lù; Chin Chu Lìn thuộc xã Ngải Thầu; Hồng Ngài, Sim San 1, Sim San 2, Sín Chải 1 thuộc xã Y Tý.

- Huyện Mường Khương: Thị trấn Mường Khương; các thôn Lao Tô, Vũ Xà, Na Măng, Thải Giàng Sán thuộc xã Tả Gia Khâu; Dìn Chin 2, Ngải Thầu, Lùng Sán Chồ thuộc xã Dìn Chin; Lồ Cô Chin, Tả Lùng Thàng, Xà Chải, Sín Chải, Pha Long 1, Pha Long 2, Lao Táo thuộc xã Pha Long; Sín Chải A, Sín Chải B, Thàng Chư Pến, Bản Phố thuộc xã Tả Ngài Chồ; Séo Tủng, Cán Hồ, thuộc xã Tung Chung Phố; Pạc Po, Na Lốc 1, Na Lốc 2, Na Lốc 3, Na Lốc 4, Cốc Phương thuộc xã Bản Lầu; Lao Chải, Sín Chải, Gia Khâu B, Sấn Pản thuộc xã Nậm Chảy; Cốc Lầy thuộc xã Lùng Vai.

- Huyện Si Ma Cai: Các thôn Hóa Chư Phùng, Lũng Choáng, Dào Dền Sán thuộc xã Nàn Sán; Na Cáng, Sín Chải thuộc xã Si Ma Cai; Lù Dì Sán thuộc xã Sán Chải.

2. Mục tiêu

- Xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai thành một vùng kinh tế động lực chủ đạo của tỉnh Lào Cai. Phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại và dịch vụ có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kinh tế - xã hội đồng bộ, đáp ứng một khu kinh tế năng động, phát triển bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống cư dân vùng biên giới tại Khu kinh tế trên cơ sở bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, gắn với củng cố an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền quốc gia.

- Cụ thể hóa Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai; Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt - Trung đến năm 2020; Quy hoạch xây dựng vùng trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lào Cai đã được phê duyệt.

- Tổ chức không gian kiến trúc và quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ nhằm phục vụ hiệu quả hoạt động của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

- Làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý và đầu tư xây dựng theo quy hoạch.

3. Tính chất

- Là khu kinh tế cửa khẩu đa ngành, điểm đột phá về kinh tế của tỉnh Lào Cai và các tỉnh vùng trung du miền núi Bắc Bộ.

- Là một cực phát triển của vùng trung du miền núi Bắc Bộ, trung tâm kinh tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ.

- Là một trong những trung tâm giao thương của khu vực ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc.

- Là khu vực có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

4. Dự báo quy mô dân số

- Hiện trạng năm 2017: Dân số khoảng 60.591 người.

- Đến năm 2030: Quy mô dân số khoảng 75.000 người, trong đó lao động khoảng 37.000 người.

- Đến năm 2040: Quy mô dân số khoảng 90.000 người, trong đó lao động khoảng 45.000 người.

5. Quy mô đất xây dựng

- Dự kiến đến năm 2030: Nhu cầu sử dụng đất xây dựng tại Khu kinh tế cửa khẩu khoảng 2.734,48 ha, trong đó: đất xây dựng công nghiệp, sản xuất, gia công và chế biến khoảng 450,73 ha; đất dịch vụ hậu cần khoảng 217,60 ha; đất dịch vụ cửa khẩu khoảng 258,01 ha; đất dịch vụ du lịch - vui chơi giải trí, thể thao, sân golf khoảng 344,46 ha; đất quản lý, hành chính khoảng 45,96 ha; đất ở nông thôn khoảng 346,43 ha; đất xây dựng đô thị khoảng 1.071,29 ha.

- Dự kiến đến năm 2040: Nhu cầu sử dụng đất xây dựng tại Khu kinh tế cửa khẩu khoảng 3.352,1 ha, trong đó: đất xây dựng công nghiệp, sản xuất, gia công và chế biến khoảng 670,54 ha; đất dịch vụ hậu cần khoảng 242,40 ha; đất dịch vụ cửa khẩu khoảng 356,07 ha; đất dịch vụ du lịch - vui chơi giải trí, thể thao, sân golf khoảng 344,46 ha; đất quản lý, hành chính khoảng 45,96 ha; đất ở nông thôn khoảng 210,04 ha; đất xây dựng đô thị khoảng 1.482,63 ha.

6. Định hướng quy hoạch chung xây dựng

a) Cấu trúc phát triển không gian

- Cấu trúc không gian KKTCK Lào Cai, tỉnh Lào Cai hình thành theo mô hình một trung tâm hạt nhân và hai cánh. Trung tâm hạt nhân từ Bản Lầu, Bản Quẩn, phường Lào Cai, phường Duyên Hải, xã Đồng Tuyển, xã Quang Kim, xã Bản Qua và xã Bản Vược, lối mở Bản Quẩn, cửa khẩu quốc tế đường bộ - đường sắt Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Kim Thành và cửa khẩu phụ Bản Vược. Cánh hành lang kinh tế phía Tây từ xã Cốc Mỳ, xã Nậm Chạc, xã A Mú Sung, xã A Lù, xã Ngải Thầu, xã Y Tý gắn với các lối mở tại Trịnh Tường, Lũng Pô và Y Tý. Cánh hành lang kinh tế phía Đông từ xã Bản Lầu, xã Nậm Chảy, thị trấn Mường Khương, xã Tung Chung Phố, xã Tả Ngải Chồ, xã Pha Long, xã Dìn Chin, xã Tả Gia Khâu, xã Nàn Sán, xã Si Ma Cai và xã Sán Chải gắn với các lối mở Na Lốc, Nậm Chảy, cửa khẩu chính Mường Khương, lối mở Lồ Cô Chin, lối mở Hóa Chư Phùng.

- Đường giao thông kết nối chính trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai bao gồm các trục giao thông đường bộ: Quốc lộ 70; Quốc lộ 4D, Quốc lộ 4; tỉnh lộ 156, 156B, 158, 154 và các trục giao thông đường thủy: sông Hồng, sông Chảy.

- Các khu phát triển bao gồm:

+ Các khu vực cửa khẩu gồm: Các khu quản lý kiểm soát cửa khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường bộ và đường sắt Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Kim Thành, cửa khẩu Bản Vược, Bản Quẩn và các lối mở là các công trình thương mại dịch vụ và công nghiệp;

+ Các khu vực sản xuất công nghiệp hiện tại gồm: Khu công nghiệp Đông Phố Mới, khu công nghiệp Bắc Duyên Hải, khu công nghiệp thuộc xã Bản Qua, xã Bản Vược, huyện Bát Xát, các cụm công nghiệp Đông Phố Mới, thuộc phường Phố Mới; cụm công nghiệp Sơn Mãn - xã Vạn Hòa; cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải, thuộc phường Duyên Hải; cụm công nghiệp Bản Phiệt - xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng; cụm công nghiệp Hủm Pa Lai, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương;

+ Các khu vực đô thị: bao gồm các phường thuộc thành phố Lào Cai, thị trấn Mường Khương, khu dân cư tập trung tại Bản Vược, Trịnh Tường, Lũng Pô, Y Tý;

+ Các khu vực dân cư nông thôn: bao gồm các trung tâm xã, các cụm làng, bản dân cư nông thôn;

+ Các khu nông nghiệp, cảnh quan, không gian mở: bao gồm các khu sản xuất nông nghiệp, không gian du lịch sinh thái, không gian cây xanh cảnh quan và mạng lưới sông suối;

+ Các khu lâm nghiệp: bao gồm khu rừng tự nhiên và rừng trồng.

b) Định hướng phát triển không gian

- Khu kiểm soát và hành chính cửa khẩu:

Tổ chức tại các khu vực cửa khẩu, lối mở, gồm có Quốc môn, trạm Biên phòng, Công an, Hải quan, Kiểm dịch, bến bãi, kho tàng, cung ứng vận tải... gắn liền với các công trình dịch vụ.

- Khu dịch vụ cửa khẩu:

Khu dịch vụ cửa khẩu quy mô khoảng 356,07 ha, nằm tại các khu vực cửa khẩu, gồm các chức năng sau: khu tổ chức hội chợ; triển lãm; văn phòng đại diện các doanh nghiệp, tổ chức; trung tâm mua sắm; vui chơi giải trí; công viên cây xanh. Trung tâm khu thương mại công nghiệp (có Khu quản lý khu thương mại công nghiệp cửa khẩu); kho ngoại quan; văn phòng cơ quan Hải quan; trạm xăng; đầu mối hạ tầng kỹ thuật.

- Đất công nghiệp và dịch vụ hậu cần (logistics):

+ Đất công nghiệp: Quy mô khoảng 670,54 ha.

. Các khu công nghiệp đang hoạt động: khu công nghiệp Đông Phố Mới quy mô khoảng 100 ha, khu công nghiệp Bắc Duyên Hải quy mô khoảng 85 ha sản xuất công nghiệp sạch: công nghiệp tiêu dùng, vật liệu xây dựng, chế biến, lắp ráp, điện tử.... và dịch vụ công nghiệp phục vụ thương mại biên mậu. Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải chuyển đổi thành đất phát triển hỗn hợp sau năm 2025.

. Khu công nghiệp gia công, chế biến, đóng gói hàng xuất nhập khẩu quy mô khoảng 228 ha, thuộc xã Bản Qua, huyện Bát Xát, nằm trong khu hợp tác qua biên giới, phía Nam Bản Vược và phía Tây Nam đường tỉnh lộ 156B, phát triển các ngành dịch vụ, logistics, kho hàng, gia công, đóng gói, chế tạo như gia công sản phẩm nông sản, máy móc thiết bị, linh kiện sản phẩm điện tử, cao su, đồ gỗ... Khuyến khích các ngành gia công chế tạo kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất các mặt hàng liên quan tới khoáng sản, kim loại, hóa chất...

Cụm công nghiệp: Bản Vược (xã Bản Vược) quy mô khoảng 10,7 ha; Hủm Pa Lai (thị trấn Mường Khương) khoảng 2,4 ha; Bản Phiệt (xã Bản Phiệt) quy mô khoảng 15,0 ha.

Tại các khu vực khai trường 24, 25, 26, 27, quy mô khoảng 237,74 ha sau khi khai thác hoàn nguyên là các khu vực dự kiến phát triển công nghiệp sản xuất chế biến, lắp ráp, Logistics, đóng gói phục vụ xuất nhập khẩu... và phát triển đô thị.

+ Đất tiểu thủ công nghiệp: Bảo tồn và phát triển các làng nghề nấu rượu ở các xã Bản Xèo, Y Tý, A Lù, Trịnh Tường, Bản Vược; dệt, thêu thổ cẩm ở xã Bản Qua, Dền Thàng; sản xuất miến đao Thành Sơn xã Bản Xèo; trạm khắc bạc xã Mường Hum, ưu tiên phát triển và mở rộng các ngành nghề chế biến nông, lâm sản; mây tre đan, nông sản, tương ớt Mường Khương.

+ Đất dịch vụ hậu cần (Logistics): Quy mô khoảng 242,4 ha, quản lý, kế hoạch, dịch vụ vận chuyển, chuyên chở, lưu trữ và cung cấp hàng hóa, vận tải giao nhận hàng, sản xuất, gia công đóng gói bao bì. Đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu, với vai trò là trung tâm Logistics hiện đại của khu vực trung du miền núi phía Bắc; kết nối tốt với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ, gắn với hành lang kinh tế Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh.

- Đất hỗn hợp:

Quy mô khoảng 442,37 ha, nằm trong đất dịch vụ cửa khẩu, đất dịch vụ thương mại và đất đô thị. Phát triển đô thị (ở, dịch vụ thương mại...), xuất nhập khẩu, dịch vụ vận chuyển, chuyên chở, lưu trữ và cung cấp hàng hóa, vận tải giao nhận hàng...

- Khu phức hợp dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, thể thao, sân golf:

+ Vị trí ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, quy mô diện tích khoảng 344,46 ha. Phát triển các loại hình du lịch đa dạng: du lịch qua biên giới, du lịch thể thao, du lịch triển lãm thương mại, du lịch phong cảnh kết hợp mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng, ưu tiên đầu tư xây dựng loại hình du lịch thể thao. Bố trí các quỹ đất xây dựng các công trình tổ hợp dịch vụ du lịch phụ trợ như: hệ thống nhà hàng, khách sạn, spa, quầy bar, trung tâm chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi giải trí, công viên cây xanh...

+ Dự kiến xây dựng các trung tâm thương mại dịch vụ, tài chính ngân hàng đáp ứng các hoạt động đầu tư và phát triển kinh tế. Đầu tư cải tạo, nâng cấp và phát triển các địa danh văn hóa tín ngưỡng thành các điểm du lịch như: Đền Thượng, Đền Mẫu... đầu tư hình thành tuyến du lịch nối Khu kinh tế cửa khẩu với Sa Pa, đền Bảo Hà... Phát triển các sản phẩm thương mại - dịch vụ - du lịch như: hội nghị, hội chợ, triển lãm, du lịch văn hóa, lễ hội, du lịch...

- Khu đô thị và các điểm dân cư tập trung:

+ Hình thành một số khu dân cư mới với tổng diện tích đất xây dựng khoảng 1.000÷1.100 ha vào năm 2030 và khoảng 1.500 ha vào năm 2040, đảm bảo điều kiện sống cho dân cư ở trung tâm đô thị mới và số dân tái định cư của các khu công nghiệp, thương mại dịch vụ trong tương lai. Từng bước phát triển các khu đô thị trung tâm cửa khẩu gắn với các khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại.

+ Ưu tiên đầu tư các trung tâm xã, các cửa khẩu để tạo động lực phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Xây dựng và kết nối các trung tâm xã, hỗ trợ phát triển các xã khó khăn tạo thuận lợi phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương. Bố trí ổn định dân cư các xã biên giới, khắc phục tình trạng di dân tự do, ổn định và phát triển kinh tế xã hội, cải thiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

. Các phường thuộc thành phố Lào Cai nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu:

Thành phố Lào Cai, dự kiến giai đoạn 2020 - 2022 là đô thị loại I, đô thị trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa của tỉnh; là đô thị trung tâm du lịch, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, giao thương; có vị trí quan trọng về an ninh - quốc phòng.

Quy mô dân số (khu vực nằm trong KKTCK Lào Cai): Dự báo đến năm 2030 khoảng 41.500 người; đến năm 2040 khoảng 53.800 người. Quy mô đất xây dựng dự kiến: khoảng 1.560,56 ha. Khu vực xây dựng mới thuộc địa giới hành chính xã Đồng Tuyển và phường Duyên Hải quy mô khoảng 70,43 ha.

Các khu đô thị huyện Mường Khương.

Thị trấn Mường Khương là đô thị loại V, quy mô đất đai khoảng: 2.790 ha, dân số đến năm 2040 khoảng: 10.000 người.

Các khu đô thị huyện Bát Xát.

Khu đô thị Bản Vược được hình thành trên cơ sở trung tâm xã Bản Vược, dự kiến đến 2025 là đô thị loại V. Là trung tâm giao thương về kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ hậu cần phục vụ cửa khẩu Bản Vược. Quy mô dân số trong khu kinh tế đến 2030 khoảng 1.500 người đến 2040 khoảng 2.200 người. Quỹ đất dành cho phát triển đô thị năm 2030 khoảng 54 ha, năm 2040 khoảng 127,5 ha.

Khu dân cư tập trung Trịnh Tường hình thành trên cơ sở trung tâm xã Trịnh Tường. Dự kiến đến năm 2025 - 2030 đạt đô thị loại V, có vai trò trung tâm dịch vụ, giao thương hỗ trợ phát triển lối mở khu vực Trịnh Tường. Quy mô dân số trong khu kinh tế đến 2030 khoảng 2.000 người đến 2040 khoảng 2.500 người. Quỹ đất dành cho phát triển đô thị năm 2030 khoảng 80 ha, năm 2040 khoảng 120 ha.

Khu dân cư tập trung Lũng Pô hình thành trên cơ sở khu vực cửa khẩu Lũng Pô dự kiến đến năm 2025 - 2030 đạt đô thị loại V, có vai trò là trung tâm dịch vụ, giao thương và du lịch tâm linh hỗ trợ phát triển cửa khẩu phụ Lũng Pô và các lối mở khu vực Lũng Pô. Quy mô dân số trong khu kinh tế đến 2030 khoảng 1.200 người, đến 2040 khoảng 2.000 người. Quỹ đất dành cho phát triển đô thị năm 2030 khoảng 40 ha, năm 2040 khoảng 60 ha.

Khu dân cư tập trung Y Tý hình thành trên cơ sở khu vực trung tâm xã Y Tý, dự kiến đến năm 2025 đạt đô thị loại V; trong đó tập trung phát triển đô thị tại khu vực Phìn Hồ, xã Y Tý, hình thành thị trấn du lịch; có vai trò là trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, giao thương hỗ trợ phát triển cửa khẩu phụ Y Tý và các thôn bản khu vực Y Tý, A Lù, Phìn Hồ. Quy mô dân số trong khu kinh tế đến 2030 khoảng 2.000 người, đến 2040 khoảng 2.500 người. Quỹ đất dành cho phát triển đô thị năm 2030 khoảng 450,0 ha, năm 2040 khoảng 800,0 ha.

Hệ thống công viên cây xanh, thể dục thể thao: Nâng cấp, cải tạo các trung tâm công viên cây xanh thể dục thể thao hiện có. Cân đối và bổ sung mạng lưới cây xanh, công viên và các công trình thể dục thể thao. Không phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, các đồi cao, mặt nước, sông ngòi, san lấp cục bộ mặt bằng xây dựng công trình. Bảo tồn hệ sinh thái, nguồn gen gắn với núi cao; cải tạo bổ sung nhiều dạng cây trồng thích hợp cho đô thị và du lịch; giữ gìn, tôn tạo các di tích lịch sử; phát triển du lịch văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo và du lịch cảnh quan.

- Các khu dân cư nông thôn:

+ Các khu dân cư nông thôn bao gồm các trung tâm xã, các cụm tuyến dân cư nông thôn được phân bổ trong vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

+ Đối với vùng kinh tế nông nghiệp, mức độ đô thị hoá thấp, cơ cấu hình thành dựa vào các tuyến giao thông liên xã, liên huyện, đường tỉnh. Dân cư phát triển chủ yếu theo mô hình cành nhánh, dựa vào nơi có quỹ đất thuận lợi để phát triển. Chuyển đổi định cư rải rác về tập trung tại các điểm trung tâm cụm xã và các điểm dân cư quy hoạch tập trung để tiết kiệm chi phí đầu tư hạ tầng cũng như cải thiện điều kiện vật chất cho người dân. Khai thác quỹ đất thuận lợi để phát triển, hạn chế phát triển tại các vùng có nguy cơ sạt lở, thường xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở.

+ Phát triển nông thôn khu vực giáp biên giới nhằm tăng cường bảo vệ và giữ gìn lãnh thổ an ninh quốc gia. Tập trung nguồn lực cho các đô thị và điểm dân cư vùng biên giới đảm bảo an ninh quốc phòng.

+ Quy hoạch làng xóm nông thôn:

Chú trọng phát triển các ngành truyền thống, tiểu thủ công nghiệp gắn với nông nghiệp để nâng cao đời sống kinh tế người dân. Phát triển không gian, bản sắc truyền thống, lấy không gian công cộng sinh hoạt cộng đồng làm hạt nhân, tổ chức các không gian thôn, làng xung quanh gắn với không gian vùng sản xuất nông nghiệp, các khu cây xanh sinh thái trong khu dân cư, tạo nên môi trường xanh - sạch - đẹp, thân thiện với tự nhiên.

Kiến trúc công trình: đối với các công trình dân dụng và công cộng, khai thác kiến trúc mang giá trị truyền thống bản địa và của các dân tộc.

Nâng cao chất lượng các công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật, chú trọng đầu tư các tuyến đường liên xã, liên thôn.

- Vùng sản xuất nông, lâm nghiệp và phát triển nông thôn:

+ Vùng phát triển nông nghiệp, quy mô khoảng 2.431,38 ha, nằm ngoài khu vực phát triển đô thị và khu hành chính, dịch vụ cửa khẩu, phát triển nông nghiệp sinh thái đa dạng. Phát triển vùng trồng các loại nông sản có thế mạnh vượt trội (cây ăn quả, cây dược liệu, dứa, chuối, quýt...) phục vụ xuất khẩu. Xây dựng vùng trồng cây nông nghiệp công nghệ cao.

+ Vùng phát triển lâm nghiệp quy mô khoảng 6.229,4 ha. Trong đó rừng sản xuất khoảng 4.218,6 ha tập trung chủ yếu tại Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai khai thác gỗ, tre, nứa, vầu...

+ Vùng phát triển nông thôn: bao gồm các trung tâm xã, các cụm tuyến dân cư nông thôn phân bố trong vùng sản xuất nông nghiệp theo các tuyến giao thông. Xây dựng và phát triển khu vực nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

- Khu vực dành cho an ninh, quốc phòng:

Các quỹ đất trong khu kinh tế thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng được giữ nguyên để đảm bảo chiến lược phòng thủ, bảo vệ an ninh quốc gia, có quy mô khoảng 15,98 ha.

c) Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan

- Các vùng kiểm soát kiến trúc cảnh quan bao gồm: vùng kiểm soát các phường xã thuộc thành phố Lào Cai, thị trấn Mường Khương, khu dân cư và xây dựng tập trung cửa khẩu Bản Vược, Lũng Pô, Y Tý, trung tâm phức hợp dịch vụ du lịch Bản Qua, thị trấn tương lai tại Phìn Hồ, xã Y Tý.

- Các trục không gian chủ đạo bao gồm các trục chính đi qua khu kinh tế: tỉnh lộ 156, 156B, Quốc lộ 70, tỉnh lộ 158. Các trục kết nối đối ngoại quan trọng như Quốc lộ 4D, Quốc lộ 4.

- Các công trình điểm nhấn bao gồm: Khu quản lý kiểm soát cửa khẩu và Quốc môn tại cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai, cửa khẩu quốc tế Kim Thành, các công trình trung tâm tài chính, ngân hàng... và trung tâm dịch vụ cao tầng được bố trí gắn với các trục chính của khu kinh tế, đô thị và tại các cửa ngõ đô thị, như khu vực: Kim Thành, Duyên Hải, Bản Qua, Bản Vược...

7. Quy hoạch sử dụng đất

Tổng diện tích, đất tự nhiên của KKTCK Lào Cai khoảng 15.929,8 ha được quy hoạch sử dụng đất như sau:

- Đất quản lý hành chính khoảng 46,0 ha, chiếm 0,29%;

- Đất khu dịch vụ cửa khẩu khoảng 258,0 ha năm 2030 và 356,1 ha năm 2040, chiếm 2,24%;

- Đất khu dịch vụ thương mại khoảng 207,12 ha năm 2030 và 221,96 ha năm 2040, chiếm 1,39%;

- Đất dịch vụ hậu cần khoảng 217,6 ha năm 2030 và 242,4 ha năm 2040, chiếm 1,52%;

- Đất công nghiệp (sản xuất, gia công, chế biến...) khoảng 450,7 ha năm 2030 và 670,5 ha năm 2040, chiếm 4,21%;

- Đất dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, thể thao (sân golf) khoảng 344,5 ha, chiếm 2,16%;

- Đất đô thị (đất ở, công cộng, hạ tầng xã hội, cây xanh công viên, hạ tầng giao thông...) khoảng 1.071,3 ha năm 2030 và 1.482,6 ha năm 2040, chiếm 9,31%;

- Đất ở nông thôn khoảng 346,4 ha năm 2030 và 210,04 ha năm 2040, chiếm 1,32%;

- Đất nông nghiệp khoảng 2.413,9 ha, chiếm 15,15%;

- Đất rừng khoảng 6.229,4 ha, chiếm 39,11%;

- Đất an ninh quốc phòng khoảng 15,98 ha, chiếm 0,1%;

- Đất giao thông khoảng 335,6 ha năm 2030 và 488,4 ha năm 2040, chiếm 3,07%;

- Đất khác: sông suối, đất chưa sử dụng... khoảng 3.993,29 ha năm 2030 và 3.208,0 ha năm 2040, chiếm 20,14%.

8. Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật

a) Định hướng phát triển giao thông

- Giao thông đối ngoại:

+ Đường bộ:

Tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai: Mở rộng trong giai đoạn 2019 - 2020 quy mô đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai từ 2 làn xe lên 4 làn xe.

Nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 70, Quốc lộ 4D và Quốc lộ 4 giai đoạn 2020 - 2025 lên 15 m mặt đường, kết nối hành lang kinh tế phía Đông của khu kinh tế với các vùng sản xuất nông lâm nghiệp của các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

Nâng cấp mở rộng tuyến tỉnh lộ 156 thành quốc lộ dài 51 km từ Kim Thành - Ngòi Phát - Trịnh Tường - Tùng Sáng chạy dọc sông Hồng.

Nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 156B dài 54 Km đoạn từ Kim Tân - Bản Vược - Bản Xèo.

Nâng cấp mở rộng tuyến tỉnh lộ 158 dài 51 Km từ Tùng Sáng - A Mú Sung - A Lù - Y Tý - Dền Sáng - Sàng Ma Sáo.

Nâng cấp mở rộng tuyến đường nối từ Khu Kim Thành qua đường Thủy Hoa đến cầu Cốc Lếu chiều dài 2,5 km.

Nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 70 vào lối mở Bản Quẩn và đi dọc biên giới, quy mô cấp 3 miền núi.

Nâng cấp tuyến đường từ Bản Quẩn vào lối mở Na Lốc.

Nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 4 xuống lối mở Tả Gia Khâu mốc 168(2).

Nâng cấp tuyến đường từ Quốc lộ 4 xuống lối mở Hóa Chư Phùng, quy mô cấp 4 miền núi.

+ Cầu biên giới nối với Trung Quốc:

Xây dựng cầu đường sắt qua sông Nậm Thi nối giữa Ga Lào Cai và Ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) để kết nối đường sắt giữa 2 nước khổ 1,435 m (giai đoạn 2020 - 2025).

Xây dựng cầu đường bộ gồm cầu qua sông Hồng tại xã Bản Vược huyện Bát Xát, cầu qua suối Lũng Pô xã A Mú Sung huyện Bát Xát với huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; cầu qua sông Hồng tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát, cầu qua sông Nậm Thi tại lối mở Bản Quẩn xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, cầu qua suối Bá Kết tại lối mở Na Lốc xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, cầu qua sông Xanh tại lối mở mốc 168(2) Tả Gia Khâu xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, cầu qua sông Chảy tại lối mở Hóa Chư Phùng, huyện Si Ma Cai.

- Giao thông đối nội:

+ Mạng lưới đường: Tổ chức mạng lưới đường kết nối với tuyến tỉnh lộ 156B, đường Kim Thành - Ngòi Phát (tỉnh lộ 156), Quốc lộ 70, 4D, 4 phục vụ các khu chức năng trong khu quy hoạch, sẽ tổ chức mạng đường dạng xương cá với các trục đường lớn cắt ngang, kết hợp với các tuyến đường vành đai bao quanh các khu chức năng. Các tuyến đường được thiết kế bám sát địa hình tự nhiên, tránh tối đa đào đắp lớn.

+ Đường giao thông đối ngoại kết nối dọc: Tỉnh lộ 156 Đoạn Kim Thành - Ngòi Phát có quy mô lộ giới 35 m, đoạn Ngòi Phát - Lũng Pô quy mô mặt đường 12 m; tỉnh lộ 156B có quy mô lộ giới 20,5 m, mặt đường 10,5 m; đường liên khu vực kết nối tỉnh lộ 156 và 156B có lộ giới 29 m và đường ven sông Hồng có quy mô lộ giới 29 m. Đường trục chính, trục cảnh quan kết nối ngang có quy mô lộ giới 35 m. Đường liên khu vực, trục khu vực kết nối dọc ngang có quy mô lộ giới 20,5 m - 25 m.

- Chỉ giới đường đỏ và chỉ giới xây dựng:

+ Chỉ giới đường đỏ của tuyến tuân thủ theo quy mô bề rộng lộ giới được xác định trong quy hoạch, xác định cụ thể mặt cắt ngang đường và thể hiện trong bản đồ quy hoạch giao thông.

+ Chỉ giới xây dựng của các công trình công cộng, dịch vụ thương mại, cơ quan cách ≥ 5 - 10 m so với chỉ giới đường đỏ các tuyến đường: Kim Thành - Ngòi Phát, tỉnh lộ 156B, ven sông Hồng và các trục chính, trục cảnh quan kết nối ngang ≥ 2 - 5 m so với chỉ giới đường đỏ các tuyến đường liên khu vực, trục khu vực kết nối dọc ngang.

b) Định hướng quy hoạch san nền, thoát nước mưa

- San nền: Hạn chế đào đắp, tôn trọng địa hình tự nhiên. Khi xây dựng các công trình mới trong khu vực này đảm bảo không gây cản trở việc thoát nước của khu vực. Cân bằng đào đắp cục bộ trong dự án hoặc nhiều dự án lân cận.

+ Những khu vực phát triển ven sông Hồng tuân thủ cốt khống chế từng khu vực. Những khu vực phát triển ven suối cần cách xa mép suối tối thiểu 25m và có cao độ xây dựng lớn hơn cao độ mép suối tối thiểu 1,0 m.

+ Những khu vực khai thác địa hình đồi: Xây dựng tường chắn hoặc ta luy có gia cố chống sạt lở các khu vực có nguy cơ sạt lở.

- Thoát nước mặt:

+ Lựa chọn hệ thống thoát nước:

Các khu vực xây mới tập trung: Xây dựng hệ thống cống thoát nước riêng.

Các khu vực xây dựng phân tán: Sử dụng cống thoát nước chung, các công trình phải xử lý cục bộ trước khi xả ra cống thoát nước chung.

+ Hướng thoát: Trực tiếp ra khe suối nhỏ rồi thoát ra các suối Lũng Pô, sông Hồng, sông Nậm Thi, suối Bát Kết, sông Xanh, sông Chảy.

+ Giải pháp quy hoạch cao độ nền và thoát nước mưa:

San gạt và tôn nền những khu vực dự kiến xây dựng đợt đầu theo định hướng phát triển không gian. Tiếp tục đầu tư kè hoàn thành dọc bờ sông Hồng, kè bảo vệ một số đoạn suối có nguy cơ sạt lở cao trong khu vực. Cải tạo, xây dựng một số đập, hồ điều hòa khu vực đầu nguồn các suối có lưu vực lớn. Xây dựng các tuyến cống thoát nước mưa dọc các tuyến đường.

c) Định hướng quy hoạch cấp nước

- Nguồn nước: Lựa chọn nguồn nước mặt các suối Ngòi Đum, Bản Pho, Bản Vược và Sao Đỏ có chất lượng và lưu lượng tốt làm nguồn nước cấp chính cho khu vực. Có biện pháp phối hợp bảo vệ phía đầu nguồn phục vụ lâu dài.

- Giải pháp cấp nước:

Nước cấp cho mục đích sinh hoạt hàng ngày và nước cấp cho công nghiệp với mức độ xử lý đảm bảo cho từng mục đích sử dụng; thiết kế hệ thống đường ống cấp nước sinh hoạt và nước sản xuất đi riêng.

Đối với khu Kim Thành - Bản Vược: Tuyến ống chính D160 cấp nước cho toàn khu quy hoạch chạy dọc trên tuyến đường Kim Thành - Ngòi Phát.

Tuyến ống phân phối D90 mm - D160 mm. Bố trí mạng lưới đường ống thuận tiện cho việc phân phối nước đến các điểm tiêu thụ.

- Giải pháp cấp nước cho các khu dân cư nông thôn.

Xây dựng các hệ thống cấp nước tập trung tự chảy với quy mô công suất nhỏ từ 50 - 100 m3/ngày đêm, nguồn nước từ các khe suối theo quy hoạch tổng thể cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nghiên cứu xây dựng các bể chứa nước mưa để tận dụng nguồn nước tại những nơi dân cư tập trung khan hiếm nguồn nước mặt hoặc trữ lượng không ổn định và thấp.

d) Định hướng quy hoạch cấp điện

- Nguồn điện: Nâng cấp và xây dựng mới các trạm nguồn:

+ Duy trì cấp điện 110KV ở mức thấp qua đường dây 110KV Hà Khẩu - Lào Cai.

+ Cải tạo, nâng công suất trạm 110/35/22/6KV Lào Cai công suất (40+63)MVA lên thành trạm biến áp 110/35/22KV Lào Cai công suất (2x63)MVA.

+ Xây dựng mới trạm biến áp 110/35/22KV Lào Cai 2 công suất (2x40)MVA (giai đoạn 2030).

+ Xây dựng mới trạm biến áp 110/35/22KV Thép Bản Qua công suất 25MVA (giai đoạn 2030).

+ Xây dựng mới trạm biến áp 110/35/22KV Mường Khương công suất (2x40)MVA (giai đoạn 2030).

+ Cải tạo, nâng công suất trạm 110/35/22KV Lào Cai 2 công suất (2x40)MVA lên thành trạm 110/35/22/KV Lào Cai 2 công suất (2x63)MVA (giai đoạn 2040).

+ Cải tạo, nâng công suất trạm 110/35/22KV Thép Bản Qua công suất 25MVA lên thành trạm 110/35/22KV Thép Bản Qua công suất (2x25)MVA (giai đoạn 2040).

- Lưới điện:

+ Giữ nguyên hướng tuyến của đường dây 220KV, thực hiện dịch chuyển lộ tuyến tại đoạn khu vực gia công hàng xuất nhập khẩu.

+ Giữ nguyên hướng tuyến và nâng tiết diện các tuyến điện hiện trạng 110KV. Các trạm biến áp xây dựng mới nằm gần các tuyến 110KV, trạm biến áp Mường Khương được cấp điện từ tuyến 110KV xây dựng mới Bảo Thắng - Bắc Hà - Si Ma Cai - Mường Khương.

+ Xây dựng mới lưới điện trung thế ở cấp điện áp 22KV. Nâng cấp hệ thống lưới điện lên 22KV thay thế hệ thống lưới 6KV, 10KV đã cũ và không còn phù hợp, xóa bỏ các trạm biến áp trung gian nhưng vẫn duy trì cấp điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa và các trạm biến áp mỏ đồng Sin Quyền.

đ) Định hướng quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn và nghĩa trang

- Giải pháp thoát nước thải:

+ Nước thải sinh hoạt được xử lý cục bộ bằng các bể tự hoại đúng tiêu chuẩn trước khi được thu gom về trạm xử lý nước thải. Bố trí 04 trạm xử lý nước thải tại: Khu vui chơi giải trí huyện Bát Xát: 3.600m3/ngày đêm, Khu LOGISTIC: 5.000m3/ngày đêm, Lối mở Bản Quẩn: 2.000 m3/ngày đêm, Thị trấn Mường Khương: 2.000m3/ngày đêm.

+ Nước thải của các khu công nghiệp xử lý cục bộ đạt tiêu chuẩn vệ sinh trước khi đưa về trạm xử lý nước thải của các khu công nghiệp. Xây dựng 03 nhà máy xử lý nước thải công nghiệp công suất 1.500m3/ngày đêm tại Khu công nghiệp Bắc Duyên Hải; công suất 6.000m3/ngày đêm tại Khai trường 25,26,27; công suất 4.600m3/ngày đêm tại xã Bản Vược.

- Giải pháp xử lý chất thải rắn: Xây dựng 02 khu tập trung chất thải sinh hoạt tại Mường Khương, Si Ma Cai và 01 khu tập trung chất thải công nghiệp, sinh hoạt tại thành phố Lào Cai.

e) Định hướng bảo vệ môi trường

- Thường xuyên đánh giá rủi ro, tai biến thiên nhiên, lũ, sạt lở đất, tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên và kinh tế xã hội để có giải pháp xử lý kịp thời.

- Bảo vệ phát triển rừng, tài nguyên nước, đất và sinh vật khu vực. Cải thiện chất lượng nước mặt, nước ngầm ở những nơi có biểu hiện ô nhiễm. Đảm bảo chất lượng môi trường không khí. Ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm đất, nước, không khí.

- Giảm thiểu rủi ro do thiên tai và tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của khu vực quy hoạch và vùng lân cận.

- Bảo vệ cảnh quan sinh thái Khu kinh tế cửa khẩu và góp phần bảo vệ cảnh quan sinh thái tỉnh Lào Cai.

- Cải thiện nâng cao đời sống dân cư khu vực nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.

9. Phân kỳ đầu tư và xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư

- Lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng chính khu Kim Thành - Bản Vược, các khu vực cửa khẩu, lối mở, các khu vực trọng tâm...

- Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình trong khu Kim Thành - Bản Vược, cửa khẩu Mường Khương, cửa khẩu Bản Quẩn, Lũng Pô...

- Đầu tư xây dựng các trục đường giao thông chính: nâng cấp mở rộng cải tạo các tuyến đường, hoàn thiện hệ thống kè sông suối và các cầu qua sông, suối. Đầu tư nâng cấp, xây mới cấp điện, nhà máy nước, nhà máy xử lý rác thải, nước thải theo tiến độ chung của quy hoạch. Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng trong khu Kim Thành - Bản Vược, phát triển hạ tầng các khu vực cửa khẩu phụ, lối mở theo các phân khu chức năng...

10. Thời gian và nguồn vốn thực hiện

Triển khai, thực hiện các công trình, dự án được xác định ưu tiên đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Nguồn vốn thực hiện sử dụng từ các nguồn vốn chính: Ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương), xã hội hóa và các nguồn vốn khác. Khuyến khích, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai.

Tường Vy