Những năm qua, việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất chế biến hoa quả tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La góp phần hoàn thiện đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị phục vụ sản xuất cho các cơ sở, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh Sơn La cũng đã ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 30/3/2021 về triển khai Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh
Theo đó, tỉnh Sơn La đã tập trung chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời ban hành các cơ chế, chính sách, kế hoạch của tỉnh nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới, giống mới trong sản xuất, thâm canh, bảo quản, sơ chế, chế biến, kết nối, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản, xác định chế biến nông sản là giải pháp căn cơ, bền vững để phát triển nông nghiệp và tăng giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp.
Đến năm 2021, tổng diện tích cây ăn quả và cây Sơn Tra trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 87.520 ha, sản lượng ước đạt 448.630 tấn. Trong đó, một số cây ăn quả chủ yếu như sau: Cây Xoài (Diện tích: 19.026 ha, sản lượng cả năm ước đạt 65.223 tấn); Cây Mận (Diện tích: 11.043 ha, sản lượng cả năm ước đạt 68.217 tấn); Cây Nhãn (Diện tích: 19.224 ha, sản lượng cả năm ước đạt 98.500 tấn); Cây Chuối (Diện tích: 5.500 ha, sản lượng cả năm ước đạt 54.750 tấn); Cây Thanh Long (Diện tích: 196 ha, sản lượng cả năm ước đạt 915 tấn).
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La, những năm gần đây tỉnh Sơn La rất quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực của tỉnh. Điều này đã hỗ trợ hình thành và thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã, gắn kết với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Hiện tại, tỉnh Sơn La đã được cấp 181 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích 4.701 ha; có 196 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn phát triển bền vững và đã có thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong đó 27 chuỗi rau an toàn, 123 chuỗi quả an toàn, 04 chuỗi thịt lợn an toàn, 05 chuỗi mật ong an toàn, 27 chuỗi thủy sản nuôi lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La và lòng hồ thủy điện Hòa. 83 sản phẩm OCOP, 01 sản phẩm 05 sao, 28 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao.
Với sự vào cuộc và đồng hành của cả hệ thống chính trị cùng với người dân và các doanh nghiệp thị trường tiêu thụ sản phẩm liên tục được mở rộng, các sản phẩm có thương hiệu tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích như: Big C, Co.op Mart, MM Mega Market… mở rộng nhiều cơ hội xuất khẩu các sản phẩm nông sản của tỉnh ra thị trường ngoài nước.
Năm 2020 thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông sản gồm: Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Đài Loan, UAE… tổng sản lượng nông sản xuất khẩu hơn 100 nghìn tấn.
Các sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ đã phát huy được giá trị, mở rộng vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm như: Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ quả xuất khẩu của Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc; Nhà máy chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La ...
Trong giai đoạn 2016-2020, xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực của tỉnh, đã đóng góp một phần không nhỏ trong phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Tạo cơ hội mở rộng thị và kết nối với các thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh có chiều hướng phát triển tốt và mở rộng góp phần rất lớn vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Ông Lừ Việt Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển Công nghiệp Sơn La cho biết, để góp phần giải quyết vấn đề khó khăn trong khâu đầu ra của trái cây Sơn La, tỉnh cũng đã thu hút được một số nhà máy sản xuất chế biến quy mô công nghiệp như: Nhà máy chế biến Chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods Tây Bắc tại khu công nghiệp Bó Bun huyện Mộc Châu; Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty CP chế biến thực phẩm công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Lóng Luông, huyện Vân Hồ; Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO tại huyện Mai Sơn; ...
Mặt khác, một số cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang đầu tư trồng và mua bán nông sản tại trên địa bàn cũng đã đầu tư máy móc thiết bị chế biến các sản phẩm từ hoa quả tạo ra các sản phẩm bước đầu nhận được tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh và đã có thị trường nhất định. Tuy nhiên, tỷ trọng chế biến các sản phẩm từ hoa quả so với tổng sản lượng hoa quả trên địa bàn tỉnh cũng còn thấp.
Cũng theo ông Hà, việc mạnh dạn đầu tư của các cơ sở CNNT là rất khả thi, đúng hướng phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trên địa bàn, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp chế biến nông sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Để thể hiện rõ quan điểm, định hướng của TW, của tỉnh khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp – TTCN trên địa bàn tỉnh thì việc hỗ trợ từ chính sách khuyến công ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất là thật sự cần thiết.