Kinh tế thế giới 2023: Thử thách vẫn ở phía trước

Hầu hết các tổ chức, chuyên gia kinh tế lớn đều nhận định năm 2023 đến cùng với nhiều thách thức mới khi rủi ro suy thoái hiển hiện tại hàng loạt quốc gia.

Suy thoái hiển hiện tại hàng loạt quốc gia

Đầu năm 2023, hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá tiêu cực về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định phần lớn các quốc gia trên thế giới ghi nhận mức tăng trưởng yếu hơn thông thường và tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 sẽ đạt 2,7%. Con số này giảm 0,5% so với mức ước tính tăng 3,2% của năm 2022. Trong khi đó, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có quan điểm thận trọng hơn nhiều khi dự báo kinh tế toàn cầu có thể chỉ tăng trưởng 1,2% trong năm 2023. Nếu không tính tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2009) và năm đại dịch COVID-19 lập đỉnh (năm 2020), 2023 có thể sẽ là năm tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế toàn cầu kể từ năm 2001.

Thậm chí, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023 là điều hiển hiện và có khả năng cuộc suy thoái này sẽ kéo dài lâu hơn dự kiến, nối dài những gập ghềnh mà thế giới đã trải qua trong ba năm đại dịch vừa qua. Theo WB, thương mại toàn cầu đang suy giảm diện rộng, chỉ số đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong ngành sản xuất chế tạo lẫn thương mại dịch vụ giảm đáng kể trong những tháng cuối năm 2022. Dữ liệu ngắn hạn cũng chỉ ra sự suy yếu trong hoạt động đi lại, vận chuyển hàng hoá.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu
 Năm 2023 đến cùng với nhiều thách thức mới khi rủi ro suy thoái kinh tế hiển hiện tại hàng loạt quốc gia.

Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ là những nơi chịu áp lực nặng nề nhất khi cùng lúc phải đối mặt với nhiều yếu tố tiêu cực, đặc biệt là môi trường lãi suất cao trên toàn cầu và sự lên giá của đồng USD. Nhiều quốc gia có sức khoẻ tài chính yếu và gánh khoản nợ lớn bằng đồng USD Argentina, Lebanon,… đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ ngày càng cao. Tuy nhiên, hầu hết giới phân tích đều cho rằng nếu các vụ vỡ nợ này xảy ra thì cũng sẽ không tạo ra “hiệu ứng domino” như những gì đã xảy ra với châu Âu hồi năm 2011.

Đối với Mỹ, IMF dự báo tăng trưởng đạt 1% trong năm 2023. Trong khi đó, các tổ chức khác như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hay Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chỉ đạt từ 0,2% - 0,5% trong năm nay, so với mức ước tính tăng 1,6% - 1,9% trong năm 2022.

Hiện nền kinh tế Mỹ vẫn còn khả năng “hạ cánh mềm” khi các chỉ số kinh tế quan trọng đang ở mức tương đối tốt. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp tháng 11 của nền kinh tế này vẫn gần mức thấp nhất trong gần 50 năm trở lại đây và số việc làm mới được tạo ra cao hơn nhiều so với kỳ vọng. Bên cạnh đó, tình hình tài chính của các hộ gia đình vẫn ở mức tương đối tốt, và niềm tin của người tiêu dùng đã được cải thiện đáng kể trong những tháng gần đây. Một số dự báo cho rằng Mỹ có thể chỉ trải qua một đợt suy thoái nhẹ và tăng trưởng trở lại sớm nhất vào quý 4/2023.

Tại khu vực châu Âu, những bất ổn xuất phát từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, vật giá leo thang gây xói mòn sức mua của người dân, các điều kiện tài chính thắt chặt hơn kết hợp với môi trường kinh tế toàn cầu yếu sẽ khiến phần lớn các quốc gia châu Âu chật vật để duy trì được tăng trưởng kinh tế ở mức tối thiểu trong cả năm 2023.

Giám đốc Điều hành IMF Kristalina Georgieva cảnh báo 1/2 quốc gia trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) vừa dự báo tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2023 đạt 0,3%, giảm mạnh so với mức dự báo 1,5% được đưa ra hồi tháng 7/2022. Tăng trưởng kinh tế thấp dưới 1% cùng với lạm phát cao trên 6% có thể được xem là biểu hiện rõ ràng cho tình trạng đình lạm (stagflation).

Trong khi đó, khu vực châu Á được nhận định có sức chống chịu tương đối tốt và triển vọng tăng trưởng tươi sáng hơn so với các khu vực còn lại trên thế giới. Thậm chí, Tập đoàn Tài chính S&P Global (Mỹ) kỳ vọng các hoạt động kinh tế của khu vực châu Á sẽ giúp thế giới tránh được suy thoái kinh tế hoàn toàn. Đồng quan điểm, OECD dự báo các nền kinh tế thị trường mới nổi quan trọng tại châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc… sẽ đóng góp gần 3/4 tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay.

ADB và IMF hiện dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á trong năm 2023 lần lượt ở mức 4,6% và 4,3%. Đối với khu vực Đông Nam Á, ADB nhận định sự suy giảm nhu cầu trên toàn cầu sẽ tác động xấu đến tăng trưởng các quốc gia tại đây và điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm nay xuống còn 4,7%, giảm 0,3% so với mức dự báo hồi tháng 9/2022.

Những điểm sáng hiếm hoi

Dĩ nhiên, bức tranh kinh tế thế giới năm nay không chỉ có những gam màu tối. Điểm tích cực nhất là việc Trung Quốc bất ngờ tuyên bố sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp kiểm dịch COVID-19 và mở cửa biên giới hoàn toàn kể từ ngày 8/1/2023 sau gần 3 năm khép kín với thế giới bên ngoài. Động thái này sẽ giúp giải quyết tận gốc những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng cũng như mở ra cơ hội phục hồi của nhiều lĩnh vực dịch vụ như du lịch, bán lẻ…

Trước đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã áp dụng một số biện pháp nới lỏng tiền tệ từ đầu tháng 12/2022 và tung hai gói hỗ trợ kinh tế với tổng quy mô hơn 2.000 tỷ Nhân dân tệ (290 tỷ USD) trong nửa cuối năm 2022, tạo đà cho phục hồi kinh tế năm nay. Hiện nước này vẫn còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm kích thích tăng trưởng.

WB ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2023 có thể đạt tới 4,5%, đóng góp kịp thời và cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khu vực châu Á. Thậm chí, sự phục hồi của Trung Quốc có thể kéo các nền kinh tế thoát khỏi rủi ro suy thoái như điều đã từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008. IMF dự báo đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ cao gấp ba lần so với Mỹ.

Nhân tố tích cực thứ hai là giá hàng hoá có xu hướng giảm, lạm phát có thể đã lập đỉnh. Chỉ số giá hàng hoá Bloomberg hiện đã giảm gần 18% so với mức cao kỷ lục được xác lập hồi tháng 6/2022. Chỉ số này đo lường sự biến động giá của 23 loại hàng hoá, nguyên liệu thô được giao dịch phổ biến nhất trên thế giới như: dầu thô, đồng, ngô… Đối với nhóm hàng năng lượng, giá dầu thô Brent hiện được giao dịch quanh mức 80 USD/thùng, giảm 37% so với mức đỉnh điểm của tháng 3/2022; giá khí tự nhiên tại châu Âu cũng có mức giảm tương đương. Đối với nhóm kim loại công nghiệp, giá đồng đã giảm hơn 23% trong năm ngoái. Dữ liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy giá các loại lương thực, thực phẩm thiết yếu trên toàn cầu cũng hạ nhiệt đáng kể trong nửa cuối năm 2022.

IMF nhận định lạm phát toàn cầu đã đạt đỉnh trong năm 2022. Tổ chức này ước tính lạm phát toàn cầu trong cả năm 2022 đạt 8,8% và sẽ giảm xuống còn 6,5% trong năm 2023. Lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế được dự báo sẽ giảm xuống trong năm nay, rõ rết nhất là tại các quốc gia phát triển. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới có “khoảng nghỉ” để đánh giá lại chuỗi tăng lãi suất liên tục như thời gian qua, thậm chí tạm dừng tăng lãi suất. 

Duy Quang