Mục tiêu đầy thách thức
Kết thúc năm 2022, kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu nhờ công nghiệp, xuất khẩu và tiêu dùng. Nhưng động lực tăng trưởng năm 2023 này lại là một câu chuyện khác. Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại với 1,7% năm 2023 do lạm phát tăng cao, lãi suất tăng, đầu tư giảm và gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột Nga – Ukraine. Trong đó, 3 khu vực đầu tàu tăng trưởng gồm Mỹ, EU, Trung Quốc “đang trải qua thời kỳ suy yếu rõ rệt”.
Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam năm 2022 với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD, trong khi WB dự báo Mỹ chỉ tăng trưởng 0,5% trong năm 2023.
Đối với châu Âu, Fitch Ratings (FR) nhận định khu vực đồng Euro tăng 3,3% năm 2022 nhưng dự báo chỉ đạt 0,2% năm 2023. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của khu vực đồng Euro ở mức 3,3% năm 2022 sau đó giảm xuống còn 0,5% năm 2023.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro năm 2022 đạt 3,1%, và giảm xuống mức 0,5% năm 2023. Tăng trưởng kinh tế khu vực đồng Euro yếu đi trong năm 2023 phản ánh tác động lan tỏa từ xung đột ở U-crai-na, trong đó giảm mạnh ở các nền kinh tế tiếp xúc nhiều nhất với việc cắt giảm nguồn cung khí đốt của Nga, điều kiện tài chính chặt chẽ hơn cùng với việc Ngân hàng Trung ương châu Âu đã kết thúc mua tài sản ròng và nhanh chóng.
Đây là một trong những ảnh hưởng tiêu cực đối với Việt Nam, vì thị trường này đứng thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu nước ta.
Đối với Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ), trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất được công bố ngày 10/1, Ngân hàng Thế giới tuy không dự báo tốc độ tăng trưởng cụ thể của Trung Quốc năm 2023, nhưng đưa ra nhận định rằng: “Tăng trưởng ở khu vực ĐA-TBD được dự đoán sẽ ổn định ở mức 4,3% khi việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch cho phép hoạt động ở Trung Quốc dần phục hồi. Những dự báo này thấp hơn so với hồi tháng 6 năm ngoái, khi mức tăng trưởng của khu vực dự kiến sẽ vượt 5% trong năm 2023-2024. Những điều chỉnh giảm diễn ra trên diện rộng và phản ánh sự gián đoạn liên quan đến đại dịch COVID cũng như hoạt động yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc và tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa thấp hơn dự kiến trên toàn khu vực”.
Đối với Hàn Quốc, thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc năm 2023 xuống 2,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng dự kiến của năm 2022 là 2,7%, cho thấy nền kinh tế lệ thuộc xuất khẩu của Hàn Quốc dễ bị tổn thương hơn trước các yếu tố tiêu cực như thắt chặt tiền tệ toàn cầu và giá dầu cùng các tài nguyên nguyên liệu khác tăng cao.
Đối với Nhật Bản, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam, IMF nhận định tăng trưởng kinh tế đạt 1,7% trong năm 2022 và giảm xuống còn 1,6% năm 2023.
Động lực tăng trưởng
Chắc chắn kỳ tích tăng trưởng 8,02% của Việt Nam không thể lặp lại trong năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tổng cầu giảm sút, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu. Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, môi trường sản xuất kinh doanh đã khó khăn trong năm 2022 vẫn có thể tiếp tục theo hướng chậm lại vào năm 2023, và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, một mục tiêu thấp hơn kết quả đạt được của năm 2022 là 8,02%, nhưng đây cũng sẽ là mục tiêu đầy thách thức.
Mặc dù vậy, ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham vẫn khẳng định “Cơ hội kinh tế của Việt Nam tiếp tục vượt xa các đối thủ trong khu vực và quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua việc rất nhiều thành viên chúng tôi coi đây là trung tâm trong chiến lược đầu tư toàn cầu của họ”.
Vậy đâu là động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023? Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê trong cuộc điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng quý bao gồm 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2022 so với quý III/2022 tương đối ảm đạm với 66,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2022 so với quý III/2022 tốt hơn và giữ ổn định (32,6% tốt hơn và 33,7% giữ ổn định), 33,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. Nhưng các doanh nghiệp này dự báo quý I/2023 tình hình SXKD lạc quan hơn quý IV/2022, thể hiện qua “chỉ số cân bằng chung”. Chỉ số cân bằng thể hiện số phần trăm doanh nghiệp nhận định tăng trừ đi số phần trăm doanh nghiệp nhận định giảm.
Cụ thể, chỉ số cân bằng chung quý I/2023 so với quý IV/2022 là 0,3% (31,5% doanh nghiệp dự báo tăng, 31,2% doanh nghiệp dự báo giảm). Chỉ số cân bằng khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước cao nhất với 3,2% (32,9% tăng, 29,7% giảm); khu vực doanh nghiệp nhà nước 0,7% (31,8% tăng, 31,1% giảm); khu vực doanh nghiệp FDI -6,4% (28,3% tăng, 34,7% giảm).
Chỉ số cân bằng khối lượng sản xuất quý I/2023 so với quý IV/2022 là 1,3% (31,4% tăng, 30,1% giảm); khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng đạt cao nhất với 4,6%; khu vực doanh nghiệp nhà nước 3,7% và khu vực doanh nghiệp FDI -6,7%.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2023 khả quan hơn với 66,7% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2022 (24,0% tăng, 42,7% giữ nguyên), 33,3% doanh nghiệp dự báo giảm.
Các doanh nghiệp cũng dự báo sử dụng lao động quý I/2023 so với quý IV/2022 khả quan hơn với 82,4% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (12,5% tăng, 69,9% giữ nguyên), 17,6% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất khá tốt. Đây sẽ tiếp tục là một đầu kéo động lực tăng trưởng trong năm 2023. Nhận định tầm quan trong của công nghiệp chế biến, chế tạo, Nghị quyết 01 của Chính phủ nhấn mạnh: “Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành nghề chế biến, chế tạo. Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”.