Nhắc đến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Triều Tiên), không ai là là không biết bởi họ quá nổi tiếng trên thế giới vì họ có Sâm Cao ly, phát triển vũ khí hạt nhân? Không phải, chỉ là vì Triều Tiên là quốc gia khép kín nhất trên thế giới. Chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem kinh tế Triều Tiên như thế nào khi chúng ta có rất ít thông tin về quốc gia này.
Nói chung, kinh tế Triều Tiên đang gặp không ít khó khăn vì nước này không tồn tại cơ chế thị trường, đồng thời, thường gặp phải thiên tai như hạn hán, lụt lội, lạnh giá. Hơn bất cứ nước nào trên thế giới, Triều Tiên áp dụng chính sách điều hành kinh tế bằng những mệnh lệnh từ cấp cao, không chịu ảnh hưởng của thị trường.
Do những chính sách riêng của nước này cũng như sự sụp đổ của hệ thống Xã hội chủ nghĩa, đồng thời sự bao vây cấm vận của Mỹ đã làm cho Triều Tiên từ tụt hậu rồi lâm vào nạn đói vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX dù nước này vốn được cho biết từng có thời kỳ phát triển hơn cả Hàn Quốc. Gần đây nhất là vụ đổi tiền năm 2009 trong "Chương trình cải cách tiền tệ" được cho là đã xóa sạch các khoản tiết kiệm trong người dân.
Nền kinh tế ít cởi mở nhất thế giới
Theo giới chuyên môn của Mỹ, các nước phương Tây và Hàn Quốc đánh giá nền kinh tế Triều Tiên đang đứng trên bờ vực suy vong. Nhưng dù có bị cấm vận nhưng Triều Tiên vẫn có quan hệ ngoại giao và thương mại với hơn 150 nước trong đó có nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Theo Niên giám các nước trên thế giới của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), kinh tế của Triều Tiên là một trong những nền kinh tế tập trung nhất và ít cởi mở nhất thế giới, đồng thời triền miên đối mặt với những vấn đề nan giải về kinh tế. Mảnh đất Triều Tiên được giới chuyên môn đánh giá là rất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng nước này lại vung tay không tiếc tiền đầu tư cho việc phát triển vũ khí hạt nhân và quân sự.
Dựa vào "người anh em" Trung Quốc
Với sự hỗ trợ từ Trung Quốc, Triều Tiên đã cải thiện được hệ thống cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng phục vụ cho hoạt động khai mỏ. Triều Tiên vẫn luôn tự hào là một số nơi ở thủ đô Bình Nhưỡng đã trở thành xứ sở thần tiên của xã hội chủ nghĩa.
Lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc từng làm giảm lượng ngoại tệ mà Triều Tiên nhận được, nhưng những cải cách thị trường diễn ra từ năm 2002 và việc dự trữ những khoản tiền dôi ra, cứu trợ lương thực và nhiên liệu đã giúp nước này có được chỗ dựa để có thể tiếp tục sống tốt. Hiện nay, Triều Tiên có ít nhất khoảng 2.000 tấn vàng dự trữ, trị giá khoảng 8 tỷ USD.
Tư duy mới của "người trẻ"
Kể từ khi nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, một số chuyên gia cho rằng ông sẽ đưa Triều Tiên trở thành quốc gia "hùng mạnh và thịnh vượng". Nhiều nhận định cho rằng nền kinh tế Triều Tiên có thể sẽ trở nên tươi sáng hơn dưới thời của ông Kim bởi những định hướng cải cách nhất trong nhiệm vụ phát triển kinh tế.
Các chuyên gia cũng nhận định, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có lập trường hợp tác cởi mở hơn những thời trước bởi ông có tư duy của một người được đào tạo ở phương Tây. Đến nay, Tốc độ phát triển kinh tế của Triều Tiên đang diễn ra nhanh hơn trước đây với nền kinh tế thị trường được đẩy mạnh và nhanh, ngay cả trước sức ép của các lệnh trừng phạt quốc tế.
Thương mại, phân phối, du lịch và các ngành công nghiệp dịch vụ hiện đang là đầu tàu cho sự phát triển của nền kinh tế của Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã và đang triển khai nhiều biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Triều Tiên, đồng thời nới lỏng sự quản lý của nhà nước đối với các ngành kinh doanh và công nghiệp.
Cơ quan quản lý nhà nước của Triều Tiên đã giảm bớt sự can thiệp vào các doanh nghiệp, để cho doanh nghiệp tự chủ trong việc đưa ra kế hoạch phát triển và thực hiện các kế hoạch đó theo năng lực. Các doanh nghiệp cũng được phép đưa ra giá cả đối với một số sản phẩm. Triều Tiên cũng đang triển khai việc hợp thức hóa các quỹ huy động từ các nhà đầu tư tư nhân vào các công ty.
Hy vọng, với những tư duy đổi mới và sự dẫn dắt của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, "đất nước của Sâm Cao ly" sẽ có những bước tiến đột phá, cởi mở hơn nữa để đưa Triều Tiên thực sự trở thành "cường quốc kinh tế và quân sự" trong tương lai.