Lợi ích kép từ việc áp dụng công nghệ đốt xử lý chất thải rắn công nghiệp

Công nghệ đốt chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên thế giới và gần đây đã bắt đầu được quan tâm, áp dụng tại Việt Nam. Cụ thể là tại Tp Hồ Chí Minh t
Dựa trên kết quả khảo sát thực tế, Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) đã ước tính khối lượng chất thải rắn công nghiệp (CTRCN) được thải ra trong năm 2010 tại Tp Hồ Chí Minh là 2.111.165 tấn/năm, trong đó chiếm 333.738 tấn là chất thải nguy hại (CTNH); 4.166 tấn chất thải y tế (CTYT); 28.240 tấn dầu nhớt từ việc sửa chữa xe máy; 48.144 tấn bùn từ việc chế biến thực phẩm; 43.800 tấn bùn độc hại từ các ngành khác. Cũng dựa trên tình hình phát triển công nghiệp và thương mại của Tp Hồ Chí Minh, dự báo khối lượng CTRCN năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 5.475.819 tấn. Trong đó có 865.631 tấn CTNH; 10.804 tấn CTYT; 73.248 tấn dầu nhớt từ việc rửa và sửa chữa xe máy; 124.873 tấn bùn từ việc chế biến thực phẩm; 113.605 tấn bùn độc hại từ các ngành khác.
Kết quả nghiên cứu từ thành phần CTRCN của 15 ngành công nghiệp chính cho thấy, chất thải từ ngành chế biến thực phẩm là 31,4%; dệt nhuộm là 12,8%; may mặc là 2,7%; da là 2,0%; giấy và bột giấy là 12,2%; gỗ là 5,6%; nhựa và cao su là 6,4%; dầu khí là 0,06%... Chất thải từ các ngành này chủ yếu là loại chất thải có thể cháy được (chiếm 73,16%). Như vậy, khối lượng chất thải có thể sử dụng để thiêu đốt sẽ khoảng 48,96% tổng khối lượng chất thải, có nghĩa là sẽ thiêu đốt khoảng 2.832 tấn rác thải/ngày (vào năm 2010) và 7.345 tấn/ngày (vào năm 2020). Từ kết quả nghiên cứu trên, Tp Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể tiếp nhận việc đầu tư các dự án đốt chất thải kết hợp phát điện với công suất lớn.
Thiêu đốt là công nghệ được áp dụng rộng rãi để xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt là CTNH. Hiện nay CTRCN và CTNH tại Việt Nam được thiêu đốt dưới 2 hình thức: Đốt kết hợp trong các lò có sẵn (là nồi hơi công nghiệp, nung gạch, gốm sứ, nung clinke…); đốt một hay hai cấp trong các lò chuyên dụng công suất thấp, ghi lò tĩnh, nạp liệu thủ công. Tuy nhiên, với công nghệ đốt chất thải kết hợp với phát điện với công suất lớn được Tp Hồ Chí Minh áp dụng đã mang lợi ích kép về kinh tế và môi trường.
Hiện nay, Tp Hồ Chí Minh đang nghiên cứu đầu tư xây dựng một nhà máy đốt chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, rác thải sinh hoạt (thành phần có thể cháy được loại ra từ công nghệ làm phân bón vi sinh) với công suất 1.500 tấn/ngày, nhằm bảo vệ môi trường kết hợp tạo ra năng lượng điện công suất 40MW, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 108 triệu USD do Công ty Fluid-Tech của Australia làm chủ đầu tư. Dự án sẽ được thực hiện 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư nhà máy có công suất đốt 750 tấn chất thải/ngày. Giai đoạn 2, nhà máy sẽ được nâng công suất lên 1.500 tấn chất thải/ngày. Đặc điểm công nghệ đốt là công nghệ đốt 2 cấp, nhiệt độ buồng đốt sơ cấp là 9000C, buồng đốt thứ cấp là 1.2000C, có hệ thống xử lý khí thải, hệ thống hấp thụ Dioxins/Furans bằng than hoạt tính; nồng độ bụi, HCL, SO2, NOX, CO, Chì, Cadmi, Thủy ngân, Dioxins/Furans trong khí thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường của Hoa Kỳ. Sử dụng công nghệ này sẽ tận dụng nhiệt để sản xuất ra điện năng; hệ thống được bao bọc kín, tạo áp suất âm, khí có mùi được thu gom và thổi vào buồng đốt, vì vậy, không gây ô nhiễm môi trường; nước làm lạnh được giải nhiệt sau đó tái sử dụng, không thải ra môi trường; tro xỉ tạo thành được trộn với xi măng để sản xuất gạch không nung.
Dự án sẽ sử dụng chủ yếu là chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại, và rác thải sinh hoạt, không làm ảnh hưởng tới khả năng cung cấp nguồn rác sinh hoạt làm nguyên liệu cho các nhà máy xử lý rác thành phân vi sinh, trái lại còn có thể xử lý các thành phần rác có thể cháy bị loại ra từ công nghệ làm phân bón vi sinh. Như vậy, dự án đốt rác kết hợp phát điện sẽ bổ sung cho các dự án xử lý rác thành phân vi sinh mà thành phố đã chấp thuận chủ trương. Trong trường hợp lò đốt chất thải rắn y tế không hoạt động, thì nhà máy đốt chất thải tạo năng lượng hoàn toàn có thể tiếp nhận và đốt toàn bộ khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh. Ngoài ra, toàn bộ cặn dầu hoặc chất thải chứa dầu phát sinh từ các sự cố tràn dầu có thể được thiêu hủy an toàn tại nhà máy đốt chất thải kết hợp phát điện này.
Tp Hồ Chí Minh triển khai dự án đốt chất thải kết hợp xử lý môi trường và phát điện sẽ mang lại những lợi ích như: Giải quyết triệt để CTRCN, CTNH, CHYT; cung cấp nguồn điện với giá phù hợp cho sản xuất và sinh hoạt (khoảng 6,5 cent tương đương 1.300 đ/kW); giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm nước mặt và nước ngầm do nước rỉ ra từ các bãi chôn lấp rác, ô nhiễm do mùi hôi sinh ra từ các bãi chon lấp rác; tiết kiệm diện tích mặt bằng do giảm được khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp; tạo ra vật liệu xây dựng từ tro xỉ của quá trình đốt, ngoài ra, còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác cho xã hội, cộng đồng và cho nền kinh tế không ngừng phát triển của thành phố.