Lịch sử phát triển trường nghề và trung cấp Việt Nam

Các trường nghề và trung cấp đã cung cấp nguồn cán bộ kỹ thuật cho các phân ngành công nghiệp, các cán bộ thương nghiệp, vật tư, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế…
Lịch sử Công Thương
Bác Hồ đến thăm xưởng thực hành - Trường Kỹ thuật chuyên nghiệp Hà Nội (nay là Đại học Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010", vào những năm 1955, 1956, các trường Trung cấp Kỹ thuật được thành lập mới, hoặc khôi phục trên cơ sở trường cũ của Pháp như Trường Kỹ nghệ thực hành Hà Nội. Tháng 02/1955, Trường đổi tên thành Trường Trung cấp Kỹ thuật I - Hà Nội.

Đây là Trường kỹ thuật chính quy đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trường có 2 hệ đào tạo chính: Hệ Sơ cấp (đào tạo công nhân kỹ thuật các ngành tiện, nguội, gò hàn mộc); Hệ Trung cấp (đào tạo kỹ thuật viên mà lúc đó gọi là cán bộ kỹ thuật trung cấp các ngành Cơ khí, Điện, Động lực và Đúc - Luyện kim).

Ngày 15/02/1955, Trường Trung cấp Kỹ thuật I - Hà Nội khai giảng Khóa I. Sau 5 năm (từ 1955 - 1959), Trường đã đào tạo hơn 700 cán bộ chuyên môn và công nhân kỹ thuật, những học viên ra trường đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ kỹ thuật và quản lý, điều hành các xí nghiệp, viện, trường... trong những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Trường Trung cấp Kỹ thuật I Hà Nội đã 3 lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Trường (ngày 02/9/1955, ngày 26/01/1957, ngày 27/5/1957)..

Đồng thời, một số trường trung cấp nghiệp vụ về thương mại, ngoại thương, vật tư lần lượt được mở ra. Mặc dù thiếu thốn về cơ sở vật chất, phương tiện, kinh nghiệm đào tạo, nhưng một số trường đã tranh thủ được sự giúp đỡ và hợp tác của chuyên gia Trung Quốc, Liên Xô và các cơ sở sản xuất, phân phối trong nước để xây dựng các chương trình, bài giảng, tổ chức những khóa đào tạo đầu tiên.

Trong thời kỳ khôi phục kinh tế (1958-1960) nhiều trường trung cấp kỹ thuật và trường nghề đạo tạo công nhân ra đời nhằm phục vụ ngay cho các đơn vị trong ngành sản xuất, như Trường Trung cấp Kỹ thuật Mỏ, Trường Công nhân kỹ thuật Cơ điện Bắc Thái, Trường Trung cấp Địa chất, Trường Lái xe mỏ, Trường Kỹ thuật Điện lực…

Theo thời gian, phần lớn các trường đều mở rộng về chương trình và cơ sở đào tạo. Điển hình như Trường Trung cấp Kỹ Thuật III (Nam Định) từ đào tạo học viên ngành sợi-dệt ban đầu đã mở ra các chuyên ngành cơ khí, lò hơi, đường, mì chính, tinh bột, muối, chế biến gỗ… Đến năm 1965 tách ra thành 3 trường: Trung học kỹ thuật cơ khí vật dụng Hà Bắc; Trường Trung học Kỹ thuật muối Đồ Sơn (Hải Phòng) và Trường Trung học Kỹ thuật Dệt (Nam Định).

Với Trường Kỹ thuật trung cấp Thương nghiệp, trong những năm đầu mới thành lập, chủ yếu thực hiện chương trình kế hoạch đào tạo cán bộ trung cấp trong ngành về các môn vật giá, kế toán tài vụ, sau đó mở rộng ra các môn thống kê kế hoạch, tổ chức kỹ thuật, lao động tiền lương, thương phẩm, kỹ thuật bảo quản hàng hóa, kho tàng…

Đến năm 1961, Trường Kỹ thuật trung cấp Thương nghiệp được tách thành hai cơ sở đào tạo: Trường Trung cấp Thương nghiệp và Trường Trung cấp thương phẩm, đều trực thuộc Bộ Nội thương.

Năm 1960, Trường Thương nghiệp Trung ương (Trường Đại học Thương mại ngày nay) được thành lập trực thuộc Bộ Nội thương, có nhiệm vụ đào tạo cán bộ trung cấp nghiệp vụ kỹ thuật thương nghiệp, bồi dưỡng cán bộ quản lý kinh tế và bổ túc văn hóa trong ngành.

Chương trình đào tạo gồm các môn vật giá, kế toán tài vụ, thống kê kế hoạch, tổ chức kỹ thuật, lao động tiền lương, thương phẩm, kỹ thuật bảo quản hàng hóa, kho tàng…

Về sau, Trường còn đảm nhiệm một phần công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách. Cụ thể, Trường phối hợp với các Vụ chuyên môn của Bộ Nội thương trong việc xây dựng các chính sách quản lý thị trường nội địa; quy hoạch mạng lưới bán lẻ, bán buôn; xây dựng chế độ kế toán, thống kê, Điều lệ tổ chức ngành, Điều lệ bán lẻ.

Đây cũng là cơ hội tốt để cán bộ, giáo viên của trường vận dụng lý thuyết vào thực tiễn, liên hệ thực tế để giảng dạy các môn học và thể hiện sự đóng góp của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường đối với Ngành.

Các trường nghề và trung cấp đã cung cấp nguồn cán bộ kỹ thuật cho các phân ngành công nghiệp, các cán bộ thương nghiệp, vật tư, nghiệp vụ xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế…

Nhiều trường trở thành cái nôi đào tạo cho cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo ngành Công Thương, như Trường Kỹ thuật chuyên nghiệp Hà Nội (nay là Đại học Công nghiệp Hà Nội) là nơi học tập của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Trần Lum (khóa học 1955 - 1957), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lại Văn Cử (khóa học 1956 - 1958), Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Chính phủ Đỗ Quang Trung (khóa học 1961 - 1963)…

Đào Mạnh Đức