Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève được ký kết. Theo Hiệp định, ở miền Bắc, một số khu vực trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Pháp như Hà Nội với thời gian chuyển quân là 80 ngày. Tức là bộ đội ta sẽ tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10.
Trên mặt trận kinh tế, ba nhiệm vụ cấp bách được đặt ra đối với Bộ Công Thương, gồm: tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế diễn ra bình thường tại vùng tự do, chuẩn bị các nguồn lực cần thiết phục vụ việc tiếp quản thủ đô Hà Nội, và xác định phương hướng hòa nhập nền kinh tế tại vùng tự do cũ với vùng mới được giải phóng (vùng tạm bị địch chiếm trước đây) thành một nền kinh tế duy nhất, hoàn chỉnh.
Để thực hiện tốt 3 nhiệm vụ này, theo sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010", Sở Mậu dịch (thuộc Bộ Công Thương) đã tổ chức hàng loạt trạm thu mua dọc các đường ranh giới giữa vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm trước đây, với nhiệm vụ gom mua càng nhiều càng tốt các loại hàng hóa thiết yếu như lương thực, chất đốt… được chuyển từ vùng mới được giải phóng vào vùng tự do. Giải pháp này nhanh chóng phát huy tác dụng, đà giảm của giá hàng hóa tại vùng tự do được chặn đứng, hoạt động sản xuất kinh doanh tại vùng tự do diễn ra như bình thường.
Mặt khác, Bộ Công Thương tổ chức các đoàn cán bộ bí mật vào Hà Nội để đàm phán mua lại hàng tồn kho của các hãng buôn đang cần bán thu hồi vốn trước khi di tản vào miền Nam; lên kế hoạch bố trí các điểm bán hàng thuận lợi, cũng như chuẩn bị cho công tác quản lý các hoạt động kinh tế tại Thủ đô sau này. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị cùng vào tiếp quản để giải thích, tuyên truyền với quần chúng nhân dân về các chính sách quản lý kinh tế của ta, nhằm ổn định các hoạt động kinh tế tại vùng mới được giải phóng.
Qua thương lượng và tích cực vận động, một số hãng buôn của người Việt và người nước ngoài đồng ý cho tận dụng cơ sở kinh doanh, kho hàng sẵn có của họ để cán bộ mậu dịch thiết lập các điểm bán hàng cho nhân dân.
Sở Mậu dịch đã tổ chức thu mua thóc gạo từ các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên... và thu mua muối tại Nam Định, với giá mua vào trong thời gian đầu cao hơn giá thị trường ở một mức được tính toán kỹ, nhằm khuyến khích nông dân bán trực tiếp cho hệ thống mậu dịch, nhưng các thương nhân không thể trục lợi để gom mua lúa rồi bán lại cho ta. Sở Mậu dịch cũng bố trí phương tiện để đảm bảo việc thu mua, vận chuyển hàng diễn ra thông suốt và liên tục.
Khi giá thị trường đã lên ngang giá thu mua của hệ thống mậu dịch, ta lại điều chỉnh giá thu mua lên cao thêm mức nữa. Cứ như vậy cho đến khi giá thóc gạo lên tới mức giá dự kiến điều chỉnh và lượng thu mua trong kho dự trữ mậu dịch đáp ứng đủ thì ta ngưng thu mua và giá trên thị trường biến động quanh ngưỡng giá này.
Kết quả là Sở Mậu dịch gom mua được hàng chục vạn tấn thóc gạo; nông dân phấn khởi, đẩy mạnh hoạt động canh tác trở lại; giá thị trường tăng lên theo đúng dự kiến mà giới thương lái không trục lợi được. Hoạt động điều chỉnh giá sản phẩm nông nghiệp đã giúp Bộ Công Thương thu nhiều kinh nghiệm quý giá cho việc điều chỉnh giá sản phẩm công nghiệp trong năm 1955.
Đối với mặt hàng than, Bộ Công Thương chỉ đạo các mỏ khai thác tại vùng tự do nỗ lực tăng sản lượng nhằm đáp ứng thêm một phần nhu cầu tại vùng mới được giải phóng. Điển hình, cán bộ và công nhân mỏ than Quán Triều (Thái Nguyên) đã phát động phong trào thi đua sản xuất, tăng cường thời gian làm việc, thêm ca khai thác, giúp nâng sản lượng khai thác lên hơn 1.300 tấn chỉ trong vòng 1 tháng để chuyển về Hà Nội.
Đồng thời, nhiều cán bộ mậu dịch được cử tìm kiếm, liên hệ với các hãng kinh doanh than tại Hà Nội để ký hợp đồng mua. Thay vì chỉ đặt cọc, Sở Mậu dịch chủ động đề nghị thanh toán trước một phần hợp đồng bằng tiền Đông Dương, tiền Việt Nam hoặc thậm chí bằng hàng lâm, thổ sản có giá trị cao, nhằm khuyến khích các hãng kinh doanh nghiêm túc thực hiện hợp đồng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Sau ngày 10/10/1954, các hãng buôn đều chuyển giao đầy đủ than chất lượng tốt theo hợp đồng và Sở Mậu dịch thanh toán nhanh gọn cho họ.
Qua nắm bắt tình hình, Bộ Công Thương cũng biết được Công ty Than Hòn Gai của Pháp vốn nằm trong khu vực tập kết 300 ngày vẫn có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm; trong khi đó, Công ty Xe lửa Đông Dương (cũng thuộc Pháp) với nhiều cơ sở tại các vùng đã được ta giải phóng cần than chạy tàu để có doanh thu. Đồng thời, Chính phủ Pháp muốn có một biểu thị thiện chí với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ Công Thương đã tận dụng điều này để đề xuất mua than từ Công ty Than Hòn Gai dựa trên nhu cầu vận hành hệ thống đường sắt của Công ty Xe lửa Đông Dương. Đề xuất này được phía Pháp chấp thuận và thực hiện nghiêm túc, đảm bảo việc vận chuyển lượng lớn than về Hà Nội.
Bằng nhiều biện pháp kết hợp, một lượng lớn hàng hóa tiêu dùng, vật tư sản xuất cần thiết như vải các loại, dầu hỏa, sợi dệt… cũng được Sở Mậu dịch thu mua với mức giá phù hợp. Hầu hết hàng hóa này lại nằm sẵn tại các kho ở Hà Nội, cho phép Sở Mậu dịch tổ chức bán hàng ra cho nhân dân ngay khi tiếp quản.
Ngày 10/10/1954, cả Hà Nội nhộn nhịp, ngập trong rừng cờ, hoa, biểu ngữ. Hàng vạn người dân tràn ra đường chào đón đoàn quân chiến thắng trở về sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo sau các lực lượng vũ trang là các cán bộ mậu dịch. Sở Mậu dịch tổ chức ngay việc bán những mặt hàng hóa thiết yếu như gạo, muối, chất đốt…; Nhân dân lại phấn khởi khi đêm xuống thì ánh điện vẫn bừng sáng trên toàn thành phố, xóa đi tâm lý lo lắng người Pháp sẽ cắt điện sau khi rút đi.
Hôm sau, các khu chợ, cửa hàng kinh doanh, nhà máy, các cơ sở sản xuất cũng mở cửa hoạt động trở lại ngay trong bầu không khí hân hoan, nhân dân càng thêm tin tưởng vào chính quyền cách mạng. Sau đó vài ngày, ba công ty quốc doanh gồm Công ty Lương thực, Công ty Bách hóa và Công ty Lâm thổ sản được thành lập để thúc đẩy việc lưu thông hàng hóa, cung ứng ra thị trường nhiều loại hàng hóa hơn, góp phần đảm bảo đời sống cho nhân dân.
Nhiều nhà quan sát quốc tế ngạc nhiên vì hiếm có thủ đô của một quốc gia được giải phóng sau một cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài mà được tiếp quản trọn vẹn, các hoạt động kinh tế - xã hội vẫn diễn ra bình thường.