Thị trường trong nước - trụ đỡ cho nền kinh tế lúc khó khăn

Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn do tác động của tình hình thương mại thế giới sụt giảm, thị trường trong nước với tốc độ tăng trưởng ổn định đang phát huy hiệu quả như một trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.

Trao đổi với báo chí tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: Có thể nói thị trường trong nước là một điểm sáng trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Qua làm việc, các đối tác quốc tế, các tổ chức nước ngoài cũng đánh giá cao sự nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là thị trường trong nước. Đây sẽ tiếp tục là trụ cột chúng ta cần tập trung trong thời gian trước mắt trong năm 2023 này cũng như những năm tới.

thị trường trong nước
Bốn tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước

Cung - cầu các mặt hàng được đảm bảo

Thị trường các mặt hàng thiết yếu trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 không có biến động bất thường.

Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ…, đặc biệt là những biến động khó lường của tình hình kinh tế - thương mại trên thế giới nhưng về cơ bản, cung - cầu các mặt hàng trong nước được bảo đảm, giá cả có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng với sự nỗ lực kiểm soát và phù hợp với diễn biến giá thế giới. Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung rau, quả, thực phẩm dồi dào, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tuy số ca nhiễm Covid-19 trong nước có xu hướng tăng trở lại trong tháng 4 nhưng hoạt động tiêu dùng thực phẩm thiết yếu của người dân vẫn ổn định, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, mua gom, tích trữ thực phẩm. Nguồn cung mặt hàng xăng dầu đầy đủ, giá trong nước có xu hướng tăng/giảm đan xen do chịu tác động của giá thế giới.

Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn trước đại dịch

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước tính tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%); trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%.

Đáng chú ý, nếu so với 4 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.

bán lẻ hàng hóa

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 4 tháng đầu năm 2023 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,5%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 2,4%; riêng nhóm vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 1,1%.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao ở một số địa phương như: Bình Định tăng 14,7%; Đồng Nai tăng 12,9%; Bình Dương tăng 12,2%; Cần Thơ và Thanh Hóa cùng tăng 11,4%; Hải Phòng tăng 10%; Quảng Ninh tăng 9,5%; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 9,1%; Hà Nội tăng 9%; Đà Nẵng tăng 7,2%... cho thấy thị trường hàng hóa khá sôi động.

Khai thác tốt hơn nữa dư địa thị trường trong nước

Xác định phát triển mạnh thị trường trong nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn, thời gian tới Bộ Công Thương tập trung triển khai một số giải pháp chủ yếu. 

Theo đó, tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua kích thích tiêu dùng; tăng chi tiêu của Chính phủ; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử. Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.

Theo bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương), thị trường trong nước thời gian qua phát triển khá tốt, nhất là trong bối cảnh thị trường nước ngoài hết sức khó khăn thì thị trường trong nước là trụ đỡ quan trọng để hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, qua đó hỗ trợ phát triển nền kinh tế đất nước.

Bốn tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Việt Nam tăng 12,8%, trong đó bán lẻ hàng hóa tăng 10,5%. Đây là chỉ số tăng trưởng khá tốt, tuy nhiên theo đánh giá chúng ta vẫn chưa khai thác hết dung lượng của thị trường trong nước với dân số gần 100 triệu dân; hiện nay sức mua của thị trường trong nước đã tăng nhưng mức tăng chưa cao,…

"Đây cũng là một trong những lý do mà Bộ Công Thương cùng với các Bộ, ngành đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giảm thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa để kích thích tiêu dùng trong nước", bà Hiền cho biết.

Khi thuế VAT giảm, thứ nhất sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước và qua đó tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, đóng góp cho phát triển khu vực dịch vụ. Thứ hai, khi tiêu dùng trong nước phát triển sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa trong nước và sẽ tạo công ăn việc làm cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách, góp phần đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.

Trước tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến rất phức tạp, khó đoán định, ngay từ đầu năm 2023, Bộ Công Thương căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ đã xây dựng và ban hành Quyết định số 32/QĐ-BCT ngày 9/01/2023 về Chương trình hành động của ngành Công Thương nhằm triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

Trong đó, mục tiêu chủ yếu đặt ra với thị trường trong nước là: Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 8-9%; Tăng cường công tác kết nối, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, góp phần ổn định giá cả hàng hóa lưu thông trên thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới mức 4,5% được đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; Hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa trong nước, đặc biệt là hàng hóa nông sản vào vụ thu hoạch; đổi mới, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.

Việt Hằng