Liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào

Hợp tác du lịch Việt Nam - Lào từng bước phát triển trong những năm qua, cùng sự phát triển của quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
lao bao 1
Hợp tác du lịch giữa hai nước được hình thành từ năm 1991 khi Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác du lịch.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch tại Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào vừa diễn ra ngày 2/10/2022 tại Điện Biên, khu vực biên giới Việt Nam-Lào (cả ở phía Việt Nam và phía Lào) là khu vực có tài nguyên đa dạng, phong phú, tính đặc thù cao, có nhiều tài nguyên tương đồng nhưng vẫn khác biệt, vừa có khả năng hình thành tính đặc trưng cho khu vực vừa có khả năng bổ trợ lẫn nhau để tăng cường tính hấp dẫn. Những điểm đến của hai nước còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ.

Hợp tác du lịch giữa hai nước được hình thành từ năm 1991 khi Việt Nam và Lào đã ký Hiệp định cấp Chính phủ về hợp tác du lịch. Hợp tác đa phương cũng liên tục được đẩy mạnh trong nhiều diễn đàn khu vực như ASEAN, GMS, Mekong-Lan Thương, ACMECS, CLMV, CLV. Những điều kiện thuận lợi và sự quan tâm từ cấp cao là cơ sở vững chắc và tiền đề thuận lợi để Việt Nam và Lào tăng cường hợp tác du lịch nói chung và hợp tác, liên kết phát triển du lịch khu vực biên giới hai nước nói riêng.

Những năm qua, nhiều hoạt động hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm, xúc tiến du lịch trong khuôn khổ song phương và đa phương giữa Việt Nam và Lào nói chung cũng như Nghệ An với các tỉnh giáp biên của Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay) đã được triển khai và đạt được những kết quả nhất định, thu hút sự tham gia của các địa phương, cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch hai nước và các tỉnh.

Việt Nam tiếp tục là điểm đến truyền thống với khách du lịch Lào và Lào là một trong những điểm đến du lịch được nhiều người Việt Nam lựa chọn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón gần 46,5 nghìn lượt khách Lào; khách Việt Nam đi du lịch Lào đạt gần 49,2 lượt, chiếm 28% tổng lượng khách quốc tế đến Lào, đứng thứ 2 trong số các thị trường gửi khách đến Lào.

Chia sẻ tại Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam – Lào, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm tạo điều kiện các doanh nghiệp kinh doanh, du lịch địa phương hợp tác, đầu tư sang các tỉnh Bắc Lào; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp nước bạn tìm kiếm, hợp tác đầu tư tại địa bàn.

Để khai thác những lợi thế về vị trí địa lý và mối quan hệ truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh phối hợp với các tỉnh Phong Sa Ly, Luông Pha Băng tiếp tục có ý kiến với Chính phủ 2 nước sớm đầu tư tuyến đường Luông Pha Băng - Huổi Puốc - Na Son; nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Tây Trang - Pang Hốc; khu kinh tế cửa khẩu Huổi Puốc - Na Son và các cặp chợ biên giới Việt Nam - Lào.

Để liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào trong thời gian tới, lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng, các tỉnh thuộc khu vực biên giới Việt Nam-Lào cần kết hợp phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế các địa phương biên giới; tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế cửa khẩu tới các điểm du lịch có tiềm năng...

Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, hải quan; tăng cường hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; tập trung hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước, đặc biệt hạ tầng giao thông giữa các tỉnh có chung đường biên giới, các huyện, địa phương trực tiếp; tăng cường phối hợp xúc tiến đầu tư, quảng bá chung 2 nước Việt Nam-Lào.

Tổng cục Du lịch khuyến khích và đồng hành cùng các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thúc đẩy triển khai các chương trình Fam trip, Press trip cho các hãng lữ hành gửi khách, các nhà báo, nhà văn viết về du lịch đến khảo sát, tham quan các điểm đến du lịch biên giới của Việt Nam và Lào, tập trung vào các tiềm năng du lịch nổi trội tại các khu vực vùng biên giữa hai nước.

Việt Nam và Lào có chung đường biên giới đất liền dài hơn 2.300km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành phố của mỗi bên, là khu vực có tiềm năng phát triển, có vị trí chiến lược trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Phía Việt Nam gồm các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum. Phía Lào gồm các tỉnh: Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Át Ta Pư, Sê Kông, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Xa Va Na Khẹt, Sa La Văn, Phong Sa Lỳ.

Nguyễn My