Ghi nhận từ báo cáo mới nhất của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, lợi nhuận của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG - sàn: HoSE) sẽ hồi phục từ nửa cuối năm nay.
Cụ thể, kinh tế suy yếu khiến giá nguyên vật liệu đầu vào như quặng sắt, than cốc đã giảm liên tục từ tháng 4/2022. Cụ thể, giá than cốc giảm từ đỉnh tháng 3/2022 là 635 USD/tấn về mức 288 USD/tấn trong tháng 4/2023. Giá quặng sắt đã có lúc về chỉ còn 90 USD/tấn trong tháng 4/2023, so với mức 140 USD/tấn cùng kỳ năm 2022, qua đó trực tiếp giảm áp lực về chi phí đầu vào cho Tập đoàn Hoà Phát.
Trong quý 1/2023, Tập đoàn Hoà Phát ghi nhận doanh thu đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận ròng đã dương trở lại, đạt 383 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm 2022. Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá lợi nhuận ròng đã dương trở lại đồng nghĩa với việc rủi ro trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Tập đoàn Hoà Phát đã chấm dứt, hỗ trợ cho nền lợi nhuận các quý còn lại của năm nay.
Trong quý 1/2023, lượng hàng tồn kho của Tập đoàn Hoà Phát đã giảm về mức 19% tổng tài sản, so với mức 20% tổng tài sản hồi quý 4/2022 và trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã giảm 946 tỷ đồng. Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định giá vốn hàng tồn kho của Tập đoàn Hoà Phát đã được hạ tối thiểu 30 USD/tấn, tương đương 4% giá vốn tại quý 1/2023.
Đồng thời, Tập đoàn Hoà Phát có khả năng sẽ tiếp tục hoàn nhập 288 tỷ dự phòng giảm giá hàng tồn kho còn lại trong quý 2/2023 khi giá nguyên vật liệu đầu vào trong tháng 4 và 5/2023 có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ.
Theo dữ liệu của Fiinpro, sản lượng tồn kho còn lại của Tập đoàn Hoà Phát tại cuối tháng 3/2023 ở mức 1,13 triệu tấn, giảm 23% so với đỉnh tháng 9/2022, tương đương với gần 2 tháng sản lượng bán hàng của nhà sản xuất thép này theo dự phóng của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam. Do đó, sau khi bán hết hết lượng hàng tồn kho này, cộng với yếu tố thị trường dần phục hồi, của Tập đoàn Hoà Phát có thể mở lại tối thiểu 2 lò cao trong nửa cuối năm 2023.
Được biết, từ cuối tháng 12/2022, Tập đoàn Hoà Phát đã bắt đầu khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm; lò cao này mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi thép.
Trước đó, Tập đoàn Hoà Phát đã thông báo về việc dừng hoạt động 4 lò cao trong tổng số 7 lò cao (4 lò cao ở Dung Quất và 3 lò cao ở Hải Dương) kể từ tháng 11/2022. Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì. Động thái này được Tập đoàn Hoà Phát nhận định là “mang tính sống còn của doanh nghiệp” trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.
Theo Tập đoàn Hoà Phát, chi phí để khởi động lại lò cao sau khi tạm dừng hoạt động là khoảng 30 – 40 tỷ đồng/lò. Tuy vậy, doanh nghiệp đã không đóng hoàn toàn các lò cao này mà duy trì ở mức nhiệt độ thấp nhất có thể, nhờ vậy quá trình khởi động lại các lò cao sẽ được rút ngắn.
Bên cạnh việc chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm, chi phí vận tải giảm cũng sẽ giúp Tập đoàn Hoà Phát cải thiện biên lợi nhuận. Cước tàu biển hàng rời BDI đã giảm 70% so với mức đỉnh. Do đó, lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) trong năm 2023 sẽ tăng thêm 0,6%, theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam.
Đồng thời, nhờ khả năng tài chính vững mạnh và lợi thế về quy mô, bất chấp việc suy giảm lợi nhuận trong năm 2022, thị phần ở mảng ống thép và thép xây dựng của Tập đoàn Hoà Phát được nhận định vẫn tăng lên, lần lượt đạt 34,8% và 28,5% trong năm 2022 (so với mức 32,6% và 24,7% trong năm 2021).