Theo báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may trong quý 2/2023 được nhận định tiếp tục là một quý khó khăn khi các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do sức mua từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh.
Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết mức tồn kho tại các nhà bán lẻ lớn trên thị trường quốc tế như Nike và Adidas đã tăng lên kể từ nửa cuối năm 2022, cùng với việc tiêu thụ chậm dẫn đến đơn đặt hàng giảm. Lượng tồn kho cao này khó có thể giải quyết được trong quý 2/2023, do vậy việc phục hồi đơn hàng khó xảy ra.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là một trở ngại đối với nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi phải cạnh tranh với các nhà xuất khẩu hàng may mặc của nước này trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu ở mức yếu. Tuy nhiên, đây lại là một tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp ngành sợi vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bông từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá bông trong tháng 3 vừa qua của Mỹ có xu hướng giảm. Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA) nhận định giá bông nhập khẩu trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục giảm, qua đó giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sợi trong quý 2/2023.
Theo dữ liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm 2023 đến trung tuần tháng 5, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 10,89 tỷ USD và xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại đạt 1,45 tỷ USD, lần lượt giảm 17,3% và giảm 31,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang tất cả các thị trường trọng điểm của Việt Nam đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ giảm 30%, thị trường EU (27 nước) giảm 10,6% và sang Hàn Quốc giảm 1,5%. Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản lại ghi nhận tăng trưởng 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Chứng khoán KIS Việt Nam, tổng tăng trưởng doanh thu trong quý 1/2023 của 22 công ty may mặc niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 13.947 tỷ đồng, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2,9% so với quý 4/2022. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp này cũng giảm đáng kể, chỉ còn đạt 248,5 tỷ đồng, giảm 71,4% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 41,6% so với quý 4/2022.
Tương tự, doanh thu và lợi nhuận ròng trong quý 1/2023 của 5 công ty sợi niêm yết cũng lần lượt giảm 35,3% và 58,7% so với cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm này là do đơn hàng giảm từ các thị trường xuất khẩu chính, do nhu cầu hàng may mặc giảm và lượng hàng tồn kho cao tại các nhà bán lẻ lớn.
Bóc tách doanh thu của từng công ty dệt may cụ thể, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) có mức đóng góp tích cực nhất vào kết quả kinh doanh chung toàn ngành trong quý 1/2023. Trong đó, doanh thu thuần hợp nhất quý 1/2023 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt 4.209 tỷ đồng, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ảm đạm như Công ty Cổ phần May Sông Hồng (MSH), Công ty Cổ phần Dệt May Thành Công (TCM) và Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) với mức sụt giảm doanh thu từ 20% - 88% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ có Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) vẫn duy trì tăng trưởng doanh thu dương.