Xuất khẩu dệt may: Hàng tồn tại một số thị trường lớn vẫn còn ở mức cao

Ngày 17/2 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Hội thảo chuyên đề tháng 2/2023 trao đổi thông tin về tình hình kinh tế toàn cầu, thị trường dệt may thế giới, những tác động với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may khi Trung Quốc mở cửa…

hoi thao det may

 

Tại sự kiện ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng HĐQT Vinatex đã những thông tin cập nhật về thị trường dệt may thế giới; chia sẻ tình hình kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn như: Mỹ, EU, Trung Quốc.

Theo đó tại Mỹ, lạm phát bắt đầu hạ nhiệt, doanh số bán lẻ của Mỹ tháng 1/2023 đã tăng 6,4% so với cùng kỳ, nhóm cửa hàng bách hóa tăng 17,5% nhưng mặt hàng quần áo chỉ có sự tăng trưởng 2,5%, điều này cho thấy tồn kho mặt hàng dệt may tại thị trường này còn lớn. Với EU, mặc dù chính sách tiền tệ thắt chặt bắt đầu có tác dụng, nhưng với việc lạm phát hạ nhiệt nhanh có thể có rủi ro về cầu đang suy yếu và giá sẽ giảm.

Cũng theo Vinatex, hiện chính sách tiền tệ tại các quốc gia lớn tiếp tục thắt chặt, mặc dù lãi suất đã có sự tăng chậm lại, nhưng dự báo vẫn ở mức cao, trong quý I/2023, khả năng Fed sẽ có thể điều chỉnh tăng lãi suất... cùng một số yếu tố như giá dầu năm 2023 vẫn còn nhiều dự báo trái chiều, xung đột Nga – Ukraina chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa… sẽ tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may.

Tại Việt Nam, Kim ngạch xuất khẩu Dệt May tháng 1/2023 giảm 38,5% so với cùng kỳ, đạt 2,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sợi đạt 225 triệu USD, giảm 52% cùng kỳ 2021, xuất khẩu hàng may mặc đạt 2,39 tỷ USD, giảm 36% cùng kỳ.

Một số thị trường xuất khẩu chủ lực cũng đều có xu hướng giảm trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh lên đến 46% so với cùng kỳ, đạt 1,02 tỷ USD; Thị trường EU lần đầu chứng kiến sự sụt giảm mạnh 25% cùng kỳ 2021; thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm 54% so với cùng kì…

Nhiều thách thức đến từ việc Trung Quốc hủy bỏ chính sách "Zero-COVID"

Trình bày tại Hội thảo về nội dung trật tự thế giới mới, TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết khi Trung Quốc chuyển trạng thái mô hình phát triển kinh tế, chính sách ngoại giao và chính sách “zero Covid”, tạo áp lực đối với các quốc gia đang phát triển cũng như với quốc gia phát triển còn phụ thuộc nguyên liệu vào nước này tuy nhiên nhiều quốc gia đang phát triển có thể hưởng lợi khi chuỗi cung ứng dịch chuyển.

Tuy nhiên theo TS. Nguyễn Đức Kiên với việc mở cửa của thị trường này hiện nay, hàng triệu lao động trong các ngành nghề bắt đầu quay trở lại và tham gia chuỗi cung ứng, giá các đơn hàng có xu hướng xấu đi do Trung Quốc có lợi thế rất lớn về nguồn lao động và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, nhất là khi dệt may Trung Quốc đang đứng đầu thế giới.

Theo Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam cần tận dụng khi Trung Quốc mở cửa khu vực phía Tây đầy tiềm năng với các tiêu chuẩn ít “gắt gao” hơn so với khu vực duyên hải phía Đông. Đồng thời, quan tâm việc Trung Quốc cho phép Việt Nam kết nối vào hệ thống đường sắt với Trung Quốc để hòa chung mạng lưới đường sắt xuyên Á sang khu vực Châu Âu, đây sẽ là lợi thế rất lớn trong vận tải và logistic so với vận chuyển hàng hải, tuy nhiên điều quan trọng nhất hiện nay là đầu tư hệ thống đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435m để có hạ tầng đồng đồng bộ với nước bạn.

hình ảnh về sản xuất hàng xuất khẩu dệt may
Vinatex đề nghị các đơn vị trong hệ thống tiếp tục duy trì, kiểm soát dòng tiền, vốn lưu động trong 6 tháng đầu năm... tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong 4 tháng đầu năm, đảm bảo việc làm là mục tiêu ưu tiên…

Tại Hội nghị ông Lê Tiến Trường Chủ tịch HĐQT Vinatex đưa ra nhận định, thị trường thế giới chưa có tín hiệu rõ ràng của phục hồi; Khả năng quay lại của lạm phát vẫn cao.

Bên cạnh đó là nhiều thách thức đến từ: Trung Quốc quay trở sản xuất làm nguồn cung tăng đột biến trong khi cầu chưa phục hồi, gây áp lực lớn lên giá sản xuất hàng hóa; Ấn Độ quyết tâm phục hồi bằng nhiều chính sách hỗ trợ dệt may sau 1 năm thất bát; Bangladesh trên đà khẳng định lợi thế cạnh tranh trong ngành May khi là quốc gia duy nhất tiếp tục tăng trưởng trong quý 4/2022 vừa qua.

Trên thị trường nguyên liệu của Ngành thì Bông đang giằng co trong xu thế cầu yếu, giá thấp và khả năng Trung Quốc cần nhập lại bông làm cầu mua bông tăng dẫn đến giá có điều chỉnh. Ngoài ra Xơ, phụ thuộc nhiều vào giá dầu, mà hiện nay kịch bản giá dầu được nhiều tổ chức dự báo rất khác nhau từ 80 – 100 USD. Sợi, nhu cầu sẽ tăng, nhưng giá chỉ cải thiện sau khoảng 3 tháng tới khi cơ bản hết tồn kho.

Theo đó Chủ tịch HĐQT Vinatex đề nghị các đơn vị trong hệ thống tiếp tục duy trì, kiểm soát dòng tiền, vốn lưu động trong 6 tháng đầu năm, tiết kiệm nguồn lực để giảm khoản vay ngân hàng; Chấp nhận tổ chức sản xuất linh hoạt, đủ bù chi phí trong 4 tháng đầu năm, đảm bảo việc làm là mục tiêu ưu tiên, cũng như kiểm soát những khoản chi phí không cấp bách…

PV