Vinatex: Năm 2022, lợi nhuận hợp nhất vượt 14,6% kế hoạch

Thông tin về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2022 tại buổi gặp mặt báo chí ngày 22/12/2022, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện tại 100 các doanh nghiệp trong hệ thống đều đảm bảo tháng lương thứ 13 cho người lao động.

Năm 2022 Vinatex cho biết một số doanh nghiệp trong hệ thống như: Tổng Công ty như CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt May Huế, Tổng Công ty Phong Phú, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội… đều giành ít nhất 0,5 – 2 tháng lương cho NLĐ ngoài tháng lương thứ 13.

Về công tác chăm lo cho người lao động tại sự kiện Vinatex và Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn Vinatex) cho biết triển khai chương trình “Tết sum vầy, Ngày hội Công nhân – Phiên chợ nghĩa tình Xuân Quý Mão 2023”, từ ngày 10/12/2022 -10/1/2023 có kế hoạch tổ chức 6 hội chợ tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tại đây sẽ tổ chức các gian hàng với giá ưu đãi (như gian hàng đồng giá, gian hàng 0 đồng và gian hàng giảm giá lên đến 40%...) bán các mặt hàng nhu yếu phẩm tết cho người lao động thuộc các doanh nghiệp trực thuộc.

hình ảnh về hoạt động chăm lo người lao động năm 2022 của Vinatex
Vinatex đã tổ chức Chương trình “Tết sum vầy, Ngày hội Công nhân – Phiên chợ nghĩa tình Xuân Quý Mão 2023” tại khu vực Đà Nẵng.

Hoạt động này nhằm giúp người lao động tiết kiệm từ 30-40% chi phí cho người lao động so với thị trường . Ngoài ra cùng hoạt động này, Công đoàn Vinatex cho biết dự kiến trong dịp này sé trao từ 5.000 – 7.000 nghìn phần quà Tết cho các đối tượng là người lao động khó khăn, gia đình chính sách…

Thông tin về kết quả năm 2022 Vinatex cho biết dù trong bối cảnh muôn vàn khó khăn của năm 2022 (đặc biệt là thời điểm những tháng đầu quý 4 thị trường sợi hầu như không có thanh khoản, đơn hàng giảm mạnh, nhiều đơn vị liên tiếp báo lỗ…). Kết quả SXKD năm 2022 Vinatex vẫn ước đạt mức doanh thu hợp nhất là 19.535 tỷ đồng tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng vượt 14,6% kế hoạch.

Tại sự kiện, Vinatex cho biết tính trung bình trên hệ thống của Tập đoàn thu nhập bình quân của NLĐ năm 2022 ước đạt 9,69 triệu/người/tháng, tăng 15% so với năm 2021.

Lý giải cho các kết quả năm 2022 Vinatex cho biết là Dệt May Việt Nam chủ yếu xuất khẩu, bị ảnh hưởng bởi tổng cầu thế giới, diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu, lãi suất tại các quốc gia, biến động tỷ giá của đồng Việt Nam so với các ngoại tệ…

Tuy nhiên ngoài những lợi thế đến từ liên kết chuỗi và hệ thống của Vinatex, với đặc điểm làm được nhiều đơn hàng khó, đa dạng dòng hàng, dòng nhỏ linh hoạt (phù hợp trong bối cảnh tiêu dùng yếu và thay đổi liên tục) thời gian giao hàng đảm bảo, năng suất lao động của tốt… giúp các doanh Dệt May Việt Nam bù đắp cho những bất lợi về giá nên vẫn giữ được đơn hàng, đặc biệt là những đơn hàng số lượng nhỏ đòi hỏi độ khó cao.

Bên cạnh đó là do sự linh hoạt nhạy bén trong công tác dự báo và điều hành của HĐQT, Cơ quan điều hành Tập đoàn cùng sự đóng góp nỗ lực của các doanh nghiệp và toàn thể đội ngũ CBCNV NLĐ trong toàn hệ thống.

Trước bối cảnh tình hình kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo không mấy tích cực. Cụ thể theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng toàn cầu năm sau chỉ là 2,7% giảm 0,2% so với hồi tháng 7/2022 đồng thời tổ chức này cũng đưa ra dự báo “thế giới có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng…” với chỉ số lạm phát ở mức 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024…Cùng bối cảnh này thị trường Dệt May toàn cầu, theo tất cả các kịch bản đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua.

Chủ động đối diện với những thách thức, Vinatex cho biết đã có những nhận định và xác định rõ những khó khăn trước mắt đồng thời sẵn sàng những giải pháp ứng phó với điều kiện sản xuất kinh doanh không tích cực. Tập đoàn nhấn mạnh sẽ đảm bảo việc làm thu nhập và tổ chức các hoạt động chăm lo người lao động trong dịp tết Nguyên đán.

Cụ thể Vinatex cho biết dù trong bối cảnh khó khăn hiện nay của toàn Ngành, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng nhưng các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex chưa phải thực hiện giảm lao động trực tiếp bằng việc hoãn hay cắt giảm hợp đồng lao động.

Tuy nhiên để để ứng phó với khó khăn, các doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, làm thêm giờ theo đó giảm khoảng 20% giờ làm so với bình quân những tháng cao điểm của những năm trước. Vinatex cũng cho biết vẫn lo đủ đơn hàng sản xuất để người lao động có việc làm từ 40 – 48 giờ/ tuần. Các đơn vị thành viên của Vinatex vẫn cố gắng duy trì chế độ lương, thưởng cho NLĐ trong Tết Nguyên đán 2023 nhằm duy trì ổn định nguồn lao động.

Chia sẻ với báo chí tại sự kiện ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam đồng thời cho biết Vinatex đã, đang và sẽ tiếp tục kiên định thực hiện 5 mục tiêu xuyên suốt, cốt lõi. Cụ thể là: Kiên định tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giảm độ bấp bênh, sụt giảm trước những biến động của thị trường toàn cầu (bởi trong chuỗi sẽ luôn thấp hơn ngoài chuỗi); Kiên định xây dựng chuỗi cung ứng hoàn chỉnh để Vinatex trở thành điểm đến cung cấp từ sợi đến sản phẩm may mặc cuối cùng cho các đối tác (đây đồng thời sẽ là bước tiến quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu);

Ngoài ra Vinatex sẽ kiên định thực hiện các cam kết về trách nhiệm xã hội, sản xuất xanh(Vinatex xác định đây là những yếu tố phi tài chính để lựa chọn những đối tác bền vững hơn); Kiên định về chuyển đổi số và tự động hóa (vì đây là xu thế của các thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu); đồng thời kiên định trong phát triển nguồn nhân lực và con người để đáp ứng các yêu cầu về sản xuất xanh, kinh tế số…

Trong bối cảnh khó khăn, xuất khẩu Dệt May Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 vẫn đạt trên 41 tỷ USD tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu năm nay của Ngành ước đạt 44 – 45 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Phan Vi